Đức
Thánh Cha tiếp 7.000 tham dự viên Hội nghị Giáo Dục
VATICAN. ĐTC kêu gọi các nhà giáo dục hãy đến
các “khu ngoại ô” của cuộc sống và giúp người trẻ tăng trưởng trong tình người.
Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi
tiếp kiến trưa ngày 21-11-2015 dành cho 7 ngàn tham dự viên Hội nghị quốc tế về
giáo dục, do Bộ Giáo Dục Công Giáo tổ chức từ ngày 18 đến 21-11-2015 tại
Vatican và Castel Gandolfo về chủ đề: “Giáo dục ngày nay và ngày mai. Canh tân
niềm hăng say”.
Hội nghị được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm
Tuyên ngôn của Công Đồng chung Vatican 2 về nền Giáo dục Kitô giáo (Gravissimum
Educationis), và kỷ niệm 25 năm Tông hiến “Ex Corde Ecclesiae” (Từ con tim Giáo
Hội), do ĐGH Gioan Phaolô 2 ban hành. Hội nghị nhắm củng cố quyết tâm của Giáo
Hội trong việc giáo dục và đáp ứng nhiều thách đố đang được đề ra cho sứ mạng
giáo dục.
Trong số các tham dự viên hiện tại tại buổi
tiếp kiến ở Đại thính đường Phaolô 6 có 50 HY và GM, đông đảo các LM, tu huynh
và nữ tu, giáo dân hoạt động trong lãnh vực giáo dục Công Giáo.
Đầu buổi tiếp kiến, ĐTC và mọi người đã nghe
những chứng từ cảm động về các hoạt động giáo dục đa ngành, dấu chỉ sự hiện
diện của Giáo Hội trong mọi góc trời, tìm cách thăng tiến phẩm giá con người,
đối thoại và văn hóa, qua các tổ chức Giáo Dục Công Giáo.
Tiếp đến ĐTC đã ứng khẩu trả lời một số câu
hỏi do các tham dự viên nêu lên.
Ngài nhấn mạnh một điều thiếu sót tại nhiều
nơi trong ngành giáo dục ngày nay là sự thiếu chiều kích siêu việt. ĐTC nói: “Đối
với tôi, cuộc khủng hoảng lớn nhất trong ngành giáo dục, để lãnh vực này có
chiều kích Kitô, đó là sự khép kín đối với siêu việt. Với xu hướng của chủ
thuyết tân thực nghiệm, chúng ta khép kín đối với siêu việt. Cần chuẩn bị các
tâm hồn để Chúa biểu lộ trọn vẹn, trong chiều kích nhân tính và cả chiều kích
siêu việt”.
Nhưng ĐTC cảnh giác rằng đừng bao giờ có những
hành động “chiêu dụ tín đồ” (prosélytisme) trong giáo dục: “Giáo dục theo tinh
thần Kitô không có nghĩa là dạy giáo lý hoặc chiêu dụ người khác theo đạo,
nhưng là giúp người trẻ tiến bước trong mọi giá trị nhân bản, và điều này phải
bao hàm cả chiều kích siêu việt”.
ĐTC chống lại xu hướng “ưu tuyển” trong ngành
giáo dục: chỉ có những người có trình độ nào đó mới được quyền hưởng một nền
giáo dục. Đó là một thực tại đáng tủi hổ trên thế giới, sự tuyển lựa này làm
cho con người xa cách nhau thay vì giúp họ xích lại gần nhau: người giàu và
người nghèo, các các nền văn hóa với nhau.. thế giới không thể tiến triển với
một nền giáo dục quá tuyển lựa; giáo dục trong khuôn khổ những bức tường của
một nền văn hóa tuyển chọn” (SD 21-11-2015)
G. Trần Đức Anh OP
Nguồn: vi.radiovaticana.va