Trang Chủ > Truyền Giáo > Hoạt Động

.

NHỮNG BƯỚC CHÂN THẦM LẶNG

Nói với Chúa và nói về Chúa.”


Với linh đạo của Dòng Đa Minh, Hội Dòng chúng con luôn ý thức sứ vụ cao cả mà Đấng sáng lập muốn mỗi thành viên chúng con tiếp tục công việc của Đức Ki-tô với nhiệm vụ ưu tiên: "Hãy đi khắp thế giới và loan giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo”. (Mc 16, 15). Đây chính là sứ mạng riêng của Dòng và cũng là sứ mạng của toàn thể Giáo hội.

Trong tinh thần người Tu sĩ Đa Minh, Hội Dòng chúng con đã hiện diện tại các thí điểm truyền giáo từ năm 1977 cho đến nay, không chỉ tại Giáo Phận Xuân Lộc, nhưng còn trải rộng trên Gíáo phận Long Xuyên, Gíáo phận Đà Lạt và đặc biệt là Gíáo Phận Kontum. Trong tinh thần hiệp thông của ngày đại hội, chúng con xin được chia sẻ đôi nét về thí điểm truyền giáo thầm lặng – KONG CHRO.

Đây là một thí điểm mới của Hội Dòng và của Giáo phận Kontum, một thí điểm có nét rất riêng trong việc truyền giáo hôm nay: vì chính nó không mang sắc thái hoạt động với những hình thức bên ngoài, nhưng trong cung cách thầm lặng và tiệm tiến. Tuy nhiên, trong sự âm thầm đó vẫn nói lên được chiều kích và tầm quan trọng trong việc truyền giáo: 

1. Hiện diện trong an bình

2. Lao động trong vui tươi

3. Cầu nguyện trong gian truân.

4. Sống chứng nhân.

Và đây cũng là con đường truyền giáo của các vị thừa sai của miền truyền giáo tây nguyên thủa ban đầu. Nhưng từ chỗ rất âm thầm này đã dội lên một tiếng vang lớn, vang xa khiến nhiều người, nhiều nơi biết đến. Đạo Chúa đã đến miền đất trắng tôn giáo, một nơi xem như dậm chân tại chỗ và bị cản lối nhưng lại là bước tiến rất xa và rất trân quý.

1.      Hiện diện trong an bình

Nằm trên đường xa lộ Đông Trường Sơn tại km 346+200 phía Đông Trường Sơn, Nam Tây Nguyên. Kong Chro thuộc thôn 10, Yang Trung, huyện Kong Chro –tỉnh Gia Lai, với 9 dân tộc cùng chung sống: Kinh , Thái, Dao, Jrai, Mường, Tày, Nùng, H’mông, và cuối cùng là Bahnar chiếm 80% dân số.

Kong Chro, đất đai rộng lớn, nhưng khô cằn sỏi đá gai góc, đường đi vào huyện Kông Chro thật khó, nhưng nhập cư sinh sống ở đây còn khó hơn chút nữa, và đường đi đến với lòng người Kông Chro (kon Kinh, kon Kông), thì quả thật vô cùng khó khăn, vì Kong Chro được coi là huyện trắng tôn giáo của tỉnh Gia Lai, nơi đây không có một ngôi chùa hay thánh đường nào xuất hiện.

Ngày xưa, Làng Hồ được khởi đầu bằng con đường tiến tới do sự gian khổ của Thầy Sáu Do, thì KongChro hôm nay cũng được khai phá đầy nhọc nhằn và gai góc của ba nhà Tu Sĩ Đa Minh tiên khởi. Biết rõ như thế nhưng câu chuyện về Kong Chro vẫn cứ bắt đầu.

Gieo trồng Lời vào miền đất Bahnar bên kia núi miền Kông Chro là một trăn trở, một thao thức, một khát vọng lớn của vị chủ chăn Gíao phận Kontum. Vì thế, Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh- Gíam mục giáo phận Kontum đã đưa hai nữ tu là Chị M. Cao Thị Nhiệm và Chị M.Phạm Thị Đức thuộc Dòng Đa Minh Tam Hiệp, đi du học tại Toà Gíam Mục Kontum với chuyên ngành ngôn ngữ Bahnar, để chuẩn bị gieo trồng Lời vào miền đất Kong Chro của sắc tộc Bahnar.

Sau một năm du học, hai chị cũng được tốt nghiệp. Và ngay ngày ra trường ấy, ngày 19/5/2008 Đức Cha Micae đã đưa hai chị đến cùng chung chia sứ vụ với Thầy Giuse Nguyễn Hữu Phú, OP, một Thầy Sáu của dòng Đa Minh đã hiện diện tại đây từ năm 2006. Tuy nhiên khi vừa bước chân trên mảnh đất Kong Chro, hai chú Công an huyện đã tới tận nhà thăm viếng... thử thách đầu tiên đã đến với các Chị. Với kinh nghiệm của một nhà truyền giáo, Đức Cha Micae đã gợi ý : “thời gian đầu hai chị em xin tạm trú tại nhà Chú Sáu để mai sau có thể ở lại phần đất này”, thế là một mô hình truyền giáo mới được thiết lập với sự hiện diện của một Thầy Sáu và hai nữ tu Đa Minh trong một ngôi nhà nhỏ bên dòng sông Pa. Đây là cộng đòan tu sĩ đầu tiên ở Kong Chro.

Ba nhà thừa sai được Đức Cha Micae chỉ cho vùng đất phải canh tác với giọng nhân từ nhưng cương quyết: “Đất canh tác đó – ba người chúng con hãy lo dọn đá, dọn sỏi, dọn gai góc… ngày ngày chỉ lao động với cái cuốc, cái liềm. Và để thêm sinh lực cho đời sống là lời cầu nguyện, kết hợp không ngừng trong lao động, cũng như phải chan hòa niềm vui, sự bình an ngay trong cộng đòan và với mọi người mình tiếp xúc.”

 Đẹp thay trên đồi núi, bước chân người loan báo Tin Mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ” (Is 52,7), Lời ấy vang dội trong tâm trí của ba nhà truyền giáo và xoáy sâu vào tâm hồn từng người với một quyết tâm:

- Dù chúng ta sống ở Kong Chro như để có mặt, mà cho dù không có mặt chúng ta cũng chẳng là gì… chỉ duy tâm nguyện: “vì tình yêu đối với Chúa và phần rỗi các linh hồn, mà chúng ta hiện diện  vui vẻ; dù lao nhọc vất vả chúng ta cố gắng yêu mến triền miên từng ngày với Đấng chúng ta đã tự nguyện mến yêu. Mong sao cho những con người ở nơi đây – Kong Chro, đất hoang. Vườn ươm cây đức tin chưa nảy mầm, một ngày nào đó như vườn cây được tưới nước sẽ nảy mầm lớn lên thành cây và đơm bông kết trái dồi dào” (ý thánh vịnh 125).

Thời gian trôi qua, ba nhà truyền giáo chỉ hiện diện trên vùng đất sỏi đá trong an bình, không rao giảng, không mục vụ, không thăm viếng... Tuy nhiên, sự hiện diện thầm lặng này cũng đã không trở nên vô ích, khi ngôi nhà trở thành sân chơi của những em bé Bahnar vào những buổi chiều tối, trở thành điểm họp mặt anh chị em dân làng và cũng trở thành lớp âm nhạc với những cây đàn organ cho các em. 

2.      Lao động trong vui tươi

Thời gian cứ lặng lẽ trôi, ba Tu sĩ Dòng Đa Minh vẫn âm thầm theo kế hoạch: án binh bất động. Mỗi người là mình, nhưng không ai là một hòn đảo, ba nhà truyền giáo hân hoan bắt tay vào lao động, ngày ngày vác cuốc ra vườn trồng tre, trồng chuối, làm bồn cho tre và chuối, vác máy xuống sông nối dây tưới cho tre, chuối và các thứ cây trong vườn. Nuớc sông Pa mát lạnh, làm mấy cụm tre, bụi chuối cười thích chí, reo vui ồn ào và xanh tươi biết bao, để rồi cả ba tự hài lòng, đồng thanh vang tiếng cảm tạ ơn Chúa: “Gìơ đây Chúa sai tôi đem tin vui đến cho mọi người, tiếng cười lau khô mồ hôi nước mắt…” và cho dù có vất vả gian truân dưới tiết trời nắng như đổ lửa, tiếng hát vẫn vang lên trên đồi núi: “và tôi sẽ ra đi, mang trên vai trái tim tình người, bước đều đôi chân tình thương lấp lối.” (Chúa sai tôi – Phạm Quang,OP).

Từng phút giây lao động của những nhà truyền giáo được hoà trộn trong tâm tình cầu xin: “Mong sao cho anh em bốn phương một nhà, mong sao cho bốn phương là con một Chúa…”

Ngày lại ngày cũng tay cuốc tay cày như một nông dân miền núi, người dân làm nông với khúc ca: “Trên đất giồng mình trồng khoai lang,” còn nhà truyền giáo thì lại hát: “Trên đất này mình trồng yêu thương” với ý thức mình đang thi hành sứ mệnh của Cha (X.Ga 4,34)

Ý thức sứ mệnh trong lao động, những nhà truyền giáo lại mở rộng thêm ngành chăn nuôi gà để phát triển cánh đồng truyền giáo. Được sự chúc phúc của chủ ruộng Giêsu, đàn gà mau lớn, không bệnh tật, ai đến cũng thấy mê. Tiếng lành đồn xa, nên dân làng không mời mà thi nhau tới để mua gà của ba nhà truyền giáo với giá cực rẻ (1 chú gà 2kg chỉ 80,000VND- trong khi gà thị trường là 75,000 VND/1kg ), lại còn được khuyến mãi mua gà tặng măng. Tạ ơn Chúa, Thiên Chúa đã chúc lành cho anh chị em Đa Minh với phương thức mới: “Không đi vào làng mà dân làng đã tự đến với anh em.”

3.      Cầu nguyện trong gian truân.

Như tâm tình của Đức Giêsu trước khi chọn 12 tông đồ và sai đi rao giảng, Ngài đã thức suốt đêm để cầu nguyện (X. Mc 3,13), Đức Cha Micae cũng đã tha thiết cầu nguyện trước khi sai ba nhà truyền giáo Đa Minh đến Kong Chro và luôn ân cần nhắc nhở: “Phải lo cầu nguyện và tin tưởng vào quyền năng và tình thương của Thiên Chúa”. (X.Lc 17,5-6)

Khởi đầu sứ vụ là đời sống cầu nguyện, nhưng việc cầu nguyện phải bền bỉ trong kiên trì (X. Lc 11,9-13). Đó là điều kiện để giữ mãi mùa xuân và sức sống trong mỗi người, trong cộng đòan và trong môi trường mình đang sống vì ý thức rằng có Chúa trong mình, có Chúa trong cộng đòan, là có cả mùa xuân hạnh phúc: “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau” (Tv 133,1).

Nhưng làm sao để đời sống cầu nguyện có hiệu quả? Cả ba lại phải hiệp nhất trong lời cầu nguyện: “Thầy bảo thật anh em:  nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy giữa họ.” (Mt 18,19-20). Ba nhà truyền giáo mỗi ngày đều chung lưng đấu cật, ra sức góp bàn tay trong lao động, chung tấm lòng trong kinh nguyện Để cùng nhau thi hành sứ vụ trong âm thầm lặng lẽ: cả ba chị em Đa Minh quay cuồng trong kinh nguyện và lao động, nhưng cuộc sống rất vui, vui trong từng ngày sống, vui để đón nhận Thánh ý Chúa, vui vì Chúa là hạnh phúc của đời sống, để được Chúa nhận chìm ở miền đất khô cằn này với mục đích duy nhất: dân làng đang sống trên mảnh đất Kong Chro này mau sớm được hiệp thông với anh chị em trong Giáo hội chung lời ngợi ca Thiên Chúa là Cha nhân từ.

Cả ba mỗi ngày đều như thế, nhưng trong cái “như thế”giản đơn là vậy mà không dễ dàng chút nào – đời có lắm chữ “không ngờ” xảy đến. Có gì đâu: đó chỉ là một ngôi nhà nho nhỏ, nằm sát ven sông, chênh vênh bên cạnh bờ suối, nơi cư trú của một cộng đoàn nhỏ (1 tân linh mục và hai lão nữ tu). Họ sống ở Kong Chro với công việc nương rẫy, họ khác với những người dân sống chung quanh ở chỗ: họ lao động trong vui tươi và trải nghiệm cuộc sống vất vả, khổ nhọc trong hi sinh, cầu nguyện. Từng phút giây họ sống tâm tình với Cha của họ là Thiên Chúa.

Ngoài ra, đối với bà con trong thôn xóm, họ vui vẻ, thân thiện và sống đậm đà tình nghĩa xóm thôn. Thế mà “cái lều” của ba người rất ngu ngơ, coi dáng khờ khờ ấy, chỉ làm thành một gia đình cô tịch, thì “người ta” lại cho là không thích hợp với huyện Kong Chro về phía tôn giáo. Người ta đã tìm mọi lí do và bằng mọi cách phá dỡ cho bằng được, phá đến bình địa, không còn hòn gạch nào trên hòn gạch nào, đau khổ trong ngạc nhiên cả ba cùng thốt lên: “Chúa làm con thẫn thờ, như sư tử nghiền nát thịt xương.”

Tuy  nhiên sau biến cố ấy, chính Lời Chúa giúp cho cả ba được vững lòng, cả ba luôn an vui và tín thác vào Thiên Chúa, để rồi cả ba lại tiếp tục cho sứ mạng mới của mình trong ngôi nhà mới giữa cảnh mênh mông của núi rừng Tây nguyên.

4.      Sống chứng nhân:

Kong Chro, có biết bao người dân tộc nghèo nàn, đời sống rất lầm than, phần đông chỉ đi làm thuê, làm mướn cho người Kinh với giá quá mạt (30 ngàn đồng một ngày, trong khi người Kinh thì phải trả 60,000 $). Và khi không có ai thuê mướn, họ chỉ biết đi đào dế, lặn sông mò cua bắt ốc… có khi thức suốt cả đêm, nằm trên tảng đá ở giữa dòng sông, để lưới cá chờ từng con cá nhỏ mắc lưới là gỡ cho vào giỏ, cả đêm mà chỉ được vài con cá nhỏ xíu bằng ngón tay. Họ phải đổi cả sức người để được một chút của ăn không ra gì như mấy lá mì, vài quả đậu ván non, với mấy con cá nhỏ, thế mà họ cũng vui vẻ ăn thật là ngon.

Kong Chro: “một khu rừng xấu, một thửa đất hoang, nơi đây chiên dê không người chăn dắt”, vì thế, cả ba lại phải ra công, ra sức cầu nguyện và sống chứng nhân trong yêu thương với nhau và với mọi người. Nhất là khi được hạnh phúc tiếp xúc với dân làng, những người nghèo khổ khốn cùng, cả ba ý thức rằng: “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy… và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ Thầy.”. (Mt 10,40-42).

Nhớ lời Đức Cha Miace: “Hễ dân tộc vào chơi, xin nước uống hay mua gà, xin măng… lợi dụng nói chuyện với nó lâu lâu một chút”. Vì vậy, mỗi lần có người dân tộc đến chơi, hoặc trên đường họ đi rẫy, đi chăn bò, chăn dê, chăn trâu, họ đều ghé vào căn nhà nhỏ bên bờ sông Pa để xin nước uống, tất cả đều được anh chị em tại đây tiếp đón rất nồng hậu, tử tế. Đó cũng là một trong những công việc của ba người. Bây giờ, mấy kon kông, trẻ em, người lớn, đàn ông, đàn bà, thanh niên nam nữ, cứ ra vào tổ ấm của họ thật vui vẻ, không e dè, sợ sệt gì nữa. Họ có thể đến bất cứ lúc nào, đến để xin cái măng, đến để mua gà, đến để vui chơi…Ba ngày tết, mấy con Kông cũng đến chúc tết ba người: “Thơthâu tôm kơ iem lơng liêm” (chúc ba đứa khỏe đẹp). Thế là: bánh chưng, bánh tét, mứt kẹo, trái cây, đều được cả ba mang ra tiếp đãi bạn bè ta, vui vẻ quá sức.

Mặc lấy tâm tình Đức Giêsu: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì nước trời là của những ai giống như chúng…Người đặt tay trên chúng và chúc lành cho chúng” (Mt 19,13-15). Cả ba chị em rất yêu thương trẻ em, nhất là các trẻ dân tộc. Tội chúng lắm, quần áo mặc không đủ che nắng che mưa. Lúc trời lạnh giá, còn khổ hơn, cứ co ro trong mành áo quần tả tơi. Khi trời nắng gắt, đầu không, chân đất, đi dưới trời nắng chang chang. Nhìn các bé con kông như vậy, ai không thấy xót lòng. Vì thế, mỗi khi có dịp tiếp xúc với các bé dân tộc, là cả ba người lại chia sẻ với chúng những bát mì tôm, những nải chuối, bắp chuối, cái măng, những con cá khô, những cây rau trồng. đôi khi có những con kông quá nghèo khổ không có tiền mua gà, ba người đã bán chịu cho họ, khi nào có tiền trả cũng được, nếu họ có quên, hoặc không thể có tiền để trả cũng thôi luôn.

Cứ như thế: cả ba chị em lặn lội vào ruộng sâu lo bới đất mà sống để làm chứng cho Tin Mừng. Ước chi đời sống chứng nhân được Chúa dẫn dắt, phù trì để đời sống trở nên muối men cho đời “Đời sống cầu nguyện và sự hi sinh mỗi ngày là như muối ướp đời.” (X. Lc 14,34-35).

Thay lời kết:           

Gửi trọn nguyện ước trong Chúa Kitô

Tâm tình của ba nhà truyền giáo Đa Minh mỗi ngày được dâng lên Chúa trên bàn thờ cuộc sống là tâm tình tạ ơn. Tạ ơn Chúa trong mọi hòan cảnh, vì cả ba ý thức đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Giêsu Kitô (X. 1Tx 5,18).

Và để cuộc sống này không chỉ dừng lại ở những vất vả, khó nhọc, với mồ hôi, với lạnh giá, với nắng cháy, với mưa dầm… nhưng lúc nào ba nhà truyền giáo cũng nhủ lòng: “hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguỵên không ngừng” (1Tx 5,16). Để được Chúa xót thương, chúc phúc cho sứ vụ Kong Chro của Dòng Đa Minh: không lơ là, để đến nỗi dẵm dí cả ruộng của Thiên Chúa, nhưng luôn chăm chỉ từng ngày lo bới đất, tìm sỏi, tìm đá, thu dọn gai góc, cỏ hoang, mong sao cho một ngày nào đó, Ngài có thể cho người đến vãi gieo hạt giống: Là Lời của Thiên Chúa

Tâm tình của những người truyền giáo thầm lặng được gói ghém trọn vẹn trong lời thánh vịnh 64 sau đây:

“Thăm trái đất, Ngài tuôn mưa móc

Cho ngập tràn phú túc giàu sang

Suối trời trữ nước mênh mang

Dọn đất sẵn sàng đón lúa trổ bông

Tưới từng luống, san từng mô đất

Khiến dầm mưa cho hạt nảy mầm

Bốn mùa Chúa đổ hồng ân

Ngài gieo màu mỡ ngập tràn lối đi”…

Và lúc bấy giờ chẳng khác chi:

“Vùng hoang địa xanh rì ngọn cỏ

Cảnh núi đồi hớn hở tươi xinh

Chiên cừu phủ trắng đồng xanh

 lúa vàng dưới lũng rung rinh dạt dào

Câu hò tiếng hát trổi cao”

                                (Tv 64,10-14)

Tất cả cùng được âm vang theo tiếng khèn, tiếng trống, tiếng kồng, tiếng chiêng… vang dậy khắp núi rừng Tây Nguyên.

Sr. Mary Trần Thị Kim Loan, OP

Hội Dòng Nữ Đa Minh Tam Hiệp

 

 


Các bài viết mới hơn
     [Vui bước Tin Mừng] Tìm Chúa trong vùng đất mới
     ĐTC Phanxicô: truyền giáo là nhiệt huyết của một đức tin chưa thoả_ Văn Yên, SJ - Vatican News
     Chị Pauline Jaricot là nguồn gợi hứng về truyền giáo cho chúng ta ngày nay_G. Trần Đức Anh, O.P
     Cha Rafael Marco và dự án giúp đỡ trẻ em khiếm thị ở Niger - Hồng Thủy - Vatican News
     Thiếu nhi Công giáo Hàn Quốc tích cực tham gia truyền giáo - Ngọc Yến - Vatican News
     Đời sống truyền giáo của ông Carlo và bà Lillina - Ngọc Yến - Vatican News
     Hoạt động truyền giáo của Giáo hội Úc trong năm 2022 - Ngọc Yến - Vatican News
     Ngày Nhi đồng Truyền giáo của Giáo hội Tây Ban Nha - Ngọc Yến - Vatican News
     Niềm vui của nhà truyền giáo - Thiện Tâm
     Giáo hội Ba Lan mời gọi các tín hữu hỗ trợ các nhà truyền giáo trong lễ Hiển Linh - Ngọc Yến - Vatican News

Các bài viết cũ hơn
     HÌNH ẢNH ĐẠI HỘI TRUYỀN GIÁO 2010
     TRUYỀN GIÁO CHO NGƯỜI DI DÂN. Lm. Phanxico Nguyễn Văn Thiệu
     DẤU CHÂN TRUYỀN GIÁO.Anna Phạm Thị Lưu Khánh
     HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ THỦ THIÊM TRUYỀN GIÁO
     Hình ảnh khai mạc Đại Hội Truyền Giáo toàn quốc năm 2010 tại giáo phận Xuân Lộc
     KHAI MẠC LỚP TRUYỀN GIÁO 2010. Minh Quang
     RAO GIẢNG TIN MỪNG BẰNG PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG HIỆN ĐẠI. Minh Quang O.P
     MỪNG SINH NHẬT TRANG WEB tinvuixuanloc.com
     NHÌN LẠI MỘT NĂM HOẠT ĐỘNG CỦA TRANG TINVUIXUANLOC. BM
     NGƯỜI TRẺ VIỆT NAM TRƯỚC NHỮNG CƠ HỘI VÀ THÁCH ĐỐ CỦA HIỆN TƯỢNG “TOÀN CẦU HÓA”. Maria Đặng Thị Ánh Nga