Mác-ta! Mác-ta ơi!
Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá!
Chỉ có một điều cần thiết mà thôi
LỜI CHÚA :
Lc 10, 38-42
38 Trong
khi thầy trò đi đường, Đức Giê-su vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là
Mác-ta đón Người vào nhà.
39 Cô có
người em gái tên là Ma-ri-a. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người
dạy.40 Còn cô Mác-ta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà
nói: "Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao?
Xin Thầy bảo nó giúp con một tay! "
41 Chúa
đáp: "Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá!42
Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không
bị lấy đi."
* * *
1. Niềm vui
đón tiếp (c. 38)
|
|
|
2. Lắng nghe và
phục vụ
(c. 39-40a)
|
3. « Băn khoăn
lo lắng » (c. 40b-42)
|
|
SU
SUY NIỆM:
Tương quan giữa điểm 1 và điểm 3: nơi nội tâm của chị Mác-ta, từ “niềm
vui đón tiếp” lúc ban đầu, sau một thời gian, trở thành “băn khoăn lo lắng”.
Chúng ta có thể tự hỏi: tại sao như vậy?
Phải chăng, để được bình an và lưu lại trong niềm vui, chị Mác-ta được
mời gọi để hết tâm hồn vào công việc “phục vụ”, như chị Maria đã để hết tâm hồn
vào việc “lắng nghe”, như lời của Giê-su nói với chị?
* * *
Bài Tin Mừng của Thánh Lễ Chúa Nhật hôm nay, cũng được đọc trong ngày lễ nhớ
thánh nữ Mác-ta, rất quen thuộc với chúng ta ; quen thuộc, nhưng luôn thu
hút, vì hình ảnh đầy ý nghĩa của hai người phụ nữ hiện diện chung quanh Đức
Giêsu. Hình ảnh thật « năng động » của cô Mác-ta và hình ảnh, có thể nói, thật « bất động » của cô Maria.
Khi chiêm ngắm chị Mác-ta đón tiếp Đức Giê-su,
chúng ta nhận ra sự biến chuyển trong tâm hồn của chị : từ niềm vui sang
« băn khoăn lo lắng ». Vậy, chúng ta hãy tự hỏi tại sao và lời của
Đức Giê-su chữa lành chị như thế nào ?
* * *
Câu chuyện được
đặt ở giữa dụ ngôn « Người Samari tốt lành » và sự kiện Đức Giêsu cầu
nguyện và dạy các môn đệ cầu nguyện. Nếu dụ ngôn Người Samari mời gọi thực
hành : « hãy đi và anh, anh cũng hãy làm như thế » (10, 37), câu
chuyện ở làng Bêtania đặt « việc làm » trong một chiều kích sâu xa
hơn.
Có một « việc
làm » khác, và việc làm này không đòi phải làm gì cả, chỉ ngồi đó nghe Đức
Giêsu nói thôi. Cầu nguyện không phải là việc làm, theo nghĩa lao động, nhưng
còn hơn cả việc làm. Và như chúng ta có kinh nghiệm, cầu nguyện là một
« công trình » của Chúa và của chúng ta. Như chính Đức Giêsu nói :
« công trình của Thiên Chúa là anh em tin nơi Đấng Ngài sai đến » (Ga
6, 29).
Lao mình vào những
công việc phục vụ người khác là điều tốt, nhưng vẫn chưa đủ, còn một điều khác
nữa nền tảng hơn, đó là chúng ta làm việc, phục vụ trong tâm trạng nội tâm nào.
Và để có được sự bình an và niềm vui trong hành trình đi theo Đức Ki-tô, ngang
qua ơn gọi được ban cho chúng ta, Đức Giêsu mời gọi chúng ta cầu nguyện trong
những lúc dành riêng và sống tâm tình cầu nguyện trong mọi sự, nghĩa là giữ
tương quan mật thiết với Chúa.
1. Niềm vui đón tiếp (c. 38)
« Khi Đức
Giêsu và các môn đệ đang trên đường », từ Galilê đi Giêrusalem. Khi
bắt đầu cuộc hành trình, Đức Giêsu nói những lời thật triệt để (Lc 9, 60. 62).
Trong viễn tượng của ơn gọi tu trì, những lời này thường được hiểu như là phải
đoạt tuyệt hay ít nhất là « cách li » với gia đình, với bạn bè và với
những người thân yêu.
Tuy nhiên, nhìn
ngắm Đức Giêsu trên đường đi Giêrusalem với viễn tượng của mầu nhiệm Vượt Qua,
chúng ta sẽ nhận ra rằng không hoàn toàn như vậy : « Đức Giêsu đi
vào một làng, và một người phụ nữ tên là Mác-ta đón Ngài vào nhà mình ».
Đức Giêsu vẫn giữ tương quan với những người thân yêu, Ngài vẫn trân trọng tình
thương của họ, vẫn cảm nếm sự dịu ngọt của tình người, chữa lành và hướng nó
tới sự sống viên mãn. Xin Chúa làm cho trái tim của chúng ta giống trái tim của
Người hơn, trong những gì liên quan đến tương quan của chúng ta với những người
thân yêu.
* * *
Nhìn ngắm chị
Mác-ta đón Đức Giêsu vào nhà mình với niềm vui. Chúng ta được mời gọi nhận ra những người phụ nữ chúng ta từng gặp thấy
trong cuộc đời : đầy lòng tin, quảng đại, hiếu khách, và đảm đang. Thực
vậy, cô Mác-ta thật đảm đang : tay làm một lúc nhiều việc, nhưng con mắt lại chú ý
đến những việc khác trong nhà, chú ý đến những người khác trong nhà. Và chính ở
điểm này mà cô Mác-ta cần được Lời Đức Kitô biến đổi, chữa lành ở mức độ sâu xa nhất, để tìm lại
niềm vui, bình an và hạnh phúc bền vững trong tâm hồn.
Trong giờ cầu
nguyện hằng ngày, và nhất là trong những ngày tĩnh tâm, Chúa cũng muốn đến thăm
“nhà” của chúng ta: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở
cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng
bữa với Ta” (Kh 3, 20). Tôi có ước ao và sẵn sàng không? Và tôi đón Người như
thế nào?
2. Lắng nghe và phục vụ (c. 39-40a)
Hãy dừng lại bao lâu chúng ta muốn để chiêm ngắm khung cảnh đầm ấm và rất
đỗi bình thường: nhà có hai chị em, có khách quí đến, em tiếp chuyện và chị lo
nước nôi và bữa ăn để đãi khách. Không thể hai người cùng nghe; và cũng không
thể hai người cùng làm, để khách loay hoay một mình. Nhất là cảm nếm niềm vui
của cuộc gặp mặt giữa hai chị em và Đức Giêsu.
- Nhìn ngắm cô Maria và Đức Giêsu : cô Maria cứ
ngồi bên chân chúa mà nghe lời người dạy; bản gốc thân tình hơn, đời thường
hơn: cô em Maria ngồi bên chân Đức Giêsu nghe lời của Ngài. Hãy cố gắng
nghe dù bản văn Tin Mừng vẫn chưa tường thuật lời nói: lời của Đức Giêsu dành
cho cô Maria, và lời của Maria dành cho Đức Giêsu (cô chỉ lắng nghe, nhưng chắc chắn có cảm xúc và cả tiếng lòng nữa). Chúng
ta có thể hình dung ra tư thế của Đức Giêsu. Trong giờ cầu nguyện này và trong thời
gian Linh Thao, tôi có ước ao có được tư thế và tâm hồn của cô Maria
không ?
- Chúng ta có thể “xuống bếp” nhìn ngắm chị Mác-ta “tất bật lo việc phục vụ”
(bản gốc: bận rộn với nhiều việc phục vụ). Chúng ta hãy cố gắng lắng nghe lời,
lời trong lòng hoặc lời lẩm bẩm của chị Mác-ta; nhất là nhận ra chuyển động nội
tâm của chị. Diễn biến nội tâm của chỉ có thể được chia làm ba bước: lúc đầu
chị chú ý lo việc trong niềm vui ; sau đó nhìn bên này, nhìn bên kia, nhìn
những công viêc mình phải làm, rồi nhìn lên nhà trên ; và cuối cùng chị bỏ
bếp đi lên! Điều
gì đã xẩy ra trong cô, khiến cô bỏ bếp đi lên nhà trên?
3. « Băn khoăn
lo lắng » (c. 40b-42)
Ở điểm cầu nguyện này, chúng ta hãy lắng nghe lời của cô Mác-ta và lời của Đức Giêsu. Cô Mác-ta bỏ bếp đi lên, tiến lại và nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin
Thầy bảo nó giúp con một tay!” Trong câu nói của Mác-ta, hàm chứa hai lời trách
móc: trách em và trách Đức Giêsu, dựa trên hai sự kiện rất khách quan: Maria
chỉ biết ngồi đó nghe, còn Đức Giêsu thì chỉ biết ngồi đó nói! Như thế, chị
Mác-ta thật có lí.
Chúng ta cũng hay trách Chúa và trách (anh) chị em như thế. Ngoài ra, chị
còn gợi ý cho Đức
Giêsu điều Ngài cần làm cho chị : « Xin Thầy bảo
nó… »! Tuy nhiên, chị có một vấn đề thâm sâu mà Đức Giêsu mời gọi chị hoán
cải. Nhưng
trước hết, chúng ta hãy cảm nếm sự thương cảm của Đức Giêsu dành cho Mác-ta:
“Mác-ta, Mác-ta ơi!”. Hai lần gọi tên!
Khi nói với cô
Mác-ta: “Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và
sẽ không bị lấy đi.” Đức Giêsu dường như đề cao, thậm chí tuyệt đối hóa, việc
lắng nghe lời của Ngài trong cầu nguyện. Chính vì thế, truyền thống thiêng
liêng thường hiểu lời của Đức Giêsu theo hướng này.
Tuy nhiên, trong
những trường hợp khác, Đức Giêsu cũng nhấn mạnh không kém đến việc phục vụ: “Ai
muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu
anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được
người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn
người.” (Mt 20, 26-28); “anh em hãy rửa chân cho nhau, như Thầy rửa chân cho
anh em” (Ga 13, 14). Và ngày nay, trong Giáo Hội cũng như trong xã hội, việc
làm cụ thể và thái độ dấn thân phục vụ được đề cao cách đặc biệt. Vì thế, người
ta còn hiểu lời của Đức Giêsu theo hướng trung dung, nghĩa là cầu nguyện và
hoạt động không đối nghịch nhau, nhưng qui về nhau.
* * *
Nhưng nếu chúng ta
khởi đi từ vấn đề nội tâm của cô Mác-ta: “Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo
lắng nhiều chuyện quá!”, chúng ta sẽ hiểu lời của Đức Giêsu theo một hướng
khác, có lẽ đúng hơn, sâu hơn và đánh động chúng ta nhiều hơn. Thật vậy, lời
của Đức Giêsu không nhắm tới “sự việc”, việc phục vụ hay việc cầu nguyện, và
cũng không nhắm tới tương quan giữa hai việc này; nhưng lời Đức Giêsu liên quan
đến con mắt, diễn tả thái độ nội tâm, khi chúng ta cầu nguyện cũng như khi
chúng ta làm việc phục vụ.
Vì thế, sứ điệp
sâu xa chất chứa trong lời của Đức Giêsu liên quan đến đôi mắt. Mác-ta làm việc
ở dưới bếp nhưng lại hay ngó lên trên nhà. Đức Giêsu không phủ nhận giá trị của
việc phục vụ mà chị đang thực hiện cách quảng đại, nhưng vấn đề là con tim của
chị: “băn khoăn và lo lắng”. Sống và làm việc, nhưng đôi mắt lại nhìn bên này,
nhìn bên kia, nhìn ở đây, nhìn ở trên kia và rốt cuộc “bỏ bếp đi lên”! đôi mắt
diễn tả sự không bình an của tâm hồn, nhất là diễn tả sự ghen tị không chấp
nhận sự khác biệt.
- Đức
Giêsu nói: “Chỉ có một điều cần thiết thôi”, đó là con đường mình đang đi, ơn
gọi mình đang sống, việc mình đang làm, giờ cầu nguyện mình đang thực hiện…,
hãy nhìn vào đó và xác tín rằng đó là ơn huệ Chúa ban và là điều tốt nhất.
Trong nhiều lựa chọn, Maria đã chọn một; và đối với cô đó là lựa chọn tốt nhất
và cô hướng đôi mắt và tâm hồn của mình vào điều này.
- “Chỉ
có một điều cần thiết”, còn có nghĩa là thái độ nội tâm biết lắng nghe Lời Chúa
trong mọi sự, dù chúng ta đang ở đâu, hay đang làm công việc nào, đang cầu
nguyện hay đang làm việc, đang đọc kinh hay đang học tập, đang làm việc thiêng
liêng hay đang phục vụ.
Lm Giuse Nguyễn Văn
Lộc
Nếu đặt trình thuật Luca như
khởi điểm của hai trình thuật tiếp theo trong Tin Mừng Gioan, chúng ta có thể
nhận ra sự “lớn lên” của Mác-ta
trong tương quan với
Đức Kitô, với những người khác và với công việc: chị quan tâm đến công việc của
mình, nên trách em và trách Thầy; tiếp đến chị thương em Lazarô của chị đến độ
trách “yêu” Đức Giêsu: “Nếu Thầy ở đây em con đã không chết” (Ga 11, 32); và
sau cùng, ngay trước ngưỡng của cuộc Thương Khó của Đức Giêsu, chị chẳng nói gì
nữa, tác giả Tin Mừng chỉ kể lại: “Cô Mác-ta lo hầu bàn”. Như thế, chị đã như đạt được ơn bình an
sâu thẳm trong tâm hồn:
Bình
an, nghĩa là tự do với mọi sự để yêu mến và phục vụ Đức Giêsu vẫn với và ngang
qua công việc phục vụ nhỏ bé không tên của mình.
Bình
an, nghĩa là tôn trọng sự khác biệt nơi những ngôi vị khác và đi vào hiệp thông
dẫn đến hiệp nhất, thay vì ghen tị giản lược người khác vào chính mình hay
ngược lại giản lược mình vào người khác.