Đức Thánh Cha gửi thư cho các chủng sinh
VATICAN. Trong thư gửi các chủng sinh trong toàn Giáo Hội được công bố 18-10-2010, ĐTC Biển Đức 16 tái khẳng định sự cần thiết của các LM, đồng thời ngài làm nổi bật một số yếu tố quan trọng các chủng sinh cần vun trồng trong đời sống tại chủng viện.
ĐTC gửi thư này cho các chủng sinh nhân dịp kết thúc Năm Linh Mục. Yếu tố đầu tiên ngài nhấn mạnh là: “Ai muốn trở thành linh mục, trước tiên phải là người của Thiên Chúa”, cần phải nuôi dưỡng quan hệ thân tình với Thiên Chúa bằng đời sống cầu nguyện, sống Thánh Thể, và siêng năng lãnh nhận bí tích Thống Hối, nhạy cảm đối với lòng đạo đức bình dân, vun trồng đời sống trí thức sâu rộng.
ĐTC tái lên án những vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ em và ngài nhận định rằng “vì những vụ lạm dụng ấy, có thể nảy sinh câu hỏi nơi nhiều người”có nên làm linh mục hay không; con đường độc thân có phải là điều hợp lý đối với đời sống con người hay không. Nhưng sự lạm dụng đáng lên án sâu xa như thế không thể hạ giá sứ mạng của linh mục. Sứ mạng này vẫn tiếp tục là cao cả và tinh tuyền”.
Sau cùng ĐTC đề cao đời sống tại chủng viện như một thời kỳ để học hỏi với tha nhân và học hỏi từ người khác. Ngài viết: “Trong cuộc sống chung đôi khi khó khăn, các bạn phải học quảng đại và bao dung không những trong việc chịu đựng lẫn nhau, nhưng cả trong việc làm cho nhau được thêm phong phú, làm sao để mỗi người có thể đóng góp năng khiếu riêng của mình cho mọi người, trong khi tất cả mọi người phục vụ cùng một Giáo Hội, cùng một Chúa”. Dưới đây là bản dịch nguyên văn lá thư của Đức Thánh Cha:
Các chủng sinh thân mến,
Hồi tháng 12 năm 1944, khi tôi được gọi đi thi hành nghĩa vụ quân sự, vị đại đội trưởng hỏi mỗi người chúng tôi xem đâu là nghề mà chúng tôi muốn làm trong tương lai. Tôi trả lời là muốn trở thành linh mục Công Giáo. Viên thiếu úy đáp: “Vậy thì anh phải chọn cái gì khác đi. Trong “Nước Đức mới” này không cần linh mục nữa. Tôi biết rằng cái Nước Đức mới ấy đã bắt đầu cáo chung, và sau những tàn phá kinh khủng do sự điên rồ gây ra trên đất nước này, người ta sẽ cần các linh mục hơn bao giờ hết. Ngày nay tình thế khác hẳn. Nhưng qua những cách thế khác nhau, nhiều người ngày nay cũng nghĩ rằng linh mục Công Giáo là một “nghề” không có tương lai, và đúng hơn linh mục thuộc về quá khứ. Các bạn thân mến, các bạn đã quyết định gia nhập chủng viện, và tại đó các bạn tiến về sứ vụ linh mục trong Giáo Hội Công Giáo, bất chấp những vấn nạn và ý kiến vừa nói. Các bạn có lý mà làm như vậy. Vì con người sẽ luôn cần Thiên Chúa, cả trong thời đại kỹ thuật thống trị thế giới và hoàn cầu hóa: người ta vẫn cần vị Thiên Chúa tự biểu lộ trong Đức Giêsu Kitô và là Đấng đã tụ họp chúng ta trong Giáo Hội hoàn vũ, để học với Người và nhờ Người về cuộc sống chân thực và để giữ cho các tiêu chuẩn của nhân loại đích thực được hiện diện và hữu hiệu. Nơi nào con người không nhận thấy Thiên Chúa nữa, thì cuộc sống trở nên trống rỗng; tất cả trở nên thiếu thốn. Rồi con người tìm nơi nương náu trong sự mê mẩn hoặc trong bạo lực, là những điều ngày càng đe dọa tuổi trẻ. Thiên Chúa hằng sống. Ngài đã kiến tạo mỗi người chúng ta và vì thế Ngài biết tất cả mọi người. Ngài cao cả đến độ có thời giờ cho những chuyện nhỏ bé của chúng ta: “Tóc trên đầu các con đã được đếm hết”. Thiên Chúa sống động, và Ngài cần những người sống cho Ngài và đưa Ngài đến với tha nhân. Đúng vậy, trở thành linh mục thật là điều có ý nghĩa: thế giới đang cần linh mục, cần các vị mục tử, ngày nay, ngày mai và mãi mãi, cho đến khi nào thế giới còn hiện hữu.
Chủng viện là cộng đoàn tiến về sứ vụ linh mục. Qua câu này tôi đã nói một điều rất quan trọng: đó là ta không một mình trở thành linh mục. Cần có “cộng đoàn các môn đệ”, toàn thể những người muốn phục vụ Giáo Hội. Qua lá thư này, - nhìn lại thời gian tôi ở chủng viện,- tôi muốn làm nổi bật vài yếu tố quan trọng cho những năm các bạn đang sống tại chủng viện.
1. Ai muốn trở thành linh mục, trước tiên phải là “người của Thiên Chúa”, như thánh Phaolô đã nói (1 Tm 6,11). Đối với chúng ta, Thiên Chúa không phải là một giả thuyết xa vời, không phải là một người vô danh rút lui sau “big bang” vụ nổ đầu tiên. Thiên Chúa đã tỏ mình ra trong Đức Giêsu Kitô. Trong khuôn mặt Đức Giêsu Kitô, chúng ta thấy tôn nhan Thiên Chúa. Qua những lời của Người, chúng ta nghe thấy chính Thiên Chúa nói với chúng ta. Vì thế, điều quan trọng nhất trong hành trình tiến về chức linh mục và trong trọn cuộc đời linh mục là quan hệ bản thân với Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô. Linh mục không phải là nhà quản trị một hội đoàn nào đó, tìm cách duy trì hoặc gia tăng con số các hội viên. Linh mục là sứ giả của Thiên Chúa giữa loài người. Linh mục muốn dẫn đưa con người về cùng Ngài và qua đó làm gia tăng cả tình hiệp thông giữa con người với nhau. Vì thế, các bạn thân mến, điều rất quan trọng là các bạn học cách sống trong sự tiếp xúc liên lỷ với Thiên Chúa. Khi Chúa nói: “Các con hãy cầu nguyện trong mọi lúc”, Ngài không yêu cầu chúng ta phải đọc kinh liên tục, nhưng có nghĩa là đừng bao giờ đánh mất sự tiếp xúc nội tâm với Thiên Chúa. Tập luyện tiếp xúc như thế chính là ý nghĩa việc cầu nguyện của chúng ta. Bởi vậy, điều quan trọng là mỗi ngày được bắt đầu và kết thúc bằng việc cầu nguyện. Chúng ta hãy lắng nghe Thiên Chúa qua việc đọc Kinh Thánh. Chúng ta hãy nói với Chúa về những mong ước và hy vọng, những vui mừng và đau khổ, những lầm lẫn của chúng ta và cám ơn Ngài vì mọi điều tốt đẹp, và qua đó chúng ta luôn có Chúa trước mắt như điểm tham chiếu cho đời sống chúng ta. Như thế chúng ta trở nên nhạy cảm đối với những lỗi lầm của mình và học cách cải thiện bản thân; chúng ta cũng trở nên nhạy cảm đối với tất cả những gì là tốt đẹp mà chúng ta lãnh nhận hằng ngày như một điều hiển nhiên, và nhờ đó lòng biết ơn của chúng ta được tăng trưởng. Cùng với lòng biết ơn, niềm vui cũng gia tăng vì Thiên Chúa ở gần chúng ta và chúng ta có thể phụng sự Ngài.
2. Thiên Chúa không phải chỉ là một lời nói cho chúng ta. Trong các Bí Tích, Ngài đích thân hiến mình cho chúng ta, qua cả những sự vật thể chất. Trung tâm quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa và biến đời sống chúng ta trở nên đồng hình dạng với Chúa chính là Thánh Thể. Cử hành Thánh Lễ với sự tham dự nội tâm và qua đó gặp gỡ chính Chúa Kitô, phải là trung tâm toàn thể ngày sống của chúng ta. Thánh Cipriano đã giải thích lời cầu xin trong Tin Mừng: “Xin cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”, và Người nói rằng: lương thực của chúng ta, bánh mà chúng ta có thể lãnh nhận trong tư cách là Kitô hữu trong Giáo Hội, chính là Chúa Giêsu Thánh Thể. Trong lời cầu của kinh Lạy Cha, chúng ta xin Chúa ban cho chúng ta lương thực hằng ngày ấy của “chúng ta”; xin cho bánh ấy luôn là lương thực cho cuộc sống chúng ta. Xin Chúa Kitô phục sinh, Đấng hiến mình cho chúng ta trong Thánh Thể, uốn nắn toàn thể cuộc sống chúng ta trong tình yêu rạng ngời của Chúa. Để cử hành Thánh Lễ đúng đắn cũng cần phải học biết Thánh Lễ, hiểu và yêu mến phụng vụ của Giáo Hội trong hình thức cụ thể. Trong phụng vụ chúng ta cầu nguyện với các tín hữu qua mọi thời đại - quá khứ, hiện tại và tương lai - hợp nhau trong một đại kinh nguyện chung duy nhất. Như tôi có thể quyết do kinh nghiệm bản thân, thật là một điều phấn khởi khi học hiểu từ từ tất cả những điều ấy tăng trưởng thế nào, biết bao nhiêu kinh nghiệm đức tin chứa đựng trong cơ cấu phụng vụ Thánh lễ, bao nhiêu thế hệ đã hình thành phụng vụ ấy khi cầu nguyện!
3. Cả bí tích Thống Hối cũng quan trọng. Bí tích này dạy tôi nhìn bản thân từ nhãn giới của Thiên Chúa và bó buộc tôi phải lương thiện đối với chính mình. Nó làm cho tôi khiêm tốn. Thánh Cha Sở họ Ars có lần đã nói: Anh chị em nghĩ rằng lãnh nhận ơn xá giải bây giờ là điều vô nghĩa, vì ngày mai anh chị em sẽ phạm cùng những tội như vậy. Nhưng - thánh nhân nói - trong lúc này chính Thiên Chúa đã quên các tội của anh chị em ngày mai, để ban ơn thánh cho anh chị em hôm nay. Mặc dù chúng ta phải liên tục bài trừ những lỗi lầm như thế, điều quan trọng là đừng làm cho linh hồn trở nên xấu xa, chống lại sự dửng dưng cam chịu sự kiện như vậy. Điều quan trọng là tiếp tục hành trình, không bối rối, với ý thức biết ơn vì Thiên Chúa luôn sẵn sàng tái tha thứ cho tôi. Và cũng không được có thái độ dửng dưng, vì nó khiến cho ta không còn chiến đấu để nên thánh và cải thiện. Và khi để cho mình được tha thứ, tôi cũng học cách tha thứ cho tha nhân. Khi nhìn nhận tình trạng lầm than của mình, tôi cũng trở nên khoan dung và cảm thông hơn đối với những yếu đuối của tha nhân.
4. Các bạn hãy duy trì nơi mình sự nhạy cảm đối với lòng đạo đức bình dân, lòng đạo đức này khác nhau trong mọi nền văn hóa, nhưng dầu vậy xét cho cùng, chúng luôn luôn rất giống nhau vì con tim của con người vẫn như nhau. Dĩ nhiên, lòng đạo đức bình dân có xu hướng trở nên vô lý, có lẽ đôi khi nó chỉ có hình thức bề ngoài. Nhưng loại bỏ hoàn toàn lòng đạo đức bình dân là điều rất sai lầm. Qua lòng đạo đức ấy, đức tin đi vào tâm hồn con người, trở nên thành phần tâm tình, tập quán, cảm thức chung và lối sống của họ. Vì thế, lòng đạo đức bình dân là một gia sản lớn của Giáo Hội. Đức tin được trở nên cụ thể. Chắc chắn lòng đạo đức bình dân phải luôn được thanh tẩy, được qui hướng vào điều trọng yếu, nhưng nó đáng được chúng ta yêu mến, và lòng đạo đức ấy làm cho chúng ta trở thành “Dân Chúa” một cách rất thực tế.
5. Thời gian ở chủng viện cũng là và trên hết là thời gian học hành. Đức tin Kitô có một chiều kích lý trí và trí tuệ rất thiết yếu. Nếu không có chiều kích này, thì đức tin sẽ chẳng còn nguyên vẹn. Thánh Phaolô nói về “một hình thức giáo dục” mà chúng ta được ủy thác trong bí tích rửa tội (Rm 6,17). Tất cả các bạn đều biết lời Thánh Phêrô, được các nhà thần học thời Trung Cổ coi như là lời chứng minh một nền thần học hợp lý trí và được soạn thảo một cách khoa học: “Luôn luôn sẵn sàng trả lời cho những ai hỏi các anh chị em về lý do tại sao anh chị em hy vọng” (1 Pt 3,15). Học biết khả năng mang lại những câu trả lời như thế chính là một trong những mục đích chính của những năm ở chủng viện. Tôi chỉ có thể tha thiết xin các bạn: hãy học hành nghiêm túc! Hãy tận dụng những năm học hành! Các bạn sẽ không hối hận về điều này. Có lẽ nhiều khi các môn học có vẻ rất xa rời đời sống Kitô thực tế và việc mục vụ. Nhưng thật là hoàn toàn sai lầm khi luôn luôn đặt vấn đề thực dụng: điều này có giúp ích cho tôi sau này hay không? Điều này có lợi ích thực tế và thực dụng mục vụ hay không? Điều đúng đắn là không phải chỉ học những gì hiển nhiên là hữu ích, nhưng cần phải biết và hiểu cơ cấu nội tại của đức tin trong toàn thể, để đức tin trở thành câu trả lời cho những thắc mắc của con người, xét về bề ngoài con người thay đổi từ thế hệ này sang thế hệ khác, nhưng xét cho cùng họ vẫn không thay đổi. Vì thế, điều quan trọng là đi xa hơn những vấn nạn thay đổi nhất thời để hiểu những vấn đề thực sự là cơ bản và như thế cũng hiểu được những câu trả lời như câu giải đáp thực sự. Điều quan trọng là biết rõ toàn bộ Kinh Thánh, trong sự thống nhất của Cựu và Tân Ước: sự hình thành các văn bản, đặc tính văn thể của chúng, sự cấu thành từ từ cho đến khi họp thành sổ bộ các sách thánh, sự thống nhất năng động nội tại của các văn bản Kinh Thánh không ở trên mặt ngoài, và chỉ có sự thống nhất ấy mới mang lại cho tất cả và từng văn bản ý nghĩa trọn vẹn.
Điều quan trọng là biết các Giáo Phụ và các Đại Công đồng, trong đó Giáo Hội đã hấp thụ, suy tư và tin những lời xác quyết nòng cốt của Kinh thánh. Tôi có thể tiếp tục nói thêm rằng: điều mà chúng ta gọi là tín lý, đó là cách thức hiểu nội dung đức tin trong toàn bộ thống nhất, và cả trong sự đơn thuần của chúng: mỗi điều đơn độc, xét cho cùng, chỉ là sự triển khai niềm tin nơi Thiên Chúa duy nhất, Đấng đã và đang tự biểu lộ cho chúng ta. Tôi không cần nói minh thị về tầm quan trọng của việc biết rõ những vấn đề thiết yếu của thần học luân lý và đạo lý xã hội Công Giáo. Ngày nay thần học đại kết cũng rất quan trọng; hiển nhiên cần hiểu biết các cộng đoàn Kitô khác; cũng vậy cần phải có một định hướng căn bản về những tôn giáo lớn, và không quên triết học: hiểu biết sự tìm kiếm của con người và những vấn đề được đặt ra, mà đức tin có thể mang lại một câu trả lời cho những vấn đề ấy. Nhưng các bạn cũng hãy học hiểu và - tôi dám nói là - yêu mến giáo luật trong sự cần thiết nội tại của nó và trong những hình thức áp dụng thực tế: một xã hội không có luật sẽ là một xã hội thiếu các quyền. Luật là một điều kiện của tình yêu. Ở đây tôi không luốn tiếp tục liệt kê, nhưng chỉ muốn nhắc lại rằng: các bạn hãy yêu mến việc học thần học và theo đuổi việc học với một sự nhạy cảm chú ý, để đặt thần học ăn rễ sâu trong cộng đồng sinh động của Giáo Hội. Với uy tín của mình, Giáo Hội không phải là một trục chống lại khoa thần học, nhưng là điều mà thần học giả thiết phải có. Nếu không có Giáo Hội tin tưởng, thì thần học không còn là chính mình nữa và trở thành một mớ các khoa khác nhau mà không có sự thống nhất nội tại.
6. Những năm ở chủng viện cũng phải là một thời kỳ trưởng thành về nhân bản. Để là linh mục, là người phải tháp tùng tha nhân trong suốt hành trình cuộc sống và cho đến cánh cửa sự chết, điều quan trọng là linh mục phải đặt trong vị thế quân bình con tim và trí tuệ, lý trí và tình cảm, thân xác và linh hồn, và linh mục phải “toàn vẹn” là con người. Chính vì thế truyền thống Kitô vẫn luôn liên kết các “nhân đức đối thần” với “các nhân đức trụ” xuất phát từ kinh nghiệm con người và từ triết học, và nói chung là truyền thống luân lý đạo đức lành mạnh của nhân loại. Thánh Phaolô đã nói rất rõ về điều đó với các tín hữu thành Philiphê : “Sau cùng, hỡi anh em, tất cả những gì là chân thật, cao thượng, công chính, tinh tuyền, dễ thương, đáng tôn trọng, tất cả những gì là tốt trong nhân đức và lời khen ngợi của con người, đó là điều phải làm cho anh em quan tâm” (4,8). Sự hội nhập phái tính trong toàn bộ nhân cách cũng thuộc vào bối cảnh này. Tính dục là một món quà của Đấng Tạo Hóa, nhưng cũng là một trách vụ có liên hệ tới sự phát triển con người. Khi tính dục không được hội nhập vào con người, nó sẽ trở thành một cái gì tầm thường và đồng thời phá hoại. Chúng ta thấy điều đó trong xã hội chúng ta qua nhiều ví dụ. Gần đây chúng ta phải rất đau lòng mà nhận thấy rằng có những linh mục đã làm biến thái sứ vụ của mình vì lạm dụng tính dục trẻ em và người trẻ. Thay vì dẫn đưa những người trẻ ấy đến sự trưởng thành nhân bản, và trở nên mẫu gương cho họ, thì các linh mục đó, qua sự lạm dụng, đã tạo ra sự phá hủy mà chúng ta cảm thấy rất đau đớn và rất lấy làm tiếc. Vì tất cả những điều ấy, có thể nhiều người, và có thể là cả các bạn nữa cũng muốn biết xem có nên trở thành linh mục hay không và con đường độc thân có hợp lý như cuộc sống của con người hay không. Tuy nhiên sự lạm dụng, là điều phải bị tuyệt đối lên án, không thể làm mất uy tín sứ vụ của linh mục, sứ vụ này vẫn cao cả và tinh tuyền. Tạ ơn Chúa, tất cả chúng ta đều biết những linh mục có sức thuyết phục, đầy đức tin, các vị làm chứng rằng trong bậc sống ấy và nhất là trong đời sống độc thân, người ta có thể đạt tới một sự nhân bản chân thực, tinh tuyền và trưởng thành. Nhưng những gì đã xảy ra phải làm cho chúng ta cảnh giác và chú ý hơn, nhất là để tự xét kỹ lưỡng bản thân mình trước mặt Chúa, trên con đường linh mục, để hiểu xem đó có phải là ý Chúa muốn cho tôi hay không. Các cha giải tội và các Bề trên của các bạn có trách vụ tháp tùng và giúp đỡ các bạn trong hành trình phân định này. Thực hành các nhân đức nhân bản cơ bản là một yếu tố thiết yếu trong con đường của các bạn, luôn hướng nhìn về Thiên Chúa, Đấng tự biểu lộ trong Chúa Kitô, và hãy luôn để cho Chúa tái thanh tẩy.
7. Ngày nay, sự khởi đầu ơn gọi thường khác nhau hơn so với quá khứ. Quyết định trở thành linh mục ngày nay thường nảy sinh từ một kinh nghiệm nghề nghiệp đã làm ở ngoài đời. Quyết định ấy thường chín mùi trong cộng đoàn, đặc biệt trong các phong trào, vốn tạo điều kiện cho một cuộc gặp gỡ cộng đồng với Chúa Kitô và Giáo Hội của Ngài, một kinh nghiệm tinh thần và một niềm vui trong việc phục vụ đức tin. Quyết định cũng chín mùi trong những cuộc gặp gỡ hoàn toàn bản thân với sự cao cả và lầm than của con người. Như thế, các ứng sinh linh mục thường sống trên các đại lục rất khác nhau về tinh thần. Có thể khó nhận ra những yếu tố chung của những người sẽ được sai đi và hành trình tinh thần của họ. Chính vì điều ấy mà chủng viện thật là quan trọng như một cộng đồng lữ hành vượt lên trên những hình thức linh đạo khác nhau. Các phong trào cũng là một điều tuyệt vời. Các bạn biết tôi đánh giá rất cao các phong trào và quý mến họ như một hồng ân của Chúa Thánh Linh ban cho Giáo Hội. Nhưng họ phải được đánh giá theo cách thức họ đều cởi mở đối với thực tại Công Giáo chung, với đời sống của Giáo Hội duy nhất và chung của Chúa Kitô, tuy có nhiều khác biệt nhưng vẫn là một. Chủng viện là thời kỳ các bạn học hỏi với người khác, và học hỏi lẫn nhau. Trong đời sống chung, nhiều khi có thể khó khăn, nhưng các bạn phải học thái độ quảng đại và bao dung không những bằng cách chịu đựng lẫn nhau, nhưng còn làm cho nhau được thêm phong phú, đến độ mỗi người có thể đóng góp năng khiếu riêng của mình cho tập thể, trong khi tất cả đều phục vụ cùng một Giáo Hội, cùng một Chúa. Nhất là trường học dạy bao dung, chấp nhận và cảm thông lẫn nhau trong thân mình duy nhất của Chúa Kitô, thuộc vào số những yếu tố quan trọng trong những năm của các bạn ở chủng viện.
Các chủng sinh thân mến! Qua những dòng này tôi đã muốn tỏ cho các bạn thấy tôi đã nghĩ nhiều đến các bạn trong thời kỳ khó khăn này và gần gũi các bạn dường nào trong kinh nguyện. Các bạn cũng hãy cầu nguyện để tôi có thể chu toàn sứ vụ của tôi, bao lâu Chúa muốn. Tôi phó thác hành trình của các bạn chuẩn bị tiến lên chức linh mục cho sự bảo vệ của Đức Trinh Nữ Maria, nhà của Mẹ đã từng là một trường học đầy thiện ích và ân phúc. Xin Thiên Chúa toàn năng là Cha, là Con và Thánh Linh, chúc lành cho tất cả các bạn.
Vatican ngày 18 tháng 10 năm 2010
Tôi thuộc về các bạn trong Chúa
Biển Đức 16, Giáo Hoàng.
G. Trần Đức Anh OP chuyển ý