Hướng đi Đức Thánh Cha
Phanxicô đề ra cho Giáo Hội tại Italia
FIRENZE. ĐTC Phanxicô nhắn
nhủ Giáo Hội tại Italia sống khiêm tốn, gần gũi thực tại dân chúng, đừng ám ảnh
tìm quyền bính và vinh danh, không cậy vào sức riêng mình.
Trên đây là nội dung bài huấn
dụ dài của ĐTC sáng ngày 10-11-2015 tại Đại Hội Công giáo toàn quốc Italia lần
thứ 5, tiến hành trong Nhà thờ chính tòa Firenze.
Giã từ thành phố Prato lúc 9
giờ 20 phút, ĐTC đáp trực thăng đến thành phố Firenze chỉ cách đó 30 cây số
đường chim bay. Tổng giáo phận này hiện do ĐHY Giuseppe Bertori cai quản và
hiện có 850 ngàn tín hữu Công Giáo.
Đến nơi ngài đã viếng thăm
giếng rửa tội nổi tiếng rồi tiến vào Nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Bông Hoa cạnh đó.
Tại đây các GM và 2500 đại biểu của 220 giáo phận Italia đã dành cho ĐTC một
cuộc tiếp đón nồng nhiệt.
Chính tại nơi đây từ chiều
9-11 vừa qua, đang diễn ra Đại hội Công giáo toàn quốc Italia lần thứ 5 với chủ
đề ”Trong Chúa Giêsu Kitô, một thuyết nhân bản mới”.
Trong công nghị này, các đại
biểu bàn về những biến chuyển về văn hóa và xã hội thời nay, ngày càng ảnh
hưởng đến tâm thức và phong tục của con người, nhiều khi tước bỏ những nguyên
tắc và giá trị cơ bản đối với cuộc sống bản thân, gia đình và xã hội. Trong bối
cảnh đó, Đại hội tìm kiếm hướng đi và những đề nghị cụ thể cho việc mục vụ của
Giáo Hội.
Sau lời chào của ĐHY Angelo
Bagnasco, Chủ tịch Hội đồng HĐGM Italia, đã có 3 chứng từ được trình bày với
ĐTC, một phụ nữ, một đôi vợ chống và đặc biệt là cha Bledar Ximli, người
Albani, nguyên là một thiếu niên sinh trưởng trong một gia đình vô thần, vượt
biên sang Italia, sống dưới các gầm cầu và ăn ở các quán ăn của Caritas, nhưng
rồi cậu bé được 1 cha sở tiếp đón, giúp học hành và tìm công ăn việc làm. Anh
ta trở lại đạo và về sau đã đi tu làm linh mục.
Huấn dụ của ĐTC
Trong bài huấn dụ dài tiếp
đó, ĐTC đi từ nhận xét về bức bích họa tại vòm nhà thờ chính tòa Firenze diễn
tả cảnh phát xét chung: sự kiện Chúa Kitô từ người bị quan Philatô xét xử trở
thành Chúa Giêsu ngồi trên ngai thẩm phán, vị thẩm phán từ bi thương xót. Ngài
nói:
“Trong ánh sáng của vị Thẩm
Phán từ bi ấy, chúng ta quì gối thờ lạy, và chân tay chúng ta được vững mạnh.
Chúng ta chỉ có thể nói về thuyết nhân bản đi từ vị trí trung tâm của Chúa
Giêsu, khám phá nơi Ngài những nét trong khuôn mặt chân thực của con người.
Chính từ sự chiêm ngắm tôn nhan Chúa Giêsu chịu chết và sống lại, chúng ta mới
tái tạo nhân tính của chúng ta, kể cả nhân tính bị phân hóa vì những mỏi mệt
của cuộc sống hoặc bị tội lỗi ghi dấu.
Đi từ tiền đề trên đây, nhất
là từ tôn nhan một vị Thiên Chúa dã nhận lấy thân phận người tôi tớ, bị tủi
nhục và vâng phúc cho đến chết (Xc Ph 2,7), ĐTC đã rút ra những hệ luận cho
cuộc sống của Kitô hữu, 3 tâm tình mà các môn đệ của Chúa cần phải có:
- Trước tiên là tâm
tình khiêm tốn: “Mỗi người trong anh chị em, với tất cả lòng khiêm tôn, hãy
coi người khác trọng hơn mình” (Ph 2.3), thánh Phaolô đã nói như thế với các
tín hữu thành Philiphê. Tiếp đến thánh nhân nói: Chúa Giêsu không coi là một
”đặc ân” sự kiện Người là Thiên Chúa (Ph 2,6). ĐTC nhận xét rằng: ở đây có một
sứ điệp rõ ràng. Sự ám ảnh muốn bảo tồn danh tiếng, địa vị và ảnh hưởng của
mình, không thể thuộc vào số những tâm tình của chúng ta. Chúng ta phải tìm
vinh danh Thiên Chúa, và vinh danh này không trùng với vinh danh của chúng ta.
Vinh quang của Thiên Chúa tỏa sáng rạng ngời trong sự khiêm hạ của hang đá máng
cỏ Bêlem hoặc trong thập giá ô nhục Chúa Kitô, luôm làm cho chúng ta ngạc
nhiên.
- Một tâm tình khác của
Chúa Giêsu mang lại hình thái cho thuyết nhân bản Kitô là thái độ vô vị
lợi. Thánh Phaolô yêu cầu: “Mỗi người đừng tìm tư lợi, nhưng hãy tìm lợi
ích cho người khác” (Ph 2,4). Vì vậy, thay vì tư lợi, chúng ta phải tìm hạnh
phúc cho người cạnh chúng ta. Nhân tính của Kitô hữu là luôn đi ra ngoài. Nhân
tính ấy không phải là tự yêu mình, tự tham chiếu mình. Khi con tim chúng ta
giàu có và mãn nguyện về mình, thì không còn chỗ cho Thiên Chúa nữa. Vì thế,
chúng ta hãy tránh khép mình trong những cơ cấu mang lại một sự bảo vệ giả tạo,
trong những qui luật biến chúng ta thành những thẩm phán không biết mủi lòng,
trong những tập quán làm cho chúng ta yên hàn (EV 49).
Nhiệm vụ của chúng ta là làm
việc để thế giới này trở thành một nơi tốt đẹp hơn và tranh đấu. Đức tin của
chúng ta có tính chất cách mạng, có sự thúc đẩy đến từ Chúa Thánh Linh. Chúng
ta phải theo sự thúc đẩy ấy để ra khỏi mình, để trở thành những người theo Tin
Mừng của Chúa. Bất kỳ cuộc sống nào đều được định giá theo khả năng hiến thân.
- Tâm tình thứ ba của
Chúa Giêsu Kitô là hạnh phúc. Kitô hữu là người hạnh phúc, là người
mang trong mình niềm vui Phúc Âm. Trong các mối phúc thật, Chúa chỉ cho chúng
ta con đường cần đi theo. Khi theo con đường ấy, loài người chúng ta có thể đạt
tới hạnh phúc chân thực nhất, hạnh phúc nhân trần và thần linh... Các mối phúc
thật chúng ta đọc trong Tin Mừng bắt đầu với một lời chúc phúc và kết thúc bằng
một lời hứa an ủi... Để được hạnh phúc, để nếm hưởng sự an ủi của tình bạn với
Chúa Giêsu Kitô, cần có một con tim rộng mở. Hạnh phúc là một sự đánh cuộc vất
vả, với những từ bỏ, lắng nghe và học hỏi, và những hoa trái của nó được gặt
hái trong thời gian, mang lại cho chúng ta một niềm an bình khôn sánh: ”Các
người hãy nếm hưởng xem Chúa tốt lành dường nào!” (Tv 34,9).
Khiêm tốn, vô vị lợi, hạnh
phúc, đó là 3 nét mà hôm nay tôi muốn trình bày cho anh chị em để suy niệm về
thuyết nhân bản Kitô nảy sinh từ nhân tính của Con Thiên Chúa. Những nét này
cũng có những hệ luận đối với Giáo Hội tại Italia ngày nay, Giáo Hội ngày hôm
nay đang nhóm họp để đồng hành.
ĐTC giải thích: Những nét này
nói với chúng ta rằng chúng ta không được để cho mình bị ám ảnh vì quyền lực,
cả khi quyền lực ấy có vẻ hữu ích và thực dụng theo hình ảnh xã hội của Hội
Thánh. Nếu Giáo Hội không có những tâm tình của Chúa Giêsu, thì sẽ bị lạc
hướng, mất ý nghĩa. Những tâm tình của Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng một
Giáo Hội nghĩ đến mình và những lợi lộc của mình thì thật là buồn. Sau cùng,
những mối phúc thật chính là cái gương soi trong đó chúng ta nhìn thấy chính
mình, cái gương giúp chúng ta biết mình có đang đi đúng đường hay không.
Một Giáo Hội có 3 nét vừa nói
- khiêm tốn, vô vị lợi, hạnh phúc - là một Giáo Hội biết nhận ra hoạt động của
Chúa trong thế giới, trong nền văn hóa, trong cuộc sống thường nhật của dân
chúng.
Hai cám dỗ cần tránh
Tiếp tục bài huấn dụ tại Đại
Hội Công Giáo Italia, ĐTC nói đến 2 trong số nhiều cám dỗ mà Giáo Hội cần
tránh.
Trước tiên là cám dỗ
cậy vào sức riêng mình. Cám dỗ này thúc đẩy Giáo Hội không còn khiêm tốn,
vô vị lợi và hạnh phúc. Thái độ này làm cho chúng ta tin tưởng nơi các cơ cấu,
các tổ chức, các kế hoạch hoàn hảo, trừu tượng. Nó cũng thường làm cho chúng ta
thích kiểm soát, cứng cỏi, duy luật lệ. Qui tắc luật lệ mang lại cho người cậy
sức riêng mình cảm tưởng an ninh, nghĩ mình cao trọng hơn, có một đường hướng
chính xác, trong đó họ tìm được sức mạnh cho mình, không phải trong sự nhẹ
nhàng của làn gió Chúa Thánh Linh thổi. Đứng trước những tai ương và các vấn đề
của Giáo Hội, thật là vô ích khi tìm kiếm những giải pháp trong thái độ bảo thủ
và duy căn, cực đoan, trong sự tái lập những đường lối hành xử và hình thức lỗi
thời, chẳng có ý nghĩa kể cả về phương diện văn hóa. Đạo lý Kitô không phải là
một hệ thống khép kín, không có khả năng tạo nên những câu hỏi, nghi ngờ, vấn
nạn, nhưng nó sinh động, biết làm cho ta bất an, linh hoạt. Đạo lý Kitô không
có khuôn mặt cứng nhắc, nhưng có một thân thể chuyển động và phát triển, có
thịt mềm: được gọi là Chúa Giêsu Kitô.
Trong chiều hướng đó, ĐTC mời
gọi Giáo Hội tại Italia hãy để cho mình được hơi thở mạnh mẽ đưa dẫn, và vì thế
mà nhiều khi bất an. Hãy luôn đón nhận tinh thần của những nhà đại thám hiểm
của mình, say mê di chuyển trên các con tàu trên biển khơi và không kinh hãi vì
các biên giới và bão tố.
- Cám dỗ thứ hai ĐTC
kêu gọi cảnh giác đó là cám dỗ của thuyết ngộ đạo, làm cho người ta
tin tưởng nơi lý luận hợp lý rõ ràng, nhưng làm cho ta mất đi sự dịu dàng của
thân mình người anh em. Sức thu hút của thuyết ngộ đạo là sự thu hút của một
đức tín khép kín trong thái độ chủ quan, trong đó người ta chỉ quan tâm đến một
kinh nghiệm nào đó hoặc một loạt những lý lẽ và kiến thức, mà ta coi là có thể
củng cố và soi sáng, nhưng trong đó chủ thể rốt cuộc bị khép kín trong những lý
lẽ hoặc tâm tình của mình” (EV 94).
Sau cùng, ĐTC nhắn nhủ toàn
thể Giáo Hội tại Italia hãy bao gồm những người nghèo về mặt xã hội, những
người nghèo ấy có một chỗ ưu tiên trong dân Chúa, và khả năng gặp gỡ và đối
thoại để tạo điều kiện cho tình thân hữu xã hội tại đất nước anh chị em, tìm
kiếm công ích.
Sự đứng về phía người nghèo
là “một hình thức đặc biệt của quyền tối thượng trong việc thực thi đức bác ái
Kitô, được toàn thể truyền thống của Giáo hội làm chứng” (Gioan Phaolô 2, Thông
điệp Sollicitudo rei socialis, 42).
ĐTC nói: “Tôi cũng đặc
biệt khuyến khích anh chị em có khả năng đối thoại và gặp gỡ. Gặp gỡ không phải
là thương thuyết. Thương thuyết là tìm cách rút được phần của mình trong cái
bánh chung. Không phải vậy, nhưng là tìm kiếm công ích cho tất cả mọi người. ..
Chúng ta phải luôn nhớ rằng không có một thuyết nhân bản đích thực nếu không
coi tình thương như một mối giây liên kết con người với nhau, về phương diện
liên chủ thể, cũng như vầ mặt xã hội, chính trị hoăc trí thức.
Ngoài ra, anh chị em hãy nhớ
rằng cách đối thoại tốt nhất không phải là nói và thảo luận, nhưng là làm một
cái gì chung, cùng nhau kiến thiết, xây dựng: không phải một mình giữa các tín
hữu Công Giáo, nhưng cũng với tất cả mọi người thiện chí.
Sau cùng, ĐTC đề nghị rằng
trong những năm tới đây, trong mỗi cộng đoàn, mỗi giáo xứ hoặc hội đoàn, trong
mỗi giáo phận và giáo hạt, hãy tìm cách tổ chức những công nghị để cùng nhau
đào sâu Tông thư “Niềm vui Phúc Âm” để rút ra từ đó những tiêu chuẩn thực hành,
và để thực thi những quyết định. Tôi chắc chắn về khả năng của anh chị em hoạt
động trong tinh thần sáng tạo để cụ thể hóa những nghiên cứu học hỏi ấy.
Cuộc gặp gỡ của ĐTC với các
tham dự viên Đại hội Công Giáo toàn quốc Italia kết thúc với kinh Lạy Cha và
phép lành của ĐTC.
G. Trần Đức Anh OP
Nguồn: vi.radiovaticana.va