Thế giới cần hòa bình
hơn cần cơm bánh
Thế giới cần hòa bình hơn cần cơm bánh. Giáo Hội
có sứ mệnh đem Chúa Giêsu Kitô đến cho mọi người và giáo dục tín hữu sống trong
hòa bình, tôn trọng lẫn nhau, đối thoại và cảm thông với tất cả mọi người.
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như
trên trong bài giảng thánh lễ cử hành trong Đền Thờ Thánh Phêrô lúc 9.30 sáng
Chúa Nhật hôm qua mùng 1 tháng Giêng, lễ kính Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, đồng
thời cũng là Ngày Hòa Bình Thế Giới lần thứ 45. Cùng đồng tế thánh lễ với Đức
Thánh Cha có 8 Hồng Y. Tham dự thánh lễ có hàng chục vị Tổng Giám Mục và Giám Mục,
cũng như ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh và 10.000 tín hữu.
Giảng trong thánh lễ Đức Thánh Cha nói: Trong
ngày đầu năm, phụng vu làm vang vọng lên trong toàn Giáo Hội lời chúc lành cổ
xưa của các tư tế như chúng ta vừa nghe: “Nguyện Chúa chúc lành và gìn giữ anh
em! Nguyện Chúa làm cho gương mặt Ngài rạng ngời trên anh em và dủ lòng thương
anh em! Nguyện Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em!” (Ds 6,24-26). Đức
Thánh Cha giải thích lới chúc lành Thiên Chúa đã ban cho dân qua trung gian ông
Môshê, Aharon và các tư tế con ông như sau:
Nó là một lời chúc gồm 3 yếu tố tràn đầy ánh
sáng dãi tỏa ra từ danh Thiên Chúa là Chúa, và từ hình ảnh gương mặt của Người.
Thật thế, để được chúc phúc, cần phải ở trong sự hiện diện của Thiên Chúa, nhận
lấy Danh Người trên mình, và ở trong vùng ánh sáng phát xuất từ gương mặt của
Người, trong không gian được soi sáng bởi cái nhìn của Người, cái nhìn trao ban
ơn thánh và bình an.
Đây đã là kinh nghiệm của các mục đồng tại Bếtlêhem:
họ đã ở trước sự hiện diện của Thiên Chúa và phước lành của Người, không phải
trong một phòng của một dinh thự nguy nga bên cạnh một vì vua cao cả, nhưng
trong một hang cho thú vật, trước “một trẻ sơ sinh nằm trong máng cỏ” (Lc
2,16). Chính từ Trẻ Thơ đó tỏa ra một ánh sáng mới, chiếu soi trong đêm tối,
như có thể thấy trong biết bao nhiêu bức tranh tả lại cảnh Chúa Kitô giáng
sinh. Từ nay, phước lành đến từ chính Người: từ tên gọi Giêsu của Người, có
nghĩa “Thiên Chúa cứu thoát”, từ gương mặt nhân loại của Người, nơi Đấng Toàn
Năng, Chúa trời đất, đã muốn nhập thể, che dấu vinh quang của Người dưới tấm
khăn của thịt xác, để vén mở cho chúng ta sự tốt lành tràn đầy của Người” (x.
Tt 3,4).
Tiếp tục bài giảng Đức Thánh Cha khẳng định rằng
người đầu tiên được hưởng phúc lành đó là Đức Maria, trinh nữ vợ của ông Giuse,
mà Thiên Chúa đã chọn trước ngay từ giây phút đầu tiên trong cuộc sống để là mẹ
Người Con nhập thể của Ngài. Mẹ “được chúc phúc trong các phụ nữ”. Toàn cuộc sống
của Mẹ ở trong ánh sáng của Chúa, trong tia sáng hành động của danh và gương mặt
của Thiên Chúa nhập thể nơi Đức Giêsu, “qủa phúc lòng mẹ”. Thánh sử Luca đã giới
thiệu mẹ với chúng ta như người hoàn toàn chú ý giữ gìn và suy niệm trong lòng
mọi sự liên quan tới Chúa Giêsu Con Mẹ (x. Lc 2,19.51). Mầu nhiệm chức làm mẹ Thiên
Chúa của Mẹ mà chúng ta cử hành hôm nay, chứa đựng dư trào ơn thánh, mà mọị chức
làm mẹ nhân loại đều đem theo, đến độ sự phong phú của cung lòng luôn luôn được
gắn liền với phước lành của Thiên Chúa. Mẹ Thiên Chúa là người đầu tiên được
phúc lành và là Đấng đem phước lành; là người phụ nữ đã tiếp đón Đức Giêsu
trong mình và cho Người sinh ra cho gia đình nhân loại. Đức Thánh Cha định
nghĩa Mẹ Maria như sau:
Đức Maria là mẹ và là mẫu gương của Giáo Hội,
đón nhận trong đức tin Ngôi Lời Thiên Chúa, và tự hiến cho Thiên Chúa như “thửa
đất tốt”, trong đó Thiên Chúa có thể tiếp tục thành toàn mầu nhiệm cứu độ của
Người. Giáo Hội cũng tham dự vào mầu nhiệm của chức làm mẹ thiên chúa, qua việc
rao giảng, gieo vãi trong thế giới hạt giống Tin Mừng, và qua các Bí Tích thông
truyền cho con người ơn thánh và sự sống thiên linh. Đặc biệt trong Bí Tích Rửa
Tội, Giáo Hội sống chức làm mẹ ấy, khi sinh ra các con cái của Thiện Chúa từ nước
và Thánh Thần, là Đấng kêu lên nơi mọi tín hữu “Abba” Cha ơi!” (Gl 4,6). Như Mẹ
Maria Giáo Hội là trung gian phúc lành Thiên Chúa ban cho thế giới: Giáo Hội nhận
phước lành, khi tiếp đón Đức Giêsu và thông truyền phước lành, khi đem Đức
Giêsu đến cho thế giới. Chính Người là sự thương xót và hòa bình, mà thế giới
không thể tự trao ban cho mình, nhưng cần nó hơn cần cơm bánh.
Tiếp tục bài giảng Đức Thánh Cha nói: trong
nghĩa tràn đầy và cao cả nhất của nó, hòa bình là tuyệt định và là tổng kết của
tất cả mọi phúc lành. Vì thế khi bạn bè bạn gặp nhau, người ta chào nhau bằng lời
chúc bình an. Cũng thế, trong ngày đầu năm Giáo Hội đặc biệt khẩn nài thiện ích
cao cả ấy bằng cách chỉ Chúa Giêsu cho tất cả mọi người, như Mẹ Maria đã làm, bởi
vì “Chúa Giêsu là sự bình an của chúng ta” như thánh Phaolô đã nói (Ep 2,14), đồng
thời là “đường” qua đó con người và các dân tộc có thể đạt tới hòa bình, mà mọi
người đều ngưỡng vọng. Tòa Thánh cùng với Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa
Bình, cũng như mọi phong trào, hội đoàn, toàn thể Giáo Hội và mọi người thiện
chí, đặc biệt là những ngời giáo dục giới trẻ, tất cả đều muốn canh tân dấn
thân thăng tiến hòa bình trên thế giới.
Đề cập tới đề tài của Ngày Hòa Bình Thế Giới lần
thứ 45 là “giáo dục người trẻ sống công lý và hòa bình”, Đức Thánh Cha khẳng định
rằng đó là bổn phận của mọi thế hệ và của toàn gia đình nhân loại. Ngài nói: Đối
với cộng đoàn giáo hội, giáo dục hòa bình thuộc sứ mệnh đã nhận lãnh từ Chúa
Kitô, và là phần của việc loan báo Tin Mừng, vì Tin Mừng của Chúa Kitô cũng là
Tin Mừng công lý và hòa bình...
Đứng trước các bóng tối ngày nay che mờ chân
trời của thế giới, lãnh trách nhiệm giáo dục cho người trẻ hiểu biết sự thật,
các giá trị nền tảng của cuộc sống, các nhân đức trí thức, thần học và luân lý,
có nghĩa là nhìn tương lai với niềm hy vọng. Dấn thân cho một nền giáo dục toàn
diện cũng bao gồm viêc giáo dục sống công lý và hòa bình... Ngày nay người trẻ
cần học biết giá trị và phương pháp chung sống hòa bình, tôn trọng lẫn nhau, đối
thoại và cảm thông với nhau. Tự bản chất, người trẻ rộng mở cho các thái độ ấy,
nhưng chính thực tại xã hội, trong đó họ lớn lên, có thể đưa họ tới chỗ suy
nghĩ và hành động ngược lại, cho tới chỗ bất khoan nhượng và bạo lực. Chỉ có một
nền giáo dục lương tâm vững chắc mới che chở họ khỏi các nguy cơ này, và khiến
cho họ có khả năng chống trả, luôn luôn và chỉ dựa trên sự thật và sự thiện. Nên
giáo dục ấy phải bắt đầu từ gia đình, và phát triển tại học đường và các kinh
nghiệm đào tạo khác, đặc biệt trong các cộng đồng tôn giáo. Đây là việc giúp trẻ
em và người trẻ phát triển một nhân cách, biết kết hiệp ý thức về công lý với sự
tôn trọng tha nhân và khả năng đương đầu với các xung khắc, với sức mạnh mội
tâm làm chứng cho sự thiện cho dù có phải hy sinh, với sự tha thứ và hòa giải.
Phần lời nguyện giáo dân cầu đã được đọc trong
các thứ tiếng: Bồ Đào Nha, Đức, Ba Lan, Pháp, và A rập và cầu cho Giáo Hội, Đức
giáo Hoàng, gia đình, công lý hòa bình, và bình đẳng giữa con người với nhau khắp
nơi trên thế giới. Hàng chục linh mục đã giúp Đức Thánh Cha cho tín hữu rước
Mình Thánh Chúa.
Tiếp đó lúc 12 giờ trưa, Đức Thánh Cha đã ra cửa
sổ phòng làm việc của ngài để đọc kinh Truyền Tin với 70.000 tín hữu và du
khách hành hương tụ tập tại quảng trường thánh Phêrô. Đa số họ thuộc các giáo xứ
Roma tham dự cuộc tuần hành cho hòa bình, do cộng đồng thánh Egidio tổ chức hằng
năm vào ngày mùng 1 tháng giêng. Họ đem theo nhiều biểu ngữ kêu gọi hòa bình và
các bảng viết tên các nước còn đang có chiến tranh tại Phi chậu, Á châu, vùng
Trung Đông, và châu Mỹ Latinh.
Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: chúng ta
bắt đầu năm 2012 bằng cách hướng cái nhìn về Gương Mặt của Thiên Chúa, là Đấng
đã tự mặc khải nơi Hài Nhi Bếtlehem, và về Mẹ Maria, là người đã đón nhận
chương trình của Thiên Chúa với sự phó thác khiêm hạ. Nhắc tới Ngày Hòa Bình Thế
Giới lần thứ 45, Đức Thánh Cha nhấn mạnh sự cần thiết cung cấp cho người trẻ một
nền giáo dục toàn vẹn, bao gồm cả chiều kích luân lý và tinh thần, đặc biệt là
công lý và hòa bình. Cần chú ý đến các nguyện vọng của người trẻ ước mong được
giáo dục sâu rộng, để có thể đương đầu với thực tại, với khó khăn thành lập gia
đình, có công ăn việc làm ổn định, có khả năng góp phần vào thế giới chính trị,
văn hóa, kinh tế, và xậy dựng một xã hội nhân bản và liên đới hơn. Đức Thánh
Cha đưa ra lời kêu gọi như sau:
Tôi mời gọi mọi người nhẫn nại và kiên trì tìm
kiếm công lý và hòa bình, vun trồng việc yêu thích những gì là đúng đắn và chân
thật. Hòa bình không bao giờ là một thiện ích đã đạt được một cách tràn đầy,
nhưng là một đích điểm mà tất cả đều phải ước mong và hoạt động cho đích điểm
đó. Chúng ta hãy cầu nguyện để cho ngưỡng vọng sâu xa này được thể hiện bằng
các cử chỉ cụ thể hòa giải, công lý và hòa bình. Chúng ta cũng hãy cầu nguyện để
giới hữu trách các quốc gia canh tân sự sẵn sàng và dấn thân tiếp đón và tạo
thuận tiện cho ước vọng không thể hủy bỏ được này của nhân loại. Rồi Đức Thánh
Cha đã cất kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
Sau kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha đã chào tín
hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Ngài chúc tất cả một năm mới khang an, thịnh
vượng và thánh đức. Đức Thánh Cha cũng đặc biệt cám ơn nhiều sáng kiến cầu nguyện
cho hòa bình và suy tư về đề tài của sứ điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới năm nay.
Ngài đặc biệt cám ơn cuộc tuần hành cho hòa bình, do cộng đoàn thánh Egidio tổ
chức tại Roma và nhiều thành phố khác trên thế giới. Ngài cũng cám ơn giới trẻ
Hiệp hội Don Orione và các gia đình thuộc Phong trào Tình yêu gia đình đã tổ chức
buổi canh thức cầu nguyện cho hòa bình đêm giao thừa tại quảng trường thánh
Phêrô.