Tin Thiên Chúa là Cha toàn năng là tin nơi quyền năng tình yêu thương cứu độ của Người
Khi chúng ta nói “Tôi tin nơi Thiên Chúa toàn năng” là chúng ta diễn tả niềm tin của mình nơi quyền năng tình yêu thương của Thiện Chúa, là Đấng nơi Người Con chết và phục sinh của Người đã đánh bại thù hận, sự dữ, tội lỗi và mở ra cho chúng ta sự sống vĩnh cửu, cuộc sống của con cái ước mong luôn mãi được ở trong “Nhà Cha”.
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nói như trên với 8.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi gặp gỡ chung trong đại thính đường Phaolô VI sáng thứ tư 30-1-2013.
Trong số các phái đoàn hiện diện có một nhóm 12 chị Việt Nam thuộc tu hội “Nước Hằng Sống” Bỉ mặc áo dài. Trong bài huấn dụ ngài đã suy tư về lời tuyên xưng đầu tiên trong Kinh Tin Kính “Tôi tin kính Thiên Chúa là Cha toàn năng”. Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói:
Ngày nay nói về chức làm cha thật không luôn luôn dễ dàng. Nhất là trong thế giới Tây phương, nơi có nhiều yếu tố có thể ngăn cản một tương quan an bình và xây dựng giữa các người cha và con cái như cảnh các gia đình bị tan rã, các dấn thân của công việc ngày càng thu hút, các lo lắng và thường khi sự mệt mỏi phải quân bình các chi tiêu trong gia đình, sự xâm lấn của các phương tiện truyền thông trong cuộc sống thường ngày của gia đình.
Đôi khi việc truyền thông trở thành khó khăn, sự tin tưởng giảm sút và tương quan với gương mặt người cha có thể gặp vấn đề; và cả hình ảnh về Thiên Chúa như một người cha cũng trở thành vấn đề, vì không có các mô thức quy chiếu. Đối với ai đã có kinh nghiệm về một người cha qúa quyền bính và cứng cỏi, hay lãnh đạm và ít trìu mến hoặc còn vắng bóng, thì không dễ mà thanh thản nghĩ tới Thiên Chúa như một người Cha và tín thác nơi Người.
Nhưng mạc khải kinh thánh, đặc biệt là Tân Ước, giúp chúng ta thắng vượt được các khó khăn này, khi giới thiệu với chúng ta Thiên Chúa là Cha, Đấng yêu thương loài người đến độ ban chính Con của Người cho ơn cứu rỗi của nhân loại. Trong các giáo huấn của Người Đức Giêsu cho chúng ta hiểu biết một chút về gương mặt và tình yêu thương hiền phụ của Thiên Chúa, là Đấng vô cùng cao cả hơn, trung tín hơn và toàn vẹn hơn bất cứ người cha nào.
Khi chỉ cho các môn đệ gương mặt của Chúa Cha, Đức Giêsu nói: “Có người nào trong các con khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá? Hoặc khi nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn? Vậy nếu các con vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha các con, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những ai kêu xin Người sao?” (Mt 7,9-11; x. Lc 11,11-13).
Thiên Chúa là Cha bởi vì Người đã chúc phúc cho chúng ta trước cả khi tạo thành vũ trụ (x. Ep 1,3-6) và cho chúng ta được trở thành con cái của Người trong Đức Giêsu (x. Ga 3,1). Và như là Cha, Thiên Chúa đồng hành với tình yêu trong cuộc sống chúng ta, bằng cách ban cho chúng ta Lời Người, giáo huấn của Người, ơn thánh và Thần Khí của Người.
Như Đức Giêsu mạc khải Thiên Chúa là Cha, Đấng nuôi dưỡng chim trời là loài không gieo không gặt, và mặc cho hoa đồng nội các mầu sắc tuyệt vời còn đẹp hơn cả áo của vua Salomon (x. Mt 6,26-32; Lc 12,24-28). Và chúng ta là người thì còn giá trị hơn hoa đồng nội và chim trời rất nhiều. Thiên Chúa tốt lành, vì Người cho mặt trời mọc lên trên kẻ lành người dữ và cho mưa rơi trên người công chính và người không công chính (Mt 5,45). Vì thế chúng ta sẽ luôn luôn có thể hoàn toàn tín thác nơi sự tha thứ của Thiên Chúa Cha khi lầm đường, mà không phải sợ hãi. Thiên Chúa là Cha nhân lành tiếp đón và ôm hôn người con đã mất và sám hối (x. Lc 15,11 tt.), Người ban nhưng không cho những ai xin Người (x. Mt 18,19; Mc 11,24; Ga 15,23), Người cống hiến bánh từ trời và nước hằng sống khiến cho con người được sống đời đời (x. Ga 6,32.51.58).
Cũng chính vì thế người cầu nguyện trong Thánh Vịnh 27, bị bao vây bởi các thủ địch và tấn công bởi các kẻ gian ác và vu khống, tìm kiếm sự trợ giúp từ Chúa, khẩn cầu Người và có thể cống hiến chứng tá niềm tin tràn đầy và khẳng định rằng: “Dù cha mẹ có bỏ con đi nữa, thì vẫn còn có Chúa đón nhận con” (Tv 27,10). Thiên Chúa là một người Cha không bao giờ bỏ rơi con cái Người, một người Cha yêu thương nâng đỡ, trợ giúp, tiếp đón, tha thứ, và cứu vớt với lòng trung tín vô cúng vượt xa sự trung tín của con người, để rộng mở cho các chiều kích vĩnh cửu. “Vì muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”, như thánh vịnh 136 tiếp tục lập lại ở mỗi câu khi đi lại con đường lịch sử của dân Israel. Tình yêu của Thiên Chúa Cha không bao giờ suy giảm, không mệt mỏi đối với chúng ta. Đó là tình yêu trao ban cho tới cùng tận, cho tới hiến tế của Người Con. Đức tin trao ban cho chúng ta xác tín trở thành một đá tẳng vững chắc trong việc xây dựng cuộc sống: chúng ta có thể đương đầu với tất cả mọi lúc khó khăn và nguy hiểm, kinh nghiệm của khủng hoảng đen tối và thời gian đau khổ, vì được nâng đỡ bởi sự tin tưởng Thiên Chúa không để chúng ta một mình; Người luôn luôn gần gũi chúng ta để cứu vớt và đem chúng ta đến sự sống vĩnh cửu.
Chính nơi Chúa Giêsu tỏ lộ tràn đầy gương mặt nhân lành của Thiên Chúa Cha, Đấng ngự trên trời. Và khi biết Người và trông thấy Người là chúng ta cũng có thể biết và trông thấy Thiên Chúa Cha (x. Ga 8,19; 14,7), bởi vì Người ở trong Cha và Cha ở trong Người (x. Ga 14,9.11). Người là “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” như thánh Phaolô định nghĩa trong thư gửi tín hữu Côlôxê, là “Trưởng Tử trước mọi loài thọ tạo... là Trưởng Tử của những kẻ từ cõi chết sống lại”, “nhờ Người chúng ta được ơn cứu rỗi, và sự tha thứ tội lỗi”, và sự hòa giải mọi sự “nhờ máu Người đổ ra trên thập giá Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất cũng như trên trời” (Cl 1,13-20).
Niềm tin nơi Thiên Chúa Cha đòi hỏi tin nơi Chúa Con, dưới hoạt động của Chúa Thánh Thần, bằng cách thừa nhận nơi Thập Giá cứu độ việc vén mở vĩnh viễn tình yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Cha chúng ta, khi ban Con của Người cho chúng ta; khi tha thứ tội lỗi chúng ta và đưa chúng ta tới niềm vui của cuộc sống phục sinh; khi ban Thần Khí làm cho chúng ta trở thành con cái và cho phép chúng ta gọi Người là “Abba, Cha ơi” (x. Rm 8,15). Vì thế khi dậy chúng ta cầu nguyện, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta nói ”Lạy Cha chúng con” (Mt 6,9-13; Lc 11,2-4).
Như vậy chức làm cha của Thiên Chúa là tình yêu vô tận, là sự dịu hiền cúi xuống trên chúng ta là những đứa con yếu đuối cần mọi sự. Thánh vịnh 103 là bài ca vĩ đại của lòng xót thương của Thiên Chúa kêu lên: “Như người cha chạnh lòng thương con cái, Chúa cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn. Người qúa biết ta được nhồi nắn bằng gì, hẳn Người nhớ ta chỉ là cát bụi” (Tv 103,12-14). Chính sự bé bỏng, chính bản chất nhân loại yếu đuối, chính sự giòn mỏng của chúng ta kêu gọi lòng thương xót của Chúa, để Người biểu lộ sư cao cả và hiền dịu là Cha của Người bằng cách trơ giúp, tha thứ và cứu rỗi chúng ta.
Thiên Chúa đáp trả lời kêu gọi của chúng ta bằng cách gửi Con của Người đến chết và sống lại vì chúng ta; bước vào trong sự giòn mỏng của chúng ta và làm điều mà con người một mình sẽ không bao giờ có thể làm được: đó là mang lấy trên mình tội lỗi của thế giới, như chiên con vô tội, tái mở con đường sự hiệp thông với Thiên Chúa và khiến cho chúng ta trở thành con cái Chúa. Và chính trên Thập Giá vinh quang xảy ra việc biểu lộ tràn đầy sự cao cả của Thiên Chúa như “Cha toàn năng”.
Nhưng làm sao chúng ta có thể nghĩ đến một Thiên Chúa toàn năng khi nhìn lên Thập Giá Chúa Kitô? khi nhìn quyền năng của sự dữ đi tới độ giết chết Con Thiên Chúa? Chúng ta muốn một sự quyền năng của Thiên Chúa theo các lược đồ tâm trí và ước muốn của chúng ta: một Thiên Chúa toàn năng giải quyết các vấn đề, can thiệp để tránh cho chúng ta các khó khăn, chiến thắng các quyền lực đối nghịch, thay đổi dòng chảy của các biến cố và xóa bỏ khổ đau. Ngày nay nhiều thần học gia nói rằng Thiên Chúa không thể toàn năng, nếu không thì đã không có biết bao khổ đau, biết bao sự dữ trong thế giới. Thật ra đứng trước sự dữ và khổ đau, đối với nhiều người, đối với chúng ta, tin vào một Thiên Chúa Cha và toàn năng là một vấn nạn, là điều khó khăn. Một số người tìm ẩn náu tong các ngẫu trượng bằng cách nhượng bộ cám dỗ tìm câu trả lời trong một quyền năng “ma thuật” và trong các hứa hẹn ảo tưởng của nó.
Nhưng niềm tin nơi Thiên Chúa toàn năng thúc đẩy chúng ta đi theo các con đường khác, học biết rằng tư tưởng của Thiên Chúa khác với tư tưởng của chúng ta, và các đường lối của Thiên Chúa khác với các đường lối của chúng ta, và cả quyền năng của Người cũng khác.
Sự toàn năng của Thiên Chúa không được diễn tả ra trong bạo lực, trong tàn phá một quyền lực đối nghịch như chúng ta mong muốn, nhưng được diễn tả ra trong tình yêu, trong lòng thương xót, trong sự tha thứ, trong việc chấp nhận sự tự do của chúng ta, và trong lời không mệt mỏi mời gọi chúng ta hoán cải con tim, trong một thái độ xem ra yếu đuối. Thiên Chúa xem ra yếu đuối, nếu chúng ta thấy Đức Giêsu Kitô cầu nguyện, mời gọi, làm cho chúng ta bị giết, nhưng đó là thái độ xem ra yếu đuối được làm bằng sự kiên nhẫn, hiền dịu và tình yêu, chứng minh cho thấy đó mới là kiểu quyền bính và sức mạnh đích thật. Và quyền bính ấy sẽ chiến thắng...
Chỉ có ai quyền năng mới có thể chịu đựng sự dữ và tỏ ra thương xót; chỉ có ai thực sự quyền năng mới có thể thực thi sức mạnh của tình yêu một cách tràn đầy. Và Thiên Chúa, mà mọi sự đều tùy thuộc Người vì tất cả đều do Người tạo dựng, vén mở sức mạnh của Người bằng cách yêu mến mọi sự và tất cả mọi người trong sự chờ đợi kiên nhẫn mọi người hoán cải, mà Người ước ao như con của Người. Thiên Chúa chờ đợi sự hoán cải của chúng ta.
Tình yêu quyền năng của Thiên Chúa không biết ranh giới, đến độ đã không tha Con của Người, nhưng trao nộp vì tất cả chúng ta” (Rm 8,32). Quyền năng tình yêu của Thiên Chúa không phải là quyền năng của thế giới, mà là quyến năng của sự cho đi hoàn toàn, và Đức Giêsu Con Thiên Chúa vén mở cho thế giới thấy quyền năng đích thực của Thiên Chúa Cha, bằng cách hiến sự sống cho chúng ta là những kẻ tội lỗi. Đó chính là quyền năng đích thực và toàn vẹn của Thiên Chúa: đáp trả sự dữ không phải băng sự dữ nhưng bằng sự thiện, đáp trả lăng nhục bằng tha thứ, hận thù sát nhân bằng tình yêu trao ban sự sống. Và như thế sự dữ bị thua thực sự, vì được tình yêu của Thiên Chúa tẫy rửa; cái chết vĩnh viễn thất bại vì được biến đổi thành ơn sự sống.
Đức Thánh Cha đã chào các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Ngài chúc họ những ngày hành hương bổ ích, sau cùng ngài cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
Linh Tiến Khải