Người ngoại đạo tốt lành
Hãy
chăm sóc người bị nạn. Hãy sống như người Samaritano tốt lành. Hãy giúp đỡ
những ai đang cần, vì chính Đức Kitô đã trả giá đắt là hy sinh mạng sống để
chuộc chúng ta, và Ngài tiếp tục phải trả giá đắt vì chúng ta. Đức Thánh Cha
chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.
Ai là
người thân của tôi
Khi nhà
thông luật hỏi để thử Chúa rằng: Làm cách nào để được sự sống đời đời? Chúa nói
cho ông về điều răn yêu thương: mến Chúa yêu người. Nhưng ông còn muốn hỏi cụ
thể thêm để bào chữa. Bởi lẽ trong Luật có nói là yêu người thân cận như chính
mình, nhưng ai là người thân cận? Chúa đáp lại ông bằng cách kể dụ ngôn người
Samaritano nhân lành.
Trong
dụ ngôn, chúng ta có thể là một trong các vai: hoặc là tên cướp, hoặc là người
bị thương nửa sống nửa chết, hoặc là thầy tư tế, hoặc là thầy Lêvi, người chủ
trọ hoặc người ngoại đạo Samaritano tốt lành. Có người sống như những kẻ cướp,
đến cướp đi hạnh phúc, cướp đi những điều tốt đẹp, và không quan tâm đến đời sống,
đến mạng sống của người khác. Còn các tư tế, đáng lẽ họ phải sống như những
người thuộc về Thiên Chúa. Các thầy Lêvi, đáng lẽ họ phải sống phải thực hành
Lề Luật. Nhưng không, các tư tế và các thầy Lêvi nhìn thấy nạn nhân và né qua
một bên mà đi.
Tôi là người
thân của ai
Nhìn
thấy và né qua một bên đi tiếp. Đó là thái độ thường gặp của chúng ta. Chúng ta
nhìn thấy người bị nạn, nhìn thấy những điều tệ hại, nhìn thấy điều gì đó, rồi
tiếp tục bước đi. Khi đọc báo, theo dõi tin tức cũng thế, chúng ta dừng lại đôi
chút đọc các tin giật gân, các vụ này nọ, rồi lật giở đọc tiếp các trang khác.
Với người ngoại đạo Samaritano tốt lành thì không làm thế, tuy đang trên hành
trình của mình, nhưng ông nhìn thấy, dừng lại, ông không bỏ đi, nhưng động lòng
thương. Ông nhìn thấy, ông động lòng thương, ông dừng lại, tiến tới người bị
nạn, xức dầu băng bó vết thương. Ông không để mặc người bị nạn nằm ở đó. Còn
tôi, tôi có làm như thế không, hay là tôi bỏ mặc và né sang một bên mà đi?
Người
ngoại đạo tốt lành ấy còn đưa nạn nhân về nhà trọ. Ông cũng trao tiền cho chủ
trọ để nhờ chăm sóc cho nạn nhân tận tình. Ông còn nhờ chủ quán chăm sóc hết
sức, và chi phí thêm bao nhiêu, ông sẽ hoàn trả thêm khi ông trở lại. Cung cách
hành xử này chính là mầu nhiệm của Chúa Kitô: Đấng đã tự khiêm tự hạ, tự trở
nên người phục vụ người tôi tớ, Đấng tự trở nên nghèo hèn đến độ chết trên thập
giá vì tôi vì chúng ta. Chúa Giêsu trả lời cho ông luật sĩ không phải bằng một
điều luật nhưng bằng con người, bằng lối sống của người Samaritano nhân lành.
Và Chúa mời gọi ông luật sĩ hãy sống như thế thì sẽ được sự sống đời đời.
Độ dài
rộng cao sâu của Tình Yêu nơi Đức Giêsu Kitô
Đi vào
dụ ngôn này, chúng ta hiểu được chiều dài rộng cao sâu của mầu nhiệm Chúa Giêsu
Kitô. Vị tiến sĩ luật lặng thinh, xấu hổ và không hiểu điều ấy. Ông không hiểu
được mầu nhiệm của Chúa Kitô. Có lẽ cần học cách yêu người để có thể tiếp cận
mầu nhiệm Chúa Kitô: mỗi lần bạn nhìn thấy tha nhân lâm nạn, bạn cần giúp đỡ
người ấy, cần nâng người ấy dậy. Mỗi khi ai đó làm như thế, thì họ đang tiến
bước trên con đường lành thánh, đang tiến bước cùng với Chúa Giêsu.
Người
chủ nhà trọ có lẽ chưa kịp hiểu gì. Có lẽ ông sợ một chút, ngạc nhiên một tí.
Có lẽ ông ngạc nhiên lắm trước điều kỳ diệu của cuộc gặp gỡ ấy, trước những gì
tốt đẹp mà người Samaritano tốt lành đang làm. Có lẽ ông không thể hình dung và
chưa từng nghe nói có người tốt như thế. Đó chính là điều kỳ diệu trong cuộc
gặp gỡ Chúa Giêsu.
Chúng
ta nên đọc chương 10 Tin Mừng theo thánh Luca và tự hỏi lòng mình: Tôi làm gì
đây? Tôi có phải là vị tư tế chỉ biết đứng nhìn và bỏ đi hay không? Nếu là nhà
lãnh đạo Công giáo, tôi có hành xử như thế không? Hay tôi chỉ là một tội nhân?
Tôi có giúp đỡ những ai đang cần hay không? Tôi có nâng đỡ và băng bó vết
thương cho những con người những nạn nhân mà tôi gặp mỗi ngày? Tôi có sống
giống như Chúa không? Nguyện xin Chúa ban ơn sủng để chúng ta có thể hiểu được
mầu nhiệm Chúa Kitô, Đấng tự nguyện trở nên đồng hàng với chúng ta là kẻ tội
lỗi, để đến với chúng ta, để chữa lành và ban sự sống cho chúng ta.
Tứ Quyết SJ
Nguồn: vi.radiovaticana.va