Sự Hiện Diện Của Đức Thánh Cha Trên Twitter
VATICAN. Vào sáng 3 tháng 12, tại Hội trường Gioan Phaolo II đã diễn ra một cuộc họp báo để minh hoạ cho sự hiện diện của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI trên Twitter. Trong buổi họp báo này có sự hiện diện của Đức Giám Mục Claudio Maria Celli, Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội, Đức Giám Mục Paul Tighe, thư ký của hội đồng này, Linh Mục Federico Lombardi, Dòng Tên, Giám Đốc Văn Phòng Truyền Thông Tòa Thánh, Radio Vatican và Trung Tâm Truyền Hình Vatican, và ông Gian Maria Vian, giám đốc Nhật Báo L’Osservatore Romano của Vatican.
Sự hiện diện của Đức Thánh Cha trên Twitter là một sự diễn tả cụ thể về sự xác tín của Giáo hội vào lĩnh vực kỹ thuật số. Điều này là dễ hiểu vì Đức Thánh Cha Biển Đức 16 đã nhiều lần phản tỉnh về tầm quan trọng của không gian văn hóa mới này. Trong sứ điệp nhân ngày Thế Giới Truyền Thông năm 2009, ĐTC đã nói về sự cần thiết của việc truyền giảng Tin Mừng trong thế giới kỹ thuật số đồng thời ngài mời gọi các bạn trẻ hãy giới thiệu vào môi trường văn hóa mới này, văn hóa truyền thông và kỹ thuật thông tin những giá trị mà chúng ta có thể xây dựng đời sống mình trên đó.
Năm 2010, trong sứ điệp của mình, ngài mời gọi các linh mục hãy xem xét những khả thể trong việc chia sẻ Lời Chúa thông qua các phương tiện truyền thông mới. Ngài nói: “Những phương tiện truyền thông hiện đại cung cấp cho họ những khả năng mục vụ vươn xa và mới mẻ luôn mãi, khích lệ họ trở thành hiện thân của sứ mạng phổ quát của Giáo Hội, để xây dựng tình bằng hữu đích thực bao la, và làm chứng rằng: trong thế giới hôm nay, một cuộc sống mới đã nảy sinh nhờ việc lắng nghe Tin Mừng của Chúa Giêsu, Đấng là Chúa Con muôn thuở đã đến giữa chúng ta để cứu độ chúng ta.”
Trong sứ điệp năm 2011, ngài khẳng định rằng: “Trang web đóng góp vào sự phát triển của những hình thức mới mẻ và phức tạp hơn của nhận thức trí tuệ và tâm linh, của xác tín chia sẻ. Ngay cả trong phạm vi này, chúng ta được mời gọi loan báo đức tin của chúng ta rằng Chúa Kitô là Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ con người và lịch sử. Đấng mà trong Ngài mọi sự tìm thấy sự thành toàn của mình (x. Êph 1, 10).” Trong Sứ điệp năm nay, Đức Thánh Cha thậm chí còn nói rõ ràng hơn: “Phải chú ý đến nhiều loại trang web, các ứng dụng và mạng xã hội khác nhau có thể giúp con người ngày nay biết sống suy tư và đặt những câu hỏi đích thực, nhưng cũng giúp họ tìm được những không gian thinh lặng, các dịp để cầu nguyện, suy niệm hay chia sẻ Lời Chúa. Với tính chất của những tin nhắn ngắn gọn, thường không dài hơn một câu Thánh Kinh, người ta có thể diễn tả những tư tưởng sâu sắc, miễn là đừng bỏ bê việc chăm sóc đời sống nội tâm mình.
Sự hiện diện của ĐTC trên Twitter có thể được xem như là sự khởi đầu của sự hiện diện của Giáo hội trên hình thức truyền thông mới này. Giáo hội đã hiện diện rất đa dạng trên các mạng truyền thông xã hội. Từ các hình thức ban đầu như các trang mạng chính thức của các tổ chức và các cộng đoàn đến các trang cá nhân như blog, các blog của các giáo xứ, các trang cá nhân của các tín hữu. Sự hiện diện của Đức Thánh Cha trên Twitter là một sự xác nhận về những nỗ lực của Giáo hội để đảm bảo Tin Mừng của Chúa Giê-su và giáo huấn của Giáo hội được thấm nhuần nơi các diễn đàn trao đổi và đối thoại diễn ra rất phong phú trên các mạng truyền thông. Sự hiện diện của ngài được xem như là một khích lệ lớn dành cho toàn thể các tổ chức Giáo hội cũng như cộng đoàn dân Chúa lưu tâm để phát triển một khuôn mặt (profile) thích hợp cho chính họ và những xác tín của họ trong thế giới kỹ thuật số. Tweets của Đức Thánh Cha luôn sẵn sàng đón nhận những chia sẻ và thảo luận của những người tin cũng như không tin. Hy vọng những thông điệp ngắn của Đức Thánh Cha, và cả những thông điệp đầy đủ hơn có thể tìm thấy trên mạng, sẽ gợi hứng cho những con người đến từ các quốc gia, ngôn ngữ và văn hóa khác nhau. Đáp lại, những vấn nạn này giúp cho các Giáo hội và các tín hữu địa phương, những người ở vị trí rất thuận lợi có thể trả lời, và quan trọng hơn là để họ có thể gần gũi với những con người nêu lên vấn nạn. Tuy nhiên, giữa sự phức tạp và đa dạng của thế giới truyền thông, nhiều người thấy chính mình phải đối diện với những câu hỏi tối hậu về sự hiện hữu của con người: Tôi là ai? Tôi có thể biết gì? Tôi nên làm gì? Tôi hy vọng gì? Thật quan trọng để đón nhận những con người nêu lên những vấn nạn như thế và mở ra một khả thể cho một cuộc đối thoại sâu sắc” (Sứ điệp ngày thế giới truyền thông, 2012).
Thách đố cho giáo hội trong lĩnh vực truyền thông là làm sao để thiết lập một mạng lưới và một sự hiện diện mang tính chất dẫn dụ có thể dấn thân một cách hiệu quả vào các cuộc thảo luận, tranh luận và đối thoại vốn diễn ra thuận lợi hơn nhờ truyền thông xã hội và mang tính chất trực tiếp, cá nhân và tức thời, những cách thế trả lời vốn không dễ đạt được bởi các tổ chức tập trung. Hơn nữa, một mạng lưới xã hội và một cấu trúc mang tính dẫn dụ như thế cũng phản ánh một chân lý về Giáo hội, Giáo hội là một cộng đoàn của các cộng đoàn, vừa mang tính hoàn vũ nhưng cũng mang đậm tính chất địa phương. Sự hiện diện của Đức Thánh Cha trên Twitter sẽ tượng trưng cho tiếng nói của ngài như là một tiếng nói hiệp nhất và là tiếng nói của vị lãnh đạo của Giáo hội. Tuy nhiên, sự hiện diện này cũng được xem như một lời mời gọi mạnh mẽ dành cho mọi tín hữu diễn tả “tiếng nói” của chính mình, và cùng với những người tín hữu khác và những người bạn khác chia sẻ niềm hy vọng của Tin Mừng. Vì Tin Mừng chính là tiếng nói của tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người.
Ngoài việc dấn thân trực tiếp với những chấn vấn, những cuộc thảo luận và các cuộc tranh luận, Giáo hội cũng nhận ra tầm quan trọng của các mạng truyền thông mới như là một môi trường cho phép truyền giảng các chân lý mà Thiên Chúa đã thông truyền cho Giáo hội của Ngài. Nó cũng là môi trường thuận lợi để lắng nghe người khác, học biết về các mối quan tâm và bận tâm của họ, đồng thời hiểu họ là ai và trao ban cho họ điều mà họ đang tìm kiếm. “Khi những thông điệp và thông tin quá phong phú, thinh lặng trở nên điều thiết yếu nếu chúng ta muốn nhận ra điều gì là quan trọng giữa những điều không quan trọng và thứ yếu. Sự phản tỉnh sâu xa giúp chúng ta khám phá ra những mối liên hệ giữa các sự kiện mà mới thoạt nhìn dường như không có liên hệ gì với nhau, nhờ đó chúng ta có thể làm những lượng giá và phân tích các sứ điệp”( Sứ điệp năm 2012).
Chính vì lý do này mà Đức Thánh Cha đã quyết định hiện diện trên kênh Twitter với những câu hỏi và những câu trả lời chính thức. Sự kiện này cũng cho thấy mối quan tâm sâu xa của Giáo hội dành cho việc lắng nghe tiếng nói, các cuộc đối thoại và những khuynh hướng của thời đại. Vì đây chính là nơi diễn tả mối bận tâm và hy vọng của con người thời đại một cách bộc phát và mạnh mẽ nhất.
RadioVatacan
Nguyễn Minh Triệu sj