Trang Chủ > Tin Giáo Hội > Giáo Hội Toàn Cầu

THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC THẾ GIỚI

KHÓA HỌP ĐẶC BIỆT CHO PHI CHÂU

Từ ngày 4-25 tháng10 năm 2009, tại Vatican

“Giáo Hội tại Phi Châu, để phục vụ sự hòa giải, công lý và hòa bình” ,

“Các con là muối cho thế gian . . . các con là ánh sáng cho đời”  (Mt 5, 13.14)

Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế giới (= THĐGMTG), khóa họp đặc biệt cho Phi Châu lần thứ II  (= THĐGMTGPCII)[1] đã được khai mạc ngày 4 tháng 10 năm 2009, với Thánh Lễ đồng tế tại Nhà Thờ Thánh Phêrô tại Vatican, và kết thúc ngày Chúa Nhật 25-10-2009, với Thánh Lễ đồng tế do các Giám Mục tham dự viên. Cả hai Thánh Lễ đều do Đức Thánh Cha Beneđictô XVI chủ sự.

Sau đây là một vài thông tin về THĐGMTGPCII để chúng ta cùng hiệp thông với Giáo Hội tại Phi Châu, đồng thời ý thức cuộc họp này là một hoạt động của Giáo Hội hoàn vũ, tuy đặc biệt nói về Phi Châu. Và như vậy chúng ta không ở ngoài biến cố của Giáo Hội và luôn sống trong tình hiệp thông Giáo hội tại Phi Châu và Giáo Hội hoàn vũ.

Thượng Hội Đồng Giám Mục khóa đặc biệt cho Phi Châu lần thứ II này được các Nghị phụ coi như là một ơn huệ cũng như là ý muốn và chúc thư của Tôi tớ Chúa, Đức Gioan Phaolô II trối lại cho Giáo Hội tại Phi Châu (xem Sứ điệp của các Nghị phụ THĐGMTGPCII [ = Sứ điệp], s. 1). Ngày 13-11-2004, Ngài cho biết ý định sẽ triệu tập một THĐGMTGPCII. Quyết định này đã được thực hiện và  chủ đề đã được trình bày cho thấy đại cương nội dung của THĐGMTGPCII: “Giáo Hội tại Phi Châu, để phục vụ sự hòa giải, công lý và hòa bình” , “Các con là muối cho thế gian . . . các con là ánh sáng cho đời”  (Mt 5, 13.14). Rồi Đức Thánh Cha Beneđicto XVI đã tái xác nhận quyết định này vào ngày 22-6-2005, như là quyết định quan trọng thứ hai của triều đại Giáo hoàng của Ngài (Sứ điệp, s. 1). Đây là THĐGMTGPC thứ II, vì năm 1994, THĐGMTGPC thứ nhất đã được cử hành cho Phi Châu, và sau đó Tông Huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục, mang tựa đề Giáo Hội tại Phi Châu ((Ecclesia in Africa) được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II công bố ngày 14-9-1995.

1.Một vài con số

Ngày 25-10-2009, Văn Phòng Tổng Thư Ký Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới (THĐGMTG) đã phổ biến các con số sau đây về Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới cho Phi Châu Kỳ II (THĐGMTGPCII)[2] :

244 Nghị phụ được mời tham dự THĐGMTGPCII.

236 Nghị phụ đến Rôma; 8 Nghị phụ vắng mặt vì lý do sức khỏe; 5 Nghị phụ bị đau khi đang tham dự khóa họp; 231: con số Nghị phụ tham dự thực sự; 111: trong số 231 Nghị phụ tham dự lần đầu tiên một Thượng Hội Đồng Giám Mục cho Phi Châu

227: con số Nghị phụ tham dự cao nhất vào khóa họp của THĐGMTGPCII (96%); 209: con số Nghị phụ tham dự thấp nhất vào khóa họp của THĐGMTGPCII (88, 5 %)

4 Bài giảng do Đức Thánh Cha Beneđicto XVI; 11 Bài suy niệm trong các buổi cử hành Giờ Kinh Trưa do các Nghị phụ thực hiện

191 bài phát biểu trong suốt 18 Đại Hội; 15 bài phát biểu viết; 5 lần phát biểu do các Phái đoàn Anh Em Kitô hữu khác được mời ; 47 lần phát biểu do các Dự thính viên. 103 Nghị phụ phát biểu trong các lần có phát biểu tự do.

17 bài tường trình trong suốt khóa họp; 3 bài tường trình do các vị được mời đặc biệt.

Các Nghị phụ đã bỏ phiếu chấp thuận 57 đề nghị tóm lại các điểm được bàn thảo trong các phiên họp khoáng đại cũng như các cuộc họp nhóm. Các đề nghị này sẽ được đệ trình lên Đức Thánh Cha để Ngài có thể dựa vào đó soạn thảo một Tông huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục cho Phi Châu kỳ II. Với cách làm việc của Đức đương kim Giáo Hoàng, như với Thượng Hội Đồng Giám Mục về Lời Chúa và về Bí Tích Thánh Thể, Ngài đã cho phép in và công bố tạm thời các đề nghị này, thay vì giữ kín như trước đây.

Sứ điệp gửi toàn thể Giáo Hội hoàn vũ[3], trừ phần mở và phần kết, gồm 42 số, chia ra làm 7 phần. Sứ điệp mang tựa đề “Phi Châu, hãy đứng dậy và bước đi” (Africa, alzati e cammina!).

2.Sứ điệp của THĐGMTGPCII gửi toàn thể Giáo Hội           

Ngày 23 tháng 10 năm 2009, bản văn Sứ điệp đã được các Nghị phụ chấp thuận trong phiên họp khoáng đại thứ 18 với việc bỏ phiếu bằng cách thức vỗ tay sau khi đọc bản văn. Sau đó vào lúc trưa cùng ngày, tại Phòng báo chí Tòa Thánh đã có cuộc họp báo trình bày sơ lược về Sứ điệp của THĐGMTGPCII gửi toàn thể Giáo Hội, chứ không phải riêng cho Phi Châu mà thôi (Sứ điệp, s. 11). Bản văn tiếng Ý của Sứ điệp đã được phổ biến trong Báo L’Osservatore Romano, số ngày Chúa Nhật 25-10-2009, trang 6 và 7.  Sứ điệp mang tựa đề “Phi Châu, hãy đứng dậy và bước đi” (Africa, alzati e cammina!) trích lời Phúc âm theo Thánh Gioan (Ga 5, 8), khi Chúa Giêsu nói với người bất toại mà Ngài làm phép lạ chữa bệnh cho.

Cơ cấu của Sứ điệp được trình bày như sau:

Mở đầu

Phần I: Một thoáng nhìn về Phi Châu ngày nay

Phần II: Dưới ánh sáng đức tin

Phần III: Gửi tới Giáo Hội hoàn vũ

Phần IV: Giáo Hội tại Phi Châu

Phần V: Một lời kêu gọi gửi tới Cộng đồng quốc tế

Phần VI: Hỡi Phi Châu, hãy đứng dậy!

Phần VII: Hiệp nhất các sức lực thiêng liêng

Kết luận.

Trong cuộc họp báo để trình bày sứ điệp, Đức Cha John Olorunfemy Onaiyekan, Chủ tịch Ủy ban soạn thảo Sứ điệp, đã nói như sau về lối văn của Sứ điệp là “nói một cách rất trực tiếp, rất rõ ràng, rất cụ thể” các vấn đề, những đề nghị, những lời tố cáo cần thiết. Như vậy người đọc cũng phải theo các chỉ dẫn này để tiếp cận với Sứ điệp.

Trên đây chúng ta đã biết cấu trúc của Sứ điệp một cách vắn gọn. Sau đây, Đức Cha Onaiyekan nói cho các ký giả biết thêm về mỗi phần. Trong phần thứ nhất, Sứ điệp muốn tóm kết lại thực tại cụ thể của lục địa Phi Châu, mà không giấu giếm các điểm sáng, cũng như điểm tối  của lục địa này.

Sau đó, trong phần thứ hai, Sứ điệp cho biết Giáo Hội tại Phi Châu đã làm gì

để thực hiện việc hòa giải giữa các con cái mình,

để thăng tiến một bầu khí tràn đầy công lý

để, sau cùng, người dân ở đây có thể sống trong hòa bình.

Sau khi nói tới thực tại của Phi Châu và sự cần thiết phải thực hiện sự hòa giải, công lý và hòa bình, Sứ điệp, trong phần thứ hai, đặt nền tảng cho tất cả mọi công tác, đó là ánh sáng đức tin, các chỉ dẫn của Tông huấn Giáo Hội tại Phi Châu (14-9-1995), và các chỉ dẫn gần nhất của Đức Giáo Hoàng Beneđictô XVI.

Tiếp theo, trong phần thứ III,  Sứ điệp đặt  Phi Châu trong bối cảnh chung của toàn thể Giáo Hội hoàn vũ.  Sứ điệp diễn tả tâm tình của các Giám Mục Phi Châu với các Giáo Hội Chị Em ngoài Phi Châu như sau: “Chúng tôi mến chào với tâm tình huynh đệ tất cả Giáo Hội ngoài bờ biển Phi Châu, tất cả chúng ta là thành viên của cùng một Gia đình của Thiên Chúa rải rác khắp nơi trên thế giới. Sự hiện diện và sự tham dự tích cực của các Đoàn đại biểu từ các Châu Lục khác đến trong Đại Hội này, xác quyết mối dây liên kết chúng ta trong mối tình giám mục đoàn (collegialità) hữu hiệu và thân ái. Chúng tôi cám ơn tất cả các Giáo Hội địa phương đã dấn thân phục vụ tại Phi Châu và cho Phi Châu, trong phạm vi thiêng liêng cũng như vật chất” (Sứ điệp, s. 11). Sứ điệp còn gióng lên niềm hãnh diện khác của mình như sau: “Người ta nói rằng cái nôi của nhân loại nằm ở Phi Châu. Châu Lục của chúng ta có một lịch sử lâu dài của các vương quốc lớn và của các nền văn hóa thời danh” (Sứ điệp, s. 34).

Trong phần thứ IV Sứ điệp nói lên niềm hãnh diện khác vì Kitô giáo đã hiện diện tại Phi Châu ngay từ các thế kỷ đầu tại Ai Cập và Etiopia (Sứ điệp, s. 14). Sứ điệp kêu gọi chính Gia đình Phi Châu dấn thân để lo rao giảng Tin Mừng, để thực hiện các mục tiêu liên hệ tới hòa giải, công lý và hòa bình trong tinh thần cộng tác và liên đới. Sứ điệp kêu gọi các phần tử trong Giáo Hội thể hiện các phận vụ riêng của mình, từ các Giám Mục (Sứ điệp, s.19), linh mục (Sứ điệp, s.20), tu sĩ (Sứ điệp, s.21), giáo dân (Sứ điệp, s. 22tt.). Một lời kêu gọi của Thượng Hội Đồng Giám Mục gửi tới các Giám Mục tại Phi Châu được diễn tả như sau: “Sự hiệp nhất của Hàng Giám Mục là nguồn suối lớn lao, trong khi thiếu sự hiệp nhất này sẽ làm hư hao các năng lực, làm cho nên các cố gắng ra vô ích và mở ra cho  kẻ thù của Giáo Hội có được khoảng trống làm vô hiệu chứng tá của chúngg ta” (Sứ điệp, s. 19).

Đi ra ngoài lục địa Phi Châu, Sứ điệp, trong phần thứ V, đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp sức với Phi Châu để thực hiện các công tác lớn lao, ngoài khả năng và giới hạn của mình.  Sứ điệp nói cách thật rõ ràng: “Gia đình của Thiên Chúa lan rộng ra ngoài biên giới của Giáo Hội, Gia đình này bao gồm toàn thể nhân loại. Khi chúng tôi nghĩ tới các chủ đề như hoà giải, công lý và hòa bình, tất cả chúng ta đều gặp gỡ nhau ở mức độ sâu xa hơn của toàn thể nhân loại. Dự án này liên hệ tới tất cả mọi người và đòi hỏi phải hành động chung với nhau.Vậy chúng ta hãy gióng tiếng của chúng ta lên thật to để kêu gọi mọi người nam nữ có thiện chí. Cách đặc biệt chúng tôi  ngỏ lời với những ai cùng chúng tôi tuyên xưng một đức tin vào Đức Giêsu Kitô và tới cả những người có niềm tin khác” (Sứ điệp, s. 29).

Phần thứ VI của Sứ điệp lặp lại tựa đề để quảng diễn thêm ý nghĩa của nó khi trình bày tiềm năng phong phú của Phi Châu và nói với Phi Châu, đừng sợ và hãy đứng dậy mà đi. Vì đây là cơ hội thuận tiện, là thời điểm sẵn sàng cho việc thăng tiến Phi Châu. Sứ điệp nói : “Thiên Chúa đã chúc lành cho chúng ta khi ban cho chúng ta tài nguyên thiên nhiên và con người thật lớn lao” (Sứ điệp, s. 34). Nhưng các Nghị phụ cũng không giấu giếm sự hổ thẹn của mình trước một số tình huống còn thật bi đát vì chiến tranh, nghèo đói, bệnh tật, di dân trong và ngoài nước, di dân bất hợp pháp, tẩu tán bao nhiêu trí tuệ tài ba, buôn bán khí giới, ma túy lậu . . . (Sứ điệp, s. 35). Sứ điệp nói: “Thượng Hội Đồng Giám Mục Phi Châu nhận định với tất cả nỗi buồn rầu hoàn cảnh của một số nước thật là đáng tủi nhục, . . . như ở Somalia, . . . Vùng Đại Hồ bên Nigeria . . . “ (Sứ điệp, s. 35).

Nhưng để có thể đứng dậy và bước đi trong hiên ngang hãnh diện, Phi Châu phải kết hiệp các sức mạnh tinh thần, loại bỏ những thái độ quá khích về tôn giáo,  óc bè phái bộ tộc, không rơi vào chủ thuyết duy vật, biết chọn con đường đối thoại. Đó là nội dung của phần thứ bảy và phần cuối cùng của Sứ điệp.

Lời kết luận được diễn tả trong một đoạn rất ngắn những thật thống thiết và mang tính cách thục giục như sau: “Thưa Anh Em thân mến trong hàng Giám mục, thưa con cái nam nữ của Giáo Hội, Gia đình của Thiên Chúa tại Phi Châu, thưa mọi người thiện chí nam cũng như nữ, tại Phi Châu và các nơi khác, chúng tôi chia sẻ với Anh Chị Em xác tín thật mạnh mẽ của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế giới này, đó là: Phi Châu không bất lực. Số mệnh của chúng ta vẫn nằm trong tay chúng ta. Tất cả những gì Phi Châu xin là một khoảng không gian để hít thở và để trở nên thịnh vượng. Phi Châu đã nổ cho máy chạy rồi và Giáo Hội cùng khởi động với Phi Châu, hiến tặng cho Phi Châu ánh sáng của Tin Mừng. Sóng nước có thể động mạnh xô đẩy, nhưng với con mắt nhắm thẳng vào Đức Kitô là Chúa (xem Mt 14, 28-32) chúng ta sẽ tới đích an toàn nơi đó có hòa giải, công lý và hòa bình. Hỡi Phi Châu, hãy vác giường của mình, đứng thẳng lên mà đi!” (Ga 5, 8). Ngoài ra, anh em hãy vui mừng, hãy tiến tới sự trọn lành, hãy thúc đẩy nhau sống can đảm, hãy cócùng một tâm tình như nhau, hãy sống trong bình an và Thiên Chúa tình yêu và hòa bình sẽ ở cùng anh em” (2Cr 13, 11). Amen”.

3.Một vài cảm nghĩ về Sứ điệp của THĐGMTGPCII  

Trong phần vừa trình bày chúng ta đã nhận ra nội dung phong phú của Sứ điệp THĐGMTGPCII. Sau đây chúng tôi muốn ghi lại một vài cảm nghĩ về Sứ điệp của THĐGMTGPCII.

1)Một Sứ điệp nói thẳng và nói thật, mang tính cách mổ sẻ đau đớn để mong chữa lành cho cơn bệnh và vết thương của mình. Như chúng ta nói trên đây, Sứ điệp “nói một cách rất trực tiếp, rất rõ ràng, rất cụ thể” các vấn đề, những cảnh huống đau thương, những đề nghị, những lời tố cáo cần thiết. Đây là một biểu hiện của tâm lý người Phi Châu, nhưng cũng biểu lộ một thái độ can đảm của các Giám Mục đến họp tại THĐGMTGPCII .

Sứ điệp dùng những từ ngữ thật mạnh để nói lên ý muốn của mình như: “tình trạng thật bi thảm . . . “ (Sứ điệp, s. 4); sống “trong cơn khủng hoảng và hỗn độn” ; “những người không có lo lắng gì cho lợi ích chung và do đó lo lắng gì tới các cuộc đồng lõa và đồng phạm trong tội ác giữa các người có trách nhiệm địa phương và mưu ích bên ngoài” (Sứ điệp,  s. 5). Tình huống thật đáng hổ thẹn (Sứ điệp, s. 36). Hoặc những tiếng mời gọi rõ ràng: “Nhưng Châu Phi không việc gì mà phải thất vọng” (Sứ điệp, s. 6). Sứ điệp nói rõ tầm quan trọng của sự hiệp nhất và cổ võ sự hiệp nhất giữa các Giám mục của một quốc gia và giữa các Hội Đồng Giám mục của các nước khác nhau (xem Sứ điệp, s. 18).

Tôi chỉ trích dẫn một số từ ngữ và cách diễn tả để cho thấy các Giám Mục Phi Châu đã “nói một cách rất trực tiếp, rất rõ ràng, rất cụ thể”  trong Sứ điệp mới này, cùng với sự kính trọng các người nói tới và cung cách trình bày thanh thản về các vấn đề. Các Ngài cũng thẳng thắn lên án những chương trình, ngay cả của các cơ quan quốc tế lớn lao như của Liên Hiệp Quốc (Sứ điệp, s. 30), làm băng hoại các giá trị văn hóa, lành mạnh, truyền thống gia đình tích cực của Phi Châu. Xin đan cử một thí dụ của Sứ điệp:  “Xét chung, các cơ quan của Liên Hiệp Quốc có những hoạt động tốt đẹp tại Phi Châu, để giúp phát triển, gìn giữ hòa bình, bảo vệ các quyền lợi chính đáng của phụ nữ, của trẻ em, trong việc chống nghèo đói, bệnh tật, bệnh HIV/AIDS, bệnh sốt rét rừng, bệnh lao và các thứ bệnh khác. Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới ca ngợi các công tác tích cực mà các cơ quan này đang làm. Nhưng chúng tôi xin họ hãy hòa hợp hơn và trong sáng trong khi thực hiện các chương trình này. Chúng tôi nhắn nhủ cách mạnh mẽ các nước Phi Châu hãy đánh giá với một sự chú ý cẩn trọng các dịch vụ trợ giúp mang đến cho dân chúng của chúng ta, cho thấy là chúng thực sự tốt cho dân của chúng ta. Một cách đặc biệt Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới này tố cáo mọi cố gắng mưu lược để phá bỏ và dày đạp các giá trị của Phi Châu trong gia đình và trong đời sống con người (thí dụ: điều khoản đáng ghét bỏ của Hiệp thương tại Maputo[4] và các loại hiệp thương khác tương tự) (Sứ điệp, s. 30). Lên tiếng tố cáo rõ ràng như vậy chắc chắn làm mất lòng các người liên hệ, sẽ bị thiệt thòi trong việc trợ giúp, nhưng sứ vụ Giám Mục đòi buộc các Ngài phải nói để bảo tồn văn hóa và đức tin con cái mình. Một đòi hỏi chính đáng và không úp mở, không nhân nhượng trong chức vụ giám mục của mình.

2)Với các linh mục, Sứ điệp cũng kêu gọi sự hiệp nhất này và loại bỏ mọi kỳ thị giữa các bộ tộc, phe phái, kêu gọi sự đón nhận ngay cả vị Giám Mục thuộc bộ tộc khác, nhưng được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám Mục tại giáo phận của mình. Sứ điệp nói rõ ràng như sau: “Gương sống chung giữa anh em linh mục với nhau và sống trong hòa bình, vượt lên mọi mọi rào cản do tinh thần bộ tộc và chủng tộc, có thể là chứng tá rất mạnh cho người khác. Điều này được tỏ lộ ra thí dụ trong việc vui mừng tiếp nhận bất cứ ai được Tòa Thánh đặt làm giám mục của anh em, mà không phân biệt nguồn gốc sinh ra ở đâu” (Sứ điệp, s. 18). Sứ điệp cũng nhắn nhủ thêm như sau: “Sự trung thành của Anh Em với các dấn thân của chức vụ linh mục, đặc biệt trong đời sống độc thân trong việc giữ đức khiết tịnh, cũng như việc không dính bén với của cải vật chất là một chứng tá hùng hồn đối với Dân Thiên Chúa” (Sứ điệp, s. 20).  

3)Còn với các người thánh hiến, trong Sứ điệp, các Giám Mục cũng kêu gọi và nói thẳng với họ như sau: “Thượng Hội Đồng Giám Mục khuyên Anh Chị Em thể hiện một cách thật hữu hiệu trong việc tông đồ của Anh Chị Em qua cung cách sống hiệp thông thật lương thiện và hết sức dấn thân với hàng giáo phẩm địa phương” (Sứ điệp , s. 21).

Một dấn thân rõ ràng để đem sức sống vào các lãnh vực trần thế

Các Giám Mục Phi Châu muốn làm sao để thực sự Tin mừng là men bột và muối cho đời (xem Sứ điệp, s. 22). Điều này được thấy rõ ràng khi các Giám Mục Phi Châu nói với tín hữu giáo dân. Các Giám Mục xác nhận với tín hữu giáo dân như sau: “Anh Chị Em là Giáo Hội của Thiên Chúa trong mọi môi trường công cộng của xã hội. Chính trong Anh Chị Em và qua Anh Chị Em mà sự sống và chứng tá của Giáo Hội trở nên hữu hình trước mặt thế giới”  (s. 22). Các môi trường chứng tá của giáo dân là: gia đình, việc làm, nghề nghiệp, chính trị và đời sống công cộng. Trong tất cả giáo dân “phải làm sao để đức tin của Anh Chị Em thấm nhập vào khía cạnh và mọi góc độ của đời sống Anh Chị Em” (Sứ điệp, s. 22).

Nhưng để được như thế, người giáo dân phải ý thức rằng đó là việc khó khăn, nên phải dùng các phương tiện mà Giáo Hội giới thiệu cho họ: đó là đời sống bí tích và nhu cầu cần được huấn luyện kỹ càng (Sứ điệp, s. 22).  Sứ điệp nói: “Đó không phải là cuộc dấn thân dễ dàng. Vì thế Anh Chị Em phải chuyên cần chạy đến với nguồn ơn thánh, qua việc cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích” (Sứ điệp, s. 22).

Về việc huấn luyện giáo dân Sứ điệp phát biểu cách rõ ràng: “Ngoài việc cầu nguyện, Anh Chị Em còn phải được trang bị với vốn kiến thức đủ về đức tin Kitô giáo để có khả năng ‘cho thấy chứng tá niềm hy vọng mà anh chị em mang theo mình’ (1Pr 3, 15) tại các chỗ công cộng nơi thành hình các suy tư. Những ai càng ở các địa vị cao, càng có bổn phận lớn phải có được mức độ tương đương về kiến thức tôn giáo. Đặc biệt chúng tôi ân cần giới thiệu các nguồn chính của đức tin Kitô giáo: đó là Kinh Thánh, Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, và điều có tính cách liên hệ hơn với đề tài của Thượng Hội Đồng Giám Mục, đó là cuốb Cảm nang, tóm lược học thuyết xã hội của Giáo Hội”(xem Compendium doctrinae socialis Ecclesiae, chú thích của tôi). Tất cả các nguồn này rất dễ kiếm ra và với giá có thể mua được. Người ta không thể tha lỗi cho mình để sống mãi trong tình trạng ngu dốt về đức tin của mình”  (Sứ điệp, s. 22).

Các Giám Mục Phi Châu cám ơn tín hữu giáo dân về sự đóng góp vào công việc của Giáo Hội, nhưng lúc này các Ngài không muốn để sự đóng góp này thể hiện một các thiếu nền tảng trí thức, mà cần thăng tiến giáo dân cả về mặt trí thức. Ưu tư này thật chính đáng và cấp bách với Giáo Hội tại Phi Châu.

5)Một ưu tư đặc biệt với các người trẻ tại Phi Châu

Một mối ưu tư khác mà các Giám Mục Phi Châu đã biểu lộ trong Sứ điệp của mình, đó là Mục vụ cho Người trẻ tại Phi Châu. Họ đang bị lôi cuốn bởi các hấp dẫn khác từ ngoài đem vào, làm cho người trẻ bỏ đi các giá trị chân chính, tốt đẹp của xã hội cha ông của họ để lại cho họ, họ đang lao vào các con đường chạy theo các ý thức hệ ngoại lai mà quên bổn phận xây dựng xã hội của mình. Sứ điệp nói: “Sau cùng, chúng tôi hướng tới ngỏ lời với các bạn, con cái của chúng tôi, giới trẻ trong các cộng đoàn của chúng tôi. Các Bạn không chỉ là tương lai của Giáo Hội: nhưng các Bạn đang là hiện tại của Giáo Hội với con số thật lớn lao. Trong số lớn các nước tại Phi Châu, hơn 60 phần trăm dân số dưới 15 tuổi. Số phần trăm trong Giáo Hội không khác cho lắm. Các Bạn phải là dụng cụ của hòa bình và người tiền phong để đổi mới xã hội cách tích cực. Chúng tôi cảm thấy có bổn phận phải lưu tâm đặc biệt tới các Bạn trẻ, những người trẻ đã lớn. Các Bạn thường bị bỏ rơi, thường bị bỏ làm mồi cho các ý thức hệ và các giáo phái đủ loại. Các Bạn rất hay bị xung vào đạo ngũ để thực hiện các hành động bạo lực. Vì thế chúng tôi khuyên nhủ các Giáo Hội địa phương hãy chú ý tới việc tông đồ cho giới trẻ như là mối lo lắng ưu tiên thật khẩn cấp” (Sứ điệp, s. 27).  Các Giám Mục cũng khẳng định rõ ràng như sau: “Bây giờ Phi Châu phải đương đầu với thách đố là làm sao cho con cái mình một mức độ xứng đáng của các điều kiện để sống”  (Sứ điệp, s. 34). Lời nhắn nhủ trên đây cho thấy một thao thức lớn lao của người mục tử trong Giáo Hội tại Phi Châu: thao thức về người trẻ. Mối ưu tư cho người trẻ không chỉ là một ưu tiên mà lại là một ưu tiên quan trọng hơn hết. Các người trẻ được chăm lo cách lành mạnh bao nhiêu, thì xã hội càng thăng tiến bấy nhiêu. Mọi chế độ xã hội, nhất là các chế độ độc tài xưa và nay, đều nắm bắt được điều này và đã tài trợ rất nhiều năng lực và tài lực, tiền của cho việc lôi kéo và huấn luyện người trẻ theo ý thức hệ của mình. Giáo Hội tại một vài nơi hay quên vấn đề mục vụ giới trẻ, và đó là một thiếu sót lớn lao.

6)Một nhạy cảm với quyền tự do tôn giáo

Sống giữa một khối đa số theo Hồi Giáo, và đang có những giáo phái lan tràn tại Phi Châu, các Giám Mục công giáo tại Phi Châu trong THĐGMTGPCII đã lớn tiếng để xin được quyền tự do tôn giáo, tự do hành đạo theo xác tín tôn giáo của mình. Một thí dụ: khi những người Công giáo bỏ đức tin của mình theo các tôn giáo khác, thì được hoan nghênh, trái lại khi những người bỏ tôn giáo khác để theo Công giáo thì lại bị lên án, có khi bị đóng đinh (xem Sứ điệp, s. 39). Mọi hình thức duy vật và quá khích đều bị THĐGMTGPCII lên án (xem Sứ điệp, s. 38). Các Giám Mục Phi Châu rất trân trọng lời nói của Đức Thánh Cha Beneđicto XVI trong bài giảng trong Thánh Lễ khai mạc THĐGMTGPCII, ngày 4-10-2009, khi Ngài nói: “Chúng tôi muốn nhắc lại đây một lần nữa điều mà Đức Thánh Cha Beneđictô XVI đã nói trong bài giảng của Ngài trong Thánh Lễ khai mạc THĐGMTGPCII : Phi Châu là “buồng phổi siêu nhiên” của nhân loại ngày nay. Đây là một nguồn tài năng quý hóa, còn quý hơn các mỏ kim khí và dầu lửa của chúng tôi (xem Sứ điệp, s. 5). Nhưng Đức Thánh Cha đã đề phòng chúng tôi đừng để cho buồng phổi này rơi vào nguy hiểm là bị nhiễm độc bởi hai loại vi khuẩn của chủ thuyết duy vật và tâm thức quá khích tôn giáo” (Sứ điệp, s. 38).

Đó là một số cảm nghĩ của tôi khi đọc Sứ điệp của THĐGMTGPC II gửi cho Phi Châu và cho thế giới. Khi viết bài này, tôi muốn thông tin một biến cố của Giáo Hội, đó là THĐGMTGPCII và từ Sứ điệp của Thượng Hội Đồng Giám Mục này tôi muốn chia sẻ với người khác một số điểm có tính cách đặc biệt trong đời sống đức tin, có giá trị cho Phi Châu và cho các nơi khác – thay đổi hoàn cảnh theo từng trường hợp (mutatis mutandis). Chúng ta cầu xin Thiên Chúa luôn chúc lành cho Phi Châu (xem Sứ điệp, s. 6. 34) và cho Giáo Hội tại đó phát triển thêm mỗi ngày trong sự hiệp thông với Giáo Họi hoàn vũ, trong ý chí luôn thăng tiến con cái của mình và trong thái độ tôn trong sự thật của Phúc âm.

Rôma, ngày 27-10-2009.   

Lm. Phanxicô Borgia Trần Văn Khả



1. Khóa họp THĐGMTGPC kỳ I được cử hành vào năm 1994, Sau đó Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Phi Châu “Giáo Hội tại Phi Châu” được công bố vào năm 1995.

[2]  Báo L’Osservatore Romano, số ngày Chúa Nhật 25 tháng 10 năm 2009, tr. 8.

[3]  Ibidem, tr. 6 và 7.

[4]  Quy Ước Maputo (Protocol Maputo) do các Nước Phi Châu soạn thảo nhày 11-7-2004, và chính thức có hiệu lực năm 2005. Đây là Quy Ước về các quyền của Phụ Nữ tại Phi Châu, trong đó cho phép dùng các phương phương thế ngừa thai nhân tạo.


Các bài viết mới hơn
     “Thánh Thể là sức mạnh của tôi”: câu chuyện của sơ Alicia Torres_ Sr. Bernadette M. Reis, fsp
     ĐTC Phanxicô: Trong Thánh Thể Chúa Giêsu nuôi dưỡng và cho chúng ta no thoả nhờ sự hiện diện của Người_ Nt. Hồng Thủy - Vatican News
     Đức Thánh Cha: Nhà giáo dục đích thực là người biết đồng hành, lắng nghe và đối thoại_Ngọc Yến - Vatican News
     Tiếp kiến chung 20/04: Sự thảo kính đối với người già_Vatican News
     Vài ngộ nhận đối với lập trường của Đức Thánh Cha về chiến tranh_G. Trần Đức Anh O.P
     Lễ Phục sinh ở Myanmar, Đức Hồng y Bo: Nơi thờ phượng bị ảnh hưởng, nhưng Giáo hội vẫn đứng vững_Vatican News
     Bạn trẻ cùi Robert Naoussi “dọn đường lên trời” cho người khác_Ngọc Yến - Vatican News
     Thứ Sáu Tuần Thánh - chứng tá tha thứ cho kẻ giết con mình_Ngọc Yến - Vatican News
     Sứ điệp Phục Sinh và phép lành Urbi et Orbi_Vatican News
     ĐTC sẽ cử hành Thánh lễ Tiệc Ly và rửa chân cho các tù nhân tại nhà tù ở Civitavecchia_Nt. Hồng Thủy - Vatican News

Các bài viết cũ hơn
     KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT TRUYỀN GIÁO
     Huấn Từ của ĐTC dành cho Giới Trẻ: “Các bạn là Hy Vọng của Hội Thánh”
     Thánh lễ phong thánh cho năm chân phước