Đức Thánh Cha chống thành kiến bài tôn giáo
VATICAN. ĐTC Biển Đức 16 chống lại thành kiến cho rằng các tôn giáo độc thần tự chúng gây ra bạo lực.
Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 7-12-2012, dành cho 32 thành viên của Ủy ban Thần học quốc tế, dưới sự hướng dẫn của Đức TGM Gerhard Mueller, Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin.
Ngỏ lời trong dịp này, ĐTC nhắc đến một vấn đề đang được Ủy ban thần học quốc tế bàn đến, đó là cảm thức đức tin (sensus fidei). Công đồng chung Vatican 2 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của yếu tố này và nói rằng ”toàn thể dân Chúa tham gia vào chức năng ngôn sứ của Chúa Kitô.. Hiến chế ”Ánh sáng muôn dân” (n.12) dạy rằng ”Toàn thể các tín hữu, nhờ được Đấng Thánh xức dầu (Xc 1 Ga 2,20.27), không thể sai lầm trong khi tin, và biểu lộ đặc tính này qua cảm thức siêu nhiên về đức tin của toàn thể dân Chúa, khi mà từ các GM cho đến tín hữu giáo dân rốt hết đều biểu lộ sự đồng thuận về những vấn đề đức tin và luân lý”. Hồng ân cảm thức đức tin này.. là một tiêu chuẩn để phân định xem một chân lý có thể thuộc về kho tàng sinh động của truyền thống tông đồ hay không. Cảm thức đức tin có một giá trị đề nghị (propositivo) vì Chúa Thánh Linh không ngừng nói với và hướng dẫn các Giáo Hội đến chân lý toàn vẹn”.
Từ tiền đề trên đây, ĐTC cảnh giác chống lại những cảm thức đức tin giả tạo và nói rằng:
”Ngày nay điều đặc biệt quan trọng là xác định những tiêu chuẩn giúp phân định cảm thức đức tin chân chính với những cảm thức giả tạo. Thực vậy, cảm thức đức tin không phải là một thứ dư luận quần chúng trong Giáo Hội; không thể nại đến cảm thức đức tin để phản đối các giáo huấn của Huấn Quyền Hội Thánh, vì cảm thức đức tin chỉ có thể phát triển một cách chân thực nơi tín hữu theo mức độ tín hữu ấy hoàn toàn tham gia vào đời sống Giáo Hội, và điều này đòi tín hữu phải gắn với với Giáo Huấn của Hội Thánh trong tinh thần trách nhiệm”.
ĐTC nói thêm rằng ”Chính cảm thức siêu nhiên về đức tin của các tín hữu khiến họ mạnh mẽ phản ứng chống lại thành kiến theo đó các tôn giáo, đặc biệt là các tôn giáo độc thần, tự nội tại có mang theo bạo lực, nhất là vì các tôn giáo này tự nhận mình có chân lý phổ quát. Một số người cho rằng chỉ có ”sự đa thần về các giá trị” (Politeismo dei valori) mới bảo đảm được sự bao dung và an bình trong dân chúng, và phù hợp với tinh thần của một xã hội dân chủ đa nguyên”.
ĐTC cũng giải thích rằng ”Nếu trong lịch sử đã và đang có những hình thức bạo lực được thực hiện nhân danh Thiên Chúa, điều này không thể qui gán cho các tôn giáo độc thần, nhưng là do những nguyên nhân lịch sử, chủ yếu là do những sai lầm của con người. Đúng hơn, chính sự quên lãng Thiên Chúa làm cho các xã hội con người bị chìm đắm trong một thứ chủ thuyết duy tương đối, chắc chắn sinh ra bạo lực. Khi người ta không để cho mọi người tham chiếu một chân lý khách quan, thì đối thoại trở thành điều không thể thực hiện được, và bạo lực, công khai hoặc ngấm ngầm, trở thành qui luật cho các quan hệ giữa con người với nhau” (SD 7-12-2012)
G. Trần Đức Anh OP