Tình yêu hôn nhân là công trình tuyệt diệu của xã hội
Tuyệt
tác công trình sáng tạo của Thiên Chúa là con người. Sự kiện người nam và người
nữ yêu thương nhau trong hôn nhân khiến cho gia đình là tuyệt tác của xã hội.
Kitô hữu không lập gia đình cho chính mình, nhưng khi lấy nhau trong Chúa, họ
được biến đổi thành dấu chỉ hữu hiệu tình yêu của Thiên Chúa và sinh lợi cho
toàn cộng đoàn, cho toàn xã hội.
ĐTC
Phanxicô đã nói như trên với hơn 50.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu
tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hôm qua. Mở đầu bài huấn dụ ĐTC nói
sau khi duyệt xét hai văn bản sách Sáng Thế liên quan tới chương trình ban đầu
của Thiên Chúa đối với cặp vợ chồng giờ đây chúng ta trực tiếp hướng tới Chúa
Giêsu. Ở phần đầu Phúc Âm của người thánh sử Gioan kể lại câu chuyện đám cưới
làng Cana, trong đó có sự hiện diện của Đức Trinh Nữ Maria, Chúa Giêsu cùng các
môn đệ đầu tiên của Người (x. Ga 2,1-11). ĐTC giải thích sự hiện diện của Chúa
Giêsu trong tiệc cưới tại làng Cana như sau:
Chúa
Giêsu không chỉ tham dự đám cưới đó, nhưng “cứu vãn buổi lễ” với phép lạ hóa
nước thành rượu. Như thế, một trong các dấu lạ đầu tiên, qua đó Chúa Giêsu vén
mở vinh quang của mình, Người đã làm trong bối cảnh của một hôn nhân, và đó đã
là một cử chỉ thiện cảm lớn đối với gia đình đang nảy sinh, nhờ sự can thiệp
sốt sắng ân cần hiền mẫu của Mẹ Maria. Và điều này khiến chúng ta nhớ tới sách
Sáng Thế, khi Thiên Chúa kết thúc công trình sáng tạo và làm ra tuyệt tác của
Người, tuyệt tác người nam và người nữ. Và chính ở đây Chúa Giêsu bắt đầu các
phép lạ của Người với tuyệt tác này, trong một hôn nhân, trong một lễ cưới: một
người nam và một người nữ. Như thế Chúa Giêsu dậy cho chúng ta biết rằng tuyệt
tác của xã hội là gia đình: người nam và người nữ yêu thương nhau. Đó là tuyệt
tác!
Từ
thời đám cưới tại làng Cana, biết bao nhiêu điều đã thay đổi, nhưng “dấu chỉ”
ấy của Chúa Kitô chứa đựng một sứ điệp luôn luôn có giá trị. Ngày nay khó mà
nói tới hôn nhân như là một ngày lễ, được canh tân trong thời gian trong các
mùa khác nhau của toàn cuộc sống của các đôi vợ chồng. Có một sự kiện đó là
càng ngày người ta càng ít lấy nhau. Đây là một sự kiện: người trẻ không muốn
lấy nhau. Trong nhiều quốc gia trái lại, số ly thân gia tăng trong khi số sinh
giảm sút. Sự khó khăn sống với nhau như là vợ chồng, như là gia đình đưa tới
chỗ bẻ gẫy các mối dây ngày càng thường xuyên và mau chóng hơn, và chính con
cái là những người đầu tiên phải gánh chịu các hậu quả của nó. Chúng ta hãy
nghĩ rằng các nạn nhân đầu tiên, các nạn nhân quan trọng nhất, các nạn nhân đau
khổ nhất trong một cuộc ly thân là con cái.
Nếu
ngay từ khi còn bé người ta sống kinh nghiệm hôn nhân là một mối dây “ràng buộc
một thời gian” xác định, thì trong tiềm thức nó sẽ là như thế đối với bạn. Thật
thế, nhiều người trẻ bị dẫn đưa tới chỗ khước từ chính dự án của một mối dây
cột buộc không thể hủy bỏ và một gia đình lâu bền. Tôi tin rằng chúng ta phải
suy tư nghiêm chỉnh về lý do tại sao biết bao nhiêu người trẻ không cảm thấy
phải lấy nhau. Có một nền văn hóa tạm bợ… tất cả là tạm thời, xem ra không có
cái gì là vĩnh viễn cả.
Người
trẻ không muốn lấy nhau: đây là một trong các lo âu nổi bật ngày nay: tại sao
người trẻ không lập gia đình? Tại sao họ thường thích việc sống chung và biết
bao lần “có trách nhiệm hạn chế”? Tại sao cả các tín hữu đã được rửa tội, ít
tin tưởng nơi hôn nhân và gia đình? Thật là quan trọng tìm hiểu điều này, nếu
chúng ta muốn rằng giới trẻ có thể tìm ra con đường đúng đắn để đi theo. Tại
sao họ không tin tưởng nơi gia đình?
Các
khó khăn không có tính cách kinh tế, mặc dù chúng nghiêm trọng. Nhiều người cho
rằng sự thay đổi xảy ra trong các thập niên qua là do sự thoát ly của nữ giới
gây ra. Nhưng lý do này cũng không có giá trị. Đó là một hình thức duy nam
giới. Nhưng mà điều này cũng là một bất công. Không, không đúng như vậy! Nó là
một hình thức của khuynh hướng duy nam giới, luôn muốn thống trị phụ nữ. Chúng
ta xấu mặt như Ađam đã xấu mặt, khi Thiên Chúa hỏi: “Mà tại sao con lại ăn trái
ấy?”, và ông trả lời: “Bà ấy đã đưa cho con”. Và lỗi là của đàn bà. Tội nghiệp
đàn bà chưa! Chúng ta phải bênh vực phụ nữ chứ!
ĐTC
nói thêm trong bài huấn dụ: Thật ra hầu như mọi người nam và người nữ đều muốn
có một sự an ninh tình yêu ổn định, một hôn nhân vững chắc và một gia đình hạnh
phúc. ĐTC giải thích thêm điểm này như sau:
Gia
đình đứng hàng đầu tất cả các dấu chỉ ưa thích của người trẻ, nhưng vì sợ sai
lầm, nhiều người cũng không muốn nghĩ tới nó. Tuy là các tín hữu kitô họ không
nghĩ tới hôn nhân bí tích, dấu chỉ duy nhất và không lập lại được của
giao ước, trở thành chứng tá đức tin. Có lẽ sự sợ hãi thất bại này là chướng
ngại lớn lao nhất đối với việc tiếp nhận lời Chúa Kitô hứa ban ơn thánh của
Người cho sự kết hiệp hôn nhân và gia đình.
Chứng
tá thuyết phục nhất của việc làm phép hôn nhân kitô là cuộc sống tốt lành
của các cặp vợ chồng kitô và gia đình. Không có cách thức nào tốt hơn để nói
lên vẻ đẹp của bí tích. Hôn nhân được Thiên Chúa thánh hiến giữ gìn mối dây
ràng buộc đó giữa người nam và người nữ mà Thiên Chúa đã chúc lành ngay từ khi
tạo dựng thế giới. Nó là suối nguồn của bình an và thiện ích cho toàn cuộc sống
hôn nhân và gia đình. Thí dụ vào các thời gian đầu của Kitô giáo, phẩm giá lớn
lao này của mối dây nối kết người nam và người nữ đã đánh bại một lạm dụng hồi
đó được coi như bình thường, hay quyền của các người chồng rẫy vợ, kể cả với
các lý do viện cớ và hạ nhục nhất. Phúc Âm của gia đình, Phúc Âm loan báo chính
bí tích này đã đánh bại nền văn hóa quen rẫy vợ ấy.
Hạt
giống kitô của sự bình đẳng giữa chồng vợ ngày nay phải đem lại các hoa trái
mới. Chứng tá phẩm giá xã hội của hôn nhân sẽ thuyết phục chính nhờ con đường
này, con đường của chứng tá lôi cuốn, con đường của sự tương giao giữa họ, của
sự bổ túc giữa họ.
Vì
thế, như là kitô hữu chúng ta phải đòi hỏi hơn đối với điều đó. Chẳng hạn như
cương quyết nâng đỡ quyền thù lao bình đẳng đối với công việc làm như nhau. Tại
sao người ta lại coi là chuyện đương nhiên sự kiện chị em phụ nữ bị trả lương
ít hơn nam giới? Không! Phải cùng quyền lợi như nhau. Sự bất bình đẳng là một
gương mù gương xấu! Đồng thời phải nhìn nhận chức làm mẹ của nữ giới và chức
cha của nam giới, nhất là vì lợi ích của con cái. Cũng thế, nhân đức hiếu khách
của các gia đình kitô ngày nay có tầm quan trọng định đoạt, đặc biệt trong các
hoàn cảnh nghèo túng, tồi tệ và bạo lực gia đình.
Rồi
ĐTC kết thúc bài huấn dụ như sau: Anh chị em thân mến, chúng ta không được sợ
hãi mời Chúa Giêsu đến dự lễ cưới. Và chúng ta đừng sợ mời Chúa Giêsu vào nhà
chúng ta, để Người ở với chúng ta và giữ gìn gia đình chúng ta. Và hãy mời cả
Mẹ Maria Mẹ Người nữa! Khi lấy nhau trong Chúa, các kitô hữu được biến đổi
thành một dấu chỉ hữu hiệu tình yêu của Thiên Chúa. Kitô hữu không lập gia đình
cho chính mình nhưng lấy nhau trong Chúa và sinh lợi cho toàn cộng đoàn, cho
toàn xã hội. Vẻ đẹp này của hôn nhân chúng ta sẽ đề cập đến trong lần tới.
ĐTC
đã chào các đoàn hành hương đến từ các nước Bắc Mỹ như Hoa Kỳ và Canada, cũng
như các đoàn hành hương đến từ các nước Âu châu như Pháp, Anh, Đức, Thụy Sĩ,
Áo, Ai Len, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và các nước Bắc Âu như Thụy Điển. Ngài cũng
chào các đoàn hành hương đến từ các nước Phi châu hay Á châu như Nhật Bản,
Indonesia, Malaysia và Philippines, hoặc từ xa hơn như Australia và các nước
châu Mỹ Latinh như Argentina, Mêhicô, Costa Rica, Nicaragua, Uruguay, Chile và
Brasil.
Chào
các nhóm Ba Lan ĐTC khích lệ mọi người cảm tạ Chúa vì chứng tá của biết bao
nhiêu cặp vợ chồng tín thác nơi ơn Chúa ở lại trong bí tích hôn phối. Ngài xin
mọi người hỗ trợ các cặp đính hôn bằng lời cầu nguyện, lời khuyên nhủ và sự trợ
giúp, để họ có can đảm liều lĩnh tạo dựng một sự kết hiệp bất khả phân ly và
xây dựng các gia đình hạnh phúc với phước lành của Chúa.
Ngài
cũng chào đoàn hành hương Croat gồm tín hữu, các học sinh và giáo viên trường
công giáo Sebenico do ĐC Ante Vas, GM sở tại hướng dẫn. Ngài xin họ hãy là các
chứng nhân tươi vui của Chúa Giêsu.
Ngài
cũng chào các đoàn hành hương Slovenia.
Chào
các đoàn hành hương Italia ĐTC nhắc cho mọi người biết hôm qua là lễ kính thánh
nữ Catarina thành Siena Tiến Sĩ Hội Thánh, Bổn Mạng Italia và Âu châu. Ngài mời
mọi người vỗ tay mừng thánh Bổn Mạng. Ngài xin thánh nữ giúp người trẻ hiểu ý
nghĩa cuộc sống cho Thiên Chúa; và cầu mong đức tin kiên cường của thánh nữ
giúp các anh chị em đau yếu biết tín thác nơi Chúa trong những lúc khổ đau; và
sức mạnh của thánh nữ đối với các kẻ quyền thế chỉ cho các đôi tân hôn các giá
trị thật sự quan trọng trong cuộc sống gia đình.
Buổi
tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi
người.
Linh Tiến Khải