AI LÀ ANH EM CỦA
TÔI?
LỜI
CHÚA: Lc 10,25-37
(25) Và này có
người thông luật kia đứng lên hỏi Ðức Giêsu để thử Người rằng: "Thưa Thầy,
tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?" (26)
Người đáp: "Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?" (27)
Ông ấy thưa: "Ngươi hãy yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng,
hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi và người thân cận như chính
mình". (28) Ðức Giêsu bảo ông ta: "Ông trả lời đúng lắm.
Cứ làm như vậy là sẽ được sống".
(29) Nhưng ông ấy
muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Ðức Giêsu rằng: "Nhưng ai
là người thân cận của tôi?" (30) Ðức Giêsu đáp: "Một người
kia từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột
sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. (31)
Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này,
ông tránh qua bên kia mà đi. (32) Rồi cũng thế, một thầy Lêvi đi tới
chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. (33) Nhưng một
người Samaria kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng
thương. (34) Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho
người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán
trọ mà săn sóc. (35) Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ
quán và nói: "Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiều,
thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác". (36) Vậy theo ông
nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào
tay kẻ cướp?" (37) Người thông luật trả lời: "Chính là kẻ
đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy". Ðức Giêsu bảo ông ta:
"Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy".
SUY NIỆM:
Nơi
trang Tin Mừng hôm nay, thánh sử Luca thuật lại việc một vị
luật sĩ hỏi Chúa Giêsu: “Ai là anh em của tôi?”.
Khi hỏi như vậy, hẳn người thông luật này đứng trên quan
điểm của người Do Thái. Vì người Do Thái quan niệm: anh em tôi phải là người bà
con ruột thịt hay ít là đồng bào Do Thái với tôi. Còn người ngoại quốc, nhất là
người ngoại giáo là quân tội lỗi, là hạng người ô uế, không nên gần gũi, tiếp
xúc.
Để trả lời cho câu hỏi người luật sĩ đặt ra, Chúa Giêsu
đã kể dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu và mời gọi vị luật sĩ - và mọi Kitô hữu
chúng ta ngày nay - rút ra kết luận cho bản thân mình.
Tại sao trông thấy người bị nạn, vị tư tế và vị trợ tế
đều đi qua? Tư tế hay trợ tế là người Do Thái. Theo luật, khi lên đền thờ tế
lễ, họ không được tiếp xúc với người chết và người ngoại giáo. Do đó -vì luật-
họ đã đi qua mà không hề cứu giúp người bị nạn. Ở đây, Chúa Giêsu nhấn mạnh
thái độ của họ là làm ngơ, là dửng dưng trước nạn nhân đang cần giúp đỡ. Có thể
họ giữ luật một cách rất tỉ mỉ nhưng họ lại thiếu tình yêu thương bác ái cụ
thể; mà tình yêu mới là cái cốt lõi của luật.
Hơn nữa, đối với vị tư tế hay trợ tế, một người bị nạn
không phải là người Do Thái, cũng chẳng phải là bà con ruột thịt thì hơi đâu mà
lo cho mệt. Điều này cũng giống như người ta gặp một tai nạn giao thông. Nếu
người bị nạn là người nhà ta thì ta mau cứu giúp; nếu là người dưng thì ta cũng
thường dửng dưng, để mặc ai giúp thì giúp. Theo tâm lý chung, ai cũng sợ liên
lụy, sợ bị ‘vạ lây’.
Trái lại, người Samaritanô trong bài Tin Mừng hôm nay đã
không hề do dự xem nạn nhân có phải là anh em, bà con với mình hay không. Anh
đã mau mắn ra tay cứu giúp bất chấp những phiền hà mà anh phải chịu: mất thời
gian, tốn tiền bạc, nguy hiểm đến sự an toàn cá nhân.v.v... Anh giúp nạn nhân
đơn giản vì đó là một con người, là đồng loại với mình, là một người đáng
thương đang cần cứu sống.
Như thế, qua bài Tin Mừng, Chúa Giêsu khẳng định: tất cả
mọi người đều là anh em với nhau. Vì thế, con người không được quyền tự đặt ra
những giới hạn như tôn giáo, chủng tộc, màu da, ngôn ngữ hay giai cấp... để tự
cho phép mình thoái thác giúp đỡ tha nhân cách cụ thể.
CẦU NGUYỆN
Lạy
Chúa, xin Chúa dạy chúng con biết noi theo gương bác ái của người
Samaritano, biết
giúp đỡ những ai đang cần đến sự giúp đỡ của chúng con. Nhờ đó, chúng con xứng đáng là môn đệ của Chúa Giêsu - Đấng là Thiên Chúa
của Lòng Thương Xót - và đáng hưởng sự sống đời đời làm gia nghiệp. Amen.
Lm. J.P