Đức Thánh Cha Rửa Tội
Cho 20 Trẻ Em - Cuộc Sống Mới Trong Tình Yêu Thiên Chúa
VATICAN. Sáng Chúa Nhật 13-01-2013, trong thánh lễ Chúa Nhật Chúa Giêsu
chịu Phép Rửa, ĐTC Biển Đức 16 đã ban phép Rửa tội cho 20 trẻ em và sau đó ngài
chủ sự kinh Truyền Tin như thường lệ.
Cũng
như những năm trước, trong Thánh Lễ Chúa Giê-su chịu Phép Rửa, ĐTC ban phép rửa
tội cho các em bé tại nhà nguyện Sistina ở dinh Tông Tòa. Năm nay có tất cả 20
trẻ em được lãnh Phép Rửa Tội, tất cả các em là con cái của các nhân viên giáo
dân làm việc tại Vatican.
Sau lời chào phụng vụ và nhắn nhủ, ĐTC và các cha mẹ cùng với những người đỡ
đầu lần lượt ghi dấu Thánh Giá trên trán của các hài nhi.
Bài
giảng của Đức Thánh Cha
Trong
bài giảng thánh lễ, ĐTC dành nhiều thời gian để chia sẻ về ý nghĩa của việc Đức
Giê-su chịu phép rửa, sau đó ngài cũng nhắc nhở các cha mẹ và những người đỡ
đầu về trách nhiệm giáo dục con cái:
Ngài
nói: “Bài Tin Mừng tường thuật biến cố Đức Giê-su chịu phép rửa chỉ cho chúng
ta con đường khiêm hạ mà con Thiên Chúa đã chọn lựa để hoàn tất kế hoạch của
Chúa Cha, để vâng phục thánh ý Cha và yêu thương con người trong mọi sự, thậm
chí cho đến chết trên thập giá. Khi đến tuổi trưởng thành, Đức Giê-su khởi đầu
sứ vụ công khai của mình khi đến dòng sông Giordan để xin Gioan chịu phép rửa
để tỏ lòng ăn năn và sám hối. Điều diễn ra trước mắt chúng ta dường như là một
nghịch lý. Đức Giê-su mà cũng cần hoán cải sao? Chắc chắn là không. Thế nhưng,
chính Đấng vô tội đã đồng hành với các tội nhân để được chịu phép rửa, để thực
hiện hành vi sám hối. Đấng Thánh của Thiên Chúa đã gia nhập đoàn lũ những người
nhận thấy mình cần đón nhận ơn tha thứ và xin Thiên Chúa món quà hoán cải,
nghĩa là ân sủng để quay lại với Ngài với trọn vẹn con tim để hoàn toàn thuộc
về Ngài. Đức Giê-su muốn đứng về phía các tội nhân, liên đới với họ, như là một
sự diễn tả gần gũi của Thiên Chúa. Đức Giê-su đã liên đới với chúng ta, với
khao khát đổi đời nơi chúng ta để xóa tan đi nỗi ích kỷ nơi ta và giúp ta ra
khỏi xiềng xích của tội và nói cho chúng ta biết rằng nếu chúng ta đón nhận
Ngài vào đời sống của mình, Ngài sẽ nâng chúng ta lên và đưa về cùng với Chúa
Cha. Và sự liên đới của Đức Giê-su thì không chỉ dừng lại ở tâm trí và ý muốn.
Đức Giê-su đã thực sự dìm mình vào trong điều kiện của con người, Ngài đã sống
trọn kiếp người ngoại trừ tội lỗi và do đó Ngài hiểu được những yếu đuối và
mỏng dòn của chúng ta. Do đó, Ngài cảm thấy chạnh lòng thương trước nỗi thống
khổ của con người, Ngài cùng chịu đau khổ với họ, và đồng thời Ngài cũng kiên
nhẫn với những yếu đuối của họ.”
Nhắn
nhủ với bậc cha mẹ, Đức Thánh Cha nói rằng: “Anh chị em là những bậc làm cha
mẹ, anh chị em phải diễn tả và làm chứng cho đức tin của mình, cho niềm vui
được trở thành Ki-ô hữu và thuộc về Giáo hội. Đó là một niềm vui, vì việc đón
nhận đức tin là một món quà từ Thiên Chúa, món quà đức tin hoàn toàn không do
công trạng của chúng ta, nhưng chúng ta được trao ban một cách nhưng không và
chúng ta đáp trả với tiếng xin vâng. Đó là một niềm vui, vì khi trở thành con
cái Thiên Chúa, chúng ta trở nên con cái của Ngài, chúng ta tin tưởng vào Ngài
và cảm thấy ấm áp trong vòng tay yêu thương của Ngài như một người con cảm nhận
được tình yêu thương của người mẹ dành cho mình. Niềm vui này dựa vào mối tương
quan cá vị với Đức ki-tô vốn có khả năng hướng dẫn toàn bộ đời sống con người.”
Tiếp
đến Ngài nhắn nhủ với các cha mẹ đỡ đầu, Ngài mong rằng khi đồng hành với các
em, họ sẽ là những người chuyển giao chân lý đức tin và làm chứng cho Tin Mừng.
Ngài nói: “Các bậc cha mẹ đỡ đầu thân mến, anh chị em có một nhiệm vụ hết sức
quan trọng là cùng với cha mẹ các em đồng hành trong việc chuyển giao chân lý
đức tin và làm chứng cho các giá trị Tin Mừng, trong việc nuôi dưỡng các em này
lớn lên trong tình bạn với Thiên Chúa. Ước mong anh chị em sẽ trao cho các em
những mẫu gương sống động ngang qua việc sống các nhân đức Kitô giáo. Ngày nay,
điều đó không dễ, vì trong xã hội chúng ta đang sống, những người tin tưởng vào
Đức Giê-su thường bị xem là lỗi thời và lạc hậu. Thậm chí, trong số các Kitô
hữu, nhiều người cũng nghĩ rằng, việc theo Đức Kitô là một điều gì đó giới hạn
sự tự do nơi con người. Chúng ta thì không vậy, chúng ta hiểu rằng Tình yêu
Thiên Chúa giúp chúng ta tự do khỏi sự ích kỷ, chỉ biết quay vào mình, để dẫn
chúng ta đến một đời sống trọn vẹn, thông hiệp với Thiên Chúa và mở ra cho người
khác. Vì “Thiên Chúa là tình yêu: ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên
Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1 Ga 4,16).
Kinh
Truyền Tin Thánh lễ kết thúc lúc 11 giờ 35 và sau đó, đúng 12 giờ trưa, ĐTC đã
xuất hiện để chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin. Trong bài huấn dụ ngắn trước khi
đọc kinh, ĐTC đã trình đi sâu vào giải thích ý nghĩa của việc Đức Giê-su chịu
phép rửa. Ngài nói như sau:
“Với
thánh lễ Chúa Nhật sau lễ Hiển Linh, thời gian phụng vụ Mùa Giáng Sinh đã kết
thúc: thời gian của ánh sáng, ánh sáng của Đức Kitô chiếu dọi vào con người,
vào chân trời của nhân loại, đã xua đi bóng đêm của sự dữ và ngu muội. Hôm nay
chúng ta cử hành lễ Chúa Giê-su chịu Phép Rửa: Hài Nhi, con của Trinh Nữ, Đấng
mà chúng ta đã chiêm ngắm trong mầu nhiệm sinh hạ, hôm nay chúng ta thấy Ngài
đã trưởng thành và đang dìm mình vào dòng nước trên dòng sông Giordan và thánh
hóa mọi nguồn nước và toàn thể vũ trụ. Nhưng tại sao Đức Giê-su, Đấng không hề
vương một dấu vết của tội là phải chịu phép rửa của ông Gioan? Tại sao Ngài
muốn thực hiện hành vi sám hối cùng với những con người muốn chuẩn bị để chờ
đón Đấng Mê-si-a? Hành vi này chính là con đường của Nhập thể, của việc Thiên
Chúa hạ mình từ nơi cao nhất tới vực thẳm của âm ti. Ý nghĩa của việc hạ mình
của Thiên Chúa chỉ có thể được tổng hợp nơi một từ: Tình yêu, nghĩa là chính
Danh Thánh của Thiên Chúa. Thánh Gioan tông đồ đã viết: “Tình yêu của Thiên
Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến
thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống” và Ngài đã sai con của
Ngài “đến làm của lễ đền tội, vì tội lỗi chúng ta” (1 Ga 4,9-10). Đây là lý do
giải thích tại sao hành vi đầu tiên trong sứ vụ công khai của Đức Giê-su là đón
nhận phép rửa của ông Gioan, người mà khi nhìn thấy Ngài đã nói: “Ðây là Chiên
Thiên Chúa, đây Ðấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29).
Tác
giả Tin Mừng Luca thuật lại rằng, khi Đức Giê-su chịu phép rửa, “đang khi Người
cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng
như chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha; ngày hôm
nay, Cha đã sinh ra Con” (Lc 3,21-22). Đức Giê-su chính là con Thiên Chúa và đã
hoàn toàn dìm mình vào ý muốn yêu thương của Cha. Ngài chính là Đấng chịu chết
trên thập giá và phục sinh nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, Đấng mà giờ đây đang
ngự xuống trên Ngài và thánh hóa Ngài. Ngài chính là một con người mới, một con
người muốn sống với tư cách là con cái Thiên Chúa, nghĩa là sống trong tình
yêu; người mà, đứng trước sự dữ của thế gian, đã chọn con đường khiêm hạ và
trách nhiệm, không chọn để cứu chính mình nhưng là để trao ban mạng sống mình
cho chân lý và công bình. Trở nên người Ki-tô hữu nghĩa là sống như Ngài, nhưng
cách sống này đòi hỏi một cuộc tái sinh từ bên trên, từ Thiên Chúa và ân sủng.
Cuộc tái sinh này chính là Bí Tích Rửa Tội, một món quà mà Đức Giê-su đã trao
ban cho Giáo hội để trao tặng cho con người một sự sống mới.”
Cuối
bài huấn từ, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người cùng cầu nguyện cho những em bé
mới được rửa tội. Ngài cũng ban phép lành cho các em. Và ngài nhắc nhở rằng,
trong Năm Đức Tin này, chúng ta cần khám phá vẻ đẹp của việc được tái sinh từ
trên cao, từ tình yêu của Thiên Chúa để chúng ta có thể sống như những người
con đích thực.
Ngài
cũng nhắc nhở rằng, hôm nay chúng ta cử hành ngày Thế Giới Di Dân và Tị Nạn,
với chủ đề: “Cuộc lữ hành của đức tin và hy vọng”. “Thật vậy, những
người di dân là những người đã rời bỏ chính quê hương của mình vì hy vọng vào
một tương lai tốt đẹp hơn, họ dám ra đi cũng bởi vì họ tin tưởng vào Thiên
Chúa, Đấng luôn hướng dẫn con người trên hành trình của mình như gương của
Abraham. Vì thế, những người di dân là những người thông truyền đức tin và hy
vọng cho thế giới. Tôi muốn gửi lời chúc lành tới từng người, đặc biệt là phép
lành và lời cầu nguyện đặc biệt của tôi. Tôi đặc biệt gửi lời chúc mừng tới
cộng đoàn Công Giáo của những người di dân ở Roma.”
Đức
Thánh Cha cũng gửi lời chào tới các khách hành hương bằng tiếng Anh, Pháp, Đức,
Ba Lan và Ý. Và sau cùng, ngài ban phép lành tòa thánh cho toàn thể mọi người
hiện diện.
Nguyễn
Minh Triệu sj