Hôn nhân và gia
đình trong Tin Mừng Gio-an
Tác giả: Giuse Lê Minh Thông, O.P.
Nội dung
Dẫn nhập
I. “Rượu ngon” trong đời
hôn nhân
II. “Sinh con” và “làm
con”
1. Cơn đau và niềm vui khi sinh con (16,21)
2. Được sinh ra một lần nữa (3,1-8)
3. Sinh ra làm con Thiên Chúa (1,12-13)
III. Gia đình ruột thịt và
gia đình người tin
1. Gia đình mới khai sinh
dưới chân thập giá (19,25-27)
2. Trở thành anh chị em trong gia đình mới
3. Ai là cha, Thiên Chúa hay quỷ? (8,31-44)
Kết luận
Dẫn nhập
Tin
Mừng Gio-an (Tin Mừng) kể về cuộc đời và sứ vụ của Đức Giê-su, vậy có thể nói
gì về “đời sống hôn nhân và gia đình trong Tin Mừng này”? Bài viết tập trung
vào một số đoạn văn để tìm hiểu đề tài trên. Câu hỏi đặt ra từ hai phía: Hôn
nhân và gia đình góp phần thế nào vào sứ vụ và mặc khải của Đức Giê-su? Đức
Giê-su mang lại điều gì thiết thực cho đời sống hôn nhân và gia đình? Phần trình
bày gồm ba mục: (I) “Rượu ngon” trong đời hôn nhân; (II) “Sinh con” và “làm
con”; (III) Gia đình ruột thịt và gia đình người tin.
Các
trích dẫn không có tên sách là của Tin Mừng Gio-an và được lấy trong bản dịch: Giuse Lê Minh
Thông, Bản văn Gio-an, Tin Mừng và ba thư, Hy Lạp – Việt, Nxb. Tôn Giáo, 2011.
Một số từ Hy Lạp được nói đến luôn kèm theo nghĩa tiếng Việt.
I. “Rượu ngon” trong đời
hôn nhân
Tin
Mừng chỉ dùng từ “tiệc cưới” 2 lần (2,1.2) trong dấu lạ đầu tiên tại Ca-na
(2,1-12). Câu chuyện mở đầu ở 2,1-2: “1 Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Ca-na miền
Ga-li-lê, và thân mẫu Đức Giê-su ở đó. 2 Đức Giê-su và các môn đệ của Người
cũng được mời đến tiệc cưới.” Hai câu này giới thiệu các nhân vật của trình thuật:
thân mẫu, Đức Giê-su và các môn đệ. Bản văn không giới thiệu cô dâu, chú rể,
cũng không kể về diễn tiến tiệc cưới mà đi vào vấn đề chính: “hết rượu” ở 2,3:
“Vì thiếu rượu, thân mẫu Đức Giê-su nói với Người: ‘Họ không có rượu nữa’.” Sau
khi Đức Giê-su làm dấu lạ: 6 chum đầy nước (tất cả khoảng 600 lít) hoá thành rượu
ngon, người quản tiệc gọi chú rể và nói: “Mọi người đãi rượu ngon trước, và khi
khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh giữ rượu ngon đến bây giờ”
(2,10). Trình thuật kết luận trong câu tiếp theo 2,11: “Đức Giê-su đã làm dấu lạ
đầu tiên này tại Ca-na, miền Ga-li-lê, Người đã tỏ vinh quang của Người, và các
môn đệ của Người đã tin vào Người.” Khung cảnh tiệc cưới trở thành nơi Đức
Giê-su “bày tỏ vinh quang” và các môn đệ đã nhận ra và “đã tin vào Người”
Đoạn
Tin Mừng này thường đọc trong lễ cưới với nhiều ý nghĩa. Trước hết sự hiện diện
của thân mẫu, Đức Giê-su và các môn đệ cho thấy tầm quan trọng của tiệc khởi đầu
đời sống hôn nhân. Các ngài hiện diện để chia sẻ niềm vui, giúp đỡ và nhất là
giải quyết vấn đề khó khăn: “hết rượu”. Liệu tiệc cưới ngày nay còn cảm nhận được
sự hiện diện quý báu của thân mẫu, Đức Giê-su các môn đệ không? Hôn nhân ngày
nay có thể gặp những khó khăn như thiếu tình yêu, thiếu quảng đại, thiếu hiểu
biết, không thể tha thứ và đón nhận nhau... đó là dấu chỉ “hết rượu” trong đời
hôn nhân.
Theo
lời ông quản tiệc, người ta thường đãi “rượu ngon” trước, “rượu xoàng” sau,
nhưng theo mạch văn thì rượu đãi trước trong tiệc cưới (giả thiết là rượu ngon)
thì trở thành “rượu xoàng” khi so với “rượu hảo hạng” Đức Giê-su ban tặng cách
dồi dào. Mạch văn cho phép hiểu, khả năng của con người chỉ làm được từ “rượu
xoàng” đến “rượu xoàng hơn” để đãi nhau. Nếu đời hôn nhân mà không có “rượu
ngon” thì nguy cơ đổ vỡ có thể xảy ra. Để đời sống hôn nhân và gia đình luôn được
tươi mới bằng thứ “rượu hảo hạng” và không sợ “hết rượu” thì cần có sự hiện diện
của thân mẫu và của Đức Giê-su. Nhất là nhận ra “vinh quang” của Người và “tin
vào” Người. Với thứ “rượu chất lượng cao” Đức Giê-su ban tặng, vợ chồng có thể
vượt qua những khó khăn thử thách trong đời hôn nhân và đứng vững trước những
tác động tiêu cực đến từ bên trong cũng như bên ngoài.
Đức
Giê-su khởi đầu sứ vụ công khai tại tiệc cưới, và giới thiệu với mọi người thứ
“rượu mới” (so với Cựu Ước) có thể mang lại niềm vui đích thực cho đời sống hôn
nhân. Tiếp theo Người dùng hình ảnh “sinh con” và “làm con” để nói về hành
trình của người môn đệ.
II. “Sinh con” và “làm
con”
Diễn
tả thần học qua kinh nghiệm đời sống gia đình: “sinh con” và “làm con” là điểm
độc đáo của Tin Mừng Gio-an. Đề tài này được trình bày qua 3 mục: (1) Cơn đau
và niềm vui khi sinh con (16,21); (2) Được sinh ra một lần nữa (3,1-8); (3)
Sinh ra làm con Thiên Chúa (1,12-13).
1. Cơn đau và
niềm vui khi sinh con (16,21)
Hình
ảnh người phụ nữ sinh con là giai đoạn tiếp theo sau tiệc cưới với nỗi lo và niềm
vui của đời sống hôn nhân và được so sánh với nỗi buồn và niềm vui của các môn
đệ. Trước khi bước vào cuộc Thương Khó, Đức Giê-su nói với họ ở 16,21-22: “22
Người đàn bà khi sinh con thì lo buồn vì giờ của mình đã đến; nhưng sinh con rồi
thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, vì niềm vui là một con người đã được
sinh ra trong thế gian. 22 Anh em cũng vậy, bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy
sẽ lại thấy anh em, và lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không
ai lấy khỏi anh em được.” Sinh con là biến cố quan trọng trong đời người phụ nữ,
lo lắng trước khi sinh và niềm vui của đại gia đình khi “mẹ tròn con vuông”.
Tương phản giữa “lo lắng” trước và “vui mừng” sau khi sinh con được so
sánh với nỗi buồn của các môn đệ khi Đức Giê-su bước vào cuộc Thương Khó và niềm
vui của họ khi gặp lại Đức Giê-su Phục Sinh. Đức Giê-su sẽ bị người ta giết chết
và các môn đệ sẽ bị bách hại, nhưng Đức Giê-su hứa là “nỗi buồn của anh em sẽ
trở thành niềm vui” (16,20a), đó là niềm vui của người mẹ đã sinh con, vui vì
“một con người đã được sinh ra trong thế gian” (16,21b). Đối với các môn đệ, có
Đức Giê-su Phục Sinh ở với mình là niềm vui lớn lao và bền bỉ. Đó là niềm vui
không ai lấy khỏi các môn đệ được (16,22c).
Qua
so sánh hình ảnh người mẹ sinh con với hành trình người môn đệ, Đức Giê-su đề
cao vai trò người mẹ, như thể chính các môn đệ cũng đang trải qua tiến trình
sinh nở, phải trải qua đau đớn mới đạt tới niềm vui đích thực. Hình ảnh cưu
mang và sinh nở còn áp dụng cho tất cả mọi công trình, mọi hoạt động của con
người. Cưu mang công trình xây dựng, công trình nghiên cứu có thể kéo dài nhiều
tháng đến nhiều năm, và hoàn thành được hay không vẫn còn ở phía trước. Có thể
ví cuộc đời người môn đệ là một chuỗi cưu mang và sinh nở. Khác với những công
trình trần thế có thể “gãy gánh dọc đường”, Đức Giê-su hứa cho những ai tin vào
Người rằng, những nỗi đau trong hiện tại chắc chắn sẽ kết thúc trong niềm vui.
Ước mong hình ảnh người phụ nữ sinh con trở thành biểu tượng và nguyên tắc sống
cho đời sống hôn nhân và gia đình và nhất là đời người tin. Trong mọi khó khăn
thử thách, sự hiện diện của Đức Giê-su là niềm vui lớn lao, sâu xa và bền bỉ.
Đặc
biệt Đức Giê-su ban “niềm vui” và “bình an” cho các môn đệ ngay lúc họ đang xao
xuyến và sợ hãi. Đức Giê-su nói với các môn đệ ở 14,27-28a: “27 Thầy để lại
bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Không như thế gian
ban mà chính Thầy ban cho anh em. Lòng anh em đừng xao xuyến, đừng sợ hãi. 28a
Anh em đã nghe chính Thầy đã nói với anh em: ‘Thầy ra đi và Thầy đến với anh
em.’” Đức Giê-su phân biệt rõ “bình an của thế gian” và “bình an của Người” là
thứ bình an có khả năng vượt qua và vượt lên trên “xao xuyến” và “sợ hãi” trong
hiện tại. Thứ bình an ấy được bảo đảm bằng chính sự hiện diện của Đức Giê-su:
“Thầy đến với anh em” (14,28a).
Lắng
nghe và đón nhận giáo huấn Đức Giê-su làm cho niềm vui của Người ở lại nơi các
môn đệ, đó là niềm vui trọn vẹn như Đức Giê-su đã nói với họ ở 15,11: “Các điều
ấy, Thầy đã nói với anh em để niềm vui của Thầy ở trong anh em và niềm vui của
anh em được trọn vẹn.” “Các điều ấy” là những gì Đức Giê-su đã nói trước đó, cụ
thể là mặc khải về “tương quan giữa tình yêu”, “ở lại trong tình yêu” và “giữ
các điều răn” (15,9-10); mặc khải về “người trồng nho”, “cây nho” và “cành nho”
(15,1-8). Trong bối cảnh rộng hơn là mặc khải trong ch. 13 – 14 và đối với độc
giả hôm nay, “các điều ấy” gợi đến toàn bộ giáo huấn của Đức Giê-su trong Tin Mừng.
Đó là những lời ban sự sống, lời đem lại bình an và niềm vui đích thực.
Tóm
lại, niềm vui có hai chiều kích: (1) Niềm vui theo dòng thời gian (trước và
sau) là niềm vui của người mẹ sau khi sinh con (buồn trước, vui sau). Niềm vui
này đề cao biến cố Thương Khó và Phục Sinh là biến cố nền tảng trong đời sống
các môn đệ, biến cố mang lại niềm vui đích thực. (2) Chiều kích thứ hai là niềm
vui và bình an được ban xuống từ trên, đó là niềm vui và bình an ngay trong lúc
đang gặp thử thách. Nghĩa là bình an và niềm vui của Đức Giê-su không làm biến
mất gian nan khốn khó, nhưng có khả năng làm cho các môn đệ đứng vững và vượt
qua thử thách. (Xem Giuse Lê Minh
Thông, Khủng hoảng và giải pháp cho các môn đệ trong Tin Mừng thứ tư, Hà Nội,
nxb. Tôn Giáo, 2010, tr. 226-253; xem bài viết về đề tài này tại: http://leminhthongtinmunggioan.blogspot.com).
Qua
hình ảnh nỗi buồn và niềm vui của người mẹ sinh con, đời sống hôn nhân và gia
đình ví như những cuộc cưu mang và sinh nở không ngừng, nghĩa là luôn đối diện
với những khó khăn, bấp bênh, mong manh. Nguy cơ hôn nhân đổ vỡ, xung đột gia
đình vẫn còn đó. Giữa mây mù, bão tố làm sao có thể đứng vững và vượt qua? Tin
Mừng mở ra con đường cho những ai muốn nếm hưởng bình an và niềm vui sâu xa, trọn
vẹn và bền bỉ. Con đường đó là mở lòng ra đón nhận quyền năng và tình yêu của Đức
Giê-su, bước vào tương quan với Người, lắng nghe và sống giáo huấn của Người,
tin vào Người, xác tín Người đồng hành với ta trong gian nan thử thách. Lời cuối
cùng Đức Giê-su nói với các môn đệ trước khi bước vào cuộc Thương Khó vừa là lời
động viên, vừa là lời hứa chiến thắng mọi thử thách trong đời người môn đệ cũng
như đời sống hôn nhân và gia đình: “Trong thế gian, anh em có sự khốn khó,
nhưng anh em hãy can đảm, chính Thầy đã thắng thế gian” (16,33b).
2. Được sinh
ra một lần nữa (3,1-8)
Ai
trong chúng ta cũng được sinh ra bởi một người mẹ, nhưng để có thể thưởng thức
thứ “rượu ngon”, trong niềm vui và bình an đích thực, thì cần được sinh ra một
lần nữa. Đức Giê-su mặc khải cho Ni-cô-đê-mô ở 3,3: “A-men, a-men, Tôi nói cho
ông: Nếu ai không được sinh ra một lần nữa (anothen), thì không thể thấy vương
quốc Thiên Chúa.” Đức Giê-su dùng tính từ Hy Lạp “anothen”, từ này có hai
nghĩa: “một lần nữa” và “bởi trên”, Ni-cô-đê-mô hiểu theo nghĩa sinh ra “một lần
nữa” nên hỏi lại: “Làm sao một người có thể được sinh ra khi đã già? Chẳng lẽ
có thể trở vào lòng mẹ của mình lần thứ hai để được sinh ra sao?” (3,4) Đây là
kỹ thuật hành văn hiểu lầm khi mặc khải của Đức Giê-su dị nghĩa, gây thắc mắc.
Nhờ câu hỏi của nhân vật trong trình thuật, Đức Giê-su có dịp mặc khải ý nghĩa
lời của Người. Kiểu hành văn hiểu lầm làm nổi bật tư cách mặc khải của Đức
Giê-su ở 3,5: “A-men, a-men, Tôi nói cho ông: Nếu ai không được sinh ra bởi nước
và Thần Khí, thì không thể bước vào vương quốc Thiên Chúa.” Trong mạch văn,
“sinh ra bởi nước và Thần Khí” là đón nhận sự sống mới Đức Giê-su ban tặng nhờ
tin vào Người.
Khi
tin vào Đức Giê-su chúng ta đã được sinh ra “một lần nữa”, sinh ra “bởi trên”,
liệu các thành viên trong gia đình có chính mình được sinh ra “một lần nữa” để
“vào vương quốc Thiên Chúa” (3,5) không? Các bậc cha mẹ đã sinh con về thể lý,
được mời gọi lo lắng để con mình được sinh ra một lần nữa trong niềm tin.
3. Sinh ra
làm con Thiên Chúa (1,12-13)
Con
cái là thành phần của đời sống gia đình. Lời tựa Tin Mừng nói đến mục đích là
làm cho mọi người tin trở thành con cái Thiên Chúa. Tác giả viết ở 1,12-13: “12
Nhưng những ai đã đón nhận Người [Lời, Logos], Người cho họ quyền trở nên con
Thiên Chúa. Họ là những người tin vào danh của Người. 13 Họ được sinh ra không
bởi khí huyết, cũng không bởi ước muốn của người phàm, cũng không bởi ước muốn
của đàn ông, nhưng bởi Thiên Chúa.” Ở đây, “quyền trở nên con Thiên Chúa” dành
cho những ai “đón nhận” “Lời (Logos) trở thành người phàm” (1,14a) là Đức
Giê-su. Như thế Tin Mừng dùng hình ảnh “con cái” trong gia đình để nói về “con
cái” Thiên Chúa. Con cái trong gia đình được cha mẹ sinh ra, còn con cái Thiên
Chúa thì được sinh ra bởi Thiên Chúa nhờ tin vào Đức Giê-su. Người tin có Thiên
Chúa là Cha, tuy nhiên điều này còn lệ thuộc vào hành động và lựa chọn cụ thể
(xem “III.3. Ai là cha, Thiên Chúa hay quỷ?”).
III. Gia đình ruột thịt và
gia đình người tin
Qua
hình ảnh gia đình, Tin Mừng xây dựng gia đình mới trong niềm tin. Điều này sẽ
trình bày qua ba mục: (1) Một gia đình mới khai sinh dưới chân thập giá; (2) Trở
thành anh chị em trong gia đình mới; (3) Ai là cha? Thiên Chúa hay quỷ? (Ga
8,31-44).
1. Gia đình mới
khai sinh dưới chân thập giá (19,25-27)
Những
gì xảy ra dưới chân thập giá có ý nghĩa thần học đặc biệt quan trọng. Người thuật
chuyện kể ở 19,25-27: “25 Vậy đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu của Người
và chị của thân mẫu Người, Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát và Ma-ri-a Mác-đa-la. 26
Khi Đức Giê-su thấy thân mẫu và môn đệ đứng bên cạnh, – môn đệ Người yêu mến –,
Người nói với thân mẫu: ‘Thưa bà, đây là con của bà.’ 27 Rồi Người nói với môn
đệ: ‘Đây là mẹ của anh.’ Và kể từ giờ đó, người môn đệ đón nhận mẹ về nhà
mình.”
Tên
riêng thân mẫu Đức Giê-su: “Ma-ri-a” không xuất hiện trong Tin Mừng Gio-an. Tin
Mừng này chỉ dùng cách gọi: “thân mẫu” của Đức Giê-su (10 lần: 2,1.3.5.12;
6,42; 19,25a.25b.26a.26b.27). Điều này đề cao chức năng làm mẹ trong tương quan
với con mình là Đức Giê-su. Thân mẫu Đức Giê-su chỉ xuất hiện hai lần trong Tin
Mừng: ở đầu Tin Mừng trong tiệc cưới Ca-na và ở cuối Tin Mừng dưới chân thập
giá.
Đức
Giê-su gọi Mẹ của Người là “gunê” (bà, người nữ) ở tiệc cưới Ca-na (2,4) và dưới
chân thập giá (19,26). Kiểu xưng hô này gợi đến “người đàn bà” trong lời Đức
Chúa phán với con rắn ở đầu sách Sáng thế: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người
đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu
mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3,15). Như thế, thân mẫu Đức Giê-su, đại diện
dân Ít-ra-en, thừa hưởng lời Đức Chúa đã hứa. Mẹ giới thiệu Con của Mẹ ở đầu
Tin Mừng (tiệc cưới Ca-na), Con của Mẹ giới thiệu cho Mẹ một người con khác là
môn đệ Người yêu mến vào cuối Tin Mừng (lúc Người hấp hối trên thập giá). Qua
đó, Đức Giê-su thiết lập gia đình mới gồm những kẻ tin vào Người. Một gia đình
mà Người yêu mến những kẻ thuộc về Người cho đến cùng (về thời gian), cho đến tột
cùng (về mức độ): hy sinh mạng sống mình vì đàn chiên. Từ nay, tương quan gia
đình ruột thịt (Đức Giê-su và thân mẫu Người) được mở rộng thành tương quan gia
đình người tin.
Lời
trăng trối của Đức Giê-su với thân mẫu: “Thưa bà, đây là con của bà” (19,26b)
và với môn đệ Người yêu mến: “Đây là mẹ của anh” (19,27a) được trình bày
theo lối văn mặc khải thần học. Đức Giê-su mặc khải cho thân mẫu sứ vụ làm mẹ
môn đệ Người yêu mến, và mặc khải cho người môn đệ này tư cách làm con thân mẫu
của Người. Mối tương quan mới trong tư cách “làm mẹ” và “làm con” khai sinh cộng
đoàn Hội Thánh qua chi tiết: “Và kể từ giờ đó, người môn đệ đón nhận (elaben)
bà về nhà mình” (19,27b). Không phải thân mẫu đón nhận người môn đệ về nhà thân
mẫu mà là người môn đệ Đức Giê-su yêu mến đón nhận thân mẫu về nhà mình. Động từ
“lambanô” (đón nhận, nhận lấy, tiếp đón) ở 19,27b vừa diễn tả nối kết giữa dân
Ít-ra-en với cộng đoàn các môn đệ Đức Giê-su, vừa diễn tả sự mới mẻ và đứt
đoạn với Cựu Ước. Cộng đoàn người tin trở thành nơi đón nhận ơn cứu độ và sự sống
đời đời, nơi nhận biết Thiên Chúa và bước vào tương quan với Người.
Như
thế lời hứa cứu độ của Đức Chúa dành cho toàn thể nhân loại nói chung và dành
cho dân Ít-ra-en nói riêng đã được thực hiện trong sự kiện thân mẫu Đức Giê-su
hội nhập vào cộng đoàn môn đệ Đức Giê-su mà đại diện là môn đệ Đức Giê-su yêu mến.
Trước khi rời khỏi thế gian về với Cha, qua lời trăng trối, Đức Giê-su thiết lập
gia đình mới là cộng đoàn Hội Thánh. (Xem Giuse Lê Minh
Thông, Người môn đệ Đức Giê-su yêu mến trong Tin Mừng thứ tư là ai?, Nxb.
Phương Đông, 2010, tr. 234-139). Ước mong các thành viên trong gia
đình ruột thịt họ hàng thực sự bước vào gia đình mới trong lòng tin, có thân mẫu
Đức Giê-su là mẹ, có Thiên Chúa là cha, có Đức Giê-su là anh, và mọi người tin
trở thành anh chị em với nhau.
2. Trở thành
anh chị em trong gia đình mới
Tin
Mừng dùng từ “adelphos” (anh em), và “adelphê” (chị em), để nói về quan hệ ruột
thịt, họ hàng, cũng như tương quan anh chị em trong cộng đoàn người tin. Phần
này sẽ trình bày 3 điểm: (1) Anh chị em ruột thịt, họ hàng; (2) Trở thành anh
em của Đức Giê-su; (3) Người tin là anh chị em với nhau.
(1)
Trong tương quan anh, chị, em, tiếng Hy Lạp không phân biệt tuổi tác lớn (anh,
chị) hay nhỏ (em), có thể dựa theo truyền thống Kinh Thánh, em thường nổi bật
hơn anh (Ca-in – A-ben; E-sau – Gia-cóp; Đa-vít là em út…) để gọi An-rê là
“anh” và Si-mon Phê-rô là “em”. Từ “adelphos” được dùng để nói về hai anh em
An-rê và Phê-rô (1,40.41; 6,8), và nói về “anh em của Đức Giê-su” (2,12;
7,3.5.10). Về gia đình ba chị em ở làng Bê-ta-ni-a, bản văn dùng từ “adelphos”
(giống đực) để nói về La-da-rô (11,2.19.21.23.32) và từ “adelphê” (giống cái) để
nói về hai chị em Mác-ta và Ma-ri-a (11,1.3.5.28.39).
Câu
chuyện La-da-rô mở đầu ở 11,1: “Có một người bệnh là La-da-rô ở Bê-ta-ni-a,
làng của Ma-ri-a và Mác-ta, chị của cô ấy.” Đức Giê-su yêu mến ba chị em gia
đình này (11,5) nhưng không đến cứu La-da-rô khỏi bệnh (11,6). Và điều gì phải
đến đã đến, La-da-rô đã chết 4 ngày (11,39), Đức Giê-su mới tới thăm gia đình.
Người không đến cứu La-da-rô để mặc khải cho mọi người biết rằng chết thể lý là
thân phận làm người, sứ vụ của Đức Giê-su không phải cứu con người khỏi chết về
thể lý. Việc Đức Giê-su gọi La-da-rô ra khỏi mồ (11,43) không đề cao sự sống thể
lý mà là dấu chỉ về sự chết và sự sống lại của Đức Giê-su. Dấu lạ này nhằm
minh chứng lời Đức Giê-su mặc khải cho Mác-ta ở 11,25-26a: “Chính Thầy là sự sống
lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, dù đã chết cũng sẽ được sống, 26a và tất cả
những ai sống và tin vào Thầy, muôn đời sẽ không chết.” Qua gia đình ba chị em,
Đức Giê-su bày tỏ tình yêu của Người đến tất cả mọi gia đình và Người đem đến
cho người tin điều lớn lao hơn cả việc sống lại về thể lý: Bất kỳ ai tin vào Đức
Giê-su thì ngay bây giờ đã có sự sống đời đời rồi. Liệu gia đình người tin hôm
nay có tin và cảm nhận sự sống đời đời Đức Giê-su ban tặng nơi mình không? Sự sống
mới này làm cho người tin trở thành “anh em của Đức Giê-su” và “anh chị em với
nhau”.
(2)
Trong sứ vụ công khai, Đức Giê-su gọi những ai tin vào Người là “môn đệ”
(13,35), là “bạn hữu” (15,14.15), chỉ sau khi Phục Sinh (20,17), Người mới gọi
các môn đệ là “anh em” (adelphos). Đức Giê-su nói với Ma-ri-a ở 20,17: “Đừng giữ
Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Cha. Nhưng hãy đi đến với anh em (adelphous) của
Thầy và nói với họ: ‘Thầy lên cùng Cha của Thầy cũng là Cha của anh em (humôn),
Thiên Chúa của Thầy cũng là Thiên Chúa của anh em (humôn)’.” Câu này có 3 lần từ
“anh em” trong tiếng Việt, nhưng chỉ lần đầu tiên dùng từ “adelphos” (anh em)
còn hai lần sau là đại từ ngôi thứ 2 số nhiều: “humôn” (của anh em). Danh từ
“adelphos” ở 20,17 có ý nghĩa thần học. Sau khi được tôn vinh, Đức Giê-su đưa
các môn đệ vào trong tương quan mới mẻ với Người và với Cha của Người. Từ nay
các môn đệ trở thành anh em của Đức Giê-su và có cùng Cha và cùng Thiên Chúa với
Đức Giê-su.
Dầu
vậy, Đức Giê-su vẫn phân biệt “Thiên Chúa của Thầy” và “Thiên Chúa của anh em”;
“Cha của Thầy” và “Cha của anh em” (20,17). Đức Giê-su không nói “Thiên Chúa của
chúng ta”. Kiểu nói trên nhấn mạnh sự khác biệt giữa cương vị của Đức Giê-su là
Con Một Thiên Chúa (1,18), và vị trí của các môn đệ. Đức Giê-su khác với các
môn đệ vì Người có nguồn gốc từ trời (6,38) và Người hiệp thông nên một với
Chúa Cha (10,30; 14,11). Đồng thời Người là đối tượng niềm tin của các môn đệ.
Vì thế, các môn đệ là anh em của Đức Giê-su, nhưng không trên cùng một bình diện.
Điều lớn lao là Đức Giê-su làm cho các môn đệ trở thành anh em của Người và như
thế mọi người tin là anh chị em với nhau.
(3)
Cuối Tin Mừng (21,23) cộng đoàn người tin được gọi là anh em (adelphos). Cách
xưng hô này được người thuật chuyện nói đến khi nói về thân phận người môn đệ Đức
Giê-su yêu mến. Khi Phê-rô hỏi Đức Giê-su về người môn đệ này (21,21b), Đức
Giê-su trả lời: “Nếu Thầy muốn anh ấy ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến
anh? Phần anh, anh hãy theo Thầy” (21,22). Người thuật chuyện cho biết ở 21,23:
“Vậy có lời đồn giữa anh em (adelphous) là người môn đệ ấy không chết. Nhưng Đức
Giê-su đã không nói với ông ấy là ‘Anh ấy không chết’, mà là ‘Giả như Thầy muốn
anh ấy ở lại cho tới khi Thầy đến [, thì việc gì đến anh?]’” Trong bối cảnh sau
Phục Sinh, cộng đoàn người tin trở thành anh chị em với nhau (adelphos). Từ
hình ảnh anh chị em trong gia đình ruột thịt, Tin Mừng Gio-an xây dựng tương
quan anh em mới mẻ trong niềm tin và trong tự do.
3. Ai là cha,
Thiên Chúa hay quỷ? (8,31-44)
Dấn
thân làm con cái Thiên Chúa, làm anh em của Đức Giê-su và làm anh chị em với
nhau là quyết định hoàn toàn tự do. Nghĩa là các môn đệ có thể quyết định thôi
không theo Đức Giê-su nữa, điều này đã xảy ra trong Tin Mừng. Sau khi Nghe diễn
từ về bánh sự sống, “nhiều môn đệ của Người bỏ đi và không còn đi với Người nữa”
(6,66). Tự do quyết định, theo hay không theo Đức Giê-su, vừa đề cao sự dấn
thân của các môn đệ, vừa cho thấy đó là lựa chọn không bị ép buộc hay bị áp lực.
(Xem, Giu-se Lê
Minh Thông, Tình yêu và tình bạn trong Ga 15,9-17, Nxb. Phương Đông, 2010, tr.
257-261).
Hơn
nữa, tư cách “môn đệ Đức Giê-su”, tư cách “con cái Thiên Chúa” còn được xác định
qua hành động và lựa chọn cụ thể trong cuộc sống. Câu hỏi đặt ra cho những
người Do Thái trong đoạn văn Ga 8,31-44: ai thực sự là cha, Thiên Chúa hay quỷ?
cũng là câu hỏi đặt ra cho tất cả mọi người.
Tranh
luận trong đoạn văn Ga 8,31-44 nhằm làm rõ ai là cha thực sự của những người Do
Thái. Trong đoạn văn này họ khẳng định là con cháu Áp-ra-ham và có Thiên Chúa
là Cha, nhưng không phải thế. Tại sao? Trước hết, họ nói với Đức Giê-su: “Cha của
chúng tôi là Áp-ra-ham” (8,39a), nhưng Đức Giê-su phủ nhận điều này khi nói với
họ: “39b Nếu các ông là con cái Áp-ra-ham, các ông đã làm những việc của
Áp-ra-ham. 40 Nhưng bây giờ các ông tìm giết Tôi, là người đã nói cho các ông sự
thật mà Tôi đã nghe nơi Thiên Chúa. Điều đó, Áp-ra-ham đã không làm. 41a Còn
các ông, các ông làm những việc của cha các ông” (8,39b-41a). Từ “cha” trong
câu này nói về ai? Ở đây chưa có câu trả lời. Những người Do Thái nói tiếp:
“Chúng tôi không phải là con đẻ hoang. Chúng tôi chỉ có một Cha là Thiên Chúa”
(8,41b). Nhưng Đức Giê-su cũng phủ nhận lời này ở 8,42: “Nếu Thiên Chúa là Cha
các ông, các ông đã yêu mến Tôi, vì chính Tôi phát xuất và đến từ nơi Thiên
Chúa. Tôi không tự mình mà đến, nhưng chính Đấng ấy đã sai Tôi.”
Như
vậy, cha của họ không phải là Áp-ra-ham, cũng chẳng phải là Thiên Chúa. Đức
Giê-su cho biết ai là cha của họ ở 8,44: “Các ông thuộc về quỷ là cha các ông,
và các ông muốn làm những ước muốn của cha các ông. Ngay từ đầu, nó đã là kẻ
sát nhân, và nó đã không đứng về phía sự thật, vì sự thật không ở trong
nó. Khi nó nói, nó nói theo bản tính của nó là sự gian dối, vì nó là kẻ nói dối,
và là cha của sự gian dối.” Tại sao họ lại có cha là quỷ trong khi trên “giấy tờ”
họ là con cháu Áp-ra-ham (8,33.39) và có Cha là Thiên Chúa (8,41b) và họ khẳng
định như thế? Điều làm cho họ mất tư cách con cháu Áp-ra-ham và có Thiên Chúa
là Cha là vì hành động cụ thể của họ: không tin vào Đức Giê-su và đang tìm giết
Người (8,37.40). Chính hành động thù nghịch với Đức Giê-su làm cho họ trở thành
những người có cha là quỷ. Điều trớ trêu là họ không còn có Cha là Thiên Chúa nữa
mà họ không biết.
Câu
hỏi đặt ra cho những người được gọi là “con cái Thiên Chúa” là họ còn thực sự
có Cha là Thiên Chúa hay không? Câu trả lời ở nơi lựa chọn và hành động trong
cuộc sống thường ngày. Vấn đề thuộc về ai, “thuộc về Đức Giê-su” hay “thuộc về
thế gian”, “thuộc về sự thật” hay “thuộc về sự dối trá”, “thuộc về Cha là Thiên
Chúa” hay “thuộc về cha là quỷ” vẫn là thách đố và là lời chất vấn mọi người
tin trong lựa chọn hằng ngày.
Kết luận
Đề
tài hôn nhân và gia đình trong Tin Mừng được đề cao qua từ ngữ: “tiệc cưới”,
“sinh con”, “làm con”, cùng với các tương quan trong gia đình như “mẹ – con”,
“cha – con”, “anh chị em ruột thịt”, “anh chị em họ”... Tin Mừng đề cao
những hình ảnh đẹp về hôn nhân và gia đình qua sự hiện diện của thân mẫu Đức
Giê-su, chính Đức Giê-su và các môn đệ ở tiệc cưới Ca-na; qua việc dấn thân làm
môn đệ của hai anh em An-rê và Si-môn; qua tương quan tình bạn và tình yêu giữa
gia đình ba chị em ở Bê-ta-ni-a và Đức Giê-su; qua sự hiện diện của thân mẫu,
chị của thân mẫu dưới chân thập giá Đức Giê-su.
Từ
hình ảnh hôn nhân và gia đình trần thế, Tin Mừng xây dựng gia đình người tin với
những từ ngữ: sinh ra một lần nữa để làm con Thiên Chúa, tin vào Đức Giê-su để
trở thành anh em của Người, trở thành con cái cùng một Cha. Từ nay mọi người
tin trở thành anh chị em với nhau, anh em của Đức Giê-su, cùng nhau sống sự sống
mới, sự sống đích thực Đức Giê-su ban tặng. Sự sống này được diễn tả bằng thứ
“rượu ngon hảo hạng” như trong tiệc cưới Ca-na; bằng niềm vui bền bỉ và bình an
sâu xa để đứng vững và vượt qua thử thách; bằng tình liên đới, tình yêu và tình
bạn với Đức Giê-su và với nhau.
Tuy
vậy, hành trình “làm con cái Thiên Chúa”, “làm anh em với Đức Giê-su” và “làm
anh chị em với nhau” vẫn luôn là thách đố qua lựa chọn và quyết định hằng ngày.
Tin Mừng mời gọi mọi thành viên trong gia đình mới sống và hành động theo giáo
huấn của Đức Giê-su, thuộc về sự thật và làm theo sự thật, tin vào Đức Giê-su
và tin vào quyền năng của Người. Điều này cần được thể hiện qua đời sống cụ thể
hằng ngày.
Bài
viết này không thể trình bày hết các trình thuật liên quan đến hôn nhân và gia
đình trong Tin Mừng, chẳng hạn Gio-an Tẩy Giả nói về “chú rể” và “bạn của chú rể”
(3,29-30); dấu lạ thứ hai ở Ca-na là hành trình của người cha tìm cách cứu sống
con mình (4,43-54) với phần kết: “Ông ấy và cả nhà của ông đã tin” (4,53b).
Hình ảnh hôn nhân và gia đình hiển nhiên giữ vai trò quan trọng trong sứ vụ của
Đức Giê-su. Đồng thời, Đức Giê-su đem lại quà tặng lớn lao và ý nghĩa đích thực
cho đời sống hôn nhân và gia đình trần thế./.
Blog: http://leminhthongtinmunggioan.blogspot.com/
Email: josleminhthong@gmail.com
Ngày 14-01-2015
Nguồn: http://leminhthongtinmunggioan.blogspot.co.il/2015/01/hon-nhan-va-gia-inh-trong-tin-mung-gio_14.html