Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 26-34 > Tuần 34

CHỦ NHẬT 34 TN. LỄ KI TÔ VUA

ChuaGiesuKitoVua3.jpgChúa Giê su yêu thích tước hiệu Mục tử, Tôi tớ, Con Người, và đôi lúc, tước hiệu Thầy hoặc Messia hơn tước hiệu Vua. Thế mà để chế diễu vương quyền của Ngài thì đây là những thứ mà người ta dâng cho Ngài: Một vòng triều thiên bằng gai nhọn, một chiếc áo choàng đỏ để nhạo báng Ngài, một bảng tên Nhà Vua đóng trên thập giá. Quả thật, như chính Ngài nói, Nước của Ngài không thuộc trần gian nầy.

Sách 2 Samuen 5,1-3:

Vương quyền của vua Đa vít cho phép ông hiệp nhất tất cả các chi tộc Israel lại và khai mào thời đại lẫy lừng nhất trong lịch sử Dân Thiên Chúa. Đó là biểu tượng cho cuộc chiến thắng cuối cùng mà mọi người trông đợi theo Lời Hứa. Tuy nhiên cần phải có một cuộc biến chuyển thiêng liêng để từ cái nhìn còn rất phàm tục về cuộc chiến thắng ấy đi đến chiến thắng của Vương quyền Đức Ki tô.

Thánh vịnh 121:

Trên đường phố Giêrusalem, tín hữu Do thái hành hương hân hoan ca hát vì đã được đến gần Thành Thánh, thủ đô được Vua Đa vít thiết lập, và chờ đợi ngày trở thành trung tâm thế giới. Đối với người Ki tô hữu, Giêrusalem đích thực chính là Hội Thánh.

Thư Côlôsê 1, 12-20

Đối với thánh Phao lô, sức mạnh chiến thắng của Tình yêu Thiên Chúa được biểu hiện hoàn toàn trong Chúa Giê su là điều đã tiềm tàng sẵn trong Tạo Thành ngay từ khởi thủy. Đức Ki tô, hình ảnh tuyệt hảo của Thiên Chúa vô hình đã hoạt động trong suốt dòng Lịch sử, trước khi tỏ hiện hoàn toàn nơi Chúa Giê su.

Tin mừng Lc 23, 35-43

NGỮ CẢNH

Đọan văn nầy nằm trong phần trình thuật cuộc Khổ nạn của Chúa Giê su (Lc 22-23). Phần cuối của chương 23 cho chúng ta thấy điểm đến con đường thập giá mà Chúa Giê su khởi sự từ cuộc xuất hành đi về Giê ru sa lem (9,31). Sau khi được ông Simon, người Ky rê nê vác đỡ thập giá (23,26), và an ủi những kẻ khóc thương Ngài (27-31), Chúa Giê su bị đóng đinh giữa hai tên gian phi (32). Bây giờ là thời điểm của quyền lực tối tăm: các thủ lãnh dân chúng và quân lính đứng dưới chân thập giá cười nhạo Chúa Giê su (35-38), nhưng đó chính là lúc Tình thương xót cứu độ lên ngôi: Chúa Giê su hứa ban Nước Trời cho người kẻ trộm sám hối.

TÌM HIỂU

Theo ý họ: Lc không muốn nói rằng chính người Do thái đã đóng đinh Chúa Giê su trên thập giá, nhưng nhấn mạnh rằng trong cái chết của Chúa Giê su trách nhiệm thuộc về dân chúng, các thủ lãnh của họ cũng như Phi la tô.

Theo sau: vác thập giá theo sau Chúa Giê su là một kiểu nói đặc biệt chỉ cách sống của người môn đệ theo Thầy mình: “Nếu ai muốn đi theo sau ta, hãy vác thập giá mình mỗi ngày và đi sau ta” (9,23; x. 14,27). Ông Si môn Ki rê nê trở thành mẫu mực cho người môn đệ.

Dân chúng: sau khi đã cho độc giả hiểu rằng chính đám đông dân chúng đã dự phần vào cuộc kết án Chúa Giê su (23,13), giờ đây Luca mô tả họ đi theo Chúa Giê su đến Can va ri ô. Đám đông đi sau Ngài như người môn đệ.

Nhiều phụ nữ: chỉ có Luca trong cảnh nầy cho thấy phản ứng duy nhất tỏ lòng thương xót đối với Chúa Giê su. Trong sách tin mừng, ông không kể lại việc xức dầu ở Bê ta nia (Ga 12,3-8) xem c 49. Lại một lần nữa, Luca nhấn mạnh đến sự hiện diện của các phụ nữ gần Chúa Giê su.

Quay lại: ngay cả trên đường thập giá, Chúa Giê su cũng giảng dạy. Lời cảnh giác của Ngài nhắm đến độc giả chỉ biết than khóc, nhưng không đạt được hiệu quả nào cả: sự khóc than mà Chúa Giê su chờ đợi là hoa trái của lòng thống hối chân thật (3,8), cho phép thoát khỏi án phạt dành cho “cây khô héo”.

Sẽ tới những ngày: tất cả các đoạn diễn từ ngắn nầy thuộc về loại văn khải huyền, được dùng để đưa ra giáo huấn về ngày tận cùng (c.21).

Phúc thay: mối phúc bất ngờ nầy, đã được diễn đạt theo hình thức phủ định ở câu 21,23 đối chọi với mối phúc của người phụ nữ cho con bú (11,27). Sẽ đến những ngày khủng khiếp đến nỗi những người phụ nữ không con được gọi là có phúc; họ có thể chạy thoát khỏi cảnh tàn phá; họ không than khóc vì không có con cái bị thử thách hăm doạ.

Cây: người ta gom cành khô lại, bỏ vào lửa và đốt đi (x. Ga 15,6).

Hai tên gian phi: Luca sẽ nói đến những người nầy trong câu 33 và nhất là đoạn 39-43, của riêng ông. Ở câu 22,37, ông đã nhắc lại lời sấm của Isaia 53,12: “Người bị liệt vào hàng phạm pháp”. Rõ ràng có nhiều ám chỉ đến Cựu Ước trong trình thuật Khổ nạn theo Luca.

Lạy Cha: cả hai lời cầu nguyện của Chúa Giê su trên thập giá (x.c.46) cho thấy Ngài trong tương quan với Thiên Chúa được trình bày như là Cha Ngài.

Xin tha cho họ: x. Is 53,12. Ở đây lặp lại và là đỉnh cao của chủ đề về tha thứ, như thường được nhấn mạnh trong Luca (đứa con hoang đàng, người phụ nữ tội lỗi, tha thứ cho thù địch..). Trên thập giá tình yêu diệu kì của Thiên Chúa được mạc khải nơi Chúa Giê su cũng được nhấn mạnh. Tha thứ cho cả những kẻ Ngài đến để cứu thoát nhưng đã từ khước Ngài. Sự tha thứ ở đây áp dụng cho tất cả mọi người từ khước Chúa Giê su (x. 1Pr 2,22-24).

Qua câu nói nầy, Chúa Giê su được giới thiệu như là gương mẫu cho người ki tô hữu (x. 6,36-37). Tê pha nô sẽ là người đầu tiên bắt chước Thầy mình (Cv 7,60).

Họ không biết: lời khẳng định nhằm mục đích không buộc tội những người đã đóng đinh Chúa Giê su: họ từ khước Người vì họ không biết Người. “Không một ai trong các thủ lãnh thế gian nầy đã được biết lẽ khôn ngoan ấy, vì nếu biết họ đã chẳng đóng đinh Đức Chúa hiển vinh vào thập giá” (1Cr 2,8). X. Cv 3,17.

Áo của Người: ám chỉ đến câu Tv 22,19. Có nhiều ám chỉ đến khác đến Thánh vịnh nầy (như 22.8-9) cho thấy, cuộc khổ nạn của Chúa Giê su không phải là một tai ương bất ngờ, nhưng là một điều đã được dự định trước trong thánh ý Thiên Chúa Cha.

Đứng: Luca muốn đối chọi thái độ đau buồn và lòng trung tín của dân với thái độ ngạo mạn và nhạo báng của các thủ lãnh và quân lính.

Cười nhạo: x. Tv 22,8-9.

Người được tuyển chọn: kiểu nói nầy lặp lại tước hiệu mà Chúa Giê su đã nhận lãnh trong cuộc Biến hình (9,35). Người ta thấy các tước hiệu vương đế xuất hiện dồn dập trong các câu nầy (23,35.37.38.39.42). Những người chứng kiến lặp lại ba lần: “Hãy cứu lấy chính mình đi!”. Có lẽ đó là phần đầu của lời chào tập thể: “Hãy cứu lấy mình và cả chúng ta nữa”. Điều nầy sẽ được thực hiện trong sự Phục sinh.

Giấm: x. Tv 69,22.

Tên kia: chỉ có Luca lưu ý đến cách hành xử khác biệt của hai tên gian phi nầy. “Tên trộm lành” tự nhận mình là kẻ có tội, làm chứng cho sự vô tội của Chúa Giê su. Nhưng điều quan trọng là nó đã cho thấy mình là một người tín hữu gương mẫu: trong giây phút khó khăn khốn cùng của anh và của Chúa Giê su, anh ta đã xác định đức tin của mình vào tương lai của Chúa Giê su. Do đó, Luca trình bày ông ta như mẫu mực cho các ki tô hữu bắt chước.

Tôi bảo thật: Luca tác giả duy nhất dùng kiểu nói nầy đến sáu lần nhằm nhấn mạnh đến sự trang trọng của lời tuyên bố.

Hôm nay: từ đặc biệt của Luca. Ông sử dụng từ nầy cho các thiên sứ ở Bết lê hem (2,11), trong phép rửa của Chúa Giê su, theo một vài bản thảo (3,22), trong hội đường Nagiarét (4,21), trong việc chữa lành người tê bại (5,26), trên đường đi lên Giê ru sa lem (13,32-33), trong nhà ông Gia kêu (19,9). Ở đây, kiểu nói nầy tóm kết toàn bộ ý tưởng trong thời khắc mà Chúa Giê su trên thập giá hứa rằng “hôm nay” ơn cứu độ sẽ đến cho người nầy”.

SỨ ĐIỆP

Chủ nhật cuối cùng của năm Phụng vụ, chúng ta mừng lễ Đức Ki tô Vua vũ trụ. Nhân dịp nầy, Tin mừng cho chúng ta ngắm nhìn khuôn mặt gây ngạc nhiên của Chúa Giê su trên thập giá giữa hai tên trộm. Chúng ta thấy Ngài bị các thù địch chế nhạo và các môn đệ bỏ rơi. Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn bên kia dáng vẻ bề ngòai: thánh Luca không trình bày cuộc Khổ nạn Chúa Giê su như một thất bại, nhưng như một chiến thắng của sự Sống. Đức Ki tô là Vua bởi vì Ngài đã là người đầu tiên đi vào sự Sống với nhân tính của Ngài. Vương quyền của Ngài là vương quyền của một vị mục tử đi trước đàn chiên để dẫn đưa về ràn. Đó không phải là một uy quyền tìm cách chế ngự, mà là để cứu thoát. Nó lôi kéo mọi người đến với Ngài và mở ra cho chúng ta Con đường sự Sống.

Mừng lễ Đức Ki tô Vua vũ trụ là một cách mừng lễ Phục sinh một lần nữa. Sau khi chết trên thánh giá, Chúa Giê su đã sống lại. Ngài đi vào Sự sống và đưa chúng ta vào với Ngài. Người mà chúng ta gọi là “người trộm lành” đã là người đầu tiên được hưởng lời hứa nầy: “Ngày hôm nay, anh sẽ lên thiêng đàng với ta”. Và có nhiều người khác đã theo anh. Ngay cả những người tội nhân nổi tiếng nhất cũng có thể quay về phía thập giá Đức Ki tô và đón nhận tin mừng ấy. Ngay giữa lòng đau khổ, đã bật lên niềm hi vọng. Sự Sống đã có tiếng nói sau cùng. Trên thánh giá, Chúa Giê su khai mạc một đời sống mới. Hơi thở cuối cùng của Ngài là một hơi thở sáng tạo.

Trong thư Côlôsê, thánh Phao lô viết rằng Thiên Chúa “đã muốn hòa giải với tất cả mọi người qua Chúa Giê su và nhờ Ngài, trên trời và dưới đất”. Thập giá của Chúa là một giao lộ. Đó là giao lộ giữa Thiên Chúa giao ước và con người được giải thoát khỏi sự dữ và tội lỗi. Đó cũng là giao lộ của con người được hòa giải và biến đổi bởi tình yêu diệu kì đã mang lấy Đức Ki tô. Thánh giá Đức Ki tô là dấu chỉ sự hòa giải, và là lời mời gọi loại bỏ bạo lực ra khỏi cuộc đời và thế giới. Chúng ta hãy nhớ lại Đa vít, cậu bé chăn chiên ở Bết lê hem. Khi đã lên ngôi, ông đã qui tụ các Vương quốc phía Bắc và phía Nam. Đó là lời loan báo công trình qui tụ của Đức Ki tô đã hòa giải mọi dân tộc trên trái đất nhờ máu Ngài. Đó cũng là lời mời gọi chúng ta, những môn đệ Chúa Giê su, nỗ lực thực hiện việc hòa giải ấy mọi nơi cần thiết.

Ngày chủ nhật hôm nay, chúng ta dành thời giờ hướng về Đức Ki tô trên thánh giá. Ngài đã chịu nhiều bất công, bị chế nhạo và bị nguyền rủa. Nhưng Ngài không đáp trả lời nào. Trái lại Ngài tỏ lòng thương xót và tha thứ: “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm”. Để đánh dấu ngày nhậm chức, vua chúa và tổng thống thường có thói quen dùng quyền uy của mình ban ân xá cho các tội phạm. Các tù nhân được miễn án. Đức Ki tô lên ngôi trên thập giá cũng tha thứ cho người trộm lành sám hối. Ngài đưa anh ta vào con đường phục sinh. Người tử tội ấy lợi dụng giây phút cuối cùng để tuyên xưng đức tin và nhờ vậy mà được cứu thoát. Anh nhận ra nơi Chúa Giê su đấng khai mạc một Vương quốc mời gọi tất cả những người tội lỗi. Người môn-đệ-giờ-thứ-hai-mươi-lăm nầy là người tháp tùng bất ngờ với đấng đầu tiên sống lại từ cõi chết. Tin mừng ấy cũng là tin mừng cho mỗi người trong chúng ta. Đức Ki tô sống lại muốn nối kết tất cả vào trong chiến thắng của Ngài và đưa chúng ta vào Vương quốc của Ngài.

Khi hướng về thập giá Đức Ki tô, chúng ta sắp hàng dưới bóng cờ của vị vua đầy lòng nhân ái và tha thứ nầy. Trước nhan ngài, chúng ta nhận rằng mình là người có tội và xin Ngài thương xót: “Lạy Chúa, xin nhớ đến chúng con”. Xin hãy nhớ đến chúng con đã làm nhiều điều xấu xa cần được tha thứ. Xin hãy nhớ đến chúng con, giúp chúng con biết tha thứ khi chúng con bị thương tổn vì những lời nói chua cay ác độc. Xin hãy nhớ đến chúng con đã muốn mắt đến mắt, răng đền răng đối với những ngừơi đã làm điều sai quấy đối với chúng con. Xin hãy nhớ đến thế giới chúng con đang là nạn nhân của sự thù hằn và bạo lực leo thang từng ngày. Chính trong thế gian nầy mà Ngài đã sai chúng con đến. Xin hãy giúp chúng con trở thành những người kiến tạo hòa bình, công chính và huynh đệ.

Đó là Vương quốc Đức Ki tô mà chúng ta hướng về trong ngày chủ nhật hôm nay. Nó không thuộc về thế gian nầy, nhưng được tháp nhập vào trong thế gian con người qua các hành vi mang lại sự sống tha thứ và bình an của chúng ta. Vương quốc nầy được mở ra cho tất cả mọi người không trừ ai, đặc biệt những người nghèo và bé nhỏ nhất. Khi hướng về thập giá Đức Ki tô, chúng ta nhớ tới sự khốn khổ của hằng triệu người, phụ nữ và trẻ em hôm nay. Nhiều người đau khổ vì nghèo đói. Một số khác mất tất cả vì chiến tranh hay thiên tai. Và chúng ta cũng không quên tất cả những nỗi đau khổ thầm lặng có thể rất gần với chúng ta. Chính nơi những người ấy mà Đức Ki tô đang chờ đợi chúng ta. Họ có vị trí ưu tiên nơi trái tim Ngài. Hơn nữa, Ngài chính là mỗi người trong họ.

Vương quyền ấy của Đức Ki tô mà chúng ta mừng hôm nay đặt nền tảng trên tình yêu của Thiên Chúa và tình yêu tha nhân. Ngài tin tưởng nơi mỗi người chúng ta để chúng ta cùng với Ngài đến gần những người đang đau khổ. Khi cử hành Thánh lễ, chúng ta dâng lên lời kinh tha thiết: “Lạy Chúa, xin hãy nhớ đến chúng con trong Nước của Chúa. Xin hãy nhớ đến những người đang sống không hi vọng, không tình yêu!” Và chúng ta xác tín rằng một ngày kia, Ngài sẽ trả lời: “Hôm nay, con sẽ ở trên thiêng đàng với Ta”.

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXXIV Thường Niên_Tân Quang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXXIV Thường Niên_Nt. Maria Trần Thị Thu Trang, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXXIV Thường Niên_Nt. Maria Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXXIV Thường Niên Năm C_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXXIV Thường Niên B_Lm Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXXIV - Mùa Thường Niên
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXXIV Thường Niên B_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXXIV Thường Niên B_Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXXIV Thường Niên B_Nt. Maria Nguyễn Thị Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXXIV Thường Niên B_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh

Các bài viết cũ hơn
     TÂM SỰ VỚI CHÚA MỖI NGÀY TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN NĂM C. Lm Jos Tạ Duy Tuyền
     THIÊN CHÚA ĐÃ TRỞ NÊN GIỐNG NHƯ BẠN TÔI. Lm Jos Tạ Duy Tuyền