LỜI CHỦ CHĂN
Tháng 01 năm 2021
MẦU NHIỆM LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT
VÀ SỨ VỤ CỦA LINH MỤC, TU SĨ
Quý Cha và quý Tu sĩ rất thân mến,
Trong viễn tượng của mục vụ lòng
Chúa thương xót đã được thực hiện nhiều năm qua, tâm trí chúng ta rộn lên niềm
vui mừng vì lòng thương xót của Chúa đang dần thấm nhuần mọi môi trường và sinh
hoạt của Giáo phận nên mọi thành phần của Giáo phận, nhất là giới trẻ, mang
trong mình chất lòng thương xót. Nhờ đó, các gia đình trong Giáo phận sẽ trở
nên “mái ấm của lòng Chúa thương xót” và mảnh đất Giáo phận sẽ trở thành Thánh
địa của lòng thương xót.
Viễn tượng tươi đẹp trên tùy thuộc
phần lớn vào sự dấn thân kiên trì và nhiệt tình của các Linh mục và Tu sĩ. Do
đó, Năm Mới cũng là lời mời gọi chúng ta suy gẫm thêm về cách thức Chúa thể hiện
lòng thương xót đối với nhân loại, nhờ đó lòng mỗi người sẽ được thấm nhuần sâu
đậm hơn tâm tình của Chúa. Trong ý hướng trên, tôi xin chia sẻ với quý Cha và
quý Tu sĩ đôi tâm tình thiêng liêng để hướng dẫn đời sống và nỗ lực tông đồ của
chúng ta trong đời sống và sinh hoạt mục vụ “Lòng thương xót” qua đề tài “Mầu
nhiệm lòng Chúa thương xót và sứ vụ của Linh mục, Tu sĩ”
1. Mầu nhiệm Nhập Thể và Lòng
thương xót
Đang khi bên tai chúng ta còn
văng vẳng những giai điệu thánh ca du dương của Mùa Giáng Sinh, Năm mới 2021 đã
bắt đầu và mở lòng trí chúng ta hướng đến tương lai để canh tân đời sống và sứ
vụ của mình.
Vì thương xót loài người lầm
than tội lỗi, Thiên Chúa đã sai Con Một Ngài xuống thế làm người để cứu chuộc
loài người. Như thế, mầu nhiệm Nhập Thể phát xuất từ chính lòng thương xót của
Thiên Chúa đối với nhân loại. Khi hiểu được ý nghĩa sâu thẳm của mầu nhiệm Nhập
Thể thì chúng ta cũng hiểu được sự sâu đậm của lòng Chúa thương xót đối với
loài người.
a) “Tên con trẻ là Emmanuel”
Khi báo tin cho thánh Giuse về
việc Đức Mẹ thụ thai Con Thiên Chúa xuống thế làm người, Thiên Thần cũng mạc khải
phần nào ý nghĩa của mầu nhiệm Nhập Thể: “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh
hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là ‘Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-tôi’.”
(Mt 1,21-23; x. Is 7,14).
Lòng thương xót của Chúa thật
sâu đậm vì Chúa không chỉ xuống thế viếng thăm và thi ân giúp sức, nhưng Người
đến, ở lại và chia sẻ với chúng ta trọn phận người khổ đau và phải chết.
b) Ngôi Lời cư ngụ giữa chúng ta
Mầu nhiệm Nhập Thể được Tin Mừng
Thánh Gioan trình bày như sau: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa
chúng ta” (Ga 1,14).
“Cư ngụ” trong câu Kinh Thánh
trên, theo nguyên nghĩa trong Hy ngữ σκηνόω (skeno’o), là “dựng lều, cắm lều”.
Tuy nhiên, dần theo thời gian, hình ảnh cụ thể đó phai mờ và bây giờ người ta
thường dịch đơn giản là “ở, cư ngụ”. Động từ “cắm lều” nhắc chúng ta nghĩ tới
việc Thiên Chúa ở giữa dân Người trên đường từ Ai Cập về Đất Hứa để đồng hành
và chia sẻ với họ những hy vọng, lo âu, khó khăn, cạm bẫy, cám dỗ... Giữa những
lều của dân chúng, có một chiếc lều ông Môsê dựng theo lệnh truyền của Thiên
Chúa, gọi là Lều Hội Ngộ, hay Nhà Tạm để Thiên Chúa ở giữa dân mình, hướng dẫn,
chỉ bảo và tham dự vào cuộc sống và hành trình của họ (x. Xh 25,8-9).
c) “Ngôi Lời đã trở nên người
phàm”
Hai ý nghĩa trên cho thấy lòng
thương xót đã thúc đẩy Thiên Chúa từ trời cao xuống với nhân loại, nhưng Ngài vẫn
chỉ ở bên cạnh. Với ý nghĩa sâu thẳm của mầu nhiệm Nhập Thể, Con Thiên Chúa nhận
bản tính loài người, trở nên một người như mọi người, trừ tội lỗi, thì Thiên
Chúa không còn đứng gần, đứng bên, nhưng hòa mình với nhân loại. “Này ông
Giuse, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền
năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là
Giêsu” (Mt 1,20-21); “Ngôi Lời đã trở nên người phàm.” (Ga 1,14).
Trong mầu nhiệm Nhập Thể, Con
Thiên Chúa đã nhận cho mình bản tính nhân loại để trở thành một người thực sự.
Ngài là Thiên Chúa thật và là người thật (Kinh Tin Kính). Nhưng Ngài đã đón nhận
bản tính nhân loại nào: bản tính nhân loại trước khi ông Ađam và bà Evà phạm tội
hay bản tính nhân loại sau khi Ông Bà phạm tội? Theo thư Thánh Phaolô gửi tín hữu
Roma, Con Thiên Chúa đã nhận bản tính nhân loại sau khi ông Ađam và bà Evà phạm
tội: “Thiên Chúa đã sai chính Con mình đến mang thân xác giống như thân xác tội
lỗi chúng ta để đền tội chúng ta.” (Rm 8,3). “Có chi tỏ rõ lòng thương xót của
Thiên Chúa cho bằng việc Người nhận lấy chính sự khốn cùng của ta?”{C}[1]{C}
d) Con Thiên Chúa làm người nhận
những con người tội lỗi là tổ tiên của mình
Tin Mừng Thánh Matthêô, khi nói
về gia phả của Chúa Giêsu, đã kê khai các thế hệ tổ tiên của Người và bắt đầu bằng
câu: “Đây là gia phả Đức Giêsu Kitô, con cháu vua Đavít, con cháu tổ phụ
Ápraham” (Mt 1,1), tiếp theo là danh sách các tổ tiên và kết thúc với câu: “Như
thế, tính chung lại thì: từ tổ phụ Ápraham đến vua Đavít, là mười bốn đời; từ
vua Đavít đến thời lưu đày ở Babylon, là mười bốn đời; và từ thời lưu đày ở
Babylon đến Đức Kitô, cũng là mười bốn đời.” (Mt 1,17).
Trong số các tổ tiên của Chúa có
nhiều vị là những người tội lỗi, gây ra cả tội ác. Ngay Đavít là vị vua thời
danh và thánh thiện cũng đã phạm tội tầy đình. Vua đã phạm tội ngoại tình với vợ
của người tôi trung và còn độc ác giết chết bề tôi trung thành đã sẵn sàng xả
thân vì mình, để che giấu tội ác của mình.
Lòng thương xót nhân loại lầm
than tội lỗi của Chúa quả là ngoài sức tưởng tượng của trí khôn loài người và
chúng ta chỉ còn biết ngỡ ngàng trong hạnh phúc và hy vọng. Không ai, dù tội lỗi
đến đâu, bị gạt ra ngoài lòng bao dung xót thương của Chúa. Đến muôn đời chúng
ta cần cảm tạ lòng Chúa xót thương. Chính lòng thương xót của Chúa là nguồn sức
mạnh nâng chúng ta dậy, giúp chúng ta sống sao cho xứng đáng với tấm lòng bao
dung ngất trời của Người.
Thật là an ủi và hạnh phúc khi
biết mình là đối tượng của lòng Chúa xót thương. Tuy nhiên, khi nghĩ đến sứ mệnh
là hiện thân và sứ giả của lòng Chúa xót thương đối với tha nhân, nhất là những
người tội lỗi thì chúng ta không khỏi rùng mình mà tự hỏi: Liệu tôi có thể hiện
được phần nào tâm tình, thái độ và cách cư xử của Chúa đối với những người tội
lỗi, những con chiên không ngoan đạo, với người nghèo, người bị khinh thường?
Dù câu trả lời của chúng ta như thế nào, chúng ta cũng được an ủi và khích lệ khi
biết có nhiều Linh mục và Tu sĩ đã thể hiện lòng thương xót của Chúa trong cuộc
đời và sứ vụ của mình. Tôi nghĩ đến Cha Thánh Đamianô, tông đồ người phong cùi ở
đảo Molokai, Cha Thánh Maximiliano Kolbe, tự nguyện chết thay cho một người bạn
tù trong trại tập trung Auschwitz, Tôi tớ Chúa ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn
Thuận, sau những năm tù tội, không bao giờ than phiền hay nói không hay về bất
kỳ ai, kể cả những người đã từng làm ngài khổ sở, Cha Augustinô Nguyễn viết
Chung, bỏ nghề bác sĩ gia nhập Tu hội Vinh Sơn, phục vụ người phong cùi. Ngoài
ra, còn phải kể vô số các tu sĩ, nhất là các nữ tu tôi đã gặp trong các cuộc viếng
thăm các Mái ấm tình thương, chăm sóc các em mồ côi, khuyết tật với tấm lòng của
người mẹ, với sự an vui và nụ cười tỏa sáng của người đã nhận Chúa làm gia nghiệp.
2. Mầu nhiệm Lòng Chúa thương
xót
a) Lòng thương xót - Mầu nhiệm
thẳm sâu
Biết bao lần chúng ta đã suy gẫm
về lòng thương xót của Chúa và cứ tưởng là đã hiểu thấu đáo, nhưng rồi mỗi lần
suy gẫm, chúng ta lại như được dìm mình trong biển sâu vô tận của lòng Chúa
thương xót, vẫn có thể khám phá thêm vẻ đẹp tươi sáng của mầu nhiệm và càng
khao khát chiêm ngắm để sự ngọt ngào của mầu nhiệm đổ đầy tràn tâm trí và soi
sáng cuộc sống hằng ngày. Mầu nhiệm lòng thương xót của Chúa thật sâu thẳm đến
độ tâm hồn nào được chạm đến, cũng sẽ chấn động về đường lối lạ lùng của Thiên
Chúa và sửng sốt thốt lên như thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Roma: “Ôi sự
giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào! Quyết định
của Người, ai dò cho thấu! Đường lối của Người, ai theo dõi được!” (Rm 11,33).
Vì vậy, chúng ta cần đón nhận lời
cầu xin và ước nguyện của thánh Phaolô cho tín hữu giáo đoàn Êphêsô như lời cầu
xin cho chính chúng ta: “Xin cho anh chị em… được Đức Kitô ngự trong tâm hồn;
xin cho anh chị em được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái, để cùng
toàn thể dân thánh, anh chị em đủ sức thấu hiểu mọi kích thước dài rộng cao
sâu, và nhận biết tình thương của Đức Kitô, là tình thương vượt quá sự hiểu biết.
Như vậy anh chị em sẽ được đầy tràn tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa.” (Ep
3,17-19).
b) Chúa chạnh lòng thương
Mỗi khi suy gẫm về lòng thương
xót của Chúa Giêsu, tôi thường nghĩ ngay đến những tâm tình của Người được diễn
tả trong Tin Mừng Thánh Matthêô: “Đức Giêsu đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng
dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn
tật nguyền. Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất
vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt.” (Mt 9,35-36).
Nhìn thấy đám đông, Chúa Giêsu
“chạnh lòng thương”. Thay vì động từ “chạnh” (chạnh lòng thương) có thể dùng động
từ “động” (động lòng thương) để diễn tả đúng hơn tâm trạng của Chúa theo nguyên
nghĩa của động từ σπλαγχνίζομαι (splagchnizomai) trong Hy ngữ là bị chuyển động
sâu đậm đến tận ruột gan. Chúa vượt qua những dáng vẻ bề ngoài và nhìn thấu tâm
can từng cá nhân nên Người cảm được nỗi đau đớn của mỗi người như thể nỗi đau đớn
của chính mình.
Trong khi Chúa Giêsu nhận ra đám
đông đó là những con người “lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn
dắt” và Chúa cảm thấy lòng mình chuyển động mạnh mẽ bởi tình thương yêu đối với
họ thì đối với nhiều người, đám đông chỉ là “đám đông” vô danh. Vấn đề của người
đương thời với Chúa cũng là thực trạng của thời đại chúng ta. Điều này đã được
Thánh Giáo hoàng Phaolô VI nói đến ngay từ năm 1971 trong Tông thư “Octagesima
Adveniens” (Năm thứ 80 đang đến) để kỷ niệm 80 năm Thông điệp “Rerum novarum”
(Tân sự) của Đức Giáo hoàng Lêô XIII, khi ngài nói: “Con người ngày nay đang cảm
nghiệm một sự cô đơn chính khi ở giữa đám đông vô danh vây quanh và ở giữa đám
đông đó, người ta cảm thấy mình là người xa lạ.”{C}[2]{C} Đây là thứ văn hóa
“vô cảm” làm cho người ta không nhận ra những con người đang bị dày xéo bởi khổ
đau, nhưng coi họ là những con người vô danh hay chỉ là “những mối lợi” có thể lấp đầy những tham lam ích kỷ của
mình.
Văn hóa “vô cảm” cũng có thể len
lỏi vào Giáo Hội, khi trong đời sống cộng đoàn và công tác mục vụ người ta chỉ
quan tâm đến chương trình và người giáo hữu sẽ được quan tâm khi có ích cho việc
thực hiện chương trình. Lúc đó, đám đông chỉ là đám đông và thậm chí, ngay cả nỗi
day dứt, dằn vặt của những người nghèo hèn và khổ đau dẫu được nhắc tới, cũng
chiếu lệ hoặc theo công thức, ngay trong các công tác phục vụ người nghèo, người
đau khổ và người cô đơn.
c) Lối
vào lòng Chúa thương xót
Đối với các Linh mục và Tu sĩ, ý
nghĩa mầu nhiệm lòng Chúa thương xót luôn được áp dụng theo hai chiều. Một
đàng, cũng như mọi người, mỗi Linh mục và Tu sĩ đều là đối tượng của lòng Chúa
thương xót; đàng khác, Linh mục và Tu sĩ phải trở nên hình bóng, hơn nữa, nên
hiện thân và sứ giả của lòng Chúa thương xót cho đoàn dân của Người. Chiều dọc
với Chúa là nguồn hy vọng, là niềm an ủi và hạnh phúc; chiều ngang với tha nhân
là một sứ mệnh đòi phải luyện tập và hành trình có thể tóm lại trong tâm tình của
Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Philiphê: “Những gì xưa kia tôi cho là có lợi,
thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là
thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của
tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và
được kết hợp với Người.” (Pl 3,7-9). Câu nói của Thánh Phaolô có hai yêu tố:
- Thanh thoát khỏi tất cả
Để có thể cảm thông với tha nhân
và đón nhận tha nhân với các tật xấu của họ, đồng thời dám hiến mình vì hạnh
phúc của họ, cần phải coi nhẹ tất cả, thoát ra khỏi chính mình, khỏi các định
kiến và không để mình bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì: tiền của, tình cảm, danh
vọng và ngay cả chương trình và nhu cầu mục vụ.
- Coi trọng tình nghĩa của Chúa
Chỉ có tình nghĩa của Chúa mới
quan trọng, còn lại tất cả có thể bỏ qua, có thể để mất. Trong lòng tất cả nhẹ
như tơ hồng. Tôi tớ Chúa, ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, đã diễn tả điều
này như sau: “Con hãy tìm Chúa, chứ đừng tìm việc của Chúa”. Còn Chân phước Thầy
giảng Anrê Phú Yên, khi bị bắt và bị án tử hình vì là kitô hữu và Thầy giảng
(giáo lý viên), các tín hữu đến thăm và khóc lóc thương Thầy thì Thầy đã thưa với
họ: “Xin quý ông bà đừng khóc lóc thương cháu, nhưng xin hãy cầu nguyện để cháu
giữ nghĩa cùng Chúa cho đến chết”. Thầy đã không xin can thiệp để Thầy khỏi bị
tù đày hay thoát khỏi án tử, nhưng chỉ xin ơn được giữ nghĩa cùng Chúa cho đến
chết. Thầy đã coi trọng tình nghĩa của Chúa và đã coi thường tất cả, kể cả mạng
sống của mình.
Để kết thúc bài chia sẻ, xin quý
Cha và quý Tu sĩ cùng tôi dâng lời cầu nguyện nài xin Đức Mẹ là người Mẹ của
lòng thương xót và Thánh Cả Giuse, Quan Thầy Giáo phận, đặc biệt trong năm kính
Ngài, đồng hành và hướng dẫn để chúng ta biết nhìn mọi người với con mắt xót
thương của Thiên Chúa và yêu thương người đau khổ và tội lỗi với con tim nhân từ
của Ngài.
Thân mến chào quý Cha và quý Tu
sĩ.
+ Giuse Đinh Đức Đạo
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc