Thư của Bộ giáo sĩ gửi các linh mục toàn thế giới
VATICAN. 10 năm sau lá thư lịch sử của Đức Gioan Phaolô 2 về nạn giáo sĩ lạm dụng tính dục, Bộ giáo sĩ tái mời gọi các linh mục gia tăng nỗ lực hơn nữa trong việc nên thánh và góp phần thánh hóa tha nhân.
Trên đây là nội dung lá thư của Bộ Giáo Sĩ đề ngày 26-3-2012 và công bố trên Web của Bộ (www.clerus.org) nhân Ngày Thế Giới cầu cho sự thánh hóa các LM sẽ được cử hành vào lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, 15-6-2012 tới đây. Kèm theo lá thư, Bộ Giáo Sĩ cũng gửi đến các LM một bản giúp xét mình về rất nhiều điều, từ cách thức cử hành Thánh Lễ cho đến cuộc sống thanh khiết, khiêm tốn, quảng đại, xa tránh xu hướng duy tiêu thụ. Sau đây là nguyên văn lá thư của Bộ Giáo sĩ gửi các linh mục:
Các Linh Mục thân mến,
Lễ Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu tới đây, ngày 15-6-2012, theo thông lệ, chúng ta sẽ cử hành ”Ngày Thế giới cầu nguyện cho sự thánh hóa các Linh Mục”. Kiểu nói của Kinh Thánh: ”Ý Thiên Chúa là anh em hãy nên thánh!” (1 Ts 4,3), tuy được gửi đến tất cả các tín hữu Kitô, nhưng có liên hệ đặc biệt đến các linh mục chúng ta là những người đã đón nhận không những lời mời gọi ”nên thánh” nhưng cả lời mời trở thành những ”thừa tác viên thánh hóa” cho nhiều anh chị em chúng ta.
”Ý Thiên Chúa”, trong trường hợp chúng ta, có thể nói là tăng gấp đôi và gia bội đến vô tận, đến độ chúng ta có thể và phải tuân hành thánh ý ấy trong mỗi hành động thừa tác mà chúng ta thi hành. Đây thực là một vận mệnh tuyệt vời của chúng ta: chúng ta không thể thánh hóa mình nếu không giúp thánh hóa anh chị em chúng ta, và chúng ta không thể làm việc cho sự thánh hóa anh chị em chúng ta, nếu trước đó chúng ta không đã và đang làm việc cho sự thánh hóa bản thân mình.
Khi dẫn đưa Giáo hội vào Ngàn năm mới, Đức Chân Phước Gioan Phaolô 2 đã nhắc nhở chúng ta qui luật về lý tưởng nên trọn lành, phải được cống hiến ngay cho tất cả mọi người: ”Hỏi một dự tòng: ”Bạn có muốn lãnh nhận bí tích Rửa tội hay không?” cũng có nghĩa là hỏi họ: ”Bạn có muốn nên thánh hay không? (1).
Chắc chắn trong ngày chúng ta thụ phong linh mục, câu hỏi này của bí tích rửa tội lại vang vọng trong con tim chúng ta, một lần nữa đòi chúng ta trả lời; nhưng câu hỏi ấy cũng được ủy thác cho chúng ta để chúng ta biết gửi đến các tín hữu của chúng ta, bảo tồn vẻ đẹp và đặc tính quí giá của câu hỏi ấy.
Xác tín này không trái ngược với ý thức về những thiếu sót bản thân của chúng ta, và cũng không bị tương phản vì lỗi của một số người nhiều khi làm cho chức linh mục bị hổ nhục trước mặt thế giới.
10 năm sau, xét vì những tin tức trầm trọng được phổ biến, chúng ta cần phải làm vang vọng một cách mạnh mẽ và cấp thiết hơn nữa trong con tim chúng ta những lời mà Đức Gioan Phaolô 2 đã ngỏ với chúng ta trong Lá Thư Thứ Năm Tuần Thánh năm 2002:
”Ngoài ra, trong lúc này đây, trong tư cách là linh mục, chúng ta bị đánh động trong thẳm sâu tâm hồn vì tội của một số anh em chúng ta, họ đã phản bội ơn thánh đã lãnh nhận qua việc chịu chức, chiều theo cả những biểu hiện tệ hại nhất của 'mầu nhiệm sự ác' đang hoạt động trong thế gian. Vì thế đã gây ra những gương mù trầm trọng, với hậu quả là tạo nên một bóng đen nặng nề ngờ vực về tất cả những linh mục đầy công trạng khác, đang chu toàn sứ vụ trong sự liêm chính và phù hợp với niềm tin của họ, nhiều khi với lòng bác ái đến độ anh hùng. Trong khi bày tỏ sự quan tâm ân cần đối với các nạn nhân, Giáo Hội cố gắng đáp lại theo sự thật và công lý đối với mỗi hoàn cảnh cam go, tất cả chúng ta, ý thức về sự yếu đuối của con người, nhưng tín thác nơi quyền năng chữa lành của ơn thánh Chúa, chúng ta được mời gọi ôm láy mầu nhiệm thập giá, và dấn thân hơn nữa trong sự tìm kiếm sự thánh thiện. Chúng ta phải cầu xin, để trong sự quan phòng của Ngài, Chúa khơi dậy trong các tâm hồn một đà tiến quảng đại của những lý tưởng tận hiến cho Chúa Kitô vốn ở nơi căn cội sứ vụ linh mục” (2).
Trong tư cách là những thừa tác viên của lòng từ bi Chúa, chúng ta biết rằng việc tìm kiếm sự thánh thiện luôn luôn bắt đầu bằng sự thống hối và tha thứ. Nhưng chúng ta cũng cảm thấy phải xin như vậy, trong tư cách từng linh mục, nhân danh tất cả các linh mục và cho mọi linh mục (3).
Tiếp đến lòng tín thác của chúng ta càng được củng cố thêm nhờ lời mời gọi mà chính Giáo hội gửi đến chúng ta: hãy tái bước qua ”Cánh Cửa Đức Tin”, tháp tùng tất cả các tín hữu của chúng ta. Chúng ta biết rằng đó là tựa đề Tông Thư qua đó ĐTC Biển Đức 16 ấn định Năm Đức Tin sẽ bắt đầu từ ngày 12-10 năm nay, 2012.
Một suy tư về những hoàn cảnh của lời mời gọi này có thể giúp chúng ta. Lời mời này ở trong bối cảnh kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng chung Vatican 2 (11-10-1962) và kỷ niệm 20 năm công bố Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo (11-10-1992. Ngoài ra, trong tháng 10 năm 2012 này, Thượng Hội đồng Giám Mục thế giới được triệu tập về đề tài ”Tái truyền giảng Tin Mừng để thông truyền đức tin Kitô”.
Vì thế, chúng ta được yêu cầu đào sâu về mỗi ”chương” ấy:
- Về Công đồng chung Vatican 2, để Công đồng tái được tiếp nhận như ”Ân phúc lớn mà Giáo Hội được hưởng trong thế kỷ 20”: ”Một địa bàn chắc chắn để hướng dẫn chúng ta trong hành trình của thế kỷ đang mở ra”, ”một sức mạnh lớn để thực hiện sự canh tân luôn cần thiết của Giáo Hội” (4).
- Về Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, để sách này được thực sự đón nhận và sử dụng ”như một dụng cụ chắc chắn và hợp pháp để phục vụ tình hiệp thông của Giáo Hội và như một qui tắc chắc chắn để giảng dạy đức tin” (5);
- Về việc chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám Mục sắp tới để công nghị này ”là một cơ hội thuận tiện đưa toàn thể Giáo hội vào một thời kỳ suy tư đặc biệt và tái khám phá đức tin”
(6).
Giờ đây, như một dẫn nhập vào toàn thể công việc, chúng ta có thể suy niệm vắn tắt về sự chỉ dẫn của Đức Giáo Hoàng, mà tất cả đều qui tụ vào: ”Chính tình yêu Chúa Kitô làm cho tâm hồn chúng ta được tràn đầy và thúc đẩy chúng ta rao giảng Tin Mừng. Ngày nay cũng như thời xưa, Chúa sai chúng ta trên các nẻo đường thế giới để công bố Tin Mừng của Chúa cho mọi dân tộc trên trái đất (Xc Mt 28,19). Với tình yêu thương, Chúa Giêsu Kitô lôi kéo con người thuộc mọi thế hệ đến với Ngài: trong mọi thời đại, Ngài triệu tập Giáo Hội, ủy thác cho Giáo hội việc loan báo Tin Mừng, với một mệnh lệnh luôn luôn mới mẻ. Vì thế cả ngày nay cũng cần có một dấn thân đầy xác tín của Giáo Hội cho công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng để tái khám phá niềm vui đức tin và tìm lại được lòng nhiệt thành hăng hái trong việc thông truyền đức tin” (7).
”Tất cả mọi người thuộc mọi thế hệ”, ”Tất cả các dân tộc trên trái đất”, ”tái truyền giảng Tin Mừng”: đứng trước chân trời phổ quát như thế, nhất là các linh mục chúng ta phải tự hỏi làm thế nào và ở đâu những lời quả quyết ấy có thể liên kết với nhau và đồng hiện hữu.
Vì thế, chúng ta có thể bắt đầu bằng cách nhắc nhở rằng Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo đã mở đầu với một vòng tay bao quát, nhìn nhận rằng ”con người có 'khả năng' Thiên Chúa” (8), nhưng Sách ấy làm như thế bằng cách chọn đoạn văn sau đây của Công đồng chung Vatican 2 như một trích dẫn đầu tiên:
”Lý do cao cả nhất của phẩm giá con người hệ tại ơn gọi của con người được hiệp thông với Thiên Chúa. Con người được mời gọi đàm đạo với Thiên Chúa, ngay từ thủa ban đầu: thực vậy, con người không hiện hữu nếu không được Thiên Chúa tạo dựng từ lòng yêu thương của Ngài, được duy trì trong cuộc sống luôn được rút ra từ lòng tình yêu ấy; và con người không hoàn toàn sống theo chân lý, nếu không tự nguyệ nhìn nhận tình yêu thương ấy và không tín thác nơi Đấng Tạo Dựng nên mình. Tuy nhiên, nhiều người đồng thời với chúng ta không hề nhận thấy hoặc minh nhiên loại bỏ sự kết hiệp thân tình và sinh tử với Thiên Chúa” (9)
Với văn bản vừa trích dẫn với những trích dẫn phongphú như th, làm sao có thể quên rằng, các Nghị Phụ muốn ngỏ lời trực tiếp với những người vô thần, khẳng định phẩm giá vô biên ơn gọi của họ, mà họ trở nên xa lạ trong tư cách là người? Và các Nghị Phụ làm như vậy với cùng những lời được dùng để mô tả kinh nghiệm Kitô, với tính chất thần bí tột độ!
Cả Tông Thư ”Cánh Cửa Đức Tin” cũng bắt đầu bằng lời quả quyết rằng ”Đức tin dẫn vào cuộc sống hiệp thông với Thiên Chúa”, điều này có nghĩa là đức tin giúp chúng ta chìm đắm trực tiếp trong mầu nhiệm chủ yếu của đức tin, mà chúng ta phải tuyên xưng: ”Tuyên xưng niềm tin nơi Chúa Ba Ngôi - Cha, Con và Thánh Thần - có nghĩa là tin nơi một Thiên Chúa duy nhất là Tình Thương” (ivi,n.1)
Tất cả những điều ấy phải vang vọng đặc biệt trong tâm hồn chúng ta và trong trí tuệ chúng ta, để giúp chúng ta ý thức đâu là thảm trạng trầm trọng nhất trong thời đại chúng ta ngày nay.
Các nước đã theo Kitô giáo không còn bị cám dỗ chiều theo một thứ chủ thuyết vô thần tổng quát (như trong quá khứ), nhưng họ có nguy cơ trở thành nạn nhân của một chủ thuyết vô thần đặc thù đến từ sự quên lãng vẻ đẹp và sức nóng của Mạc Khải Ba Ngôi.
Ngày nay, nhất là các linh mục trong việc Thờ Lạy hằng ngày và trong sứ vụ thường nhật phải đưa tất cả về với niềm Hiệp Thông Ba Ngôi: chỉ từ sự hiệp thông ấy và chìm đắm trong đó, các tín hữu mới có thể thực sự đạt tới tâm hồn của mỗi người và tới quê hương mà tất cả chúng ta được kêu gọi đi tới. Và chỉ như thế các linh mục chúng ta mới có thể tái trao tặng cho con người ngày nay phẩm giá làm người, ý nghĩa những quan hệ giữa con người với nhau và ý nghĩa đời sống xã hội, và mục đích của toàn thể công trình sáng tạo.
”Tin nơi một Thiên Chúa duy nhất là Tình Thương”: không có công trình tái truyền giảng Tin Mừng nào thực sự là có thể nếu các tín hữu Kitô chúng ta không có khả năng gây kinh ngạc và làm cho thế giới tái xúc động với việc loan báo Bản Chất Tình Thương của Thiên Chúa chúng ta, nơi Ba Ngôi Thiên Chúa diễn tả bản chất ấy và đưa chúng ta vào cuộc sống của Ba Ngôi.
Thế giới ngày nay, với những xâu xé ngày càng đau thương và đáng lo âu, đang cần Chúa Ba Ngôi, và loan báo Ngài chính là nghĩa vụ của Giáo Hội. Để có thể chu toàn công tác này, Giáo Hội phải tuyệt đối gắn bó với Chúa Kitô và không bao giờ để mình bị tách rời khỏi Ngài: Giáo Hội cần các thánh đang ở trong ”con tim của Chúa Kitô” và là những chứng nhân hạnh phúc về Tình Yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Và các linh mục, để phục vụ Giáo Hội và thế giới, đang cần các thánh.
Vatican ngày 26 tháng 3 năm 2012
Lễ Truyền Tin cho Đức Mẹ
Hồng Y Mauro Piacenza, Tổng trưởng Bộ giáo sĩ
Celso Morga Iruzubieta, TGM hiệu tòa Alba Marittima, Tổng thư ký
G. Trần Đức Anh OP chuyển ý
--------
Chú thích:
1. Tông Thư Novo millennio ineunte, n.31
2. Gioan Phaolô 2, Thư gửi các linh mục thứ năm Tuần Thánh năm 2002.
3. Bộ Giáo Sĩ, Linh mục thừa tác viên lòng Từ Bi Chúa. Tài liệu giúp các Cha Giải Tội
và Linh Hướng, 9-3-2011, 14-18; 74-76; 110-116 (Linh mục như hối nhân và môn đệ tinh thần)
4. Xc Porta fidei, n.5
5. Xc. Ivi., n.11
6. Ivi, n.5
7. Ivi., n.7