Ngày 26 tháng 11 năm 2021
Thứ sáu, sau Chúa Nhật XXXIV Thường Niên
“Trời đất sẽ qua đi,
nhưng Lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu”
(Lc 21, 29-33)
29 Đức Giê-su
kể cho các môn đệ nghe một dụ ngôn: “Anh em hãy xem cây vả cũng như tất cả
những cây khác.30 Khi cây đâm chồi, anh em nhìn thì đủ biết là mùa
hè đã đến gần rồi.
31 Anh em
cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy ra, thì hãy biết là Triều Đại Thiên Chúa
đã đến gần.32 Thầy bảo thật anh em: thế hệ này sẽ chẳng qua đi,
trước khi mọi điều ấy xảy ra.
33 Trời đất sẽ
qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu.”
1. Ngày của Con Người
Trong tuần này, chính xác là từ thứ ba, Đức Giê-su nói
cho chúng ta nghe về « Ngày của Con Người » ; và trong ngày này,
trật tự mà Thiên Chúa đã thiết lập khi sáng tạo sẽ bị phá vỡ, như Người nói
trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm qua : « Sẽ có những điềm lạ trên
mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang
trước cảnh biển gào sóng thét » (c. 25).
Ngày
tận của mọi sự cùng chắc chắn sẽ đến, bởi vì thế giới chúng ta đang sống là
những thực tại lệ thuộc vào không gian và thời gian. Lời của Đức Giê-su nói về
thời điểm tận cùng của mọi sự có thể làm chúng ta sợ hãi, nhưng đó lại là con
đường tất yếu của sự sống mới và sáng tạo mới, như hạt lúa mì, như chính thân
xác của chúng ta: sáng tạo này phải tan rã, thân xác chúng ta phải qua đi, để
nhường chỗ cho trời mới đất mới, cho “thân xác” và sự sống mới. Đó còn là cuộc
Vượt Qua, từ sự chết sang sự sống, của toàn thể nhân loại và vũ trụ, theo khuôn
mẫu mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô mà chúng ta cử hành mỗi ngày trong Thánh
Lễ. Hiểu như thế, cả loài người và từng người chúng ta, cùng muôn loài muôn vật
được mời gọi trông chờ trong bình an và hi vọng Ngày Cánh Chung và cầu nguyện
xin Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, mau ngự đến (x. Kh 22, 20).
Điểm
kết thúc của lịch sử và của thế giới sáng tạo, xem ra còn ra còn rất xa vời,
nhưng lại nhắc nhớ cho chúng ta những điểm kết thúc rất thật, xẩy ra hằng ngày
trong đời sống của chúng ta. Đó là hoàng hôn của mỗi ngày sống, của một giai
đoạn, của tháng, của năm, của chức vụ, của công việc… Dù chúng ta ở lứa tuổi
nào, rồi một ngày kia, chúng ta cũng sẽ đi đến điểm kết thúc là sự chết. Người trẻ có hi vọng sống thêm được nhiều chục năm. Tuy
nhiên, sự sống hằng ngày và tương lai của chúng ta không quá chắc ăn như chúng
ta tưởng, nhất là trong bối cảnh sống có rất nhiều nguy cơ hôm nay. Nhưng
chúng ta có niềm hi vọng là Đức Ki-tô, bởi vì Ngài đã vượt qua điểm tận cùng
của mọi sự, Ngài đã chiến thắng cái chết, là điểm tới của tất cả chúng ta , để
cứu chuộc và dẫn chúng ta vào sáng tạo mới.
2. « Anh em hãy xem cây vả »
Tuy nhiên, khi kết thúc những lời loan báo gây lo sợ về
« những sự sau cùng », Đức Giê-su lại dùng một dụ ngôn, rất đời thường
và vì thế, bình an và bình thản :
Anh em hãy xem cây vả
cũng như tất cả những cây khác.
(c. 29)
Đức Giêsu nói : « Cây vả cũng như tất cả những
cây khác », những cây khác, đối với chúng ta, có thể là cây sa-kê, cây mít
hay cây mai trong vườn. Đặc biệt là cây mai : khi thấy hoa mai nở, chúng
ta biết là mùa xuân đang đến.
Hình ảnh cây vả mà Đức Giêsu dùng để nói về Triều Đại
Thiên Chúa, nói cho chúng ta nhiều điều :
Ø Triều Đại Thiên Chúa đến là điều tất yếu, giống như qui
luật của thiên nhiên : mùa hè chắc chắn sẽ đến khi cây vả đâm chồi hay khi
cây phượng nở hoa.
Ø Hình ảnh đâm chồi, nẩy lộc gợi ra cho chúng ta sự sống
mới.
Tuy nhiên, theo qui luật thiên nhiên, sự sống mới này lại
sẽ tàn phai, lại sẽ chết đi ; nhưng chính là để làm phát sinh sự sống mới,
một mùa xuân mới. Sự chuyển hóa trong thiên nhiên, chính là dấu chỉ nói cho
chúng ta về Triều Đại Thiên Chúa, về một mùa xuân hoàn toàn vừa mới mẻ và vừa
vĩnh cửu, một mùa xuân sẽ không bao giờ tàn phai. Theo Tv 136 (135), hành động
của Thiên Chúa, diễn tả chính Chúa, thì vừa vĩnh cửu, được diễn tả bởi vòm
trời, mặt trời mặt trăng và các vì sao (c. 4-9), và vừa mới mẻ, được diễn tả
bởi những biến cố lịch sử (c. 10-24). Trên đời này, điều gì vĩnh cửu thì không
mới mẻ, và điều gì mới mẻ thì không vĩnh cửu. Chỉ có nơi Thiên Chúa, hai chiều
kích này mới hội tụ thành một. Và vì sự sống tương lai là vĩnh cửu và không tàn
phai, nên phải trải qua khoảng khắc tương xứng là « mất tất cả ».
3. « Triều Đại Thiên Chúa đang đến gần »
Để chạm được sự vĩnh cửu của Thiên Chúa, mỗi người, cả
loài người và cả thế giới sáng tạo sẽ phải trải qua khoảng khắc « mất tất
cả ». Chúng ta được mời gọi sống khoảng khắc « mất tất cả », khi
lựa chọn đi theo Đức Ki-tô trong ơn gọi gia đình và nhất là trong đời sống dâng
hiến, và lựa chọn này phải được hiện tại hóa mỗi ngày. Chúng ta tập sống tự
nguyện dâng hiến, dâng hiến tất cả, thay vì sống kinh nghiệm bị lấy đi, vốn là
kinh nghiệm gây lo sợ, như thánh Inhaxiô Loyola mời gọi chúng ta thưa với Chúa
trong kinh Dâng Hiến : « Chúa ban cho con tất cả, con xin dâng lại
Chúa tất cả, mọi sự đều là của Chúa ». Dâng lại cho cho Chúa tất cả sẽ là
một mất mát rất lớn, nhưng niềm vui được ban cũng rất lớn và còn lớn hơn.
Điều duy nhất làm cho chúng ta bình an, đó là sống tâm
tình tạ ơn và ca tụng, là đặt nền tảng đời mình trên nền sự biết ơn, là sống sự
quảng đại của Kinh Dâng Hiến. Và vẫn còn một điều nữa làm cho chúng ta bình an,
đó chính là Lời của Đức Giê-su :
Trời đất sẽ qua đi,
nhưng những lời Thầy nói
sẽ chẳng qua đâu.
(c. 33)
Lời Chúa không qua đi, vì thế cũng sẽ làm cho chúng ta
không qua đi, nhưng qui tụ chúng ta, những người còn sống cũng như những người
đã qua đời, bên Chúa và bên nhau mãi mãi trong Nước của Thiên Chúa.
Bởi vì, Lời của Ngài và Ngôi Vị của Ngài là một, là Ngôi
Lời sự sống, là Bánh Hằng Sống vượt qua sự dữ và sự chết, là ánh sáng và tình
yêu.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc