Mục vụ bác ái cần được thấm nhuần bởi việc chiêm niệm
Mục vụ bác ái thời Giáo Hội khai sinh dậy cho chúng ta biết rằng không có lời cầu nguyện, thì hoạt động của chúng ta bị giản lược thành chủ trương duy hoạt động và chúng ta có nguy cơ bị ngộp thở trong các công việc thường ngày.
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trong buổi tiếp kiến chung hơn 50.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ tư 25-4-2012.
Ngoài các đoàn hành hương đến từ Bắc Mỹ và Âu Châu, có các đoàn hành hương đến từ các nước Á Châu như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Philippines. Từ Phi Châu có đoàn hành hương Nigeria. Từ Châu Mỹ Latinh có các đoàn hành hương Mehicô, Guatemala, Venezuela và Brasil.
Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã khai triển đề tài mục vụ bác ái đối với các người neo đơn và cần được trợ giúp, như kể trong chương 6 sách Công Vụ. Hồi đó Giáo Hội gia tăng nhân số và các tín hữu nói tiếng Hy Lạp than phiền chống lại các tín hữu gốc Do thái, vì các bà góa của họ bị bỏ quên trong việc phân phát lương thực hằng ngày (Cv 6,1).
Vấn đề không phụ thuộc đối với Giáo Hội và có nguy cơ gây chia rẽ trong lòng cộng đoàn. Đứng trước sự cấp thiết của tình bác ái đối với các người yếu đuối, người nghèo, không được bênh đỡ và vì đức công bằng, các Tông Đồ triệu tập toàn cộng đoàn môn đệ lại để giải quyết vấn đề. Đức Thánh Cha nói:
Các vị đứng trước đòi hỏi đầu tiên loan báo Lời Chúa theo lênh truyền của Chúa nhưng, cả khi đó là đòi hỏi đầu tiên của Giáo Hội, các vị cũng nghiêm chỉnh cứu xét nhiệm vụ bác ái và công bằng, nghĩa là bổn phận trợ giúp các bà góa, người nghèo, yêu thương lo lắng cho các tình trạng túng thiếu của các anh chị em khác, để đáp trả lại lệnh truyền của Chúa Giêsu: các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con (x. Ga 15,12.17).
Như thế cần phải tìm ra một giải pháp cho hai thực tại, mà Giáo Hội cần phải sống và đang gây ra khó khăn: đó là việc loan báo Lời Chúa, quyền tối thượng của Thiên Chúa và tình bác ái cụ thể và công lý. Suy tư của các Tông Đồ rất là rõ ràng, các vị họp cộng đoàn lại và nói: “Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải. Vậy thưa anh em, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bẩy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó. Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa” (Cv 6,2-4).
Có hai điều xuất hiện ở đây: thứ nhất, hồi đó trong Giáo Hội có một thừa tác bác ái. Giáo Hội không chỉ loan báo Lời Chúa, mà cũng thực hiện Lời Chúa nữa là lòng bác ái và sự thật. Thứ hai, các người này không phải chỉ có tiếng tốt, mà còn phải là những người tràn đầy Chúa Thánh Thần và khôn ngoan, nghĩa là họ không thể chỉ là những người tổ chức biết làm, mà phải làm trong tinh thần của đức tin với ánh sáng của Thiên Chúa, trong sự khôn ngoan của con tim, và cả khi nhiệm vụ của họ trước hết là thực tế đi nữa, nó cũng là một nhiệm vụ tinh thần. Bác ái và công lý không chỉ là các hoạt động xã hội, mà cũng là các hoạt động tinh thần, được thực hiện trong ánh sáng của Chúa Thánh Thần. Như thế, các Tông Đồ đã đương đầu với tình hình này với tinh thần trách nhiệm cao độ.
Bẩy người đã được tuyển chọn, và các Tông Đồ đã cầu nguyện để xin sức mạnh của Chúa Thánh Thần và đặt tay để họ tự tận hiến cách đặc biệt cho việc phục vụ bác ái này. Như vậy các bước đầu của cuộc sống Giáo hội, trong một nghĩa nào đó, phản ánh những gì đã xảy ra trong cuộc sống công khai của Chúa Giêsu, trong nhà Marta và Maria ở Bêtania. Marta thì bận rộn lo lắng phục vụ Chúa Giêsu và các môn đệ, Maria trái chăm chú lại lắng nghe Lời Chúa (x. Lc 10,38-42). Trong cả hai trường hợp, các lúc cầu nguyện và lắng nghe Lời Chúa không đối chọi với hoạt động thường ngày và việc thực thi bác ái. Việc hoạt động cho tha nhân không bị kết án, nhưng đàng khác nó phải được thấm nhuần bên trong bởi tinh thần chiêm niệm. Phải có sự chiêm ngắm Thiên Chúa trong hoạt động thường ngày. Đức Thánh Cha giải thích điểm này như sau:
Chúng ta không được đánh mất chính mình trong chủ trương hoạt động thuần túy, nhưng phải luôn luôn để cho ánh sáng của Lời Chúa thấm nhập vào hoạt động của chúng ta, và như thế học tình bác ái đích thực, học việc phục vụ tha nhân đích thực, là điều không cần tới nhiều sự - dĩ nhiên là phải có những gì cần thiết - nhưng nhất là cần lòng trìu mến của con tim, cần ánh sáng của Thiên Chúa.
Chú thích giai thoại hai chi em Marta và Maria thánh Ambrogio khích lệ các tín hữu cũng tìm những gì không thể bị lấy mất đi, bằng cách chú ý tới Lời Chúa, mà không lo ra; vì cũng xảy ra là hạt giống của lời thiên quốc bị đem đi mất, nếu được gieo dọc lối đi. Hãy noi gương Maria kích thích ước muốn hiểu biết, vì nó là công trình lớn lao và hoàn thiện nhất (Expositio Evangelii secundum Lucam, VII, 85: PL 15,1720).
Đây là một nhắc nhở cho chúng ta ngày nay, thường quen đánh giá mọi sự theo tiêu chuẩn sản xuất và hiệu năng. Văn bản sách Công Vụ nhắc cho chúng ta biết tầm quan trọng của việc làm - vì có cả một bộ được thành lập cho lao động - tầm quan trọng của sự dấn thân trong các hoạt động thường ngày với tinh thần trách nhiệm và sự tận tụy, nhưng nó cũng nhắc cho chúng ta biết chúng ta cần Thiên Chúa, cần sự hướng dẫn và ánh sáng của Chúa trao ban sức mạnh và hy vọng cho chúng ta. Nếu không có lời cầu nguyện thường ngày, được sống với lòng trung thành, việc làm của chúng ta trống rỗng, vô hồn, và bị giản lược vào chủ trương hoạt động, sau cùng khiến cho chúng ta không được thỏa mãn.
Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ: có một lời cầu rất đẹp như thế này: “Lậy Chúa, xin soi sáng cho chúng con biết việc phải làm, và khi làm xin Chúa giúp đỡ, để mọi lời nói và việc làm của chúng con luôn khởi sự và hoàn thành trong Chúa”. Cũng vậy, mọi bước đi của cuộc sống chúng ta, mọi hoạt động, cả của Giáo Hội nữa cũng phải được làm trước mặt Chúa và dưới ánh sáng của Lời Chúa... Khi lời cầu nguyện được dưỡng nuôi bằng Lời Chúa, chúng ta có thể nhìn thực tại với đôi mắt mới, với đôi mắt của đức tin, và Chúa là Đấng nói với tâm trí chúng ta ban ánh sáng mới cho đường đi, trong mọi lúc và mọi hoàn cảnh. Chúng ta tin vào sức mạnh của Lời Chúa và lời cầu nguyện. Sự kiện các Tông Đồ không chỉ chuẩn nhận việc lựa chọn Stephano và các người khác, nhưng còn cầu nguyện rồi đặt tay trên họ ám chỉ việc trao ban nhiệm vụ cho họ, và minh xác rằng việc phục vụ bác ái là một phục vụ tinh thần. Đức Thánh Cha quảng diễn ý nghĩa cử chị đặt tay như sau:
Với cử chỉ đặt tay các Tông Đồ trao ban cho bảy người này một chức thừa tác, để họ nhận được ơn thánh tương xứng. Việc nhấn mạnh trên lời cầu nguyện ”sau khi đã cầu nguyện”, là quan trọng, bởi vì nó minh nhiên chiều kích tinh thần của cử chỉ này. Đây không chỉ là việc đơn thuần trao ban một chức vụ như trong một tổ chức xã hội, mà là một biến cố giáo hội, trong đó Chúa Thánh Thần chiếm hữu bảy người được Giáo Hội tuyển chọn, bằng cách thánh hiến họ cho Chân Lý là Chúa Giêsu Kitô. Chính Người là tác nhân thinh lặng, hiện diện trong việc đặt tay, để các người được chọn được biến đổi bởi quyền năng của Người và được thánh hóa hầu đương đầu với các thách đố cụ thể, các thách đố mục vụ.
Trình thuật cũng cho chúng ta thấy sự tối thượng của lời cầu nguyện và Lời Chúa làm nảy sinh ra hoạt động mục vụ. Đối với Các Chủ Chăn đây là hình thức phục vụ đầu tiên qúy báu đối với đoàn chiên được giao phó cho các vị. Nếu các lá phổi của lời cầu nguyện và Lời Chúa không dưỡng nuôi hơi thở cuộc sống thiêng liêng của chúng ta, thì chúng ta có nguy cơ chết ngộp giữa hàng ngàn sự việc mỗi ngày: lời cầu nguyện là hơi thở của linh hồn và cuộc sống.
Sau khi chào các tín hữu bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, NBồ Đào Nha, Ba Lan, Croat, Slovac, Hungari và Ý và cầu chúc họ có những ngày hành hương sốt sắng và bổ ích, Đức Thánh Cha đã cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
Linh Tiến Khải