NÀY ĐÂY TA ĐỨNG TRƯỚC CỬA VÀ GÕ
Cha Pierre Ruquoy, người Bỉ, là Linh Mục Thừa Sai dòng Khiết Tâm Đức Mẹ MARIA (Các Cha Scheut). Cha trông coi một giáo xứ ở Mulungushi Agro bên Cộng Hòa Zambia thuộc đại lục Phi Châu. Nơi đây Cha tiếp nhận 41 trẻ mồ côi cả trai lẫn gái và hai cụ già. Xin nhường lời cho Cha Pierre Ruquoy.
Vào thời kỳ làm việc truyền giáo bên Tamayo ở miền Tây Nam Cộng Hòa Dominicana tôi có thói quen đến dùng bữa tối mỗi Chúa Nhật nơi nhà một gia đình giáo dân. Đối với tôi đây là cách thức tốt nhất để hiểu biết trực tiếp và tạo mối quan hệ thật gần với con chiên bổn đạo và chia sẻ một khoảnh khắc quan trọng của cuộc sống.
Thế nhưng, điều không may là phần lớn các Chúa Nhật ấy tôi thường ngồi một mình nơi phòng ăn trước mâm cơm và nồi xúp trong khi toàn gia đình chủ nhà ngồi ăn nơi nhà bếp. Tôi hiểu ngay sau đó rằng, theo phong tục dân Dominicana thì khi một người khách đến nhà ai, người ta thường để khách ngồi ăn một mình hầu người khách cảm thấy thoải mái dùng hết thức ăn dọn sẵn trên bàn. Tôi không dễ dầu gì chấp nhận phong tục này! Bởi vì, đối với tôi, bữa ăn luôn luôn chia sẻ với người khác và ăn uống diễn tả một sinh hoạt cộng đoàn quan trọng nhất.
Bây giờ ở Zambia này, tôi lại rơi vào cùng hiện tượng. Cũng giống như bên Cộng Hòa Dominicana, toàn gia đình không có thói quen ngồi chung một bàn để ăn: người cha ngồi dùng bữa với khách nơi phòng ăn trong khi con cái và người mẹ ngồi ăn dưới cái chòi dùng làm nhà bếp.
Nhà xứ của chúng tôi hiện có 45 người: 41 trẻ mồ côi trai và gái, 2 cụ già đơn côi, một nhà giáo dục và tôi. Theo phong tục ở đây thì tôi phải dùng bữa nơi phòng ăn với Amos - nhà giáo dục - và hai cụ già trong khi các trẻ mồ côi phải ăn sau chúng tôi.
Dĩ nhiên ngay từ đầu tôi quyết liệt phá đổ phong tục này. Tôi nhấn mạnh đến sự kiện chúng tôi phải quây quần bên nhau cùng một bàn ăn để dùng ba bữa sáng, trưa, tối. Một đặc điểm nơi Phi Châu này là bàn ăn của chúng tôi không có đĩa muỗng nĩa gì hết! Chỉ vỏn vẹn một mâm thức ăn to tướng đặt giữa bàn ăn. Mọi người cùng dùng tay để bóc thức ăn. Khi thức ăn là nồi bột bắp thì người ta thấy chi chít các bàn tay như bắt nhau!!!
Ban đầu khi tôi mới áp dụng phong tục này, các trẻ mồ côi tỏ ra ngạc nhiên và ngại ngùng lúng túng. Chúng rụt rè lo ngại lấm lét nhìn tôi và giữ thinh lặng suốt bữa ăn. Dần dần chúng tự nhiên và dạn dĩ hơn. Các bữa ăn trở thành dịp tốt để trao đổi các vấn đề, chia sẻ niềm vui và các khám phá mới lạ. Dĩ nhiên khách nào đến nhà xứ chúng tôi cũng đều ngạc nhiên khi thấy đoàn ngũ đông đảo các trẻ mồ côi quây quần bên tôi để chia sẻ cùng một mâm thức ăn. Và người khách bắt buộc làm y như chúng tôi.
Bữa ăn là suối nguồn sự sống. Ăn cùng một mâm diễn tả tình hiệp nhất sâu đậm và mối dây huynh đệ chân thành. Khi đọc Phúc Âm theo thánh Luca các tín hữu Công Giáo nhận ra ngay rằng việc tham dự vào các bữa ăn diễn tả một trong các sinh hoạt đáng chú ý của Đức Chúa GIÊSU khi Ngài công khai hoạt động tông đồ và rao giảng Tin Mừng. Trong Phúc Âm theo thánh Luca người ta thấy Đức Chúa Giêsu dùng bữa 10 lần. Các bữa ăn tạo thành các cột trụ cho cuốn Phúc Âm và luôn luôn diễn tả một khía cạnh chính yếu của bí tích Thánh Thể - bữa ăn tuyệt hảo nhất - bữa tiệc ly mà THIÊN CHÚA dâng hiến mạng sống cho đoàn con.
Để có thể lĩnh hội hình ảnh toàn vẹn về bí tích Thánh Thể trong Phúc Âm theo thánh Luca, chúng ta phải học hỏi từng bữa ăn của Chúa Giêsu. Chẳng hạn, bữa ăn đầu tiên Ngài dùng là bữa tiệc nơi nhà ông Lêvi, người thu thuế (Luca 5,27-39). Trình thuật Tin Mừng làm nổi bật tầm quan trọng của việc đi theo Chúa Giêsu. Bữa tiệc chia sẻ với Lêvi nơi nhà của ông cũng là một trình thuật Thánh Thể. Nó nhấn mạnh rằng tham dự chân thành vào bữa tiệc cuối cùng của Chúa Giêsu đòi hỏi việc hoán cải tâm lòng của mọi thực khách.
Thánh Thể kêu mời người tội lỗi, nghĩa là mời gọi hết mọi người. Tất cả chúng ta được kêu gọi phải hoán cải, phải thay đổi tâm lòng, đổi mới lối sống. Thánh Thể đòi hòi một lối sống mới phát sinh từ mối hiệp thông và tình liên đới với Chúa Giêsu vây quanh cùng một bàn ăn.
(“CHRONICA CICM”, Bulletin mensuel, 80e Année, Juillet/2010)