Huấn Dụ của Đức Thánh Cha Beneđictô XVI
trong Buổi Đọc Kinh Truyền Tin (Angelus)
Chúa Nhật, ngày 23-9-2012
Anh
Chị Em thân mến,
Trong
hành trình của chúng ta cùng với Tin Mừng của Thánh Marco, Chúa Nhật vừa qua
chúng ta đã đi vào trong Phần thứ hai, nghĩa là hành trình cuối cùng tiến lên
Giêrusalem và tiến về tột đỉnh của sứ vụ của Chúa Giêsu. Sau khi Thánh Phêrô,
nhân danh các môn đệ, tuyên xưng Đức Tin nơi Ngài là Đức Messia (xem Mc 8, 2), Chúa Giêsu bắt đầu nói cách rõ
ràng về những điều sẽ xẩy ra vào thời kỳ cuối đời của Ngài. Thánh sử ghi lại 3
lời tiên báo tiếp theo nhau về cái chết và sự sống lại, ở chương 8, 9 và 10:
trong các lời tiên báo đó, Chúa Giêsu loan báo mỗi lần luôn rõ ràng hơn về định
mệnh đang chờ đợi Ngài và tính cách cần thiết nội tại phải thực hiện định mệnh
này. Bản văn của Chúa Nhật hôm nay gồm lời loan báo thứ hai. Chúa Giêsu nói: “Con Người – kiểu nói Chúa dùng để chỉ về
mình – bị trao vào tay người đời và họ sẽ giết Ngài; nhưng, một khi bị giết
rồi, sau ba ngày Ngài sẽ sống lại” (Mc
9, 31). Tuy nhiên các môn đệ “không
hiểu những lời này mà các ông lại sợ không dám hỏi Ngài” (c. 32).
Quả
thế, khi đọc phần này trong bài tường thuật của Thánh Marco, chúng ta thấy một
điều hiển nhiên: là giữa Chúa Giêsu và các môn đệ có một khoảng cách lớn và sâu
xa từ bên trong; Chúa Giêsu và các môn đệ, đứng ở hai vùng tần số khác nhau,
chúng ta có thể nói như thế, và khác nhau đến nỗi các bài diễn văn của Thày,
các môn đệ cũng không hiểu, hoặc các ông chỉ hiểu cách nông cạn. Tông đồ Phêrô,
ngay sau khi tuyên xưng Đức Tin của ông vào Chúa Giêsu, đã dám để cho mình
trách móc Chúa, bởi vì Ngài đã nói trước rằng Ngài sẽ bị từ chối và sẽ bị giết.
Sau lần loan báo thứ hai về cuộc thương khó, các môn đệ đem ra tranh luận xem
ai là người lớn nhất trong nhóm họ (xem Mc
9, 34); và, sau lần loan báo thứ ba, môn đệ Giacôbê và Gioan lại đến xin
Chúa Giêsu ban cho họ được ngồi bên tả và bên hữu Chúa, khi Chúa sẽ ở trong
vinh quang của Ngài (xem Mc 10,
35-40). Nhưng có những tín hiệu khác, cho thấy khoảng cách giữa Chúa và các môn
đệ: thí dụ, các môn đệ không có thể chữa
lành một cậu con trai bị bệnh thủy thũng, rồi sau đó Chúa Giêsu chữa họ với sức
mạnh của lời cầu nguyện (xem 9, 14-29); hoặc khi người ta đem các trẻ nhỏ đến
với Chúa, các môn đệ thì la mắng chúng, và Chúa Giêsu, trái lại, phẫn nộ, cho
phép chúng ở lại, và quả quyết rằng chỉ những ai giống như chúng mới có thể vào
được Nước Thiên Chúa (xem Mc 10,
13-16).
Tất cả
các điều này nói cho chúng ta điều gì? Điều này nhắc cho chúng ta nhớ rằng cái
lý của Thiên Chúa luôn là “khác” đối
với cái lý của chúng ta. Như chính Thiên Chúa đã mặc khải điều này qua miệng
của Ngôn sứ Isaia : “Tư tưởng của Ta
không phải là tư tưởng của các ngươi, đường lối của các ngươi, không phải là
đường lối của Ta” (Is 55, 8). Vì
thế, việc đi theo Đức Kitô, luôn đòi hỏi con người một hành động quay trở về (cum – versio) - từ phía tất cả chúng ta
– một sự thay đổi trong cách suy tư và cách sống, đòi hỏi phải mở con tim ra để
lắng nghe hầu được soi sáng và được biến đổi từ bên trong. Một điểm then chốt –
điểm chìa khóa, trong đó Thiên Chúa và con người, khác nhau, đó là tính kiêu
ngạo: Trong Thiên Chúa không có sự kiêu ngạo, bởi vì Ngài là tất cả sự viên mãn
và tất cả trong Ngài hướng về yêu thương và trao ban sự sống; còn trong chúng
ta, là con người, trái lại, thì kiêu ngạo là điều ăn rễ sâu xa từ nội tâm nơi
ta và đòi hỏi một sự tỉnh thức liên tục và một sự thanh luyên luôn. Chúng ta,
chúng ta bé nhỏ, chúng ta khao khát được xuất hiện như là người lớn, được coi như
là những người thứ nhất, trong khi Thiên Chúa, Đấng thực sự lớn lao, không ngần
ngại hạ mình xuống và làm người bé nhất. Và Đức Trinh Nữ Maria hoàn toàn “hòa hợp” với Thiên Chúa: Vậy chúng ta
hãy cầu khẩn Mẹ với niềm tín thác, để Mẹ dạy chúng ta trung thành theo Chúa
Giêsu trên con đường của Ngài, con đường của tình yêu và của sự khiêm
nhường.
(Dịch theo nguyên bản tiếng
Ý do Phòng Báo Chí Tòa Thánh phổ biến, ngày 23-9-2012. Linh mục Phanxicô Borgia
Trần Văn Khả, ngày 23-9-2012).
SAU KINH TRUYỀN TIN
Với các tín hữu nói tiếng Pháp, Đức Thánh Cha nói:
Anh
Chị Em nói tiếng Pháp thân mến,
Tôi
hết lòng cám ơn Anh Chị Em vì đã cầu nguyện cho Tôi, lời cầu nguyện này đã theo
Tôi và làm cho Chuyến Tông Du của Tôi ở Liban thành công, và điều này cũng lan
tới toàn thể Vùng Trung Đông. Xin Anh Chị Em hãy tiếp tục cầu nguyện cho các
Kitô Hữu tại Vùng Trung Đông, cho hòa bình và cho cuộc đối thoại thanh thản
giữa các Tôn Giáo tại đây.
Ngày
hôm qua, Tôi đã hiệp ý trong tinh thần với niềm vui của các tín hữu của Giáo
Phận Troyes (Pháp), tập họp lại để tham dự Lễ Phong Chân Phước cho Linh Mục
Louis Brisson, Đấng Sáng Lập Dòng của Các Nữ Tu và các Nam Tu Sĩ Tận Hiến của
Thánh Francois de Sales. Xin mẫu gương của Vị Chân Phước mới, soi sáng cuộc đời
của Anh Chị Em! Chân Phước đã nói: “Tôi
cần Thiên Chúa, đó là cơn đói đang dày vò tôi”. Như Chân Phước, Anh Chị Em
hãy học để có cơn đói Thiên Chúa và luôn chạy đến với Chúa trong niềm tín thác.
Xin
chúc mọi người qua Ngày Chúa Nhật thật tốt đẹp!
(Dịch từ nguyên bản tiếng
Pháp do Phòng Báo Chí Tòa Thánh phổ biến ngày 23-9-2012. Linh mục Phanxicô
Borgia Trần Văn Khả, ngày 23-9-2012).
Ngỏ lời (bằng tiếng Ý) với các Nữ
Tu đến từ các Nước Truyền Giáo của Học Viện Quốc tế “Mater Ecclesiae” của
Bộ Truyền Giáo, tọa lạc tại Castel Gandolfo (Roma).
Cha vui mừng đón tiếp các Con, các Nữ Tu, đến từ
nhiều Nước, của Học Viện Truyền Giáo “Mater Ecclesiae” ở
Castel Gandolfo, và Cha cầu chúc các Con một Năm học mới thanh thản và đạt được
nhiều kết quả trong việc huấn luyện và đời sống chung của các Con.