Hãy là cánh cửa Lòng Thương Xót của Thiên Chúa
Giáo Hội được
khích lệ mở các cửa của mình để cùng Chúa đi gặp gỡ các con cái đang đi trên
đường, đôi khi không chắc chắn, đôi khi bị lạc hướng trong các thời điểm khó
khăn này. Đặc biệt các gia đình kitô được khuyến khích mở cửa cho Chúa đang chờ
đợi bước vào dem theo phước lành và tình bạn của Người.
Kính thưa quý
vị thính giả, ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du
khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 18-11 hôm
qua. Trong bài huấn dụ về đề tài: “Gia đình cánh cửa của sự tiếp đón”, ĐTC nói:
với suy tư này chúng ta đã tới ngưỡng cửa của Năm Thánh gần kề. Trước mắt chúng
ta là cánh cửa, không phải chỉ là cánh cửa thánh, mà là cánh cửa khác; cánh cửa
lớn của Lòng Thương Xót Chúa, và đó là cánh cửa đẹp, tiếp đón sự sám hối của
chúng ta bằng cách cống hiến cho chúng ta ơn tha thứ của Ngài. Cửa được rộng mở
một cách quảng đại, nhưng chúng ta phải có một chút can đảm để bước qua ngưỡng
cửa. Mỗi một người trong chúng ta có trong chính mình những điều trĩu nặng, có
đúng thế không? Tất cả mọi người, đúng không? Tất cả chúng ta là những người
tội lỗi! Chúng ta hãy lợi dụng lúc đang đến này, và hãy bước qua ngưỡng cửa của
lòng thương xót này của Thiên Chúa, là Đấng không bao giờ mệt mỏi tha thứ,
không bao giờ mệt mỏi chờ đợi chúng ta. Ngài nhìn chúng ta, Ngài luôn luôn ở
bên cạnh chúng ta. Hãy can đảm lên! Chúng ta hãy vào qua cửa này!
Từ Thượng Hội
Đồng Giám Mục, mà chúng ta đã cử hành trong tháng 10 vừa qua, tất cả mọi gia
đình và toàn thể Giáo Hội đã nhận được một khích lệ gặp gỡ nhau trên ngưỡng cửa
của cánh cửa rộng mở ấy. ĐTC nhấn mạnh điểm này như sau:
Giáo Hội được
khích lệ mở các cánh cửa của mình để cùng Chúa đi gặp gỡ các con cái đang đi
trên đường, đôi khi không chắc chắn, đôi khi bị lạc hướng trong các thời điểm
khó khăn này. Đặc biệt các gia đình kitô được khuyến khích mở cửa cho Chúa đang
chờ đợi bước vào đem theo phước lành và tình bạn của Người. Và nếu cánh cửa
lòng thương xót của Thiên Chúa luôn luôn mở rộng, thì cả các cánh cửa các nhà
thờ của chúng ta, tình yêu thương của các cộng đoàn, các giáo xứ, các cơ cấu,
các giáo phận của chúng ta cũng phải rộng mở, để như thế tất cả chúng ta có thể
đi ra đem theo lòng thương xót này của Thiên Chúa. Năm Thánh có nghĩa là cánh
cửa lớn của lòng thương xót Chúa, nhưng cũng có nghĩa là các cánh cửa nhỏ
của các nhà thờ chúng ta rộng mở để cho Chúa vào, hay biết bao lần để cho
Chúa đi ra, Chúa người tù của các cơ cấu , của ích kỷ và biết bao nhiêu
điều khác nữa của chúng ta.
Tiếp tục bài
huấn dụ ĐTC nói: Chúa không bao giờ xô cửa mà vào: cả Ngài cũng xin phép vào;
Chúa xin phép vào, chứ không xô cửa. Sách Khải Huyền nói: “Ta đứng ngoài cửa và
gõ - Nhưng chúng ta hãy tưởng tượng coi Chúa gõ cửa trái tim chúng ta -
Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa chiều với
người ấy và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3, 20). Và thị kiến lớn cuối cùng
của của sách Khai Huyền nói tiên tri về Thành của Thiên Chúa như sau: “Các cửa
thánh sẽ không bao giờ đóng ban ngày”, điều này có nghĩa là luôn mãi, bởi vì
“sẽ không còn đêm nữa” (Kh 21, 25). Trên thế giới có những nơi, trong đó người
ta không đóng cửa bằng khóa, vẫn còn có như vậy. Nhưng có biết bao nơi khác các
cửa bọc sắt là điều bình thường. Chúng ta không được đầu hàng trước ý tưởng
phải áp dụng hệ thống này, cũng là hệ thống an ninh, cho cuộc sống chúng ta,
cho cuộc sống của gia đình, của thành phố và xã hội của chúng ta. Lại càng
không thế áp dụng cho cuộc sống của Giáo Hội. Sẽ thật là điều kinh khủng! Một
Giáo Hội không tiếp đón, cũng như một gia đình khép kín trong chính mình, làm
nhục Tin Mừng và khiến cho thế giới cằn cỗi đi. Không có các cửa đóng kín trong
Giáo Hội, Không có gì hết! Tất cả đều rộng mở!
Việc phối hợp
biểu tượng của các cánh cửa, các ngưỡng cửa, các lối đi ngang qua, các biên
giới trở thành nòng cốt. Cửa phải canh giữ chắc chắn rồi, nhưng không được
khước từ. Không được xô cửa mà vào, trái lại phải xin phép, để cho sự hiếu
khách toả sáng trong sự tự do tiếp đón, và bị lu mờ trong yêu sách xâm chiếm.
Cánh cửa mở ra một cách thường xuyên, để xem bên ngoài có ai đang chờ đợi
không, hay có người không có can đảm và cả sức mạnh để gõ cửa. Có biết bao
nhiêu người đã mất tin tưởng, không có can đảm gõ cửa trái tim kitô của chúng
ta, gõ cửa các nhà thờ của chúng ta… Và họ đứng đó, không có can đảm, chúng ta
đã lấy đi lòng can đảm của họ, xin làm ơn đừng bao giờ để cho điều này xảy ra!
Cánh cửa nói rất nhiều về gia đình và cả về Giáo Hội nữa. Việc canh cửa đòi hỏi
thái độ cương quyết chú ý, đồng thời nó phải gợi hứng cho sự tin tưởng lớn lao.
Tôi muốn bầy tỏ lòng biết ơn đối với tất cả những ai giữ cửa: giữ cửa các chung
cư của chúng ta, các cơ quan dân sự, và chính các nhà thờ. Thường khi sự quan tâm
và tử tế của người canh cửa có khả năng cống hiến một hình ảnh nhân bản và tiếp
đón bên trong gia đình, bắt đầu ngay từ cửa vào. Có nhiều điều cần học hỏi nơi
các anh chị em canh cổng các nơi gặp gỡ và tiếp đón của thành phố của con
người! Xin cám ơn nhiều tất cả anh chị em là những người giữ biết bao nhiêu
cửa, dù đó là cửa nhà hay cửa của các các nhà thờ! Nhưng luôn luôn với một nụ
cười, luôn luôn cho thấy sự điếp đón của căn nhà đó, của nhà thờ đó, như thế
người ta cảm thấy hạnh phúc và được tiếp đón tại nơi ấy.
ĐTC nói thêm
trong bài huấn dụ:
Thật ra chúng
ta biết rõ là chính chúng ta cũng là những người canh giữ và phục vụ Cánh Cửa
của Thiên Chúa. Và Cánh Của của Thiên Chúa tên là gì? Ai biết trả lời ? Ai là
Cánh Cửa của Thiên Chúa? Chúa Giêsu.
Ai là Cánh của
của Thiên Chúa? Hãy nói to lên! Chúa Giêsu! Ngài soi sáng cho chúng ta
trên tất cả mọi cánh cửa cuộc sống, bao gồm cả các cánh cửa sinh tử của chúng
ta. Chính Ngài đã khẳng định điều đó: “Ta là cửa: ai qua Ta mà vào sẽ được cứu
thoát; nó sẽ vào, sẽ ra và tìm được đồng cỏ” (Ga 10,9). Chúa Giêsu là Cửa khiến
cho chúng ta vào và ra. Vì chuồng chiên của Thiên Chúa là một chỗ ẩn náu, chứ
không phải là một nhà tù! Nhà của Thiên Chúa là một nơi ẩn náu, không phải là
một nhà tù, và cánh cửa có tên gọi là gì? Một lân nữa! Có tên gọi là gì? Chúa
Giêsu! Và nếu cửa đóng thì chúng ta nói: “Lậy Chúa xin mở cửa”. Chúa Giêsu là
cửa và Ngài làm cho chúng ra vào và ra. Các kẻ trộm là những người tránh cửa
vào: thật là lạ, các kẻ trộm luôn luôn tìm vào từ phía khác, từ cửa sổ, từ mái
nhà, nhưng tránh cửa, bởi vì họ có các ý xấu và họ lẻn vào chuồng chiên
để lừa dối chiên và lợi dụng chúng. Chúng ta phải đi qua cửa và lắng nghe tiếng
Chúa Giêsu_ nếu chúng ta nghe giọng của tiếng Người, chúng ta được chắc chắn,
chúng ta được cứu thoát. Chúng ta có thể vào không sợ hãi và ra không nguy
hiểm. Diễn văn rất hay đẹp này của Chúa Giêsu cũng nói tới người giữ chiên có
bổn phận mở cửa cho Mục Tử nhân lành (x. Ga 10,2). Nếu người giữ lắng nghe
tiếng của Mục Tử, thì khi đó mở cửa và khiến cho tất cả các con chiên mà Mục Tử
đem theo vào trong, tất cả, kể cả các con chiên lạc trong rừng, mà Mục Tử đã đi
tìm đem về. Người canh giữ không chọn chiên - ông hay bà thư ký giáo xứ không
chọn chiên – không, họ không chọn! Tất cả các con chiên đều được mời, họ được
chọn bởi Mục Tử nhân lành. Người canh giữ cũng vâng theo tiếng của Mục Tử. Đó,
chúng ta có thể nói rằng chúng ta phải như người canh giữ chiên ấy. Giáo Hội là
cổng nhà của Chúa, Giáo Hội là cổng nhà, chứ không phải là bà chủ nhà của
Chúa.
Thánh Gia
Nagarét biểt rõ một cánh cửa mở hay đóng có nghĩa là gì, đối với ai chờ
đợi một người con, đối với ai không có nơi nương thân, đối với ai phải thoát
hiểm nguy. Ước chi các gia đình kitô biến ngưỡng cửa nhà mình trở thành một dấu
chỉ bé nhỏ to lớn của Cửa Lòng Thương Xót và tiếp đón của Thiên Chúa.
Chính như thế mà Giáo Hội sẽ phải được nhận ra, trong mọi góc của thế giới này:
như người canh giữ của Thiên Chúa là Đấng gõ cửa, như sự tiếp đón của một
Thiên Chúa không đóng sầm cửa lại trước mặt bạn, lấy cớ bạn không phải là
người nhà. Với tinh thần này chúng ta tất cả đến gần Năm Thánh, sẽ có cửa
thánh, nhưng có cửa lòng thương xót của Thiên Chúa vĩ đại! Ước chi cũng có cửa
con tim chúng ta để tiếp nhận tất cả, ơn tha thứ của Thiên Chúa, hay trao ban
sự tha thứ và tiếp đón tất cả những ai gõ cửa chúng ta.
ĐTC đã chào
nhiều đoàn hành hương khác nhau. Với các đoàn Ba Lan ngài đặc biệt chào
nhóm đại diện Công đoàn độc lập Liên đới Solidarnosc. Ngài nói: “Từ 35 năm qua
Công đoàn của anh chị em dấn thân cho thế giới lao động, trên bình diện thể lý
cũng như trí thức, và bảo vệ các quyền căn bản của con người và xã hội. Anh chị
em hãy trung thành với dấn thân đó, để các quyền lợi chính trị và kinh tế không
thắng vượt các giá trị làm thành bản chất của tình liên đới nhân loại. Tôi xin
phó thác tất cả các thành viên của công đoàn cho sự che chở của bổn mạng của
anh chị em là chân phước linh mục Jerzy Popieluszo.
Chào các nhóm
nói tiếng Ý ĐTC nhắc cho mọi người biết hôm qua là lễ cung hiến Vương cung
thánh đường kính hai thánh Phêrô Phaolô. Ngài cầu chúc chuyến viếng thăm mộ hai
thánh Tông Đồ củng cố niềm vui đức tin của mọi người.
Chào giới trẻ,
người đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC cầu mong chứng tá của các Tông Đồ bỏ mọi
sự để theo Chúa Giêsu, thắp lên nơi người trẻ ước muốn yêu Chúa với tất cả sức
lực. Ngài xin các khổ đau vinh quang của hai thánh Phêrô Phaolô trao ban an ủi
và hy vọng cho người đau yếu, và giúp các cặp vợ chồng mới cưới biến gia đình
họ trở thành đền thánh của Tình Yêu, không gì có thể chia lià được.
Buổi tiêp kiến
đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.
Linh
Tiến Khải
Nguồn:
vi.radiovatican.va