ĐỨC THÁNH CHA KÊU GỌI GIÁO DÂN TÍCH CỰC
LINH HOẠT XÃ HỘI
VATICAN. ĐTC mời gọi giáo dân gia tăng dấn thân linh hoạt xã hội theo tinh thần Tin Mừng bằng chứng tá trong sáng trong các môi trường của cuộc sống.
Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng hôm 25-11-2011, dành cho các tham dự viên khóa họp toàn thể của Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân, tiến hành tại Roma từ ngày 24 đến 26-11-2011 với chủ đề: ”Câu hỏi về Thiên Chúa ngày nay. 'Phải chăng chúng ta chẳng phải tái khởi hành từ Thiên Chúa sao?” (BJ 16, Luce del mondo).
ĐTC nói: ”Câu hỏi về Thiên Chúa ngày nay”. Chúng ta không bao giờ được mệt mỏi trong việc tái nêu lên câu hỏi như thế, ”tái bắt đầu từ Thiên Chúa”, để mang lại cho con người toàn thể các chiều kích của họ, phẩm giá trọn vẹn của họ. Thực vậy một não trạng đang lan tràn ngày nay là: vì từ bỏ mọi tham chiếu siêu việt, nên con người không có khả năng hiểu và bảo tồn những gì là nhân bản. Sự lan tràn não trạng nãy đã tạo nên cuộc khủng hoảng như chúng ta đang thấy ngày nay, đó là một cuộc khủng hoảng về ý nghĩa và về các giá trị, trước khi là cuộc khủng hoảng về kinh tế và xã hội. Con người chỉ tìm cách sống một cách thực nghiệm, trong những gì có thể tính toán, đo lường được, và rốt cục họ bị ngộp. Trong bối cảnh đó, câu hỏi về Thiên Chúa, có thể nói được, là vấn đề quan trọng nhất. Nó đưa trở lại những câu hỏi cơ bản về con người, về những khát vọng sự thật, hạnh phúc, tự do ở trong con tim, mà con người tìm cách thực hiện.”
ĐTC cũng nhận xét rằng người nào khơi dậy nơi mình câu hỏi về Thiên Chúa thì cũng cởi mở đối với hy vọng, một niềm hy vọng có thể đạt tới được, và thật là bõ công khi chấp nhận cơ cực vất vả để đạt tới mục đích ấy” (Xc Spe salvi, 1).
Với ý hướng trên đây, ĐTC đặc biệt mời gọi các tín hữu giáo dân gia tăng sự dấn thân giữa đời, linh hoạt trật tự trần thế theo tinh thần Kitô, làm chứng rõ ràng về tầm quan trọng của vấn đề Thiên Chúa trong mọi lãnh vực suy tư và hành động. Trong gia đình, trong công ăn việc làm, cũng như trong chính trị và kinh tế, con người hiện nay cần thấy và động chạm đến điều này là: tất cả thay đổi tùy theo người ta sống với Thiên Chúa hay không sống với Chúa”.
Ngài cũng nhận xét rằng: ”Thách đố của một não trạng khép kín đối với siêu việt cũng bó buộc chính các tín hữu Kitô quyết liệt trở về với trung tâm điểm là Thiên Chúa. Đôi khi người ta nỗ lực hoạt động để sự hiện diện của các tín hữu Kitô trong xã hội, chính trị và kinh tế có tính chất quyết định hơn, nhưng có lẽ người ta không quan tâm đến đức tin vững chắc của họ, như thể đó là một điều thủ đắc một lần là xong. Trong thực tế, các Kitô hữu cũng bị những căn bệnh của trần thế, bị lạc hướng và khó khăn, vì thế cũng cần phải tái cấp thiết đề cập câu hỏi về Thiên Chúa trong chính môi trường Giáo Hội. Vì bao nhiêu tín hữu Kitô, tuy xưng mình là Kitô hữu, nhưng lại không coi Thiên Chúa là điểm tham chiếu chủ yếu trong lối tư duy và hành động của họ, trong những chọn lựa cơ bản của cuộc sống” (SD 25-11-2011)
G. Trần Đức Anh OP