Kinh Truyền tin chúa nhật thứ II mùa Bốn Mươi
Vào các thế kỷ đầu tiên, thời kỳ mang tên là “Mùa Bốn Mươi” được thiết lập nhằm chuẩn các dự tòng lãnh nhận ba bí tích khai tâm vào đêm Vọng Phục sinh. Các bài đọc Sách thánh được chọn lựa với mục tiêu huấn giáo. Đề tài chúa nhật thứ nhất là các cuộc cám dỗ của ma quỷ, nhằm trình bày cho các dự tòng bước thứ nhất của việc gia nhập đạo là khước từ Satan và các quyến rũ của thế gian. Đây là khía cạnh tiêu cực. Đề tài của chúa nhật thứ hai mang tính tích cực hơn: nhờ các bí tích này mà con người được biến đổi nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô Con Thiên Chúa. Đó là lý do của việc lựa chọn bài Tin mừng nói đến cuộc biến hình. Tuy nhiên, trong bài huấn dụ trước khi đọc kinh Truyền Tin trưa hôm qua, đức thánh cha không ngỏ lời với các dự tòng nhưng là với các tín hữu. Đoạn văn Tin mừng được giải thích theo chiều hướng của việc đi theo Đức Kitô kể cả lúc phải trải qua những thử thách khó khăn của hành trình vác thập giá. Trong các lời chào, ngài đã nhắc đến tình trạng các Kitô hữu bị khủng bố ở Irak, cũng như các nạn nhân của cơn động đất tại Chilê. Sau đây là nguyên văn bài huấn dụ.
Anh chị em thân mến
Tuần tĩnh tâm ở Vatican, khởi sự như thói quen vào đầu mùa Bốn Mươi, đã kết thúc. Cùng với các cộng sự viên của giáo triều Rôma, chúng tôi đã trải qua những ngày hồi tâm và cầu nguyện, suy nghĩ về ơn gọi linh mục, hoà nhịp với Năm Linh mục đang diễn ra trong Giáo hội. Chúng tôi xin cám ơn những ai đã gần gũi về tinh thần.
Vào chúa nhựt thứ hai mùa Bốn Mươi, phụng vụ nêu bật quang cảnh Chúa Biến hình, mà thánh Luca đặt liền sau lời mời gọi của Chúa: “Nếu ai muốn đi theo Thầy, hãy từ bỏ bản thân, vác lấy thập giá mỗi ngày và đi theo Thầy” (Lc 9,23). Biến cố phi thường này là một sự khích lệ cho việc đi theo Đức Giêsu.
Thánh Luca không nói đến cuộc biến hình, nhưng mô tả chuyện diễn ra qua hai yếu tố: dung nhan đức Giêsu biến đổi và chiếc áo của Người trở nên trắng toát và rực rỡ, trước sự hiện diện của ông Mosê và ông Êlia, tượng trưng cho Lề Luật và các Ngôn sứ. Ba ông môn đệ chứng kiến quang cảnh này đã ngủ thiếp: đây là tâm trạng của những kẻ tuy dù chứng kiến những kỳ công của Chúa nhưng không hiểu gì. Duy sự chống cự cơn mê mới cho phép các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan “nhìn thấy” vinh quang của đức Giêsu. Thế rồi sự việc diễn tiến dồn dập: khi ông Mosê và ông Êlia rời Chúa Giêsu, ông Phêrô lên tiếng, và khi ông còn đang nói thì một đám mây phủ bóng trên ông và hai môn đệ kia, đó là đám mây vừa che phủ vừa tỏ lộ vinh quang của Thiên Chúa, như xưa kia đã xảy ra cho dân Israel lữ hành trên sa mạc. Cặp mắt các ông không thể nhìn thấy nhưng đôi tai có thể lắng nghe tiếng nói từ đám mây: “Đây là Người Con của Ta, kẻ được yêu dấu, hãy lắng nghe Người” (câu 35).
Các môn đệ không còn đứng trước một dung mạo đã biến đổi, không còn thấy chiếc áo trắng toát, cũng chẳng còn đám mây tỏ lộ sự hiện diện của Thiên Chúa. Trước mắt các ông, chỉ còn “duy một mình đức Giêsu” mà thôi (câu 36). Đức Giêsu ở một mình trước Thân phụ của mình, đang khi cầu nguyện, và đồng thời duy một mình Chúa Giêsu được trao ban cho các môn đệ và Hội thánh mọi thời: chừng đó đã đủ cho cuộc hành trình. Người là tiếng nói duy nhất mà ta phải lắng nghe, kẻ duy nhất mà ta cần dõi theo, Người là kẻ tiến lên Giêrusalem để ban cho chúng ta sự sống và mai sau sẽ “biến đổi thân xác phàm hèn của chúng ta nên giống với thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3,21).
Trong cơn xuất thần, ông Phêrô đã thốt lên: “Thưa thầy, ở đây tốt đẹp quá” (Lc 9,33), nó cũng giống như lòng chúng ta mong mỏi được Chúa đến an ủi. Nhưng cảnh Biến hình nhắc nhở chúng ta rằng những niềm vui mà Chúa gieo vào đời ta không phải là đích điểm mà chỉ là những tia sáng mà Chúa ban cho chúng ta trên cuộc lữ hành, để cho “một mình đức Giêsu” trở nên Lề Luật cho chúng ta, và Lời của Chúa Giêsu trở nên tiêu chuẩn hướng dẫn cuộc đời chúng ta.
Trong mùa Bốn Mươi này, tôi xin mời hết mọi người hãy suy gẫm Tin mừng. Ngoài ra, tôi ước mong rằng trong năm Linh mục này, các vị mục tử hãy được tràn ngập bởi Lời Chúa, thực sự hiểu biết Lời Chúa, yêu mến Lời Chúa tới độ Lời Chúa ban sinh lực cho mình và rèn luyện tư tưởng của mình” (Bài giảng lễ cung hiến Dầu, 9/4/2009). Xin Đức Trinh nữ Maria giúp chúng ta chúng ta biết sống thân mật những giây phút gặp gỡ Thiên Chúa, ngõ hầu chúng ta có thể hân hoan đi theo Người mỗi ngày. Chúng ta hãy hướng lên Mẹ trong kinh Truyền tin.
Bình Hòa