Đức Thánh Cha kêu gọi bênh vực và nâng đỡ gia đình
VATICAN. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa
chúa nhật 30-12-2012, ĐTC Biển Đức 16 mời gọi các gia đình Công Giáo noi gương
Thánh Gia Thất và gia tăng nỗ lực bênh vực chính cách gia đình.
Buổi đọc kinh Truyền Tin lễ Thánh Gia và cũng là chúa nhật cuối
cùng của năm 2012. Hàng chục ngàn tín hữu có mặt tại Quảng trường thánh Phêrô
dưới bầu trời nắng đẹp, cạnh hang đá máng cỏ khổng lồ bên cây thông cao 25 mét.
Trong bài huấn dụ ngắn, ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa bài Tin Mừng
theo thánh Luca về biến cố Chúa Giêsu theo cha mẹ đi hành hương ở Đền thờ
Jerusalem, và sau đó ngài âm thầm ở lại, và mãi ba ngày sau cha mẹ Ngài mới tìm
lại được con ở Đền thờ sau 3 ngày lo lắng tìm kiếm. ĐTC nói:
“Anh chị em thân mến, hôm nay là lễ Thánh Gia Nazareth. Trong
phụng vụ, đoạn Tin Mừng theo thánh Luca trình bày cho chúng ta Đức Trinh Nữ
Maria và thánh Giuse, trung thành với truyền thống, lên Jerusalem để mừng lễ
Vượt Qua cùng với Chúa Giêsu 12 tuổi.
Lần đầu tiên mà Chúa Giêsu vào Đền thờ của Chúa là 40 ngày sau
khi Ngài sinh ra, khi cha mẹ Ngài dâng cho Chúa “một cặp chim gáy hoặc chim bồ
câu non” (Lc 2,24), nghĩa là lễ vật của những người nghèo. Trong toàn sách Tin
Mừng theo thánh Luca, vốn là một Tin Mừng thấm đượm một nền thần học về người
nghèo và về sự thanh bần, thánh nhân cho thấy rằng gia đình Chúa Giêsu được kể
vào số những người nghèo của Israel; thánh Luca cho chúng ta hiểu rằng chính
nơi họ mà lời hứa của Chúa có thể được viên mãn” (L'infanzia di Gesù, 96). Hôm
nay, Chúa Giêsu lại vào Đền Thờ, nhưng lần này với một vai trò khác, có liên hệ
đích thị tới Ngài. Cùng với Mẹ Maria và Thánh Giuse, Ngài hành hương lên
Jerusalem theo qui định của Lề Luật (Xc Xh 23,17, 34,23ss), cho dù Ngài chưa
đầy 13 tuổi: đó là dấu chỉ lòng đạo đức sâu xa của Thánh Gia. Nhưng khi song
thân Ngài lên đường trở về Nazareth, thì xảy ra một điều bất ngờ: Ngài ở lại
Thành Thánh mà không nói gì cả. Suốt 3 ngày, Mẹ Maria và Thánh Giuse tìm kiếm
và thấy Ngài trong Đền Thờ, đang nói chuyện với các Thầy Thông Luật (Xc Lc
2,46-47); và khi song thân hỏi lý do tại sao thì Chúa Giêsu trả lời rằng Thầy
Mẹ không nên ngạc nhiên, vì xây chính là chỗ của con, đây là nhà của Ngài, nơi
Cha Ngài là Thiên Chúa (Xc L'infanzia di Gesù, 143). Origène đã viết: “Ngài nói
tiên tri sẽ ở trong Đền thờ của cha Ngài, Cha mà Ngài mạc khải cho chúng ta và
Ngài nói là Con của Người” (Omelie sul Vangelo di Luca, 18,5).
“Sự lo lắng của Mẹ Maria và Thánh Giuse về Chúa Giêsu cũng là sự
lo lắng của mỗi cha mẹ trong việc giáo dục mỗi người con, dẫn con cái vào cuộc
sống và hiểu biết thực tại. Vì thế, ngày nay chúng ta cần đặc biệt cầu xin Chúa
cho tất cả các gia đình trên thế giới. Noi gương Thánh Gia Nazareth, các cha mẹ
hãy nghiêm túc quan tâm đến sự tăng trưởng và giáo dục con cái mình, để chúng
trưởng thành như những người có trách nhiệm và những công dân lương thiện,
không bao giờ quên rằng đức tin là một hồng ân quí giá cần được nuôi dưỡng nơi
chính các con cái, kể cả bằng gương sáng. Đồng thời chúng ta hãy cầu nguyện để
mỗi để mỗi trẻ em được đón nhận như một món quà của Thiên Chúa, được tình
thương của cha mẹ nâng đỡ, để có thể lớn lên như Chúa Giêsu, “càng thêm tuổi
càng thêm khôn ngoan trước mặt Thiên Chúa và người đời” (Lc 2,52). Ước gì tình
yêu, lòng trung thành và tận tụy của Mẹ Maria và thánh Giuse là mẫu gương cho
tất cả các đôi vợ chồng Kitô, họ không phải bạn hữu hay chủ nhân cuộc sống của
con cái mình, nhưng là những người gìn giữ hồng ân khôn sánh này của Thiên
Chúa”.
“Ước gì sự thinh lặng của thánh Giuse, người công chính (Xc Mt
1,19) và gương của Mẹ Maria, đã cẩn giữ mọi sự trong tâm hồn (Xc Lc 2,51) đưa
chúng ta đi vào mầu nhiệm đầy đức tin và tình người của Thánh Gia. Tôi cầu chúc
tất cả các gia đình Kitô sống trước sự hiện diện của Thiên Chúa với cùng tình
yêu và niềm vui của gia đình Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh Giuse”.
Chào thăm
Sau khi ban phép lành, ĐTC đã chào thăm các tín hữu bằng nhiều
ngôn ngữ và tóm tắt ý chính bài huấn giáo. Với các tín hữu nói tiếng Pháp, ngài
nhận xét rằng: “Con Thiên Chúa đã muốn sinh ra trong một gia đình, qua đó mang
lại cho gia đình một ý nghĩa cao thượng và chỗ đứng không thể thay thế được đối
với con người và xã hội. Gia đình là chiếc nôi tự nhiên của trẻ em. Gia đình là
mảnh đất đầu tiên và không thể thay thế được nơi mà con người và những liên hệ
giữa con người bén rễ và được xây dựng. Xin Mẹ Maria và Thánh Giuse giúp các
cha mẹ giáo dục con cái và thông truyền đức tin cho chúng!
ĐTC cũng nói bằng tiếng Tây Ban Nha và sứ điệp của ngài được
trực tiếp truyền hình tới hàng chục ngàn người ở Madrid:
“Tôi thân ái chào thăm các tín hữu nói tiếng Tây Ban Nha hiện
diện ở đây trong buổi đọc kinh kính Đức Mẹ. Từ đây, tôi cũng chào thăm đông đảo
các tín hữu tham dự “Thánh Lễ của các gia đình” được tổ chức tại Madrid. Ước gì
Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse là mẫu gương đức tin làm cho tình yêu được
chiếu tỏa rạng ngời và củng cố đời sống của các gia đình. Nhờ lời chuyển cầu
của các Ngài, chúng ta cầu xin cho gia đình tiếp tục là món quà quí giá cho mỗi
phần tử của gia đình, một niềm hy vọng vững chắc nhất cho toàn thể nhân loại.
Và niềm vui chia sẻ cuộc sống theo Thiên Chúa mà chúng ta đã học biết từ cha
ông chúng ta, thúc đẩy chúng ta biến thế giới thành một gia đình đức tin, một
không gian hòa hợp, liên đới và tôn trọng lẫn nhau. Với ý hướng đó, chúng ta
hãy chạy đến cùng Mẹ Maria, Mẹ Thiên Quốc của chúng ta, để Mẹ tháp tùng các gia
đình trong ơn gọi của họ, trở thành như một Giáo Hội tại gia và là tế bào
nguyên thủy của xã hội. Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em.”
Thánh lễ Gia đình được cử hành lần thứ 6 tại Madrid, do ĐHY
Antonio Maria Rouco, TGM sở tại, Chủ tịch HĐGM Tây Ban Nha, chủ sự, cùng với
đông đảo các GM và linh mục, tại quảng trường Colón.
Trong bài giảng ĐHY Rouco khẳng định rằng chỉ có gia đình được
quan niệm và sống hoàn toàn trong sự thật, như ngôn ngữ rõ rệt và không thể xóa
bỏ của bản chất con người, mới phản ánh chân trời hy vọng cho con người và xã
hội thời nay.
ĐHY cũng nói về gia đình Công Giáo như niềm hy vọng vững chắc
duy nhất nếu chúng ta xét đến thực tại xã hội và văn hóa hiện nay và những giải
pháp phù vân vô hiệu lực người ta đề nghị để ra khỏi tình trạng khủng hoảng sâu
đậm của nhân loại hiện thời. Gia đình cần đương đầu với những chướng ngại về
kinh tế, xã hội, văn hóa, pháp luật và chính trị người ta đặt ra trên hành
trình của gia đình. Vì thế, ĐHY nói, ngày nay hơn bao giờ hết, điều cấp thiết
là thực hiện đạo lý đức tin chân lý ngàn đời về hôn nhân và gia đình”.
G. Trần Đức Anh OP