ĐTC Phanxicô gặp gỡ 40.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu ngày
thứ tư 11-11-2015
Chung sống chia sẻ là phẩm chất
đặc thù của cuộc sống gia đình. Nó là hàn thử biều giúp đo lường các tương
quan, và đuợc thể hiện tràn đầy trong Bí Tích Thánh Thể, khi tín hữu chia sẻ
với nhau Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, là lương thực dưỡng nuôi tình yêu đích
thật và bền lâu.
ĐTC Phanxicô đã nói như trên
với gần 40.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ ngày
thứ tư 11-11-2015. Đa số các đoàn hành hương đến từ các nước Bắc Mỹ và Âu châu.
Từ Phi châu có phái đoàn Ghana, Từ Á châu có các đoàn hành hương Nam Hàn và
Nhật Bản. Trong khi từ Brasil có các đoàn hành hương Aracaju, Divinopolis,
Pernambuco và Sao Paolo. Cũng có vài nhóm tín hữu Việt Nam đến từ Đan Mạch và
tiểu bang California Hoa Kỳ.
Trong bài huấn dụ ĐTC đã khai
triển đề tài giáo lý: tinh thần chung sống chia sẻ trong gia đình. Ngài nói:
Đây là một phẩm chất đặc thù của cuộc sống gia đình mà người ta học từ ngay
những ngày đầu của cuộc sống. Nó là thái độ chia sẻ các thiện ích của cuộc
sống, và người ta hạnh phúc vì có thể làm như vậy. Nhưng chia sẻ và biết chia
sẻ là một nhân đức qúy báu. Biểu tượng của nó, “hình ảnh” của nó là gia
đình tụ họp chung quanh bàn ăn. Việc chia sẻ bữa ăn, và vượt ngoài thực phẩm –
việc chia sẻ tình yêu thương, các câu chuyện, các biến cố… là một kinh nghiệm
quan trọng. Khi có một lễ, một ngày sinh nhật, một ngày kỷ niệm, người ta tìm
lại nhau chung quanh một bàn ăn. Trong một vài nền văn hóa người ta cũng có
thói quen làm điều này trong dịp tang chế, để gần gũi với người đau khổ vì mất
thân nhân. ĐTC khẳng định thêm như sau:
Việc chung sống chia sẻ là một
hàn thử biểu chắc chắn giúp đo lường các tương quan: nếu trong gia đình có điều
gì đó không ổn, hay một vết thương ẩn kín, thì người ta hiểu ngay tại bàn ăn.
Một gia đình mà hầu như không bao giờ ăn chung với nhau, hay tại bàn ăn không
nói chuyện với nhau, nhưng nhìn truyền hình hay nhìn điện thoại di động, thì đó
là một gia đình “ít có tính cách gia đình”. Khi người ta sử dụng máy vi tính
hay điện thoại di động mà không nói chuyện với nhau, thì gia đình ít có tính
cách gia đình. Khi con cái gắn chặt với mày vi tính hay điện thoại di động ở
bàn ăn, và người ta không lắng nghe nhau, đó không phải là gia đình, đó là một
nhà trọ.
ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ:
Chúng ta tất cả đều hiết rằng Kitô giáo có một ơn gọi đặc biệt chung sống chia
sẻ. Chúa Giêsu thích giảng dậy tại bàn ăn, và đôi khi Ngài trình bầy Nước Thiên
Chúa như một bữa tiệc. Chúa Giêsu cũng lựa chọn bàn ăn để trao ban cho các môn
đệ sứ điệp tinh thần của Ngài- ngài làm điều đó trong bữa ăn chiều - cô đọng
trong cử chỉ tưởng niệm cuộc Hiến Tế của Ngài: trao ban Mình và Máu làm Của Ăn
và Của Uống cứu độ, dưỡng nuôi tình yêu đích thật và bền lâu.
Trong viễn tượng này, chúng ta
có thể hiểu rằng trong Thánh Lễ gia đình ở trong nhà mình, chính vì nó
đem tới Thánh Thể kinh nghiệm chung sống chia sẻ và rộng mở cho ơn thánh
của việc sống chung chia sẻ đại đồng, của tình yêu của Thiên Chúa đối với thế
giới. Khi tham dự bí tích Thánh Thể, gia đình được thanh tẩy khỏi cám dỗ khép
kín trong chính mình, được củng cố trong tình yêu, trong lòng trung thành và
nới rộng các biên giới của tình huynh đệ theo trái tim của Chúa Kitô.
Nhận xét về thời đại ngày nay
ĐTC nói: Trong thời đại ngày nay, bị ghi dấu bởi biết bao nhiêu khép kín và qúa
nhiều bức tường ngăn cách, việc chung sống chia sẻ, do gia đình sinh ra và được
bí tích Thánh Thể nới rộng, trở thành một cơ may nền tảng. Bí tích Thánh Thể và
các gia đình được Thánh Thể nuôi dưỡng có thể chiến thắng các khép kín đó và
xây dựng các cây cầu tiếp đón và bác ái. Phải, Bí tích Thánh Thể của một
Giáo Hội tại gia, có khả năng tái trao ban cho cộng đoàn men hoạt động của việc
chung sống chia sẻ và sự tiếp đón nhau, là một trường học bao gồm nhân bản
không sợ hãi các đối chiếu.
Ký ức về các nhân đức gia đình
giúp chúng ta hiểu. Chính chúng ta đã thừa nhận và còn thừa nhận rằng các phép
lạ nào có thể xảy ra khi một bà mẹ trông nom chú ý, nuôi nấng và săn sóc con
cái của người khác, ngoài con cái của mình. Cho tới ngày hôm qua đây chỉ
cần một bà mẹ là đủ trông nom mọi đứa trẻ trong sân! Còn nữa, chúng ta biết rõ
một dân tộc có sức mạnh nào, khi các người cha coi con cái như một thiện ích
được chia sẻ, họ hạnh phúc và hãnh diện che chở con cái họ. Tiếp dến ĐTC
ghi nhận các bối cảnh xã hội ngày nay như sau:
Ngày nay nhiều môi trường xã
hội đặt ra các chướng ngại cho sự chung sống chia sẻ trong gia đình. Thật thế,
ngày nay nó không dễ dàng. Chúng ta phải tìm ra cách thế tái phục hồi nó: nói
chuyện với nhau tại bàn ăn, lắng nghe nhau tại bàn ăn. Không thinh lặng, cái
thinh lặng ấy không phải là thinh lặng của các nữ đan sĩ, nó là sự thinh lặng
của tính ích kỷ: mỗi người có cái của mình hoặc là truyền hình hay máy vi tính…
và người ta không nói với nhau nữa. Không, đừng thinh lặng. Hãy thu hồi sự
chung sống chia sẻ trong gia đình miễn là bằng cách thích ứng nó với thời đại.
Việc chung sống chia sẻ xem ra trở thành một điều mà người ta buôn bán, nhưng
như vậy nó trở thành một điều khác. Việc nuôi dưỡng không chỉ luôn luôn là biểu
tượng của một sự chia sẻ công bằng các của cải, có khả năng đạt tới những người
không có cơm bánh và tình yêu thương. Tại các nước giầu chúng ra bị giản lược
vào chỗ tiêu tiền cho việc ăn uống qúa độ, rồi lại sửa chữa việc thái quá ấy.
Và dịch vụ vô nghĩa này khiến cho chúng ta không chú ý tới cái đói đích thật
của thân xác và của linh hồn. Khi không có sự chung sống chia sẻ, thì có ích
kỷ, mỗi người nghĩ tới chính mình. Tệ hơn nữa là việc quảng cáo đã khiến cho nó
trở thành một ăn bữa nhỡ buồn chán và một ước muốn ăn bánh ngọt. Trong khi có
quá nhiều anh chị em ở bên ngoài bàn ăn. Thật là hơi đáng xấu hổ phải không?
Chúng ta hãy nhìn vào mầu nhiệm
Tiệc Bí Tích. Chúa bẻ bánh Mình và đổ Máu Ngài cho tất cả mọi người. Thật thế,
không có chia rẽ nào có thể chống lại Hy Lễ hiệp thông này. Chỉ có thái độ giả
dối, đồng lõa với sự dữ có thể loại trừ khỏi nó. Mọi xa cách khác không
thể chống lại quyền năng không được che chở của bánh được bẻ ra và rượu
được đổ ra này, là Bí Tích Thân Mình duy nhất của Chúa. Liên minh sống động của
các gia đình kitô đi trước, nâng đỡ và bao gồm, trong năng động của tính hiểu
khách của nó, các mệt nhọc và niềm vui thường ngày, cộng tác với ơn của Bí Tích
Thành Thể, có khả năng tạo dựng sự hiệp thông luôn mới mẻ với sức mạnh bao gồm
và cứu rỗi.
Kết thúc bàì huấn dụ ĐTC nói:
Như thế gia đình kitô sẽ cho thấy chân trời rộng rãi của nó, là chân trời của
Giáo Hội, Mẹ của tất cả mọi người, của tất cả những người bị bỏ rơi và loại
trừ, trong tất cả mọi dân tộc. Chúng ta hãy cầu nguyện để sự chung sống chia sẻ
này của gia đình có thể lớn lên và chín mùi trong thời gian ơn thánh của Năm
Lòng Thương Xót sắp tới.
ĐTC đã chào các đoàn hành hương
và chúc mọi người có các ngày thăm viếng Roma nhiều bổ ích và ơn thánh. Chào
các nhóm ba Lan ngài nói hôm qua Ba Lan cử hành ngày lễ độc lập. Trong bối cảnh
này tôi xin lập lại lời của thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói tại Varsava
ngày mùng 2 tháng 6 năm 1979 rằng: “Không có Chúa Kitô, thì không hiểu được
lịch sử của dân nước Ba Lan”. Anh chị em hãy kiên trì trung thành với Tin Mừng
và truyền thống của Cha ông trong việc phục vụ quê hương anh chị em. Xin Thiên
Chúa chúc lành cho Ba lan và từng người trong anh chị em.
Chào các tín hữu Slovac tháp
tùng các Giám Mục về Roma viếng mộ hai thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô và thăm Tòa
Thánh, đặc biệt là các linh mục, chủng sinh và tu sĩ nam nữ, ĐTC cầu mong
chuyến viếng thăm Roma củng cố ý thức tuỳ thuộc Giáo Hội đại đồng của họ. ĐTC
xin họ tháp tùng các Giám Mục với lời cầu nguyện sốt sắng và đừng quên cầu
nguyện cho ngài.
Chào các đoàn hành hương nói
tiếng Ý ĐTC nhắc cho mọi người biết hôm qua Giáo Hội kình nhớ thánh Martino Giám
Mục thành Tours bên Pháp, một gương mặt rất bình dân, đặc biệt tại Âu châu, mẫu
gương của việc chia sẻ với người nghèo. Năm tới dịp kỷ niệm 1700 năm thánh nhân
sinh ra trùng với Năm Thánh Lòng Thương Xót.
Ngỏ lời với người trẻ, các anh
chị em đau yếu và các đôi tân hôn, ĐTC xin Chúa giúp các bạn trẻ trở thành
những người thăng tiến lòng thương xót và sự hòa giải; nâng đỡ các bệnh nhân
không mất niềm tin tưởng cả trong những lúc khổ đau; và ban cho các đôi
tân hôn biết tìm ra trong Tin Mừng niềm vui đón nhận mọi sự sống, nhất là sự
sống yếu đuối không được bênh đỡ.
Buổi tiếp kiến đã kết thúc với
Kinh Lậy Cha và phép lành Tòa Thánh ĐTC ban cho mọi người.
Linh
Tiến Khải
Nguồn:
vi.radiovaticana.va