Ga 21,20-25. Vận
Mệnh, Bút Tích Và
Lời Chứng Của Người Môn Đệ Đức Giê-Su Yêu Mến
Nội dung
I. Bản văn Ga 21,20-25
II. Bối cảnh và cấu trúc Ga 21
III. Phân tích
1. Người môn đệ Đức
Giê-su yêu mến
2. Ý muốn của Đức
Giê-su về môn đệ Người yêu mến
3. Bút tích và lời chứng
của người môn đệ Đức Giê-su yêu mến
IV. Kết luận
***
I. Bản văn Ga 21,20-25
Trích dẫn Ga 21,20-25 dưới đây lấy
trong Bản văn Gio-an, TIN MỪNG và BA THƯ, Hy Lạp – Việt.
20 Phê-rô quay lại, thấy môn đệ – người
Đức Giê-su yêu mến – đi theo sau; ông này là người, trong bữa ăn tối,
đã nghiêng mình vào ngực của Người và nói: “Thưa Thầy, ai là kẻ nộp Thầy?” 21
Khi thấy người này, Phê-rô nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, còn anh này thì
sao?” 22 Đức Giê-su nói với ông ấy: “Nếu Thầy muốn anh ấy ở lại cho tới khi Thầy
đến, thì việc gì đến anh? Phần anh, anh hãy theo Thầy.” 23 Vậy có lời đồn giữa
anh em là người môn đệ ấy không chết. Nhưng Đức Giê-su đã không nói với ông ấy
là “Anh ấy không chết”, mà là “Giả như Thầy muốn anh ấy ở lại cho tới khi
Thầy đến [, thì việc gì đến anh?]” 24 Chính môn đệ này là người làm chứng về những điều
đó và là người đã viết những điều đó, và chúng tôi biết rằng lời
chứng của người ấy là xác thực. 25 Còn có nhiều điều khác Đức Giê-su đã
làm, nếu viết lại từng điều một, tôi thiết nghĩ cả thế gian cũng không chứa nổi
các sách được viết ra.
II. Bối cảnh và cấu trúc Ga 21
Ga 21 được xem là do soạn giả (le
rédacteur) sách Tin Mừng Gio-an viết và thêm vào sau. Soạn giả viết kết luận thứ
hai (21,24-25) trong khi sách Tin Mừng đã có kết luận thứ nhất ở cuối chương 20
(20,30-31). Ga 21 trình bày tương quan giữa Đức Giê-su với hai khuôn mặt nổi bật
của cộng đoàn Gio-an (Johannine community): Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức
Giê-su yêu mến. Toàn bộ ch. 21 được cấu trúc thành 4 tiểu đoạn:
(1) 21,1-14. Đức Giê-su Phục Sinh tỏ mình
lần thứ ba trên bờ biển hồ Ti-bê-ri-a. Hai nhân vật chính của câu chuyện là
Si-môn Phê-rô và môn đệ Đức Giê-su yêu mến. Hai nhân vật này sẽ được bàn đến
trong các tiểu đoạn tiếp theo.
2) 21,15-19. Đức Giê-su hỏi Phê-rô ba lần
về tình yêu của ông dành cho Đức Giê-su, và ba lần Đức Giê-su giao phó sứ vụ
chăn dắt đàn chiên của Người (21,15-17). Sau đó, Đức Giê-su báo trước cách
Phê-rô chết để tôn vinh Thiên Chúa (21,18-19), còn bây giờ, nhiệm vụ của Phê-rô
là đi theo Đức Giê-su (21,19; x. 21,22).
3) 21,20-23. Ý muốn của Đức Giê-su về vận
mệnh của người môn đệ Đức Giê-su yêu mến. Người nói với Phê-rô: “Nếu Thầy muốn
anh ấy ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh? Phần anh, anh hãy theo
Thầy” (21,22). Lời này được người thuật chuyện lặp lại ở 21,23b để xác định rõ
lời Đức Giê-su, bởi vì một số người đã hiểu sai. Cũng như Phê-rô, người môn đệ
này cũng là người “đi theo Đức Giê-su” (21,20).
4) 21,24-25. Soạn giả viết kết luận thứ
hai của sách Tin Mừng dựa trên bút tích và lời chứng của người môn đệ Đức
Giê-su yêu mến.
III. Phân tích
Phần sau sẽ phân tích nhân vật “môn đệ Đức
Giê-su yêu mến” trong tiểu đoạn 3 và 4 (21,20-23; 21,24-25) với ba ý: (1) Người
môn đệ Đức Giê-su yêu mến. (2) Ý muốn của Đức Giê-su về vận mệnh của người môn
đệ này (3) Bút tích và lời chứng của người môn đệ Đức Giê-su yêu mến.
1. Môn đệ Đức Giê-su yêu mến
Động từ “đi theo” (akoloutheô) nối kết vận
mệnh của Phê-rô với vận mệnh của người môn đệ Đức Giê-su yêu mến. Ở cuối tiểu
đoạn 2 (21,15-19), Đức Giê-su nói với Phê-rô: “Anh hãy theo Thầy” (21,19b). Đến
câu mở đầu của tiểu đoạn 3 (21,20-23), người môn đệ Đức Giê-su yêu mến cũng
đang trong tư thế “đi theo sau”. Người thuật chuyện kể ở 21,20a: “Phê-rô quay lại,
thấy môn đệ – người Đức Giê-su yêu mến – đi theo sau.” Cuối
câu 22, Đức Giê-su lại mời gọi Phê-rô: “Phần anh, anh hãy theo Thầy” (21,22b).
Qua việc nhấn mạnh ý tưởng “đi theo Đức Giê-su”, nghĩa là “làm môn đệ của Người”
bản văn cho độc giả thấy “đi theo Đức Giê-su” là đặc điểm của người môn đệ đích
thực, dù đó là người đứng đầu nhóm các môn đệ (Phê-rô) hay là người có tương
quan mật thiết với Đức Giê-su (môn đệ Đức Giê-su yêu mến). Nói cách khác các
môn đệ qua mọi thời đại được mời gọi “đi theo Đức Giê-su” trong mọi hoàn cảnh,
dù trong tình trạng bị bách hại (Phê-rô) hay trong hành trình làm chứng về Đức
Giê-su (người môn đệ Đức Giê-su yêu mến).
Người môn đệ Đức Giê-su yêu mến trong đoạn
văn 21,20-23 được xác định khi nhắc lại những gì môn đệ này đã làm trong trình
thuật nói về Giu-đa, kẻ sẽ nộp Đức Giê-su trong đoạn văn 13,21-31. Ở 21,20, người
thuật chuyện nhắc lại hai chi tiết liên quan đến môn đệ Đức Giê-su yêu mến: (1)
Chi tiết thứ nhất nói về vị trí đặc biệt của người môn đệ này bên cạnh Đức
Giê-su trong bữa tiệc ly: “Ông này là người, trong bữa ăn tối, đã nghiêng mình
vào ngực của Người [Đức Giê-su]” (21,20b) // 13,23. (2) Chi tiết thứ hai là lời
người môn đệ này nói với Đức Giê-su trong bữa tiệc: “Thưa Thầy, ai là kẻ nộp Thầy?”
(21,20c) // 13,24b. Trong trình thuật 13,12-32, người thuật chuyện kể về hai
chi tiết này ở 13,23-26: “23 Có một người trong các môn đệ của Người (Đức
Giê-su) đang dùng bữa, tựa vào lòng Đức Giê-su, đó là người Đức
Giê-su yêu mến. 24 Vậy Si-môn Phê-rô làm hiệu cho ông ấy hỏi xem Thầy nói
về ai. 25 Ông này nghiêng mình vào ngực Đức Giê-su nói với Người: ‘Thưa Thầy,
ai vậy?’ 26 Đức Giê-su trả lời: ‘Kẻ đó là người mà chính Thầy chấm miếng bánh
và trao cho.’ Rồi Người chấm miếng bánh [cầm lấy và] trao cho Giu-đa con ông
Si-môn Ít-ca-ri-ốt.”
Hai chi tiết ở 21,20 liên quan đến người
môn đệ Đức Giê-su yêu mến cho thấy tầm quan trọng của môn đệ này giữa nhóm các
môn đệ và trong cộng đoàn Gio-an. Thật vậy, theo Tin Mừng Gio-an, người môn đệ
này có vị trí bên cạnh Đức Giê-su trong bữa tiệc ly (13,23); người môn đệ này đứng
dưới chân thập giá Đức Giê-su (19,25); ông là môn đệ đầu tiên “đã thấy và đã
tin” (20,8) trước ngôi mộ trống và cũng là môn đệ đầu tiên nhận ra Đức Giê-su
Phục Sinh khi Người tỏ mình ở biển hồ Ti-bê-ri-a (21,7). Như thế, phẩm chất về
tương quan với Đức Giê-su của môn đệ này hơn Phê-rô, nhưng người môn đệ Đức
Giê-su yêu mến không cạnh tranh với Phê-rô. Hai môn đệ có vị trí và vai trò đặc
thù riêng trong cộng đoàn các môn đệ.
Trong đoạn văn 21,15-19, Đức Giê-su đã
trao cho Phê-rô sứ vụ chăn dắt đàn chiên của Người cách long trọng qua việc Đức
Giê-su hỏi và Phê-rô tuyên xưng ba lần tình thương của ông dành cho Đức Giê-su
(21,15-17). Đức Giê-su cũng báo trước Phê-rô sẽ chết như thế nào để tôn vinh
Thiên Chúa (21,18). Cuối cùng Phê-rô được mời gọi đi theo Đức Giê-su (21,19),
nghĩa là sống tư cách người môn đệ. Với sứ vụ mục tử, Phê-rô là người đứng đầu
nhóm các môn đệ. Tuy nhiên trong cộng đoàn Gio-an, có những thắc mắc và lời đồn
đại về một khuôn mặt bí ẩn, đó là người môn đệ Đức Giê-su yêu mến. Câu Phê-rô hỏi
Đức Giê-su: “Thưa Thầy, còn anh này thì sao?” (21,21b) cũng là câu hỏi của cộng
đoàn Gio-an và của độc giả. Đặc biệt câu trả lời của Đức Giê-su gây ngạc nhiên
và không kém phần bí ẩn: “Nếu Thầy muốn anh ấy ở lại cho tới khi Thầy đến, thì
việc gì đến anh? Phần anh, anh hãy theo Thầy” (21,22).
2. Ý muốn của Đức Giê-su về môn đệ Người yêu mến
Ý muốn của Đức Giê-su được chính Người
nói ra ở 21,22 và sau đó được người thuật chuyện lặp lại ở 21,23. Lời Đức
Giê-su nói với Phê-rô về môn đệ Người yêu mến ở 21,22a: “Nếu Thầy muốn anh ấy ở
lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh?” đã bị hiểu lầm. Có người nghĩ
người môn đệ này không chết trước khi Đức Giê-su trở lại. Người thuật chuyện kể
ở 21,23a: “Có lời đồn giữa anh em là người môn đệ ấy không chết.” Lời đồn này
đã được người thuật chuyện điều chỉnh lại khi nói rõ ở 21,23b: “Đức Giê-su đã
không nói với ông ấy là ‘Anh ấy không chết’, mà là ‘Giả như Thầy muốn anh ấy
ở lại cho tới khi Thầy đến [, thì việc gì đến anh?]’”
Số phận của Phê-rô được Đức Giê-su nói rõ
ở 21,18-19, còn số phận của người môn đệ Đức Giê-su yêu mến không được nói rõ
mà lệ thuộc vào ý muốn của Đức Giê-su. Người nói với Phê-rô: “Nếu Thầy muốn anh
ấy...” (21,22a). Số phận của người môn đệ này tùy thuộc vào ý muốn của Đức
Giê-su chứ không phải ý muốn của cộng đoàn. Mạch văn cho phép hiểu cộng đoàn
Gio-an muốn người môn đệ này sống với họ mãi nên mới có lời đồn là môn đệ này
không chết. Ước muốn này cũng dễ hiểu vì người môn đệ Đức Giê-su yêu mến là
khuôn mặt nổi bật trong cộng đoàn. Lời đồn về người môn đệ này giữa cộng đoàn
đã dựa trên cách hiểu không chính xác về lời Đức Giê-su (21,22).
Qua cách thức kể chuyện như trên, độc giả
có thể hiểu tình trạng của cộng đoàn Gio-an theo cách giải thích của F. J.
Moloney: “Người môn đệ được yêu đã không còn sống nữa, và cộng đoàn không nên
ngạc nhiên về cái chết của môn đệ này. Dù điều gì đã xảy ra cho người môn đệ được
yêu cũng là làm trọn ý muốn của Đức Giê-su cho môn đệ ấy. Cả hai, Phê-rô
(21,18-19) và người môn đệ được yêu (21,22-23) đã chết.” (F. J. MOLONEY, The
Gospel of John, (SPS 4), Collegeville (MN), The Liturgical Press, 1998, p.
557). Cả hai nhân vật quan trọng này giữ những vai trò khác nhau trong cộng
đoàn Gio-an. Phê-rô được Đức Giê-su đặt làm mục tử đàn chiên của Người, còn người
môn đệ Đức Giê-su yêu mến, ông đã viết lời chứng xác thực và rất đáng tin cậy của
mình về Đức Giê-su cho cộng đoàn.
3. Bút tích và lời chứng của người môn đệ Đức Giê-su yêu
mến
Qua những lời Đức Giê-su nói với thân mẫu
và với người môn đệ Người yêu mến dưới chân thập giá (19,26-27), môn đệ này được
xem là vị sáng lập cộng đoàn Gio-an. Người thuật chuyện kể lời trối của Đức
Giê-su ở 19,25-27: “25 Vậy đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu của Người
và chị của thân mẫu Người, Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát và Ma-ri-a Mác-đa-la. 26
Khi Đức Giê-su thấy thân mẫu và môn đệ đứng bên cạnh, – môn đệ Người
yêu mến –, Người nói với thân mẫu: ‘Thưa bà, đây là con của bà.’ 27 Rồi
Người nói với môn đệ: ‘Đây là mẹ của anh.’ Và kể từ giờ đó, người môn đệ đón nhậnmẹ về
nhà mình.” Đối với cộng đoàn Gio-an, người môn đệ Đức Giê-su yêu mến là nhân vật
được kính trọng như là người sáng lập cộng đoàn, thể hiện qua tương quan mật
thiết với Đức Giê-su và lời chứng đáng tin cậy của môn đệ này về Đức Giê-su.
Người môn đệ này đã đứng dưới chân thập giá và làm chứng về những gì đã xảy ra.
Người thuật chuyện long trọng kể lời chứng của môn đệ này ở 19,35: “Người đã
xem thấy [môn đệ Đức Giê-su yêu mến], đã làm chứng, và lời chứng của người ấy
là xác thực; và người ấy biết rằng mình nói sự thật để cả anh em nữa (độc giả),
anh em tin.”
Ở 21,24, soạn giả nói về bút tích và lời
chứng của người môn đệ này: “Chính môn đệ này là người làm chứng về những điều
đó và làngười đã viết những điều đó, và chúng tôi biết rằng lời chứng
của người ấy là xác thực” (21,24). Hai lần đại từ “houtos” ở giống trung, số
nhiều: “những điều đó” trong các cụm từ “Làm chứng về những điều đó” (21,24a)
và “đã viết những điều đó” (21,24b) gợi về cốt lõi nội dung sách Tin Mừng.
Khi soạn giả (le rédacteur) khẳng định: “Chúng
tôi biết rằng lời chứng của người ấy (môn đệ Đức Giê-su yêu mến) là xác thực”
(21,24b), soạn giả đã nhân danh trường phái Gio-an (trường phái thần học
Gio-an, l’école johannique) để xác nhận là người môn đệ Đức Giê-su yêu mến “đã
viết những điều đó”, nghĩa là môn đệ này đã để lại bút tích trong sách Tin Mừng.
Ngày nay phần lớn các tác giả cho rằng người môn đệ Đức Giê-su yêu mến đã không
viết tất cả 20 chương (Ga 1–20) với lời kết luận ở 20,30-31. Tình trạng bản văn
Tin Mừng Gio-an như chúng ta có hiện nay cho thấy Tin Mừng được hình thành qua
nhiều giai đoạn. Có thể nói rằng nội dung cốt lõi của Tin Mừng Gio-an là bút
tích của người môn đệ Đức Giê-su yêu mến (21,24), môn đệ này là người sáng lập
cộng đoàn Gio-an và là người đứng đầu trường phái thần học Gio-an. Sau đó, một
hay nhiều thành viên của trường phái này, được gọi là tác giả Tin Mừng, đã hoàn
thành bản văn Tin Mừng (Ga 1–20) với kết luận thứ nhất ở 20,30-31. Cuối cùng một
hay nhiều soạn giả, thuộc trường phái Gio-an, viết ch. 21 và kết thúc sách Tin
Mừng với kết luận thứ hai ở 21,24-25. Soạn giả đã xuất bản và cho lưu hành sách
Tin Mừng Gio-an như chúng ta có hiện nay. Tóm lại, có thể nói đến ba giai đoạn
chính trong việc hình thành sách Tin Mừng Gio-an: (1) Bút tích của người môn đệ
Đức Giê-su yêu mến; (2) Tác giả (l’auteur, l’évangéliste) viết phần chính của
sách Tin Mừng và kết luận ở 20,30-31; (3) Soạn giả (le rédacteur) viết ch. 21
và xuất bản Tin Mừng Gio-an như chúng ta đọc hiện nay.
IV. Kết luận
Đoạn văn Ga 21,20-25 nói về số phận bí ẩn
của người môn đệ Đức Giê-su yêu mến. Qua câu chuyện, soạn giả cho biết làm thế
nào cộng đoàn các môn đệ có thể tồn tại mà không có sự hiện diện thể lý của Đức
Giê-su (x. 20,29) và những người lãnh đạo cộng đoàn dần dần ra đi. Bởi vì vào
lúc sách Tin Mừng được viết ra, Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su yêu mến đã chết.
Thực ra, cộng đoàn vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển vì vai trò mục tử của
Phê-rô được tiếp nối nơi các đấng kế vị, và người môn đệ Đức Giê-su yêu mến vẫn
ở lại cho đến khi Đức Giê-su trở lại nhờ bút tích và lời chứng có uy tín và
đáng tin cậy của môn đệ này trong sách Tin Mừng.
Người môn đệ Đức Giê-su yêu mến là một
nhân vật có uy thế trong cộng đoàn Gio-an và là hình ảnh về người môn đệ lý tưởng.
Độc giả qua mọi thời đại được mời gọi sống theo khuôn mẫu của người môn đệ này:
tương quan mật thiết với Đức Giê-su; sống vững mạnh niềm tin và can đảm làm chứng
về Đức Giê-su. Độc giả có thể thực hiện lời mời gọi này bằng cách học hỏi và
suy gẫm Tin Mừng Gio-an.
Tác giả: Giu-se LÊ MINH THÔNG, O.P.
Blog: http://leminhthongtinmunggioan.blogspot.com/
Email: josleminhthong@gmail.com
Ngày 30
tháng 06 năm 2014.
Nguồn: http://leminhthongtinmunggioan.logspot.com/2013/05/ga-2120-25-van-menh-but-tich-va-loi.html