Trang Chủ > Tin Giáo Hội > Giáo Hội Toàn Cầu

Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật X Thường Niên C

THIÊN CHÚA CHẠNH LÒNG THƯƠNG

nhan ai 1.jpg

Trong một vụ tai nạn, người phụ nữ ôm đứa con nhỏ trên tay kêu gào đến khản cổ: Ai cứu con tôi với! Thế nhưng, xem lại camera an ninh ở chung quanh, người ta thấy có tới ba hay bốn chiếc xe đi ngang qua đó, thấy nạn nhân ôm đứa con đẫm máu, họ đã lẳng lặng bỏ đi. Sau hàng giờ chờ đợi xe cấp cứu, đứa bé được đưa tới bệnh viện, nhưng đã quá muộn. Người ta đặt vấn đề: Phải chăng ngày nay, con người ngày càng trở nên vô cảm với nhau, họ nhắm mắt làm ngơ khi thấy anh em mình bị nạn? Nhiều người có thể hiếu kỳ đứng xem một tai nạn xảy ra, nhưng không mấy người dám ra tay cứu giúp người bị nạn.

Tin Mừng hôm nay cho thấy, Chúa Giêsu hoàn toàn khác. Ngài không vô cảm, không dửng dưng với nỗi đau của con người, nhưng đồng cảm, thấu cảm. Người đưa tay chạm đến con người và tìm cách giải gỡ con người khỏi đau khổ. Câu chuyện Chúa Giêsu cho con trai bà góa thành Naim được sống lại đã cho thấy tâm hồn chạnh thương của Chúa Giêsu.

Thánh Luca kể rằng: Chúa Giêsu đến gần cửa thành, thì gặp người ta đang khiêng đi chôn người con trai duy nhất của một bà góa. Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói : Đừng khóc nữa. Khác với lần Chúa làm phép lạ cho Lazarô sống lại. Lần đó, Chúa chạnh thương vì thấy cảnh những người chị đau khổ khóc thương em, nhưng Ngài vẫn đòi cô Matta phải có một lòng tin và phải tuyên xưng đức tin : Con tin Thầy là Đấng Kitô. Trong phép lạ cho con trai bà góa thành Naim sống lại, Chúa không đợi chờ một lời kêu xin, Ngài cũng không đòi một điều kiện nào. Chúa thực hiện phép lạ hoàn toàn do sự thúc đẩy của tình thương, của trái tim mách bảo.

Chúa cảm thông trước hết với cảnh mẹ góa con côi. Người mẹ này đã phải đau khổ vì mất người chồng là chỗ dựa, là điểm tựa cho bà. Bà chỉ còn cậy nhờ vào người con trai duy nhất. Người con trai này là tương lai, là hy vọng, là chỗ dựa cho bà lúc tuổi già, vậy mà đứa con này lại chết.  Người đàn bà này đau khổ đến tận cùng, bà như hoàn toàn mất hết hy vọng vào cuộc sống, cuộc sống của bà sẽ không còn ý nghĩa khi đứa con trai không còn. Cảm thông cho hoàn cảnh lá vàng đưa tiễn lá xanh, Chúa Giêsu đã bước đến nói với bà : Đừng khóc nữa ! Ngài tiến lại gần, chạm đến quan tài, các người khiêng dừng lại. Với hành động này, Chúa Giêsu đã đưa tay ra để ngăn cản tiến trình của sự chết, của sự chôn vùi và phân hủy. Bằng một mệnh lệnh : Hỡi thanh niên, tôi truyền cho anh : hãy chỗi dậy ! Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Điều đó chứng tỏ quyền năng nơi lời của Chúa Giêsu. Nếu như ngày xưa trong công cuộc tạo dựng, Thiên Chúa phán : Hãy có, thì mọi vật liền có. Hôm nay, cũng bằng một mệnh lệnh : Hãy trỗi dậy, người thanh niên thực sự được phục hồi sự sống.

Đức Giêsu trao anh ta lại cho bà mẹ. Điều này cho thấy, sự sống mà người thanh niên này đón nhận lại hoàn toàn là quà tặng bởi lòng thương xót của Thiên Chúa. Kế đó, Đức Giêsu tặng người thanh niên này lại cho bà mẹ. Chắc chắn không có niềm vui nào có thể diễn tả được niềm vui của người mẹ khi nhận lại người con của mình. Kinh Thánh không diễn tả cảm xúc và sự vui mừng của bà mẹ, nhưng đã ghi lại cảm xúc và phản ứng của đám đông đang chứng kiến phép lạ : Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng : Một tiên tri cao cả đã xuất hiện giữa chúng ta và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người. Khi nói đến giờ Thiên Chúa viếng thăm, người Do Thái hiểu đó là giờ, là thời của Đấng Cứu thế đã đến. Đó là thời mà các tổ phụ, các tiên tri đã loan báo, thời Thiên Chúa hứa sẽ giải thoát dân Người, thời của niềm vui và ơn cứu độ.

Khi nhìn nhận Đức Giêsu như là một vị tiên tri cao cả đã xuất hiện, người Do Thái nhớ ngay đến tiên tri Elia. Ông là một vị đại tiên tri và còn là thủ lãnh của Isarel. Elia đã từng chạnh lòng thương khi thấy đứa con của bà góa thành Sarepta tắt thở. Bà mẹ đau khổ, dằn vặt không chỉ vì đứa con phải chết, nhưng bà còn dằn vặt vì cho rằng chính do quá khứ tội lỗi của bà mà khiến con bà phải chết. Elia không thể cầm lòng trước cảnh đau thương này, ông cầu xin cùng Thiên Chúa và Chúa đã cho em bé được sống. Qua việc này, bà góa Sarepta đã tin Elia là người của Thiên Chúa. Truyền thống Israel cho rằng, ông Elia là người của Thiên Chúa nên không chết. Ông được Thiên Chúa đến đón về trời bằng xe ngựa bốc cháy. Dựa vào đó, dân Do Thái hy vọng ông sẽ trở lại vào ngày Chúa viếng thăm dân Người. Khi thấy phép lạ Chúa Giêsu cho con trai bà góa thành Naim sống lại, dân chúng đã nhớ ngay đến Elia và nhớ đến giờ Chúa trở lại viếng thăm như Chúa đã hứa.

Chúa Giêsu là Thiên Chúa, là Đấng đến viếng thăm dân Ngài. Ngài không chỉ viếng thăm như một vị khách, nhưng đã chia sẻ đến cùng thân phận con người, cùng đau nỗi đau với con người. Ngài cảm thông với đau khổ của con người, xoa dịu và chữa lành những vết thương trong tâm hồn, đem đến cho con người Tin Mừng giải thoát.

Tin Mừng của Chúa Giêsu có sức mạnh giải thoát và biến đổi hoàn toàn cuộc đời con người. Thánh Phaolô là một trong những người đã được biến đổi, được lôi kéo bởi Đức Giêsu và Tin Mừng của Người. Phaolô đã để lại đàng sau quá khứ, con người cũ, để trở thành con người say mê Tin Mừng và miệt mài nói về lòng thương xót của Chúa đã dành cho ông. Phaolô đã nhận ra tất cả cuộc đời của ông là một chuỗi những điều kỳ diệu Thiên Chúa đã làm, chỉ vì Ngài chạnh lòng xót thương ông.

Chúng ta tin rằng : Con người có thể vô cảm dửng dưng với nhau, nhưng Thiên Chúa không bao giờ dửng dưng với đau khổ của con người. Vì, Thiên Chúa của chúng ta là một vị Thiên Chúa chạnh thương. Tin như thế, để không bao giờ ta thất vọng khi gặp đau khổ, thử thách. Tin, để thấy Chúa luôn ở bên chúng ta, Chúa đang đồng cảm với đau khổ của chúng ta ; Ngài đang bước cạnh chúng ta khi chúng ta gặp thử thách tăm tối nhất. Chúa cũng đang nói với kẻ đau khổ : Đừng khóc nữa ! Đừng buồn, đừng thất vọng nữa! Có Ta đang chia sẻ với con !

Thiên Chúa cũng đang an ủi, nâng đỡ cuộc sống chúng ta qua bao người chung quanh. Thiên Chúa đang dùng họ để đồng hành, chia sẻ với cuộc sống của ta, chỉ có điều chúng ta có nhận ra sự hiện diện của Chúa hay không mà thôi. Đồng thời, Thiên Chúa cũng muốn qua chúng ta để Ngài đồng hành và an ủi các anh chị em đau khổ khác nữa. Ngài muốn mượn trái tim của ta để chạnh thương những anh chị em bất hạnh. Ngài muốn dùng đôi tay của chúng ta để chạm đến anh chị em, dùng môi miệng ta để nói lời an ủi yêu thương, dùng ánh mắt của ta để khích lệ anh chị em chỗi dậy những khi bị suy xụp.

Có người cho rằng: Chỉ có loài vật mới có thể đứng trước nỗi đau của đồng loại mà chăm sóc cho bộ lông bộ da của mình. Điều đó dường như ngày càng đúng trong xã hội hôm nay. Xã hội này đang biến con người thành những con vật vô cảm như thế. Nó biến con người chỉ còn biết lo cho bản thân mà không nghĩ đến anh em, tìm cái danh, cái lợi cho mình, cho gia đình bằng mọi giá, kể cả việc chà đạp lên phẩm giá và quyền lợi của người khác. Có thể nhiều người Kitô hữu cũng đang có lối sống vô cảm như thế.

Có những cha mẹ già đang bị bỏ rơi, hắt hủi như kẻ ở nhờ trong gia đình, hãy quan tâm đến cha mẹ nhiều hơn để cho tuổi già của các ngài khỏi tủi nhục vì con cái. Có những người chồng, người vợ và cả những đứa con bị coi như đồ thừa trong gia đình, không được ai hỏi đến, họ đang cần một nụ cười, cần một hành động chạnh thương, một cái nhìn thông cảm của người thân.

Chung quanh ta có những bạn trẻ tự ti mặc cảm vì khiếm khuyết, bệnh tật hoặc công việc, đang sống khép mình trong dằn vặt. Những người này đang cần đến sự chạnh thương, sự động viên và những cử chỉ cảm thông để giúp họ vượt qua mặc cảm. Là con của Chúa, xin cho chúng ta có được trái tim chạnh thương của Ngài, để chúng ta có thể trở thành những người Chúa dùng, đem tình yêu, lòng xót thương của Chúa đến cho mọi người. Amen.

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp. Xuân Lộc

 


Các bài viết mới hơn
     “Thánh Thể là sức mạnh của tôi”: câu chuyện của sơ Alicia Torres_ Sr. Bernadette M. Reis, fsp
     ĐTC Phanxicô: Trong Thánh Thể Chúa Giêsu nuôi dưỡng và cho chúng ta no thoả nhờ sự hiện diện của Người_ Nt. Hồng Thủy - Vatican News
     Đức Thánh Cha: Nhà giáo dục đích thực là người biết đồng hành, lắng nghe và đối thoại_Ngọc Yến - Vatican News
     Tiếp kiến chung 20/04: Sự thảo kính đối với người già_Vatican News
     Vài ngộ nhận đối với lập trường của Đức Thánh Cha về chiến tranh_G. Trần Đức Anh O.P
     Lễ Phục sinh ở Myanmar, Đức Hồng y Bo: Nơi thờ phượng bị ảnh hưởng, nhưng Giáo hội vẫn đứng vững_Vatican News
     Bạn trẻ cùi Robert Naoussi “dọn đường lên trời” cho người khác_Ngọc Yến - Vatican News
     Thứ Sáu Tuần Thánh - chứng tá tha thứ cho kẻ giết con mình_Ngọc Yến - Vatican News
     Sứ điệp Phục Sinh và phép lành Urbi et Orbi_Vatican News
     ĐTC sẽ cử hành Thánh lễ Tiệc Ly và rửa chân cho các tù nhân tại nhà tù ở Civitavecchia_Nt. Hồng Thủy - Vatican News

Các bài viết cũ hơn
     Đức Thánh Cha giảng tĩnh tâm cho các linh mục
     ĐTC kêu gọi quy chiếu các giá trị nhân bản và kitô trong sinh hoạt y khoa
     Lời cầu nguyện giúp duy trì đức tin và sống kinh nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa
     ĐTC kêu gọi cầu nguyện cho các trẻ em bị mất tích
     Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi Hội nghị Thượng đỉnh về nhân đạo
     Đức Thánh Cha tiếp Đại Iman của Đại Học Hồi giáo Al-Azhar
     Đức Thánh Cha chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin Chúa Nhật lễ Chúa Ba Ngôi
     Người nghèo nhắc cho người giầu nhớ tới Thiên Chúa
     Đức Thánh Cha khích lệ canh tân hàng giáo sĩ
     Sứ điệp của Đức Thánh Cha Ngày Thế Giới truyền giáo 90