HOÁN CẢI LÀ QUYỆT LIỆT HOÀN TOÀN ĐỔI HƯỚNG CUỘC ĐỜI
Mùa chay bắt đầu với Thứ Tư Lễ Tro là thời gian đặc biệt của việc hoán cải. Hoán cải không phải là sửa đổi lại môt chút nhưng là thay đổi hoàn toàn hướng đi của cuộc sống chúng ta; không chạy theo kiểu sống hời hợt không trung thực hay cái luân lý tầm thường xoàng xĩnh, mà sống độ cao của cuộc đời kitô và tín thác nơi Tin Mừng sống động cụ thể là Đức Giêsu Kitô.
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trong buổi tiếp 8.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trong đại thính đường Phaolô VI sáng thứ tư 17-2-2010.
Vì là Thứ Tư Lễ Tro khai mạc mùa Chay Thánh nên trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã nói về ý nghĩa của mùa Chay là thời gian kéo dài 40 ngày giúp tín hữu chuẩn bị mừng lễ Phục Sinh của Chúa. Trên lộ trình thiêng liêng đó tín hữu không lẻ loi vì có Giáo Hội đồng hành và nâng đỡ ngay từ đầu với Lời Chúa chứa đựng một chương trình cuộc sống thiêng liêng và việc dấn thân sám hối, với ơn thánh của các Bí Tích.
Các lời thánh Phaolô viết trong thư thứ II gửi tín hữu Corintô cống hiến cho tín hữu một khẩu lệnh chính xác: “Chúng tôi khuyên anh em đã lãnh nhận ân huệ của Thiên Chúa, thì đừng để trở nên vô hiệu... Đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ” (2 Cr 6,1-2). Thật ra trong nhãn quan Kitô về cuộc sống mọi lúc đều phải nói được là thuận thiện và mọi ngày đều phải là ngày cứu độ, nhưng phụng vụ Giáo Hội nhắc lại các lời này một cách đặc biệt trong mùa Chay. Chúng ta có thể hiểu được 40 ngày chuẩn bị cho lễ Phục Sinh là thời thuận tiện và là thời gian ân phước trong lời mời gọi, mà lễ nghi bỏ tro hướng tới chúng ta và được diễn tả ra trong phụng vụ với hai công thức: “Hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng”, ”Hãy nhớ ngươi là tro bụi và sẽ trở về bụi tro”.
Thứ nhất là lời mời gọi hoán cải cần phải được tiếp nhận với tất cả sự nghiêm chỉnh ngoại thường của nó, vì nó lột trần và tố cáo kiểu sống hời hợt của chúng ta. Đức Thánh Cha giải thích sự hoán cải như sau:
Hoán cải có nghĩa là đổi hướng trên lộ trình cuộc sống, nhưng không phải là sửa lại một chút, mà việc quay ngược hướng đi trở lại một cách đích thật. Hoán cải là đi ngược dòng, nơi dòng đời là kiểu sống hời hợt, không trung thực và ảo tưởng thường lôi cuốn chúng ta, thống trị chúng ta, biến chúng ta trở thành nô lệ sự dữ hay người tù của sự tầm thường xoàng xĩnh luân lý. Với sự hoán cải, trái lại, chúng ta hướng tới chiều kích cao cả của cuộc sống Kitô và tín thác nơi Tin Mừng sống động là Chúa Kitô Giêsu. Con người của Ngài là đích điểm cuối cùng và ý nghĩa sâu thẳm của sự hoán cải; chính Ngài là con đường mà tất cả được mời gọi bước đi trong cuộc sống bằng cách để cho ánh sáng của Ngài soi chiếu và sức mạnh của Ngài nâng đỡ bước chân chúng ta. Như thế sự hoán cải biểu lộ gương mặt rạng ngời và hấp dẫn nhất của nó: nó không chỉ là một quyết định luân lý đơn sơ uốn thẳng cung cách sống của chúng ta, mà là một lựa chọn của đức tin lôi cuốn chúng ta một cách hoàn toàn vào trong sự hiệp thông thân tình với con người sống động và cụ thể của Chúa Giêsu. Hoán cải và tin vào Tin Mừng không phải là hai điều khác nhau hay trong một cách thế nào đó được đặt liền nhau, mà diễn tả cùng một thực tại. Sự hoán cải là tiếng “xin vâng” hoàn toàn của người trao cuộc sống cho Tin Mừng bằng cách tự do đáp trả lại Chúa Kitô là Đấng đầu tiên đã cống hiến cho con người đường đi, sự thật và sự sống, như là Đấng giải thoát và cứu rỗi con người. Đó chính là ý nghĩa các lời đầu tiên mà theo Phúc âm thánh Marcô, Đức Giêsu bắt đầu rao giảng “Tin Mừng của Thiên Chúa”: “Thời gian đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần: hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15).
Việc hoán cải và tin vào Tin Mừng ấy không chỉ bắt đầu cuộc sống Kitô mà đồng hành với mọi bước đi của nó, tồn tại bằng cách tự canh tân và phổ biến ra trong tất cả mọi kiểu diễn tả của nó. Mỗi ngày đều là lúc thuận tiện và là thời điểm của ơn thánh, vì mỗi ngày khích lệ chúng ta phó mình cho Chúa Giêsu, tin tưởng nơi Người, và ở lại trong Người, chia sẻ kiểu sống của Người, học hỏi nơi Người tình yêu đích thưc, theo Người trong việc chu toàn ý muốn của Thiên Chúa Cha, là luật cao cả duy nhất của cuộc sống. Mỗi ngày, cả khi không thiếu các khó khăn, và mệt nhọc, vất vả và ngã qụy, cả khi chúng ta bị cám dỗ từ bỏ con đường theo Chúa Kitô và khép kín trong chính mình, trong sự ích kỷ của mình, mà không nhận ra sự cần thiết phải rộng mở cho tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Kitô, để sống chính cái luận lý của công bằng và tình yêu thương, mỗi ngày đều là thời điểm thuận tiện của ân sủng.
Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Trong Sứ điệp mùa Chay mới đây tôi đã muốn nhắc lại rằng: “Cần phải khiêm nhường để chấp nhận rằng tôi cần một Đấng Khác giải thoát tôi khỏi “cái tôi” để trao ban cho tôi “cái của Ngài” một cách nhưng không. Điều này đặc biệt xảy ra trong các bí tích Hòa giải và Thánh Thể. Nhờ tình yêu của Chúa Kitô chúng ta có thể bước vào trong sự công chính “lớn lao hơn”, đó là sự công chính của tình yêu” (x.Rm 13,8-10), sự công chính của người trong mọi trường hợp cảm thấy mình mắc nợ hơn là cho vay, vì đã nhận được nhiều hơn điều có thể chờ mong” (Oss. Rom. 5-2-2010, tr. 8).
Thời gian thuận tiện và của ân sủng trong mùa Chay cũng được diễn tả trong câu linh mục nói khi bỏ tro trên đầu tín hữu: “Hãy nhớ con là bụi tro và sẽ trở về bụi tro”. Nó nhắc chúng ta nhớ lại lời Thiên Chúa phán với Adam sau khi Adam phạm tội: “Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về bụi đất” (St 3,19). Ở đây lời Thiên Chúa nhắc cho chúng ta biết sự giòn mỏng của chúng ta, cái chết của chúng ta, là hình thái tột cùng của sự giòn mỏng đó. Đứng trước nỗi sợ hãi bẩm sinh đối với kết cục ấy, và còn sợ hãi hơn nữa trong bối cảnh của một nền văn hóa tìm mọi cách để kiểm soát thực tại và kinh nghiệm của con người đối với cái chết, phụng vụ mùa chay một đàng nhắc cho chúng ta nhớ tới cái chết bằng cách mời gọi chúng ta biết thực tế và khôn ngoan, nhưng đàng khác thúc đẩy chúng ta tiếp nhận và sống sự mới mẻ bất ngờ mà đức tin Kitô cống hiến cho trong chính thực tại của cái chết. Đức Thánh Cha khai triển thêm điểm này như sau:
Con người là đất bụi và sẽ trở về đất bụi, nhưng nó là đất bụi qúy báu đối với con mắt của Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa đã tạo dựng con người và đặt định con người cho sự bất tử. Như thế công thức “Con hãy nhớ mình là bụi đất và sẽ trở về bụi đất” tìm thấy ý nghĩa tràn đầy của nó trong quy chiếu về Adam mới là Chúa Kitô. Chúa Giêsu cũng đã muốn chia sẻ với con người số phận sự giòn mỏng, đặc biệt qua cái chết của Người trên thập giá. Nhưng chính cái chết tràn đầy tình yêu đối với Thiên Chúa Cha và nhân loại là một ân sủng được ban cho tất cả những ai tin nơi Người và được chia sẻ cuộc sống của Thiên Chúa.
Cuộc sống không cùng này đã bắt đầu trong giai đoạn cuộc đời chúng ta trên trần gian này, nhưng sẽ được thành toàn sau “cuộc phục sinh của thịt xác”. Cử chỉ bỏ tro bé nhỏ vén mở cho thấy ý nghĩa đặc biệt phong phú của nó: đó là lời mời gọi bước đi trên lộ trình mùa chay như một cuộc dìm mình ý thức hơn và sâu đậm hơn trong mầu nhiệm phục sinh của Chúa Kitô, trong cái chết và sự sống lại của Người, qua việc tham dự vào bí tích Thánh Thể và cuộc sống bác ái nảy sinh từ Thánh Thể và thành toàn nơi Thánh Thể. Với nghi thức bỏ tro chúng ta canh tân dấn thân theo Chúa Giêsu, để cho mầu nhiệm phục sinh của Người biến đổi hầu chiến thắng sự dữ và làm việc thiện, để cho “con người cũ” gắn liến với tội lỗi của chúng ta chết đi và làm sinh ra “con người mới” được ơn thánh Thiên Chúa biến đổi.
Đức Thánh Cha đã cầu xin Mẹ Maria là Người đầu tiên tin nơi Chúa Kitô, bầu cử và đồng hành với mọi người trong 40 ngày cầu nguyện sám hối sâu đậm này để tất cả được thanh tẩy và đổi mới hoàn toàn trong tâm trí hầu cử hành mầu nhiệm Phục Sinh cao cả của Con Mẹ.
Đức Thánh Cha đã chào các tín hữu bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Croat, Tchèque, Slovac và Ý và cầu chúc tất cả một mùa Chay thánh thiện. Đức Thánh Cha đã đặc biệt xin các anh chị em đau yếu dâng khổ đau của họ để cầu nguyện cho ơn hoán cải những người sống xa Chúa. Rồi ngài cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
Linh Tiến Khải