MỘT THƯ VIỆN CÔNG GIÁO
TRÊN MẠNG
Thưa
quý độc giả,
Cùng
với lời chúc một lễ Giáng sinh vui tươi thánh đức, chúng tôi xin được gửi đến
quý độc giả quyển thứ ba trong bốn quyển sách mới phát hành: “Hôn nhân và Đạo
Hiếu”. Sách được gửi trong file đính kèm đây. Quý độc giả cũng có thể tìm đọc cả
3 quyển tại:
http://gpquinhon.org/qn/news/muc-vu/Hon-nhan-va-dao-hieu-3143/#.VI-SS9KsW-k
http://gpquinhon.org/qn/download/van-hoa/50-nam-tho-cung-to-tien/
http://gpquinhon.org/qn/download/tu-duc/Sua-duc-tin-va-nhung-cau-tam-niem/
http://thanhlinh.net/node/81904
(50 bài ru em mp3)
Nhân
đây chúng tôi xin được chia sẻ một kinh nghiệm về phóng bản quyển, tức là không
giữ bản quyền. “Phóng bản quyền” là một thuật ngữ Phật giáo. Nó mở cửa cho bất
cứ ai cũng có thể khai thác quyển sách, kể cả in để bán, sửa đổi, thích nghi, vận
dụng để thực hiện những nội dung khác, theo định hướng khác…
Mấy
quyển sách của chúng tôi phát hành được vài tuần thì một nữ tu gọi về đề nghị
ghi giá bìa thấp xuống để dễ phổ biến hơn. Sau đó, chúng tôi lại nhận được thư
một vị cao niên ở giáo xứ La Ngà tán đồng nội dung quyển sách và ghi nhận: “Cuốn
sách của cha nếu được phát miễn phí cho tất cả các gia đình thì rất tốt”. Cả
hai đề nghị đều rất ý nghĩa. Do đó, đang khi sách chưa bán được mấy quyển,
chúng tôi lên kế hoạch tặng sách. Chúng tôi vừa suy nghĩ tìm hướng tặng sách
sao cho hữu hiệu vừa gửi ngay file word của quyển “Năm mươi năm thờ cúng Tổ
tiên” đến hơn 20 trang truyền thông quen biết nhờ phát hành miễn phí trên mạng.
Có lẽ chỉ trong vài ngày đã có nhiều ngàn người tải quyển sách về đọc. Rất có
thể một vài chuyên gia “luộc” sách sẽ lấy xuống in và có cách phát hành nhanh
hơn chúng tôi nhiều, và sách do tác giả xuất bản sẽ ối đọng. Không sao, cùng lắm
là mình không thu được tiền vốn nhưng có hệ gì khi mục tiêu chính đã đạt được!
Vâng,
theo luật công bằng thì người “luộc” sách có lỗi vì phạm đến quyền lợi của tác
giả hay dịch giả, nhưng trong tâm nguyện loan báo Tin mừng, tôi thấy “cũng
đành”, “miễn sao Đức Kitô được rao giảng là tôi vui mừng và sẽ cứ vui mừng mãi”
(Pl 1,18). Nếu tôi cứ nhất định “giữ bản quyền”, việc quảng bá đạo lý Tin mừng
sẽ bị trì trệ cho tới bao giờ!
Khi
ra nước ngoài, làm quen với quyển Các Giờ Kinh Phụng Vụ bằng tiếng Anh, tôi bắt
gặp một tiểu tiết khiến phải nghĩ ngợi nhiều. Cuối mỗi ca từ được chọn làm
thánh thi cho các giờ kinh đều có ghi rõ “đã được tác giả cho phép”. Chúa đã
ban ơn cho tác giả sáng tạo, và Giáo hội Chúa muốn vận dụng tác phẩm ấy để ca tụng
Chúa thì phải xin phép kẻ đã được ban ơn! Chẳng khác nào con cái được cha mẹ
cho vốn mua bán, tới lúc cha mẹ cần chút gì thì tính toán kỹ, ghi hóa đơn từng
món một! Trong một quyển sách cầu nguyện mà còn chi li đến thế thì ai dám tin rằng
có thể kiến tạo được một Giáo hội, mà ở đó các tín hữu “đông đảo, mà chỉ có một
lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với
họ, mọi sự đều là của chung” (Cv 4,32).
Các
tín hữu thuở đầu ý thức rằng để Tin mừng có thể được loan báo tới tận cùng cõi
đất, mọi tín hữu cần biết phóng bản quyền không chỉ trên sở hữu trí tuệ mà cả
trên của cải vật chất.
Sự
kiện thiên hạ thản nhiên đẩy lùi năm “tân phúc âm hóa cuộc sống gia đình” vào
quá khứ khiến chúng tôi phải vội vàng đưa sách lên mạng như người ta vội vã bán
đổ bán tháo cuối buổi chợ chiều. May quá vẫn còn internet để mình thanh toán
món hàng tinh thần ế ẩm chứ “sách vở ích gì cho buổi ấy” (Nguyễn Khuyến). Thưa
Yên Đổ tiên sinh, may quá, sách in ế ẩm nhưng sách ảo vẫn còn thu hút nhiều người!
Mạng
internet là môi trường thuận lợi giúp ta phóng bản quyền cho kịp loan báo Tin mừng,
tuy nhiên cần có chung một kế hoạch phóng bản quyền hữu hiệu. Cần gom sách ảo
vào một thư viện ảo. Một thư viện online tập trung sách báo Công giáo lại một
cách hệ thống, thì ai cũng đọc được và nhờ đó sẽ có thêm rất nhiều người được
đón nhận Tin mừng.
Cao
đài có Thư viện Cao đài Đại đạo, Hòa Hảo có Thư viện Hòa Hảo, Tin lành có Thư
viện Tin Lành và Thư viện Sách Tin lành, còn Phật giáo không những có Thư viện
online Hoa Sen, mà còn hàng chục thư viện khác trên mạng: Thư viện Phật học,
Thư viện Phật giáo, Thư viện Phật giáo trên điện thoại di động, Thư viện Phât
giáo Nguyên thủy, Thư viện Nghiên cứu Phật học TPHCM, Thư viện điện tử Kinh
sách Phật giáo tiếng Việt, Thư viện Sách nói Phật giáo, Thư viện Download Phật
giáo Việt Nam, Thư viện ảnh Phật giáo, Thư viện Phật giáo chùa Linh Quang PA, Diệu
pháp âm – Sách nói Phật giáo, Thư viện Thích Nhất Hạnh, Thư viện Thầy Thông Lạc,
Thư viện Phật giáo chùa Ninh Tảo, Thư viện Lam, Thư viện Phật giáo Nghệ An, Thư
viện Phật giáo tu viện Toàn Giác, Thư viện Phật giáo Namo84000, Thư viện Phật
giáo Appstore.vn, Thư viện Phật giáo chùa Tứ Kỳ, Thư viện Anh ngữ học viện Phật
giáo, Thư viện phim ảnh, video Phật giáo Phổ Quang…
Rất
nhiều đồng đạo nêu với tôi câu hỏi giữa một rừng thư viện như thế tại sao Công
giáo Việt Nam không có một thư viện online?
Thưa
đã có một thư viện như thế nhưng chẳng được chăm sóc giữ gìn nên đã bị cháy mất!
Cha Anrê Dũng Lạc Trần Cao Tường đã bắt tay xây dựng Mạng lưới Dũng Lạc, nhắm thực
hiện cho Giáo hội Việt Nam một thư viện trên mạng. Đã có nhiều trăm tác phẩm
quý trong kho tàng sách của Giáo hội Việt Nam được thu thập, thuê người đánh
máy, thuê người đọc lại và đưa lên mạng. Khi cha Tường qua đời, cha Phạm Văn Tuệ,
tiếp tục công việc nhưng rồi Chúa cũng đã sớm gọi về. Mạng lưới Dũng Lạc không
người kế thừa, bị chôn vùi thật oan uổng.
Ai
sẽ tiếp nối? Thiết nghĩ cần những người trẻ có tài năng và có tấm lòng với Chúa
và Hội thánh, không nhất thiết phải là linh mục. Hiện nay chúng ta đang có một
vài trang truyền thông có uy tín do giáo dân xướng xuất và phát triển, nhưng mấy
ai ngờ rằng ho đang hy sinh, tự nguyện ăn cơm nhà vác ngà voi!
Chắc
hẳn có những bạn trẻ Công giáo đam mê với công nghệ thông tin sẵn lòng bắt tay
vào việc để thiết kế, để điều hành. Thế nhưng, một thư viện online khó hơn một
trang thông tin, phải có kiến thức để chọn lọc tác phẩm, phải có tiền để thuê
người scan hay đánh máy, thuê người đọc lại. Một thư viện online cần có sự đóng
góp hỗ trợ của nhiều người, cả về vật chất… Đó đây các cơ sở vật chất đang tiêu
tốn của Dân Chúa hàng chục và cả đến hàng trăm tỉ đồng. Hy vọng cũng sẽ có một
số nhà hảo tâm sẵn lòng cống hiến dăm ba tỉ đồng để xây dựng cho Dân Chúa một
thư viện.
Không
riêng những mạnh thường quân và giáo quyền, cả các tác giả cũng nên góp phần hỗ
trợ. Thay vì ta tự bỏ tiền ra in sách rồi tự phát hành, tự ôm sách đi tặng, các
tác giả có thể hỗ trợ, nay có người quảng bá sách cho ta trên một phòng đọc
sách toàn cầu, ta hỗ trợ phần nào là chuyện đáng làm. Các dòng tu cũng có thể hỗ
trợ. Mỗi dòng tu hiện nay đều có hằng chục đầu sách về lịch sử, linh đạo, hiến
pháp, nhân vật của Dòng, đưa lên một thư viện chung sẽ là cách rất nhanh để quảng
bá ơn gọi. Thêm vào đó, mong rằng quý độc giả cũng quảng đại nâng đỡ nhóm biên
tập.
Giờ
đây, thưa những bạn trẻ giàu tài năng và tâm huyết với với đại cuộc của Chúa Cứu
Thế, tôi đã vận động mọi người hỗ trợ cho nỗi đam mê của các bạn rồi đấy, nào,
các bạn hãy thử làm xem. Các bạn hãy nỗ lực rồi cậy trông nơi Đấng vừa chia tay
chúng ta vừa bảo: “Này Ta ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Ngài
là Đức Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Vâng Giáng sinh đến rồi, Thiên
Chúa đang ở cùng chúng ta và ở cùng chúng ta mãi mãi.
Qui Nhơn, 16-12-2014
Lm TRĂNG THẬP TỰ