Hằng triệu người dự Lễ đầu tiên của Đức Thánh Cha tại Bolivia
SANTA CRUZ. Hằng triệu tín hữu đã tham dự thánh lễ đầu tiên ĐTC Phanxicô cử hành tại thành phố Santa Cruz, thủ đô kinh tế của Bolivia, sáng ngày 9-7-2015.
ĐTC đã rời tòa nhà ĐHY Terrazas Sandoval, nguyên TGM Santa Cruz từ lúc quá 9 giờ sáng. Ngài đi xe díp mày trắng có mái kiếng che tiến qua các đại lộ rộng rãi dài 1 cây số dười dẫn đến quảng trường Chúa Kitô Cứu Thế để cử hành thánh lễ cho các tín hữu tụ tập tại đây. Ngoài những người da trắng còn có đông đảo các tín hữu thuộc 36 bộ tộc thổ dân tại Bolivia, nhiều người mặc y phục truyền thống.
Nhiều màn hình khổng lồ đã được bố trí dọc theo đại lộ để những người ở xa lễ đài cũng có thể tham dự thánh lễ ĐTC cử hành bắt đầu lúc 10 giờ sáng.
Thánh lễ này cũng là lễ khai mạc Đại Hội Thánh Thể toàn quốc kỳ 5 của Bolivia và sẽ được tiếp nối tại thành phố Tarija. Ngoài tiếng Tây Ban Nha, còn có những phần của thánh lễ, kinh nguyện, bài đọc bằng các tiếng thổ dân như Guaranì, Quechua và Aimara.
Đồng tế với ĐTC có khoảng 50 GM Bolivia và các GM khách, và hàng trăm Linh Mục trong phẩm mục màu trắng. Phần thánh ca do một ca đoàn hùng hậu 500 ca viên đồng phục màu đen và vàng đảm trách.
Bài giảng của ĐTC
Trong bài giảng, ĐTC đi từ sự kiện các môn đệ đứng trước tình trạng 4 ngàn người nghe Chúa Giêsu giảng và không có gì để ăn. Các môn đệ xin Chúa giải tán họ vì không thể kiếm đủ lương thực cho đám đông ấy. Từ đó ngài nêu bật trách nhiệm của mọi người góp phần làm việc để không ai bị loại trừ trong xã hội. ĐTC nói:
“Đứng trước bao nhiêu tình trạng đói khổ trên thế giới, có thể chúng ta nói: không thể nào đương đầu với những tình trạng như vậy, và thế là tuyệt vọng bắt đầu xâm chiếm tâm hồn chúng ta.
“Đường hướng người ta chủ trương áp đặt trong thế giới ngày nay thật dễ chiếm chỗ trong một con tim tuyệt vọng. Đường hướng đó tìm cách biến đổi mọi sự thành đối tượng trao đổi, tiêu thụ, tất cả đều có thể thương lượng được. Đường hướng ấy chủ trương chỉ dành chỗ cho một thiểu số, và gạt bỏ tất cả những người ”không sản xuất”, không được coi là thích hợp và xứng đáng, vì họ có vẻ là không có lợi gì. Một lần nữa Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng: “Không cần phải bảo họ ra đi, chính các con hãy cho họ ăn!”
“Đó là một lời mời gọi ngày nay vẫn còn vang vọng mạnh mẽ đối với chúng ta: “Không cần một ai phải ra đi; hãy chấm dứt tình trạng bị gạt bỏ, chính các con hãy cho họ ăn”. Chúa Giêsu tiếp tục nói với chúng ta điều ấy tại quảng trường này. Đúng vậy! Hãy chấm dứt tình trạng gạt bỏ người, chính các con hãy cho họ ăn. Quan niệm của Chúa Giêsu không chấp nhận sự gạt bỏ những người yếu nhất, những người đang túng thiếu hơn cả. Khi chấp nhận sự thách đố ấy, thì chính Chúa nêu gương và chỉ đường cho chúng ta. Chỉ dẫn của Chúa được tóm gọm trong 3 câu: Ngài cầm lấy một chút bánh và vài con cá, chúc tụng, phân chia và giao cho các môn đệ phân phát cho người khác. Đó chính là con đường phép lạ. Chắc chắn đây không phải là ma thuật hay là tôn thờ thần tượng. Qua 3 hành động ấy, Chúa Giêsu biến đổi được chủ trương gạt bỏ thành một đường hướng hiệp thông, cộng đồng. Tôi muốn nhấn mạnh vắt tắt 3 hành động ấy.
- Người cầm lấy. Điểm khởi hành là: Chúa rất nghiêm túc coi trọng sinh mạng những người của Ngài. Ngài nhìn tận mắt và qua đó ngài hiểu cuộc sống, tâm tình của họ. Ngài thấy trong cái nhìn ấy điều đang đập và điều ngưng đập trong ký ức và con tim của dân Ngài. Ngài cứu xét và đề cao giá trị của điều ấy. Ngài đề cao giá trị của tất cả những gì tốt mà họ có thể cống hiến, tất cả những gì tốt đẹp trên đó có thể xây dựng được. Nhưng Chúa không nói về những đồ vật hoặc tài nguyên văn hóa hay ý tưởng, nhưng là những con người. Sự phong phú đích thực của một xã hội được đo lường trong cuộc sống của dân chúng, được đo lường nơi những người già có khả năng thông truyền sự khôn ngoan và ký ức của dân tộc cho những người bé nhỏ nhất. Chúa Giêsu không lơ là, không coi nhẹ phẩm giá của một ai, không viện cớ là họ không có gì để cho hoặc để chia sẻ.
- Hành động thứ hai là chúc tụng. Chúa cầm lấy và chúc tụng Cha ở trên trời. Ngài biết rằng những món quà đó là một hồng ân của Thiên Chúa, vì thế Ngài không đối xử với những vật ấy như bất kỳ vật nào, vì tất cả sự sống ấy là thành qủa của tình yêu thương xót. Chúa nhìn nhận điều ấy. Ngài đi xa hơn cái vẻ bề ngoài và trong cử chỉ chúc tụng, ngợi khen, Ngài xin Chúa Cha ban hồng ân Thánh Linh. Chúc phúc hay làm phép bao gồm 2 cái nhìn ấy, một đàng là cảm tạ và đàng khác là có thể biến đổi. Có nghĩa là nhìn nhận rằng sự sống luôn luôn là một hồng ân, một món quà khi đặt trong tay Chúa thì đạt được một sức mạnh tăng thêm nhiều. Chúa Cha của chúng ta không tước bỏ điều gì, Ngài làm tăng thêm nhiều.
- Sau cùng là trao ban. Trong Chúa Giêsu không có sự cầm lấy mà đồng thời không có một sự chúc lành, và không có một sự chúc lành mà không có trao ban. Chúc lành luôn luôn là một sứ mạng, có một mục tiêu, chia sẻ, cùng phân chia điều mình đã nhận lãnh, vì chỉ qua sự trao ban, chia sẻ, chúng ta mới tìm được nguồn mạch vui mừng, chúng ta mới cảm nghiệm được ơn cứu độ.
Từ những giải thích trên đây, ĐTC đề cập đến Đại hội Thánh Thể toàn quốc kỳ 5 của Giáo Hội tại Bolivia, được khai mạc hôm nay nhưng sẽ tiến hành tại Tarija. Ngài nói:
“Đó là Bí tích hiệp thông, làm cho chúng ta thoát khỏi cá nhân chủ nghĩa để cùng nhau sống ơn gọi theo Chúa, và làm cho chúng ta xác tín rằng điều chúng ta sở hữu và chính con người của chúng ta, nếu được đón nhận, chúc phúc và dâng hiến, thì nhờ quyền năng của Thiên Chúa, do quyền năng tình thương của Chúa, có thể trở thành bánh cho tha nhân.
Giáo hội là một cộng đoàn tưởng niệm. Vì thế, trung thành với mệnh lệnh của Chúa, được lập lại mỗi lần “Các con hãy làm việc này để nhớ đến Thầy” (Lc 22,19). Giáo Hội hiện tại hóa từ đời nay sang đời kia, nơi mọi góc trên trái đất, mầu nhiệm Bánh Sự Sống. Giáo hội làm cho mầu nhiệm ấy hiện diện và trao tặng chúng ta. Chúa Giêsu muốn chúng ta tham gia vào sự sống của Ngài và qua chúng ta, sự sống ấy hóa ra nhiều trong xã hội chúng ta. Chúng ta không phải là những người cô lập, phân cách, nhưng là một dân tộc có ký ức được hiện tại hóa và luôn được dâng hiến”.
Một cuộc sống tưởng niệm cần những người khác, cần những quan hệ, cần gặp gỡ, cần tình liên đới thực sự, có khả năng đi vào con đường đón nhận, chúc phúc và dâng hiến, theo đường hướng của tình yêu.
Cuối thánh lễ, sau lời cám ơn của Đức Cha Sergio Gualberti Calandrina, TGM sở tại, ĐTC đã trao Thánh Giá truyền giáo cho một số thừa sai.
G. Trần Đức Anh OP