Tông thư của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi
tất cả Các người Tận hiến nhân dịp Năm Đời sống thánh hiến
Các
người nam nữ tận hiến thân mến,
Tôi
viết cho anh chị em với tư cách là Người Kế vị thánh Phêrô, đã được Chúa Giêsu
uỷ thác nhiệm vụ củng cố anh em trong đức tin (x. Lc 22,32), và tôi cũng viết
cho anh chị em như một người tận hiến giống như anh chị em.
Chúng
ta hãy tạ ơn Chúa Cha, Đấng đã kêu gọi chúng ta đi theo Đức Giêsu trong việc gắn
bó trọn vẹn với Tin mừng và trong việc phục vụ Giáo hội, Đấng đã đổ xuống tâm hồn
chúng ta Thánh Linh mang lại niềm vui và biến chúng ta thành những chứng nhân
cho tình yêu và lòng thương xót của Chúa trước mặt thế giới.
Đáp
lại ước nguyện của nhiều anh chị em và của Bộ Đời sống thánh hiến và các Tu
đoàn tông đồ, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Hiến chế tín lý Lumen gentium về
Hội thánh đề cập đến các tu sĩ ở chương VI, cũng như Sắc lệnh Perfectae
caritatis về việc canh tân đời sống tu trì, tôi đã quyết định mở ra một
Năm Đời sống thánh hiến, bắt đầu vào ngày 30 tháng 11 năm nay, Chúa nhật thứ I
Mùa Vọng, và kết thúc vào lễ Dâng Chúa Giêsu vào Đền thờ, ngày 2 tháng 2 năm
2016.
Sau
khi tham khảo Bộ Đời sống thánh hiến và các Tu đoàn tông đồ, tôi đã đề ra cho
Năm nay những mục tiêu mà thánh Gioan Phaolô II đã đề ra cho Giáo hội vào lúc bắt
đầu ngàn năm thứ ba, phần nào lấy lại điều đã đề cập trong Tông huấn hậu thượng
hội đồng Vita consecrata: “Các con không chỉ có một lịch sử huy hoàng để
nhớ lại và tường thuật, mà còn có một lịch sử oai hùng cần viết nên! Hãy nhìn về
tương lai, nơi mà Thánh Linh đã dự định thực hiện cùng với các con những điều
trọng đại hơn nữa” (số 110).
I
– Những mục tiêu của Năm Đời sống thánh hiến
1. Mục
tiêu thứ nhất là nhìn về quá khứ với niềm tri ân. Mỗi Dòng của chúng ta đều
đến từ một lịch sử phong phú của đặc sủng. Khởi đầu là tác động của Thiên Chúa,
Đấng đã kêu gọi trong Thánh Linh một số người đi theo sát gót Đức Kitô, để chuyển
dịch Tin mừng ra một lối sống đặc thù, để đọc các dấu chỉ thời đại với cặp mắt
đức tin, để đáp ứng với những nhu cầu của Giáo hội một cách sáng tạo. Thế rồi
kinh nghiệm khởi đầu được tăng tiến và phát triển, lôi cuốn những phần tử sống
trong những khung cảnh mới của địa lý và văn hóa, tạo ra những thể thức mới để
thể hiện đặc sủng, những sáng kiến và những lối diễn tả lòng bác ái tông đồ mới
mẻ, cũng tựa như hạt giống trở thành một cây lớn với nhiều cành lá sum sê.
Trong
Năm nay, mỗi gia đình đặc sủng hãy nhớ lại buổi khởi đầu của mình và những chặng
phát triển trải qua lịch sử, để tạ ơn Thiên Chúa vì Ngài đã ban cho Hội thánh
biết bao hồng ân để trang điểm cho Hội thánh và chuẩn bị sẵn sàng để thi hành mọi
công cuộc tốt lành (x. Lumen gentium, 12).
Thuật
lại lịch sử của mình là điều cần thiết để duy trì căn tính cũng như để siết chặt
mối hợp nhất của gia đình và tăng thêm cho các phần tử ý thức mình thuộc về một
nhà. Đây không phải là chuyện khảo cổ hoặc luyến tiếc dĩ vãng, nhưng là đi lại
con đường của các thế hệ quá khứ để nắm bắt được tia sáng gợi hứng, những lý tưởng,
những dự phóng, những giá trị đã thúc đẩy họ, bắt đầu từ các vị sáng lập và các
cộng đoàn tiên khởi. Đó cũng là một cách để ý thức được cách thức mà tiền nhân
đã sống đặc sủng, những bước đột phá, những khó khăn đã đương đầu và vượt qua.
Ta cũng có thể nhận ra những sự bất nhất do tính yếu đuối của con người, thậm
chí kể cả có lúc quên mất những khía cạnh cốt yếu của đặc sủng. Tất cả các khía
cạnh ấy đều là những bài học, và đồng thời kêu gọi hoán cải. Thuật lại lịch sử
của mình là một cách để chúc tụng Thiên Chúa và tạ ơn vì những ân huệ mà Ngài
đã ban.
Cách
riêng chúng ta cảm tạ Thiên Chúa vì 50 năm tiếp theo Công đồng Vaticanô II.
Công đồng thật là một “luồng gió” của Thánh Linh cho toàn Giáo hội. Nhờ công đồng,
đời tu sĩ đã thực hịên một bước đường canh tân phong phú, với những ánh sáng và
bóng tối của nó, dù sao đó là thời điểm của ân huệ được đánh dấu bởi sự hiện diện
của Thánh Linh.
Ước
chi Năm Đời sống thánh hiến cũng là một cơ hội để thú nhận sự mỏng dòn của
mình, với lòng khiêm tốn cùng với lòng tín thác vào Thiên Chúa Tình yêu (x. 1
Ga 4,8), và để sống kinh nghiệm về tình thương lân tuất của Chúa, một cơ hội để
thôi thúc mạnh mẽ và vui vẻ làm chứng về sự thánh thiện và sức sống đang hiện
diện nơi phần lớn những kẻ được kêu gọi đi theo Đức Kitô trong đời sống thánh
hiến.
2. Ngoài
ra Năm nay cũng kêu gọi chúng ta hãy sống hiện tại cách say mê. Việc ôn lại
quá khứ thúc đẩy chúng ta hãy thể hiện những khía cạnh cấu tạo đời sống thánh
hiến của mình, nhờ chú ý lắng nghe điều mà Thần khí nói với Hội thánh ngày hôm
nay.
Từ
những buổi khai nguyên của đời đan tu cho đến những “cộng đoàn mới” thời nay, mỗi
hình thức tu trì được nảy sinh do tiếng gọi của Thánh Linh hãy đi theo Đức Kitô
theo như Tin mừng đã dạy (x. Perfectae caritatis, 2). Đối với các vị sáng
lập, Tin mừng luôn là quy luật tuyệt đối, những luật lệ khác chỉ là cách thức
diễn đạt Tin mừng và dụng cụ để sống Tin mừng cách súc tích. Lý tưởng của các
ngài là Đức Kitô, gắn bó toàn thân với Người, đến nỗi có thể nói như thánh
Phaolô: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô” (Pl 1,21). Các lời khấn chỉ có ý nghĩa
khi làm thể hiện tình yêu say đắm ấy.
Câu
hỏi mà chúng ta được mời hãy đặt lên trong Năm nay là: chúng ta có để cho Tin mừng
chất vấn không; Tin mừng có phải là “sổ tuỳ thân” cho cuộc sống hằng ngày và
cho những lựa chọn của mình không. Tin mừng thật là nghiêm khắc và đòi hỏi phải
sống triệt để và chân thực. Đọc Tin mừng thì chưa đủ (mặc dù việc đọc và học
luôn cần thiết), suy gẫm cũng chưa đủ (và chúng ta cần thích thú suy gẫm mỗi
ngày). Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta hãy làm cho Tin mừng hiện thực, hãy sống lời
của Chúa.
Chúng
ta hãy tự hỏi: Chúa Giêsu có còn là tình yêu thứ nhất và độc nhất, như chúng ta
đã quyết tâm khi tuyên khấn không? Chỉ khi nào được như vậy, thì chúng ta mới
có thể và buộc phải thương yêu trong sự thật và lòng lân tuất hết mọi người mà
ta gặp trên đường, bởi vì chúng ta đã học biết nơi Người tình yêu là gì và yêu
như thế nào: chúng ta sẽ biết yêu bởi vì chúng ta có chính trái tìm của Người.
Những
vị sáng lập của chúng ta đã cảm thấy trong mình lòng trắc ẩn của Chúa Giêsu khi
nhìn thấy đám đông như những đàn chiên lưu lạc không kẻ chăn dắt. Cũng như Chúa
Giêsu động lòng trắc ẩn đã trao ban lời của mình, đã chữa lành những kẻ bệnh tật,
đã phát bánh cho ăn, thì các vị sáng lập cũng đặt mình phục vụ nhân loại mà
Thánh Linh đã sai họ đến, dưới những thể thức đa dạng: chuyển cầu, rao giảng
Tin mừng, huấn giáo, giáo dục, phục vụ người nghèo và người bệnh... Óc tưởng tượng
của lòng bác ái không có giới hạn và luôn mở ra vô vàn con đường mới để mang
sinh khí của Tin mừng vào các nền văn hóa và các môi trường xã hội khác nhau.
Năm
Đời sống thánh hiến chất vấn chúng ta về sứ vụ đã được uỷ thác. Những công tác,
cơ sở, sự hiện diện để đáp ứng điều mà Thánh Linh đã yêu cầu các vị sáng lập có
còn tương xứng để theo đuổi những mục đích trong xã hội và Giáo hội thời nay nữa
không? Có điều gì cần phải thay đổi không? Chúng ta còn giữ được lòng say mê với
đồng loại, chúng ta có gần gũi với những người thân cận để chia sẻ những niềm
vui nỗi khổ của họ, để hiểu thấu những gì họ đang cần, ngõ hầu góp phần vào việc
đáp ứng các nhu cầu đó không? Thánh Gioan Phaolô II đã yêu cầu: “Lòng quảng đại
và hy sinh đã thúc đẩy các vị sáng lập cũng phải thúc đẩy các con, là những người
con cái tinh thần của họ, hãy duy trì các đặc sủng cách sinh động để cho chúng
được phong phú và thích nghi mà không giảm bớt tính cách độc đáo, với cùng một
sức mạnh mà Thánh Linh đã gợi lên, để phục vụ Giáo hội và góp phần vào việc thiết
lập Nước Thiên Chúa” [1].
Việc
tưởng nhớ nguồn gốc cũng làm sáng tỏ một yếu tố khác của dự án đời sống thánh
hiến. Các vị sáng lập đã bị thu hút bởi sự đoàn kết của nhóm Mười Hai chung
quanh Chúa Giêsu, bởi sự hiệp thông độc đáo của cộng đoàn tiên khởi ở
Giêrusalem. Khi gầy dựng nên cộng đoàn, mỗi vị sáng lập đều nhằm hoạ lại những
khuôn mẫu Tin mừng, đó là sống một trái tim và một linh hồn, vui hưởng sự hiện
diện của Chúa (x. Perfectae caritatis,15).
Sống
hiện tại cách say mê có nghĩa là trở nên “những chuyên viên hiệp thông”, “những
kẻ làm chứng và kiến tạo “dự án hiệp thông” là chóp đỉnh của lịch sử loài người
theo ý định của Thiên Chúa [2]. Trong một xã hội xung đột, một xã hội khó chung
sống giữa những nền văn hóa với nhau, một xã hội chèn ép những kẻ cô thế, xã hội
bất bình đẳng, chúng ta được kêu gọi trở nên khuôn mẫu cụ thể của cộng đoàn có
khả năng sống tương quan huynh đệ, nhờ biết nhìn nhận phẩm giá của mỗi người và
chia sẻ các ân huệ mà mỗi người đã lãnh được.
Vì
thế anh chị em hãy là những con người của sự hiệp thông, hãy can đảm hiện diện
tại những nơi có đố kị và tranh chấp, và anh chị em hãy trở nên dấu chỉ khả tín
của sự hiện diện của Thánh Linh, Đấng đổ tràn xuống các tâm hồn niềm say mê cho
hết mọi người được trở nên một (x. Ga 17,21). Anh chị em hãy sống huyền
nhiệm của sự gặp gỡ: “khả năng lắng nghe người khác, khả năng cùng nhau tìm ra
con đường, phương pháp” [3], hãy để cho mình được chiếu sáng bởi mối tương quan
tình yêu đã xuyên qua Tam Vị (x. 1 Ga 4,8) như khuôn mẫu cho mọi tương quan
liên bản vị.
3. Mục
tiêu thứ ba của Năm nay là nhắm đến tương lai với niềm hy vọng. Chúng ta
biết rằng đời sống thánh hiến đang gặp nhiều khó khăn dưới mọi hình thức: ơn gọi
sụt giảm, các thành viên tuổi cao, nhất là tại các nước Tây phương, những vấn đề
kinh tế tiếp theo cuộc khủng hoảng tài chánh trầm trọng, những thách đố của việc
quốc tế hóa và toàn cầu hóa, những nguy cơ của thuyết tương đối, đời tu bị gạt
ra bên lề và không được xã hội trân trọng ... Giữa những hoang mang mà chúng ta
cùng chia sẻ với bao nhiêu người đương thời, bừng lên niềm hy vọng của chúng
ta, là hoa trái của đức tin vào Đấng làm chủ lịch sử và không ngừng lặp lại với
chúng ta: “Đừng sợ... Ta đang ở với con” (Gr 1,8).
Niềm
hy vọng nói đây không dựa trên số lượng hoặc các cơ sở, nhưng ở trên Đấng mà
chúng ta đã đặt lòng tín thác (x. 2 Tm 1,12), Đấng mà “không có gì mà không thể
làm được” (Lc 1,37). Đó là niềm hy vọng không lừa dối và cho phép đời sống
thánh hiến tiếp tục viết nên trang sử trong tương lai, mà chúng ta cần phải nhắm
đến, với niềm xác tín rằng Thánh Linh thúc đẩy chúng ta về tương lai để tiếp tục
thực hiện những điều vĩ đại cùng với chúng ta.
Anh
chị em đừng chiều theo chước cám dỗ về số lượng và hiệu quả, lại càng không nên
tín thác vào sức riêng của mình. Hãy lục lọi những chân trời của cuộc đời anh
chị em và của thời buổi hiện tại với sự tỉnh thức. Cùng với đức Bênêđictô XVI,
tôi xin lặp lại: “Anh chị em đừng liên minh với những ngôn sứ yếm thế dự đoán sự
chấm dứt đời sống thánh hiến vì mất ý nghĩa ở thời đại này. Trái lại, anh chị
em hãy mặc lấy Đức Giêsu Kitô và khoác vào binh giáp của ánh sáng – như thánh
Phaolô đã khuyên nhủ – trong thái độ tỉnh thức mong chờ” [4]. Chúng ta hãy tiếp
tục và luôn luôn tiến bước với niềm tín thác vào Chúa.
Tôi
muốn ngỏ lời đặc biệt với các bạn trẻ. Các bạn là hiện tại bởi vì các bạn đang
sống trong Dòng, và mang lại sự đóng góp quyết định cho Dòng nhờ sự trẻ trung
và quảng đại của cuộc lựa chọn của các bạn. Đồng thời các bạn cũng là tương lai
bởi vì các bạn sẽ được gọi để nắm giữ vai trò điều khiển việc linh hoạt, huấn
luyện, phục vụ, sứ vụ của Dòng. Trong năm nay, các bạn sẽ là những người chủ động
trong cuộc đối thoại với thế hệ đàn anh. Trong tình hiệp thông huynh đệ, các bạn
có thể học hỏi kinh nghiệm và sự khôn ngoan của họ để trau dồi hiểu biết, và đồng
thời, các bạn có thể đề nghị với họ lý tưởng của Dòng thuở ban đầu, mang lại sức
năng động tươi trẻ nhờ lòng phấn khởi của các bạn, ngõ hầu thảo ra những phương
hướng mới để sống Tin mừng, và mang lại những giải đáp cân xứng cho nghĩa vụ phải
làm chứng và loan báo.
Tôi
rất vui mừng vì biết rằng các bạn trẻ thuộc nhiều Dòng sẽ có những cơ hội gặp gỡ
nhau. Ước mong những cuộc gặp gỡ này sẽ trở thành con đường thường xuyên để hiệp
thông, để nâng đỡ lẫn nhau, để liên kết.
II.
Những mong đợi cho Năm Đời sống thánh hiến
Tôi
mong đợi điều gì cách riêng trong Năm hồng ân của Đời sống thánh hiến?
1. Tôi
ước mong rằng luôn luôn thực hiện được điều mà tôi đã có lần nói: “Đâu có các
tu sĩ thì có niềm vui”. Chúng ta được mời gọi cảm nghiệm và chứng tỏ rằng Thiên
Chúa có khả năng lấp đầy con tim của chúng ta và làm cho chúng ta được hạnh
phúc, không cần phải đi tìm hạnh phúc ở đâu khác; chứng tỏ rằng tình huynh đệ
chân chính sống trong các cộng đoàn của chúng ta nuôi dưỡng niềm vui; chứng tỏ
rằng sự tận hiến để phục vụ Giáo hội, các gia đình, các người trẻ, các người
già, các người nghèo giúp cho chúng ta đạt được sự thành tựu bản thân và mang lại
ý nghĩa trọn vẹn cho cuộc đời.
Tôi
ước mong rằng giữa chúng ta không có những khuôn mặt buồn rầu, những con người
bực bội bất mãn, bởi vì “ai buồn bã đi theo Chúa thì việc đi theo Chúa đáng buồn”
[a]. Cũng như bao sinh linh khác, chúng ta cũng trải nghiệm những khó khăn, những
đêm tối tinh thần, những thất vọng, bệnh tật, kiệt sức do tuổi tác. Chính trong
hoàn cảnh đó mà chúng ta cần phải khám phá “sự hoan hỉ hoàn hảo”, học cho biết
cách nhận ra khuôn mặt Đức Kitô, Đấng đã trở nên giống như chúng ta mọi đàng,
và vì thế cảm nghiệm sự vui mừng vì biết rằng mình được nên giống kẻ vì yêu
thương ta đã không khước từ thập giá.
Trong
một xã hội sùng thượng hiệu năng, sức khỏe, thành công, và gạt bỏ những người
nghèo và loại trừ những kẻ “thất thế”, ước chi bằng đời sống của mình chúng ta
chứng minh sự thật của lời Kinh thánh: “Khi tôi yếu ớt là lúc tôi mạnh” (2 Cr
12,10).
Ước
gì chúng ta có thể áp dụng cho đời sống thánh hiến điều đã viết trong tông huấnEvangelii
gaudium, trích dẫn bài giảng của đức Bênêđictô XVI: “Giáo hội tăng gia không bởi
chiêu mộ nhưng bởi thu hút” (số 14). Thật vậy, đời sống thánh hiến không tăng
gia nếu chúng ta tổ chức những chiến dịch quy mô cổ vũ ơn gọi, nhưng là nếu những
người trẻ gặp gỡ chúng ta cảm thấy bị thu hút vì họ nhận ra chúng ta hạnh phúc!
Một cách tương tự như vậy, hiệu năng tông đồ không lệ thuộc vào hiệu năng dồi
dào của các phương tiện. Phải làm sao cho chính cuộc đời của anh chị em trở
thành tiếng nói, cuộc đời chiếu tỏa niềm vui và vẻ đẹp của việc sống Tin mừng
và của việc đi theo Đức Kitô.
Tôi
nhắc lại cho anh em chị em điều tôi đã nói với các Phong trào giáo hội vào lễ Vọng
lễ Chúa Hiện xuống: “Giá trị căn bản của Giáo hội nằm ở chỗ sống Tin mừng và
làm chứng cho đức tin. Giáo hội là muối của đất, là ánh sáng của đời, Giáo hội
được kêu gọi làm cho men của Vương quốc Thiên Chúa hiện diện trong xã hội, và
Giáo hội thực hiện ơn gọi này tiên vàn bằng sự chứng tá, chứng tá của tình yêu
huynh đệ, của tình liên đới, của sự chia sẻ” (18-5-2013).
2. Tôi
ước mong rằng anh chị em sẽ “đánh thức thế giới”, bởi vì đặc trưng của đời sống
thánh hiến là tính ngôn sứ. Như tôi đã nói với các bề trên tổng quyền: “Tính
cách triệt để của Tin Mừng không chỉ dành riêng cho các tu sĩ, nhưng là điều
đòi hỏi hết mọi người. Nhưng các tu sĩ đi theo Chúa một cách đặc biệt, đó là
cách thức ngôn sứ”. Đây là điều đòi hỏi ưu tiên: “những ngôn sứ chứng tá cho Đức
Giêsu đã sống ở thế giới này ... Một tu sĩ không bao giờ được khước từ tính
ngôn sứ” (29-11-2013).
Ngôn
sứ được Chúa ban khả năng truy tầm lịch sử mình đang sống và giải thích những
biến cố, tựa hồ người lính canh ban đêm và biết được khi nào hừng đông đến (x.
Is 21,11-12). Hiểu biết Thiên Chúa và hiểu biết những người anh chị em của
mình. Ngôn sứ có khả năng phân định và tố giác tội ác và những bất công, bởi vì
ông là con người tự do, chỉ trả lời với Thiên Chúa chứ không trả lời cho quyền
bính nào hết, chỉ quan tâm đến lợi lộc của Thiên Chúa chứ chẳng có lợi lộc nào
khác. Ngôn sứ thường đứng về phía những người nghèo và những người cô thân cô
thế, bởi vì ông biết rằng chính Thiên Chúa đứng về phía họ.
Vì
thế tôi ước mong rằng không phải là anh chị em hãy nuôi dưỡng những “chỗ không
tưởng”, nhưng là biết tạo ra “những chỗ khác” [b], nơi mà người ta sống cái
lôgic của Tin mừng về sự trao ban, tình huynh đệ, tiếp nhận sự khác biệt, yêu
thương lẫn nhau. Các đan viện, cộng đoàn, trung tâm linh đạo, thị xã, trường học,
bệnh viện, nhà tình thương và tất cả những nơi đã hoặc vẫn còn nảy sinh do lòng
bác ái và sự sáng tạo đặc sủng, đều cần phải trở nên men cho một xã hội được gợi
hứng dựa theo Tin mừng, “đô thị cất trên núi” nói lên sự thật và sức mạnh của
những lời của Chúa Giêsu.
Đôi
khi ngôn sứ cũng cảm thấy sự cám dỗ, giống như ông Êlia và Giôna, muốn bỏ trốn,
thoái thác trách nhiệm, bởi vì thấy quá nặng nề, bởi vì mình đã mệt mỏi, chán nản
vì không được kết quả. Nhưng ngôn sứ biết rằng mình không cô đơn. Thiên Chúa trấn
an chúng ta cũng tựa như với ông Giêrêmia: “Đừng sợ, ta ở với con để che chở
con” (Gr 1,8).
3. Các
tu sĩ và những người tận hiến được mời gọi trở nên những “chuyên viên hiệp
thông”. Vì thế tôi mong rằng “linh đạo hiệp thông” mà thánh Gioan Phaolô II đã
chỉ ra, sẽ trở thành thực tại, và anh chị em sẽ là những người đầu tiên đón nhận
“sự thách đố lớn lao ở trước mặt” trong ngàn năm mới: “làm cho Giáo hội là ngôi
nhà và trường học của hiệp thông” [5]. Tôi chắc rằng trong Năm nay, anh chị em
cố gắng để cho lý tưởng huynh đệ mà các vị sáng lập theo đuổi sẽ tăng trưởng ở
nhiều cấp độ, tựa hồ những vòng tròn đồng tâm.
Tiên
vàn sự hiệp thông được thực hành ngay tại các cộng đoàn trong Dòng. Tôi mời anh
chị em hãy đọc lại điều mà tôi không ngừng lặp đi lặp lại nhiều lần rằng những
lời chỉ trích, đàm tiếu, ghen tương, tị hiềm, đố kỵ không được phép cư ngụ ở trong
nhà của anh chị em. Sau tiền đề ấy, con đường bác ái còn lại hầu như là vô tận,
bởi vì bao gồm việc đón tiếp và quan tâm lẫn nhau, thực hành sự chia sẻ những
tài nguyên vật chất và tinh thần, sửa bảo huynh đệ, tôn trọng những người yếu
đuối, ... Chính “huyền nhiệm chung sống với nhau” làm cho cuộc đời trở nên một
cuộc “lữ hành thánh thiện” [6]. Chúng ta cũng phải tự vấn về tương quan giữa những
người thuộc về những nền văn hóa khác nhau, xét vì các cộng đoàn của chúng ta
càng ngày càng trở thành quốc tế. Làm cách nào để cho mỗi người có thể biểu lộ
chính mình, được đón nhận với những ân ban đặc thù, được hoàn toàn đồng trách
nhiệm?
Ngoài
ra tôi ước mong tăng gia sự hiệp thông giữa các phần tử của các Dòng tu. Liệu
Năm Đời sống thánh hiến có thể trở nên cơ hội để mạnh dạn ra khỏi biên cương của
Dòng mình, để cùng nhau thảo hoạch những dự án chung về đào tạo, loan báo Tin mừng,
hoạt động xã hội, ở cấp địa phương và hoàn vũ không? Như thế chứng tá ngôn sứ sẽ
được hữu hiệu hơn. Sự hiệp thông và gặp gỡ giữa các đặc sủng và ơn gọi khác
nhau là một con đường hy vọng. Không ai xây dựng tương lai một cách biệt lập,
hoặc với sức lực riêng của mình, nhưng cần biết nhận ra chân lý của sự thông hiệp
khiến ta mở rộng đến gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe, giúp đỡ lẫn nhau, và như vậy
giúp chúng ta phòng ngừa khỏi bệnh tự kỷ [c].
Đồng
thời đời sống thánh hiến được mời gọi hãy theo đuổi một sự hợp lực với các ơn gọi
trong Giáo hội, khởi đầu từ các linh mục và giáo dân, ngõ hầu “gia tăng linh đạo
hiệp thông trước tiên ở trong nội bộ, rồi đến trong cộng đồng Giáo hội và đi xa
hơn nữa” [7].
4. Tôi
cũng mong đợi nơi anh chị em điều mà tôi yêu cầu tất cả mọi thành phần của Giáo
hội: ra khỏi chính mình và đi về những vùng ngoại ô của cuộc đời: “Hãy đi khắp
tứ phương thiên hạ”, đó là những lời cuối cùng của Chúa Giêsu ngỏ với các môn đệ
và hôm nay vẫn còn ngỏ cho tất cả mỗi người chúng ta (x. Mc 16,15). Cả một nhân
loại đang chờ đợi: những người đã mất hết hy vọng, những gia đình đang gặp khó
khăn, những trẻ thơ bị bỏ rơi, các bạn trẻ gặp ngõ cụt trước tương lai, những
người già lão bệnh tật bị loại trừ, những người giàu của cải nhưng trống rỗng
trong lòng, những người đang tìm ý nghĩa cuộc đời, khao khát đời tâm linh...
Anh
chị em đừng khép lại trong chính mình, đừng để mình bị ngột ngạt với những chuyện
lẩm cẩm trong nhà, đừng bị giam hãm trong những vấn đề nội bộ. Những vấn đề này
sẽ được giải quyết nếu anh chị em đi ra ngoài để giúp những người khác giải quyết
những vấn đề của họ và loan báo Tin mừng. Anh chị em sẽ tìm thấy sự sống khi
trao ban sự sống, tìm thấy hy vọng khi trao ban hy vọng, tìm thấy tình thương bằng
cách yêu thương.
Tôi
mong đợi nơi anh chị em những cử chỉ cụ thể của việc đón tiếp người di dân, gần
gũi những người nghèo, những cử chỉ sáng tạo trong việc huấn giáo, rao giảng
Tin mừng, hướng dẫn cầu nguyện. Vì thế tôi mong ước giản lược các cơ cấu, tái sử
dụng các ngôi nhà lớn để giúp vào những công tác thích ứng hơn đối với những
yêu sách hiện tại của việc loan báo Tin mừng và bác ái, thích nghi các cơ sở với
những nhu cầu mới.
5. Tôi
mong đợi rằng mỗi hình thức đời sống thánh hiến hãy tự vấn về điều mà Thiên
Chúa và nhân loại hiện đang đòi hỏi.
Các
đan viện và những nhóm có khuynh hướng chiêm niệm có thể gặp gỡ nhau, hoặc liên
kết với nhau để trao đổi những kinh nghiệm về đời cầu nguyện, về cách thức tăng
trưởng sự hiệp thông với toàn thể Giáo hội, về cách thức nâng đỡ các Kitô hữu bị
bách hại, về cách thức đón tiếp và đồng hành với những ai đang tìm kiếm một đời
sống thiêng liêng sâu xa hơn hoặc đang cần sự nâng đỡ tinh thần hay vật chất.
Các
Dòng tu chuyên lo việc bác ái, giáo dục, cổ động văn hóa cũng có thể làm như vậy,
cũng như những Dòng dấn thân vào việc loan báo Tin mừng, hay thi hành những tác
vụ mục vụ chuyên biệt, những tu hội đời đang hoạt động bằng sự hiện diện trong
các cơ cấu xã hội. Óc tưởng tượng của Thánh Linh đã sản sinh những lối sống và
những công cuộc đa dạng mà ta không thể nào phân loại và sắp xếp vào những
khung đúc sẵn, Vì thế tôi không thể nào kể ra từng hình thái đặc sủng được. Tuy
vậy, trong Năm nay, đừng ai tránh né việc kiểm tra nghiêm túc về sự hiện diện của
mình trong Giáo hội và về cách thức đáp ứng những yêu cầu liên tục và mới mẻ
đang vang lên chung quanh chúng ta, đáp ứng với tiếng kêu của người nghèo.
Chỉ
khi nào quan tâm đến những nhu cầu của thế giới và ngoan ngoãn với Thánh Linh,
thì Năm đời sống thánh hiến mới biến thành kairòs đích thực, một thời
điểm dồi dào ân lộc của Thiên Chúa, một thời điểm làm biến đổi.
III
– Những chân trời của Năm đời sống Thánh hiến
1. Với
bức thư này, ngoài những người tận hiến, tôi ngỏ lời với các giáo dân chia
sẻ lý tưởng, tinh thần, sứ vụ với họ. Một vài Dòng đã có một kinh nghiệm lâu
dài về lĩnh vực này, những Dòng khác chỉ mới có kinh nghiệm gần đây. Thật vậy,
chung quanh mỗi Dòng tu cũng như chung quanh các Tu đoàn tông đồ và cả những Tu
hội đời, có một gia đình rộng lớn hơn, “gia đình đặc sủng” bao gồm nhiều Dòng
nhận biết nhau trong cùng một đặc sủng, và nhất là những giáo dân cảm thấy mình
được kêu gọi chia sẻ đặc sủng ấy trong điều kiện giáo dân của mình.
Tôi
khuyến khích các anh chị em, những giáo dân, hãy sống Năm Đời sống Thánh hiến
như là một hồng ân có thể giúp cho mình ý thức hơn về ân huệ đã lãnh nhận. Anh
chị em hãy cử hành Năm nay cùng với toàn thể “gia đình” để tăng trưởng và cùng
nhau đáp lại những tiếng gọi của Thánh Linh trong xã hội hôm nay. Trong vài cơ
hội, khi những người tận hiến thuộc những Dòng khác nhau gặp gỡ nhau, thì anh
chị em hãy tìm cách để cũng hiện diện như là biểu hiệu hồng ân duy nhất của
Thiên Chúa, ngõ hầu biết được kinh nghiệm của những gia đình đặc sủng khác, của
những nhóm giáo dân khác, và nhờ đó mà trở nên phong phú hơn và nâng đỡ lẫn
nhau.
2. Năm
Đời sống thánh hiến không chỉ liên quan đến những người tận hiến mà còn đến
toàn thể Giáo hội. Vì thế tôi ngỏ lời vớitoàn dân Kitô giáo để ý thức hơn
ân huệ của sự hiện diện của biết bao người tận hiến, thừa kế của những đại
thánh đã làm nên lịch sử của Kitô giáo. Giáo hội sẽ ra thế nào nếu không có
thánh Bênêđictô và thánh Basiliô, nếu không có thánh Augustinô và thánh Bênađô,
nếu không có thánh Phanxicô và thánh Đaminh, nếu không có thánh Inhaxiô Loyola
và thánh Têrêsa Avila, nếu không có thánh Angela Merici và thánh Vinhsơn
Phaolô. Danh sách hầu như bất tận, cho đến thánh Gioan Bosco, chân phước Têrêsa
Avila? Chân phước Phaolô VI đã nói: “Nếu không có dấu chỉ cụ thể này, đức mến
hun nóng toàn Giáo hội có nguy cơ sẽ nguội đi, sự nghịch lý cứu độ của Tin mừng
sẽ cùn đi, “muối” đức tin sẽ hoà tan trong một thế giới trên đường tục hóa” (Evangelica
testificatio, 3).
Vì
thế tôi mời gọi tất cả mọi cộng đồng Kitô hãy sống Năm nay trước hết để tạ ơn
Thiên Chúa và nhớ lại những hồng ân mà chúng ta đã và còn đang nhận lãnh nhờ sự
thánh thiện của những vị sáng lập và sự trung thành với đặc sủng của biết bao
người tận hiến. Tôi mời gọi hết mọi người hãy kề sát những người tận hiến, để
chia vui với họ, để san sẻ những khó khăn của họ, để hợp tác với họ, trong tầm
mức có thể được, trong việc thực thi tác vụ và công việc của họ mà cũng là của
toàn thể Giáo hội. Hãy giúp họ cảm nhận được lòng ưu ái và thiện cảm của toàn
thể dân Chúa.
Tôi
chúc tụng Chúa vì sự trùng hợp may mắn giữa Năm Đời sống thánh hiến với Thượng
hội đồng về gia đình. Gia đình và đời sống thánh hiến là những ơn gọi mang lại
sự phong phú và ân điển cho mọi người, những không gian kiến thiết các tương
quan nhân bản, những nơi loan truyền Tin mừng. Gia đình và đời sống thánh hiến
có thể giúp đỡ lẫn nhau.
3. Với
bức thư này, tôi mạo muội ngỏ lời với những người tận hiến và những phần tử
của các huynh đoàn và cộng đoàn thuộc các Giáo hội ngoài công giáo. Đời đan tu
là một gia sản của Giáo hội hiệp nhất, vẫn còn sinh động bên các Giáo hội Chính
thống và bên Giáo hội Công giáo. Từ nếp sống đan tu cũng như từ những kinh nghiệm
kế tiếp vào thời mà Giáo hội Tây phương còn hợp nhất, nhiều dự án khác được gợi
hứng giữa lòng các cộng động Giáo hội của phái Cải cách, và rồi tiếp tục sản
sinh những hình thức khác của tình hiệp thông huynh đệ và phục vụ.
Bộ
các Hội dòng tận hiến và Tu đoàn tông đồ đã phác thảo chương trình gặp gỡ giữa
các phần tử thuộc đời sống thánh hiến và huynh đệ thuộc về các giáo hội khác
nhau. Tôi hết lòng khuyến khích những cuộc gặp gỡ này, ngõ hầu tăng cường sự hiểu
biết lẫn nhau, sự quý trọng và hợp tác hỗ tương, nhờ vậy sự đại kết của đời sống
thánh hiến sẽ giúp cho con đường hợp nhất giữa tất cả các Giáo hội.
4. Chúng
tôi không thể quên rằng hiện tượng tu trì cũng hiện hữu trong tất cả các tôn
giáo lớn. Không thiếu những kinh nghiệm đối thoại liên tôn về đời đan tu giữa
Giáo hội Công giáo và một vài truyền thống tôn giáo lớn. Tôi cầu chúc cho Năm đời
sống thánh hiến trở thành cơ hội để lượng định con đường đã đi, để gây ý thức
nơi các người tận hiến về lĩnh vực này, để tự vấn về những bước kế tiếp phải
làm ngõ hầu tăng thêm sự hiểu biết lẫn nhau sâu xa hơn, và hợp tác trong khá
nhiều môi trường chung nhằm phục vụ đời sống nhân loại.
Việc
đồng hành luôn vẫn là giúp nhau trở nên phong phú hơn và mở ra những đường hướng
mới cho việc gặp gỡ giữa các dân tộc và văn hoá trong giai đoạn này đang gặp
nhiều chướng ngại.
5. Sau
cùng tôi ngỏ lời cách riêng với những anh em trong hàng giám mục. Mong sao cho
Năm nay là cơ hội thuận tiện để tiếp đón thân mật và hân hoan đời sống thánh hiến
như là một nguồn vốn liếng tinh thần góp phần vào thiện ích của toàn thể Hội
thánh (x. Lumen gentium, 43) chứ không chỉ riêng gì của các Dòng tu. “Đời
sống thánh hiến là hồng ân cho Giáo hội, phát sinh trong Giáo hội, tăng trưởng
trong Giáo hội, và hoàn toàn hướng về Giáo hội” [8]. Vì thế, xét như là hồng ân
cho Giáo hội, đời sống thánh hiến không phải là một thực thể lẻ loi, nhưng thuộc
về bản chất của Giáo hội, nằm trong tâm điểm của Giáo hội như là yếu tố quyết định
của sứ mạng Giáo hội, xét vì nó diễn tả bản chất thâm sâu của ơn gọi Kitô giáo,
và nỗi khắc khoải của Giáo hội Hôn thê mong được kết hiệp với Hôn phu duy nhất;
vì thế đời sống thánh hiến “chắc chắn thuộc về sự sống và sự thánh thiện của
Giáo hội” (Lumen gentium, 44).
Trong
bối cảnh này, tôi mời gọi anh em, những mục tử của các giáo hội địa phương, hãy
ân cần cổ động trong cộng đồng của anh em, các đặc sủng khác nhau, dù cũ hay mới,
bằng cách nâng đỡ, linh hoạt, giúp đỡ trong việc phân định, âu yếm gần gũi họ
trong những hoàn cảnh đau đớn và yếu đuối mà một vài người tận hiến có thể gặp
phải, và nhất là bằng cách dạy dỗ để soi sáng cho dân Chúa biết giá trị của đời
sống thánh hiến nhờ vậy làm nổi bật vẻ đẹp và sự thánh thiện của Giáo hội.
Tôi
ký thác Năm đời sống thánh hiến cho Đức Maria, Trinh nữ của lắng nghe và chiêm
niệm, môn sinh tiên khởi của người Con yêu dấu của mình. Chúng ta hãy nhìn ngắm
Người, là nữ tử quý mến của Chúa Cha và được trang điểm bởi mọi hồng ân, như mẫu
gương tuyệt vời của việc đi theo Chúa Kitô trên đường yêu mến Thiên Chúa và phục
vụ tha nhân.
Hợp
với anh chị em trong tâm tình biết ơn vì những ơn huệ dồi dào của ân sủng và
ánh sáng mà Chúa thương ban, tôi đồng hành với anh chị em với phép lành Tòa
thánh.
Vatican,
ngày 21 tháng 11 năm 2014, lễ Đức Mẹ dâng mình vào đền thờ
ĐGH
Phanxicô
Lm.
Giuse Phan Tấn Thành, OP chuyển ngữ
(Nguồn:
www.daminhvn.net)
–––––––––––––––––––––––
[1]
Tông thư Los caminos del Evangelio, gửi các tu sĩ nam nữ Mỹ châu Latinh
nhân dịp năm trăm năm truyền giảng Tin mừng tại Thế giới mới (29-6-1990), 26.
[2]
Bộ Dòng tu và Tu hội đời, Các tu sĩ và sự thăng tiến con người,
(12-8-1980), 24
[3] Diễn
từ cho các giám đốc và sinh viên của các học viện giáo hoàng và lưu xá tại Rôma,
(12-5-2014).
[4] Bài
giảng lễ Dâng Chúa Giêsu vào Đền thờ (2-2-2013)
[5]
Tông thư Novo millennio ineunte, (6-1-2001), 43.
[6]
Tông huấn Evangelii gaudium, (24-11-2013), 87.
[7]
Gioan Phaolô II, Tông huấn hậu thượng hội đồng Vita consecrata,
(25-3-1996), 51.
[8]
Giám mục J. M. Bergoglio, Phát biểu tại Thượng hội đồng về đời sống thánh hiến,
(13-10-1994).
––––––––––––––––––––
Chú
thích thêm của người dịch:
[a]
Nhại câu ngạn ngữ: “một ông thánh buồn là ông thánh đáng buồn (un saint
triste est un triste saint). Đi theo Chúa mà buồn thì chuyện đi theo Chúa thật
là buồn.
[b]
Một lối chơi chữ: utopia (không tưởng) gốc Hy lạp có nghĩa là “nơi
không có”, được đổi thành “nơi mới”, nghĩa là nơi được điều khiển bởi lôgic của
Tin mừng, chứ không theo lối tính toán của người đời.
[c]
Tự kỷ (auto-referenziale): chỉ nghĩ tới mình.