Nền thần học đích thật bắt nguồn từ
tình yêu Thiên Chúa và dẫn đưa chúng ta đến chỗ kết hiệp với Thiên Chúa
“Nền thần học đích thật bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa chứ không phải từ sự kiêu căng của lý trí. Ai yêu mến thì ngày càng muốn hiểu biết Người được yêu hơn. Biết rằng Chúa Kitô đã chết “vì chúng ta” nhất thiết trở thành lòng mến, tình yêu, chứ không chỉ là sự hiểu biết của trí tuệ”.
Đức Thánh Cha đã khẳng định như trên trong buổi tiếp kiến chung hơn 20.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ tư 17-3-2010.
Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha đã đề cập tới các khác biệt và các tương đồng giữa hai vị thánh đồng thời là hai thần học gia lớn của Giáo Hội sống hồi thế kỷ XIII: đó là thánh Bonaventura thuộc Dòng Phancxicô và thánh Tôma thành Aquinô thuộc Dòng Đa Minh. Hai vị thánh thuộc các Dòng Khất Thực này đã canh tân toàn Giáo Hội với linh đạo tươi mát của các vị, và lôi kéo biết bao nhiêu môn sinh. Cả hai vị đều phục vụ Giáo Hội với sự tận tụy, say mê và lòng yêu mến đến độ đều đã được mời tham dự Công Đồng Chung Lyon năm 1274 và qua đời cùng năm đó: thánh Đa Minh trên đường đến Lyon còn thánh Bonaventura trong khi Công Đồng còn đang nhóm họp. Tượng của hai vị được đặt trên hai cánh của quảng trường thánh Phêrô.
Tiếp đến, Đức Thánh Cha đã nêu bật vài điểm khác biệt trong cách thế hai vị quan niệm về thần học. Thánh Tôma suy tư về hai khía cạnh đối chọi nhau của thần học: một khía cạnh thực tiễn một khía cạnh lý thuyết.
Trong chiều kích thực tiễn thần học là việc suy tư về đức tin, và mục đích của đức tin là để cho con người trở nên tốt lành hơn và sống theo ý Thiên Chúa. Trong chiều kích lý thuyết thần học tìm hiểu Thiên Chúa ngày càng nhiều hơn. Chúng ta là công trình của Thiên Chúa và Thiên Chúa hoạt động trong chúng ta. Nhưng thánh Tôma nhấn mạnh vị thế của sự hiểu biết.
Để trả lời câu hỏi thần học là một khoa học lý thuyết hay thực tiễn, thánh Bonaventura phân biệt ba chiều kích: giữa chiều kích lý thuyết và thực tiễn còn có chiều kích khôn ngoan nữa và thánh nhân khẳng định rằng sự khôn ngoan gồm tóm cả hai khía cạnh kia. Sự khôn ngoan tìm kiếm việc chiêm niệm là hình thức cao nhất của sự hiểu hiết và nhất là có mục đích làm cho chúng ta trở nên tốt lành. Đức tin là trong trí tuệ, nhưng đến độ khơi dậy lòng mến. Thí dụ: hiểu biết rằng Chúa Kitô đã chết “vì chúng ta” không chỉ ở trong sự hiểu biết mà cần phải trở thành “lòng mến, tình yêu” (Proemium in I Sent., q.3).
Thánh nhân kể ra một số thái độ làm thần học thịnh hành thời bấy gìơ, trong đó có thái độ bạo lực đối với Lời Chúa, không lắng nghe nhưng phân tích Lời Chúa đến độ để cho lý trí làm trống rỗng đức tin. Thế rồi trong việc làm thần học còn có thái độ ngạo mạn kiêu căng của lý trí tự đặt mình trên Lời Chúa. Nhưng thần học đích thực, công việc lý trí của thần học tốt lành đích thực có một nguồn gốc khác không phải là sự kiêu căng của lý trí. Và Đức Thánh Cha quảng diễn thêm điểm này như sau:
“Ai yêu mến thì càng ngày càng luôn muốn hiểu biết người yêu hơn; thần học đích thực không dấn thân lý trí và sự kiếm tìm của nó được thúc đẩy bởi lòng kiêu căng, nhưng là sự dấn thân của lý trí được thúc đẩy bởi tình yêu của Đấng nó đã trao ban sự đồng ý” (Proemium in I Sent., q.2) và muốn hiểu biết người yêu hơn: đó là ý hướng nền tảng của thần học. Như thế sau cùng đối với thánh Bonaventura tình yêu chiếm chỗ tối thượng.
Hậu qủa là định nghĩa khác biệt mục đích tối hậu của cuộc sống con người. Đối với thánh Tôma, mục đích tối cao của cuộc sống là nhìn thấy Thiên Chúa. Trong cử chỉ đơn sơ của việc nhìn thấy Thiên Chúa có giải pháp cho mọi vấn đề: chúng ta hạnh phúc, và không cần gì khác nữa.
Đối với thánh Bonaventura, ước muốn tối hậu của con người, trái lại, là yêu mến Thiên Chúa, là sự gặp gỡ và kết hiệp tình yêu của Thiên Chúa và tình yêu của chúng ta. Đó là định nghĩa toàn vẹn nhất niềm hạnh phúc của chúng ta.
Trong chiều hướng đó có thể nói rằng phạm trù cao nhất đối với thánh Toma là sự đích thật, trong khi đối với thánh Bonaventura là sự thiện. Thật ra không só sự đối nghịch giữa hai bên. Vì đối với cả hai sự thật cũng là sự thiện và sự thiện cũng là sự thật; nhìn thấy Thiên Chúa là yêu mến và yêu mến là nhìn thấy.
Suy tư thần học của thánh Bonaventura khởi hành từ gương sống của thánh Phanxicô, người đã chứng minh cho thấy quyền tối thượng của tình yêu với toàn cuộc sống của mình. Thánh Phanxicô đã là hình ảnh sống động và say mê của Chúa Kitô và đã khiến cho hình ảnh của Chúa Kitô hiện diện trong con người và thuyết phục người thời đó bằng cuộc sống chứ không bằng lời nói. Nhưng để có thể hiểu ”quyền tối thượng của tình yêu” cần phải chú ý tới một nguồn tài liệu khác nữa: đó là các bút tích của một thần học gia Siriac thuộc thế kỷ thứ VI gọi là Dionigi Giả, ẩn mình dưới tên gọi Dionigi Aeropagita là người đã tạo ra một nền thần học phụng vụ và một nền thần học thần bí nói nhiều về các thiên thần. Các bút tích của ông được dịch ra tiếng Latinh hồi thế kỷ thứ IX. Và vào thời thánh Bonaventura, tức thế kỷ XIII, có một bản dịch mới khiến cho thánh nhân và các thần học gia thời đó chú ý.
Dionigi Giả nói về chín phẩm thiên thần có tên trong Kinh Thánh, từ các thiên thần đơn sơ cho tới các Seraphim. Thánh Bônaventura giải thích chín phẩm thiên thần ấy như là chín bậc thang của lộ trình dẫn đưa con người lên tới sự hiệp nhất với Thiên Chúa. Và thánh Phanxicô thành Assisi thuộc phẩm trật cao nhất là Seraphim, thuộc ca đoàn các Seraphim, nghĩa là lửa tinh tuyền của tình yêu. Bậc cuối cùng đó là ơn đặc biệt Thiên Chúa ban chứ không thuộc trật tự pháp lý.
Ngoài ra thánh Bonaventura còn tìm thấy một nhân tố quan trọng khác nữa trong bút tích của Dionigi Giả. Trong khi đối với thánh Agostino trí tuệ, sự nhìn xem với lý trí và con tim là phạm trù cuối cùng của sự hiểu biết, thì Dionigi Giả tiến thêm một bước nữa: trên con đường tiến lên với Thiên Chúa ta có thể đạt tới một điểm, trong đó lý trí không trông thấy nữa. Nhưng trong đêm tối của tri tuệ tình yêu vẫn còn trông thấy những gì mà lý trí không đạt tới được. Tình yêu trải dài và vượt xa hơn lý trí, trông thấy nhiều hơn và tiến sâu hơn vào trong mầu nhiệm của Thiên Chúa. Đức Thánh Cha nói quan điểm này hấp dẫn thánh Bonaventura và ngài giải thích thêm:
Chính trong đêm tối của Thập Giá hiện ra tất cả sự cao cả lớn lao của tình yêu Thiên Chúa; nơi đâu lý trí không trông thấy nữa, thì tình yêu vẫn trông thấy. Khi đọc một cách hời hợt các lời kết thúc tác phẩm “Lộ trình của trí tuệ trong Thiên Chúa” xem ra diễn tả lòng đạo đức thái qúa không có nội dung, nhưng nếu đọc trong ánh sáng của nền thần học Thập Giá của thánh Bonaventura, thì chúng là một diễn tả trong sáng và thực tế của nền tu đức Phan Sinh. “Nếu giờ đây bạn khao khát biết con đường tiến lên với Thiên Chúa xảy ra làm sao, thì hãy hỏi ơn thánh chứ đừng hỏi giáo thuyết, hãy hỏi ước muốn chứ đừng hỏi trí tuệ; hãy hỏi lời cầu rên rỉ chứ đừng hỏi việc nghiên cứu chữ viết... đừng hỏi ánh sáng, nhưng hãy hỏi lửa đốt cháy tất cả và đem tất cả vào trong Thiên Chúa” (VII, 6). Tất cả những điều này không chống lại trí tuệ cũng không chống lại lý trí: nó giả thiết con đường của lý trí, nhưng đưa lý trí lên cao vào trong tình yêu của Chúa Kitô chịu đóng đanh. Với sự biến đổi của sự thần bí của Dionigi Giả thánh Bonaventura đứng ở điểm khởi đầu của một trào lưu thần bí lớn đã nâng cao và thanh tẩy tâm trí con người rất nhiều: đó là một đỉnh cao trong lịch sử tinh thần con người.
Nền thần học của Thập Giá nảy sinh từ sự gặp gỡ của nền thần học của Dionigi Giả và nền tu đức Phan Sinh không khiến cho chúng ta quên rằng thánh Bonaventura chia sẻ với thánh Phanxicô tình yêu đối với thụ tạo, niềm vui đối với vẻ đẹp nơi thụ tạo của Thiên Chúa.
Đối với thánh Bonaventura, toàn cuộc sống chúng ta là một lộ trình, một cuộc hành hương tiến lên với Thiên Chúa. Chỉ với sức loài người chúng ta không thế lên cao với Thiên Chúa, vì thế phải cần lời cầu nguyện.Như thánh Bonaventura đã nói: “Lời cầu nguyện là bà mẹ và nguồn gốc việc nâng lên cao của hành động đưa chúng ta lên cao”.
Theo tin từ Vatican