Lời Chủ Chăn Tháng 8-2021
Trọng Điểm Làm Nên Mục Tử ‘Như Lòng Chúa Mong Ước’
Đan Cử Cuộc Đời Thánh Phêrô: Gặp Chúa Phục Sinh
Những dòng đơn sơ này
ngỏ cùng anh chị em là những người thân thương ruột thịt vì
thuộc cùng một gia đình ‘chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép thanh tẩy. Chỉ
có một Thiên Chúa và là Cha mọi người hết thảy, Đấng
trên mọi người, giữa mọi người, và trong mọi người’ (Ep 4: 5.6).
Ruột thịt… chung một dòng Thánh Thần, nhựa sống phục
sinh… Ruột thịt… chung đời dâng hiến, còn ‘ở trong thế gian’
(Ga 17: 11), nhưng ‘không thuộc về thế gian’ (Ga 17: 14) mà ‘thuộc về Cha’ (Ga
17: 9).
‘Trải qua một cuộc bể
dâu, những điều trông thấy…’ ngẫm nghĩ… Người đời và giáo hữu
thấy ‘Đấng’ lòng mình ấp ủ tìm kiếm, ‘Đấng’ thoả
nỗi đợi chờ khát khao… qua chân dung cuộc sống linh mục, tu sĩ… Giáo
hội Chúa Giêsu thiết lập ‘không nhăn nheo tì ố…’ sẽ trở nên hấp dẫn
khi linh mục tu sĩ, nơi các nhà xứ, tu viện, mang mối từ tâm, biết chạnh lòng…
như Thầy của mình (Mc 6: 34)… Cứ gặp vị ấy là thấy ‘Giêsu’…
1. Thánh Phêrô sinh tại Bethsaida, cũng gọi là Simon, con của
Gioan (Ga 1: 44.42) mà thánh sử Matthêu gọi là con của Giona (Mt 16: 17), là
ngư phủ có nhà cửa và gia đình tại Capharnaum (Mc 1: 29; 1Co 9: 5). Anrê,
em của Phêrô, từng là môn đệ của Gioan Tẩy Giả, đã được gặp Chúa Giêsu. Phêrô,
ngay từ khi Chúa Giêsu khởi đầu sứ vụ, đã đi theo Chúa làm ‘kẻ
chài lưới bắt người’ (x. Lc 5: 1-11).
2. Các sách Tin Mừng làm
nổi bật một Phêrô, chứng nhân sứ điệp của Thầy Giêsu Nazareth. Danh
tánh Phêrô được đặt hàng đầu danh sách nhóm Mười Hai (Mt 10:
2), ngụ ý làm đá nền của Israel mới (Kh 21: 14). Ông đã nhận từ
Chúa Giêsu tên gọi theo tiếng Aram ‘Kêpha’ nghĩa là ‘Đá’.
Danh xưng này vừa biểu lộ kế hoạch Chúa Giêsu thiết lập một cộng đoàn, vừa
xác nhận trách nhiệm Chúa Giêsu uỷ thác cho môn đệ của mình.
Ơn gọi và thời gian được sống cùng Chúa Giêsu suốt những năm Chúa bước ra công
khai loan Tin Mừng, làm nên uy tín của Phêrô giữa các cộng
đoàn tín hữu.
3. Uy tín của Phêrô được
nâng cao hơn nữa qua lời tuyên tín tại miền Cêsarê Philip, lòng tin
của một môn đệ trung thành mà Thánh sử Gioan lưu giữ sau biến
cố nhiều đệ tử bỏ Thầy vì mạc khải ‘Bánh Trường Sinh’, Thân Mình và Máu châu
báu Chúa. ‘Đức Giêsu bảo nhóm Mười hai: ‘Cả các ngươi nữa, các ngươi không muốn
bỏ về sao?’ Simon Phêrô đáp lại Ngài: ‘Lạy Ngài, chúng con sẽ
bỏ đi theo ai? Ngài có những lời đem đến sự sống đời đời. Và
chúng con đã tin cùng nhận biết: Ngài là Đấng Thánh của Thiên Chúa’ (Ga
6: 67-69).
4. Phêrô được
hưởng nhiều đặc ân… sớm nhận biết thực trạng bản thân ‘Xin hãy xa
con, lạy Ngài, vì con là kẻ tội lỗi!’ (Lc 5:8), được Chúa cứu trong
ý định ông thử thách: ‘Lạy Ngài, nếu quả là Ngài, thì hãy truyền cho con được
đi trên nước mà đến với Ngài’… ‘Hãy đến’… Phêrô bỏ đò xuống đi trên nước… thấy
có gió, ông phát sợ, và bắt đầu thụp xuống biển, ông kêu lên: ‘Lạy Ngài xin cứu
con!’ Lập tức Chúa Giêsu giăng tay nắm lấy ông…’ (Mt 14:
28-31)…
5. Phêrô được hưởng
nhiều đặc ân… nhưng lại còn nhiều cách biệt xa Thầy… Được ơn tuyên
xưng ‘Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống’, vào thời điểm này và với mức
lòng tin này, Phêrô vẫn mới ở bước khởi đầu… Ngay tiếp
theo, thánh sử Matthêu tường thuật: ‘Từ bấy giờ, Đức Giêsu bắt đầu tỏ cho môn
đồ hay: ‘Ngài phải đi Giêrusalem và chịu nhiều đau khổ… bị giết đi… và
ngày thứ ba sẽ sống lại…’ Phêrô kéo Ngài lại với mình và lên tiếng trách Ngài:
‘Thiên Chúa thương! chứ sẽ có đâu như thế!’… Nhưng
quay lại, Ngài nói với Phêrô: ‘Xéo đi sau Ta! Hỡi Satan!...’ Phêrô
‘dại dột đòi’ đi trước Chúa… Có khi nào ngược đời như vậy… đệ
tử mà đi trước Thầy là thành ‘Satan’… đệ tử phải theo sau
và Thầy Giêsu đã ‘thương’ đặt Phêrô về đúng chỗ: ‘đi sau Ta’…
Phêrô được hưởng nhiều đặc ân… nhưng lại còn nhiều cách biệt xa Thầy… cách
xa biền biệt… đến cả chối Thầy… chối ba lần…
6. Biết tới bao giờ lòng
tin của Phêrô mới trưởng thành? Và biết tới bao giờ ơn gọi của
Phêrô mới đĩnh đạc? Đã trải nghiệm thân phận bản thân quá sâu, Phêrô
không dám cậy mình nữa… Khi Phêrô còn đang chối Thầy lần ba, thì gà
gáy… tiếng gà gáy đêm nay như tiếng sấm vang
dội tận đáy cõi lòng… tựa như tâm trạng Augustinô:
‘Chúa gọi con, Chúa la to, và đã
phá tan sự điếc lác của con. Chúa rực sáng, Chúa chiếu toả và
đã xua tan sự mù loà của con. Chúa toả hương thơm, con hít lấy
và con khao khát Chúa. Con đã nếm thử và bây giờ con đói, con
khát Chúa. Chúa đã chạm đến con và con nóng lòng tìm bình an
của Chúa’…
Chúa đã chạm vào phêrô, cái chạm bằng ánh
mắt của tình yêu nồng nàn: ‘Chúa quay lại nhìn Phêrô: và Phêrô nhớ lại
lời Chúa, khi Ngài bảo ông: ‘hôm nay, trước khi gà gáy, con sẽ chối Ta ba lần’.
Và ra ngoài ông khóc lóc thảm thiết’… (Lc 22: 61.62).
7. Biết tới bao giờ lòng
tin của Phêrô mới trưởng thành? Và biết tới bao giờ ơn gọi của
Phêrô mới đĩnh đạc? Những giọt nước mắt đầm đìa có làm vơi nhẹ nỗi
đau se thắt chối Thầy không?
Phêrô hẳn phải thẫn
thờ khi chứng
kiến dấu lưỡi đòng, khi tháo xác Thầy xuống khỏi
thập giá, mai táng Thầy vội vã… và phải thẫn thờ từ
ngôi mộ ra về ‘tay trắng’… trắng trơn… ai lấy lại cho
mình tình nghĩa với Thầy…? Thế mới hiểu Phêrô tại
biển hồ Tibêria vào sáng sớm hôm ấy, thoạt nghe ‘Người môn đệ Đức Giêsu yêu
mến… nói…: ‘Chúa đó!’ Simon Phêrô vừa nghe: Chúa
đó, liền quấn lấy áo ngoài… mà gieo mình xuống biển… các
môn đồ khác vào với đò’ (Ga 21: 7.8)… Phải vào bờ ngay, vào ‘thứ
nhất’, không quên quấn tấm áo cho phải phép… để thưa ba lần yêu mến,
đặc biệt lần thứ ba thật khiêm nhường pha nỗi buồn… trìu mến: ‘Lạy Chúa, Chúa
thông hay mọi sự, Chúa biết con yêu mến Chúa’ và nhận ba lần gởi gắm ‘Hãy
chăn giữ chiên của Ta’, lần thứ hai ‘Hãy chăn dắt cừu của
Ta’ và lần thứ ba ‘Hãy chăn nuôi đàn cừu của Ta’…
Nếu còn giọt lệ nào
đọng lại… nếu còn thoáng buồn khi Thầy hỏi lần thứ ba… thì tất cả đều đổ về
dòng thác niềm vui Phục Sinh vốn đã hàm ẩn trong
lời Thầy, mà khi nghe, Phêrô còn ‘đắc thắng’ chẳng để ý nên
chẳng hiểu … lời nồng nàn của tình thương tín trung, vẫn còn tín nhiệm
trong ‘mầu nhiệm không thể hiểu’: ‘Simon, Simon, này Satan đã đòi
cho được các ngươi mà quày cho một trận như sàng lúa; nhưng Ta đã cầu
xin cho con, ngõ hầu lòng tin của con khỏi bị tiêu diệt. Phần con, một
khi đã trở lại, con hãy củng cố anh em con’ (Lc 22: 31.32)…
mà hai lần chăm ‘cừu, đàn cừu’ tức là
chăm chiên mẹ… tức là chăm các linh mục và tu sĩ… anh chị
em của con…
Quý Cha và Quý Tu sĩ
thân mến,
Khởi đầu ơn gọi của
Phêrô đi
liền với biến cố mẻ cá lạ lùng. Thánh nhân đã thưa: ‘Thưa Thầy,
suốt cả đêm, chúng con đã vất vả mà không bắt được gì, nhưng thể theo lời Thầy,
con xin thả lưới’ (Lc 5: 5)… ‘mẻ cá nhiều lắm… lưới của họ đã đến
rách mất… chất hai đò đầy mặp, hầu chìm cả hai…’ (x. Lc 5: 6.7). Phêrô
‘đã bỏ mọi sự mà theo Ngài’ (Lc 5: 11)… Từ bước đầu này, Phêrô
đã trải qua bao nhiêu biến cố… thăng trầm… ân huệ hoà với yếu đuối… tự
hào pha lẫn nước mắt… và cũng sau một mẻ cá lạ lùng, Phêrô chỉ
trở thành môn đệ đích thật, khi gặp được Thầy của mình, Đấng
Phục Sinh… đã có ‘ngày thứ nhất trong tuần’ cho
cuộc đời, cho ơn gọi của Phêrô.
Một nhà luật học tốt nghiệp tại Harvard năm
1923, được bổ nhiệm làm Đặc sứ Toàn quyền Trung Hoa tại Toà Thánh năm
1946, Tiến sĩ Gioan Ngô Kinh Hùng, sau khi được rửa tội theo
Giáo hội Mêthodist, vẫn chưa mãn nguyện, cho tới khi gặp ‘Đấng’ lòng
mình khát khao: ‘Trọn đời tôi, tôi đã tìm một người mẹ và tôi
đã tìm thấy người mẹ ấy trong Giáo hội Công giáo. Hơn thế nữa,
tôi đã tìm thấy một món quà tuyệt hảo mà người mẹ ấy ban
tặng, đó là tình yêu’… xuyên qua trái tim yêu của một tu sĩ,
rất người mà cũng rất siêu nhiên, ‘Têrêsa Hài Đồng Giêsu’.
(cf. John Ching Hsiung Wu, The Science
of Love, Hong Kong, 1940 dg. Thạch Sơn ‘Đc Antôn Vũ Huy
Chương’, nxb Đồng Nai, 2021.)
Xin cho mỗi sáng tinh
sương và cứ mãi… một linh mục, một tu sĩ thức dậy là khơi lên
một ‘ngày thứ nhất trong tuần’… của kỷ nguyên Chúa
Phục Sinh… giữa bao người khát khao cõi phúc…
Xin Đức Trinh
Mẫu, Mẹ thân thương của Đấng Phục Sinh, Thánh Cả Giuse, bầu cử
trước Nhan Thiên Chúa cho chúng ta.
+ Gioan Đỗ Văn Ngân
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc
Trích nguồn: http://giaophanxuanloc.net/loi-chu-chan/loi-chu-chan-thang-82021-trong-diem-lam-nen-muc-tu-nhu-long-chua-mong-uoc-17621.html