Sinh hoạt Thượng HĐGM
thế giới kỳ thứ 13: 22-10-2012
VATICAN. Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 13 “bước vào giai đoạn”
thầm lặng nhất: suy tư, soạn thảo để đưa ra những đề nghị cụ thể.
Trọn ngày 22-10-2012, gần 260 nghị phụ Thượng HĐGM thứ 13 không
nhóm họp, nhưng các vị tường trình viên của 12 nhóm nghị phụ đã họp cả sáng lẫn
chiều với Đức TGM Eterovic Tổng thư ký Thượng HĐGM thế giới, và Đức Cha
Pierre-Marie Carré, TGM giáo phận Monpellier, Tổng thư ký đặc biệt của Thượng
HĐGM này, để đúc kết các đề nghị do các nhóm đề ra thành một danh sách duy
nhất, hầu đệ trình toàn thể các nghị phụ trong phiên khoáng đại thứ 19 vào sáng
thứ ba 23-10-2012.
Trong khi đó, Phái đoàn Tòa Thánh gồm 7 vị do ĐHY Laurent
Monsenwo, TGM Kinshasa, Chủ tịch thừa ủy của Thượng HĐGM và trong đó có Đức cha
Nguyễn Năng, đang chuẩn bị lên đường sang thăm Siri. Tuy nhiên, tình hình địa
phương trở nên căng thẳng hơn với các cuộc khủng bố tại các khu vực Kitô giáo,
nên cho đến hôm 22-10, người ta chưa biết ngày lên đường của Phái đoàn.
v Vài bài
phát biểu
Sau đây chúng tôi xin gửi đến quí vị ý kiến của một số tham dự
viên Thượng HĐGM hiện, được giới báo chí đặc biệt chú ý.
1/ Anh Tommaso Spinelli 23 tuổi, là người trẻ
nhất tại Thượng HĐGM hiện nay. Anh thuộc Văn phòng giáo lý của giáo phận Roma
và chuyên dạy giáo lý cho người trẻ dự tòng. Anh cầu mong có những linh mục
vững chắc và can đảm.
Trong bài tham luận, anh Spinelli nói với các nghị phụ: “Công
cuộc tái truyền giảng Tin Mừng cần có chất lượng: cần việc huấn giáo có bề dầy,
biết nói một cái gì nghiêm túc đối với cuộc sống chúng ta, và nhất là cần những
chứng tá cuộc sống Kitô có bề dầy, chứng tỏ bằng sự kiện sự vững chắc. Nhất là
vì ngày nay các gia đình bị chia rẽ và thường từ bỏ vai trò giáo dục của mình,
nên cần có những linh mục chứng tỏ cho người trẻ sự trung thành với ơn gọi và
khả năng chọn lựa một cách sống khác, đẹp đẽ hơn so với những gì xã hội đề
nghị. Nhưng điều làm con lo âu là những nhân vật có bề dầy như thế đang trở
thành thiểu số. LM không còn tin tưởng nơi tầm quan trọng của sứ vụ mình thực
hiện, đánh mất đoàn sủng và văn hóa. Con thấy các linh mục chiều theo tư tưởng
thịnh hành thời nay. Và điều đó con cũng thấy trong các buổi cử hành phụng vụ,
qua đó người ta tìm những gì là độc đáo, khiến phụng vụ trở thành vô nghĩa.
Thưa các LM, con xin các cha tìm lại can đảm là chính mình, là LM đích thực, và
nơi nào mà các cha đề nghị cho người trẻ chân lý đức tin không chút sợ hãi, thì
người trẻ chúng con sẽ theo các cha. Những lời của thánh Phêrô cũng là những
lời của người trẻ chúng con: “Lạy Chúa chúng con biết theo ai bây giờ? Chỉ mình
Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời”. Và chúng con khao khát vô biên
những gì là vĩnh cửu, là chân thực. Vì thế, con đề nghị:
Thứ I: tăng
cường việc đào tạo linh mục, không những về linh đạo nhưng cả về văn hóa nữa.
Quá nhiều khi chúng con thấy những linh mục đã đánh mất vai trò là những thầy
dậy văn hóa đã từng làm cho các vị trở thành quan trọng cho toàn thể xã hội.
Ngày nay, nếu chúng ta muốn được tin cậy và hữu ích, thì chúng ta cần có những dụng
cụ văn hóa tốt.
Thứ II là tái
khám phá sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo trong đặc tính Công đồng của sách
này: đặc biệt là phần thứ nhất của mỗi thiên, trong đó các văn kiện Công đồng
soi sáng các đề tài truyền thống. Thực vậy, sách giáo lý đã khôn ngoan đặt
trước phần giải thích kinh Tin Kính một phần được gợi hứng từ Hiến Chế Dei
Verbum (Lời Chúa), trong đó có giải thích cái nhìn duy nhân vị về mạc khải, ...
Phần thứ I của mỗi thiên của sách Giáo Lý là điều cơ bản vì con người ngày nay
cảm thấy đức tin như một cái gì có liên hệ gần gũi với họ và có khả năng mang
lại câu trả lời cho những vấn nạn sâu xa nhất của họ.
Thứ III, là
phụng vụ: quá nhiều khi phụng vụ bị lơ là và làm mất tính chất thánh thiêng.
Cần đặt phụng vụ ở trung tâm của cộng đồng giáo xứ cũng như địa phương.
2/ Tu Huynh Alvaro Antonio Rodriguez Echeverría, người
Costa Rica, Bề trên Tổng quyền dòng Sư Huynh các trường Công Giáo, trong bài
phát biểu, đã đặc biệt đề cao tầm quan trọng của giới trẻ.
Thầy nói:
“Bản thân con, con nghĩ rằng các thế hệ trẻ, không phân biệt đại
lục hoặc những khác biệt văn hóa, phải là lãnh vực hoạt động ưu tiên của công
cuộc tái truyền giảng Tin Mừng, không những như những người thụ động lãnh nhận,
trái lại như những tác nhân tích cực, như lời Đức Gioan Phaolô 2 quả quyết rằng
người trẻ là những tông đồ tốt nhất cho giới trẻ. Sự hiện diện của người trẻ và
một lời của họ trong Thượng HĐGM này có lẽ giúp chúng ta có một cái nhìn sáng
suốt hơn về tương lai.
Về phần chúng ta, điều quan trọng là biết thế giới người trẻ và
nỗ lực hội nhập văn hóa nơi họ. Biết những nhu cầu, lo âu, băn khoăn, khát mong
và hy vọng của họ, trao tặng họ Phúc Âm luôn luôn là Tin Mừng. Điều quan trọng
là khởi hành từ cuộc sống, vì người trẻ không quan tâm tới sứ điệp Kitô nếu sứ
điệp này được trình bày cho lý trí họ như một ý thức hệ, được áp đặt từ bên
ngoài một cách độc đoán, hoặc khởi hành từ những nguyên tắc tách rời khỏi đời
sống thực tế. Vì thế, vai trò chính yếu của chúng ta là giúp mỗi người trẻ cảm
thấy được yêu mến, quí chuộng, được chúc phúc và cảm thấy mình là quan trọng và
cần thiết cho tha nhân.
Việc tái truyền giảng Tin Mừng cho người trẻ của chúng ta và cho
những người tháp tùng họ phải là một lời kêu gọi trở về với Tin Mừng và khám
phá rằng nòng cốt đức tin của chúng ta là một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô
dẫn tới một cộng đoàn các môn đệ. Sứ mạng của chúng ta đối với người trẻ là trở
thành những người đồng hành với họ trong cuộc tìm kiếm, là những nhà hướng đạo
khiêm tốn giúp khá phá một con và mang lại một ý nghĩa cho cuộc sống. Thay vì
là những thầy dậy từ trên cao hoặc là những người phán xét và lên án từ bên
ngoài, chúng ta được kêu gọi trở thành anh chị tháp tùng từ bên trong. Người
trẻ là một tin vui cho thế giới, nhưng chúng ta phải tự hỏi làm thế nào để Tin
Mừng của Chúa Giêsu là tin vui đối với họ. Trong một thời đại như ngày nay
trong đó người trẻ đang tìm một cái gì hơn nữa và cởi mở đối với linh đạo,
chúng ta phải giáo dục họ gặp gỡ Thiên Chúa trong thẳm sâu tâm hồn họ, có sức
làm đầy sự trống rỗng trong cuộc sống và giúp họ như Chúa Giêsu đã làm, nhìn
thực tại và cảm động trước thực tại đó và dấn thân trong một hoạt động biến
đổi.
ĐHY Antonio Maria Vegliò, Chủ tịch Hội đồng Tòa
Thánh mục vụ di dân và người lưu động, trong bài tham luận tại Thượng HĐGM, đã
nhấn mạnh đến khía cạnh tích cực của hiện tượng di dân như một cơ hội đầy
ý nghĩa đối với công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng, vì môi trường này có những
người nam nữ, già trẻ, trải qua những kinh nghiệm mạnh mẽ về cuộc sống, với
những dự phóng, tình trạng bất an và đau khổ, làm nổi bật những vấn nạn cấp
thiết nhất về đời sống của họ và họ cảm thấy cần phải mang lại một ý nghĩa cho
cuộc sống thường nhật của họ. Đứng trước những vấn nạn sâu xa, đức tin được coi
như câu trả lời giải thích được những vấn nạn ấy, soi sáng và làm cho chúng
được tràn đầy ý nghĩa, và Chúa Kitô xuất hiện như chìa khóa tuyệt hảo để đọc
cuộc sống con người.
ĐHY Vegliò cho biết Hội đồng Tòa Thánh mục vụ di dân và người
lưu động muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của hiện tượng di dân, và toàn thể lãnh
vực lưu động của con người. Lãnh vực này mang lại cho Giáo Hội những cơ hội mới
để rao giảng Tin Mừng. Đối với những người không biết Chúa Kitô và định cư tại
những nước có truyền thống Kitô giáo, có một thách đố được đề ra đó là làm sao
trình bày cho những người di dân huấn giáo Kitô. Đàng khác, những người di dân
đã được rao giảng Tin Mừng tại quốc gia nguyên quán họ có nhu cầu cần được tháp
tùng về mục vụ, giúp họ duy trì đức tin kiên vững, trong khi họ cũng có thể trở
thành những người rao giảng Tin Mừng.
Hiện tượng di dân cũng đặt vấn đề cho cả các cộng đoàn tiếp cư,
bó buộc họ không những phải xét lại những đề nghị rao giảng Tin Mừng, nhưng còn
thử thách chính niềm tin của các phần tử của mình, đặc biệt là trong lúc phải
loan báo đức tin cho tha nhân.
Do quan hệ không thể tách rời giữa lòng mến Chúa và yêu người,
sự hiện diện của những người lưu động cũng đòi Giáo Hội phải có một câu trả lời
liên đới, câu trả lời này đồng thời cũng có đặc tính rao giảng Tin Mừng, vì đức
bác ái “là loan báo và làm chứng về đức tin” (ĐTC Biển Đức 16, Caritas in
veritate, n.15). Lãnh vực đau khổ và liên đới chính là một môi trường để đối
thoại với thế giới và làm chứng tá về đức tin, nơi mà đức bác ái là dụng cụ cơ
bản để tái truyền giảng Tin Mừng.
Thách đố chính là làm sao biết dung hợp và liên kết hai khía
cạnh không thể tách rời, đó là sự rao giảng Tin Mừng một cách minh nhiên và
thăng tiến con người, tránh thu hẹp hoạt động của chúng ta vào một trong hai,
hoặc chỉ hài lòng với việc làm chứng tá âm thầm hoặc chỉ rao giảng Tin Mừng một
cách hiểu ngậm.
Thực vậy nơi những nhân viên mục vụ thuộc lãnh vực này, càng
ngày người ta càng ý thức rằng mối quan tâm về xã hội và việc loan báo Tin Mừng
đích thị đều thuộc về sứ vụ được ủy thác cho họ.
Trong bối cảnh sự di động của con người, cả các cuộc hành hương
cũng là một cánh đồng thuận lợi cho việc tái truyền giảng Tin Mừng. Trong những
thập niên gần đây chúng ta đã ý thức về khả thể này, đi từ việc thực hành những
việc sùng mộ đến một nền mục vụ hành hương, khám phá thấy rằng cuộc hành hương
trở thành một cơ hội để canh tân đức tin và cũng có thể là dịp truyền giảng Tin
Mừng lần đầu tiên. Theo nghĩa đó, tôi nhấn mạnh 5 ý tưởng có thể được đào sâu:
trước tiên cần sử dụng khả năng thu hút đến hành hương tại Đền thánh; tiếp đến
chúng ta cần chăm sóc việc mục vụ đón tiếp, đáp những theo những câu hỏi nảy
sinh từ tâm hồn người hành hương, để ý điều này là đề nghị của chúng ta phải
trung thành với đặc tính Kitô của cuộc hành hương, không thu hẹp, và sau cùng
là giúp tín hữu hành hương khám phá rằng hành trình của họ có một mục đích rõ
ràng.
Vì tất cả những điều đó, hiện tượng di động hiện nay của con
người chắc chắn là một cơ hội Chúa ban để loan báo Tin Mừng trong thế giới ngày
nay.
G. Trần Đức Anh OP