THAY ĐỔI CUNG CÁCH SUY TƯ HÀNH XỬ
VÀ SỐNG THANH ĐẠM
Thánh Gioan Tẩy Giả kêu mời tín hữu sống thanh đạm, hồi tâm hoán cải, thay đổi cung cách suy tư hành xử và chân thành kiểm thực cuộc sống của mình. Đức Thánh Cha đã khẳng định như trên trong buổi đọc kinh Truyền Tin với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tụ tập tại quảng trường thánh Phêrô trưa Chúa Nhật 4-12-2011.
Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói Mùa Vọng trong năm phụng vụ đề cao hai gương mặt đã có vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị cho biến cố Chúa Giêsu đến trong lịch sử nhân loại: Đó là Đức Maria và thánh Gioan Tẩy Giả. Phúc Âm thánh Marcô Chúa Nhật thứ II Mùa Vọng miêu tả con người và sứ mệnh của vị Tiền Hô (Mc 1,2-8), bằng cách giới thiệu diện mạo khắc khổ bề ngoài của người: ông mặc áo da lạc đà, ăn châu chấu và mật ong rừng tìm thấy trong sa mạc Giuđêa (Mc 1,6). Chính Chúa Giêsu có lần cũng đối chiếu thánh nhân với những người sống trong các cung điện vua chúa, mặc lụa là sang trọng (Mt 11,8). Đức Thánh Cha nói: Lối sống của ông Gioan Tẩy Giả phải nhắc nhở cho tất cả mọi tín hữu kitô biết lựa chọn kiểu sống thanh đạm, đặc biệt để chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh, trong đó, như thánh Phaolô nói ”từ giầu sang phú qúy Chúa đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của Người mà làm cho anh em trở thành giầu có” (2 Cr 8,9).
Sứ mệnh của Gioan Tẩy Giả là một lời mời gọi hoán cải ngoại thường: phép rửa của người ”gắn liền với một lời kêu mời tha thiết hãy có một kiểu suy tư hành xử mới, nhất là gắn liền với lời loan báo sự phán xử của Thiên Chúa” (Đức Giêsu thành Nagiarét I, Milano 2007, tr. 34), cũng như sự xuất hiện gần kề của Đấng Messia, được thánh nhân định nghĩa như là “Đấng mạnh hơn tôi” và là Đấng “sẽ thanh tẩy trong Thánh Thần” (Mc 1,7.8). Lời mời gọi của thánh Gioan Tẩy Giả đi xa hơn và sâu hơn kiểu sống thanh đạm: nó kêu mời thay đổi nội tâm, bắt đầu từ việc thừa nhận và xưng thú tội lỗi của mình. Và Đức Thánh Cha đưa ra lời kích lệ như sau:
Thật là điều quan trọng, trong khi chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh, chúng ta trở vào trong chính mình và chân thành kiểm thực lại cuộc sống của chúng ta. Chúng ta hãy để cho mình được chiếu soi bởi một tia sáng đến từ Bếtlehem, bởi ánh sáng của Đấng “Cao Cả nhất” nhưng đã trở thành bé nhỏ, của Đấng “Mạnh Mẽ nhất” nhưng đã trở thành yếu đuối.
Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói cả bốn Phúc Âm đều miêu tả việc rao giảng của thánh Gioan Tẩy Giả bằng cách quy chiếu về một văn bản của ngôn sứ Isaia: “Có tiếng hô trong sa mạc: Hãy chuẩn bị một con đường cho Chúa, hãy san bằng giữa đồng hoang một con lộ cho Thiên Chúa chúng ta” (Is 40,3). Thánh sử Maccô cũng xen vào đó lời trích từ một ngôn sứ khác là Malakhi nói rằng: “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con” (Mc 1,2; Ml 3,1). Các quy chiếu Thánh Kinh Cựu Ước này “đề cập tới sự can thiệp cứu độ của Thiên Chúa, là Đấng ra khỏi sự không thể dò thấu được của Người để phán xử và cứu rỗi; cần phải mở cửa và dọn đường cho Người” (Đức Giệsu thành Nagiarét I, tr. 35).
Chúng ta hãy tín thác cho sự bầu cử hiền mẫu của Đức Maria, Trinh Nữ của sự chờ đợi, con đường dẫn chúng ta tới chỗ gặp gỡ Chúa đến, trong khi tiếp tục lộ trình Mùa Vọng để chuẩn bị trong tim và trong cuộc sống chúng ta biến cố Đấng Emmanuel “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” đến.
Tiếp đến, Đức Thánh Cha đã cất Kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
Sau Kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha đã nhắc cho mọi người biết rằng trong các ngày tới đây thế giới sẽ kỷ niệm 50 năm thành lập Ngày Thế Giới Di Cư, 60 năm Hiệp định về tình trạng của người tị nạn và 50 năm Hiệp định về việc giảm các trường hợp của những người không có quốc tịch. Ngài nói: Tôi phó thác cho Chúa những ai thường bị bắt buộc phải rời bỏ quê hương mình, hay không có quốc tịch. Trong khi khích lệ tình liên đới đối với họ, tôi cầu nguyện cho tất cả những ai xả thân che chở và trợ giúp các anh chị em phải sống trong các tình trạng khẩn hiết này, và phải chịu các vất vả và hiểm nguy trầm trọng.
Chào các tín hữu nói tiếng Pháp, Đức Thánh Cha khích lệ mọi người đừng sợ hãi sống trong hy vọng. Trong thế giới đầy bất ổn và bạo lực này, ước gì Mùa Vọng và việc chờ đón “Hoàng Tử Hòa Bình” đến, cho chúng ta dịp suy gẫm Lời Chúa. Hãy tránh ngủ quên, và hãy cương quyết dọn đường cho Chúa, là suối nguồn của hòa bình, niềm vui, tình yêu thương và niềm hy vọng, là Đấng không ngừng đến để an ủi dân Người.
Linh Tiến Khải