TÔNG CHIẾU ẤN ĐỊNH
NĂM THÁNH NGOẠI THƯỜNG VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT
Phanxicô,
Giám Mục Rôma
Tôi tớ của các tôi tớ Chúa
Gởi đến những ai đọc thư này
Ân Sủng, Lòng Thương Xót và Bình An
1. Chúa Giêsu Kitô là
khuôn mặt của lòng thương xót Chúa Cha. Những lời này có thể tổng hợp sâu sắc mầu
nhiệm của đức tin Kitô. Lòng Thương Xót đã trở nên sống động và hữu hình nơi Đức
Giêsu thành Nazareth, và đạt đến đỉnh cao nơi Ngài. Chúa Cha, “giàu lòng thương
xót” (Eph 2: 4), sau khi đã mạc khải danh Ngài với Môisê như là “một Thiên Chúa
nhân từ và đầy thương xót, chậm bất bình, giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34:
6), đã không ngừng thể hiện, bằng nhiều cách khác nhau trong suốt lịch sử, bản
tính Thiên Chúa của Ngài. Vào “thời viên mãn” (Gal 4: 4), một khi tất cả mọi thứ
đã được sắp xếp theo đúng kế hoạch cứu rỗi của Ngài, Ngài đã sai Con Một Ngài
xuống thế gian, sinh bởi Đức Nữ Đồng Trinh Maria, để biểu lộ tình yêu của Ngài
cho chúng ta một cách quyết liệt. Bất cứ ai nhìn thấy Chúa Giêsu cũng là thấy
Chúa Cha (x Ga 14: 9). Chúa Giêsu thành Nazareth, qua lời nói, hành động, và
toàn bộ con người của Ngài [1] đã thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa.
2. Chúng ta cần phải liên
tục chiêm ngắm mầu nhiệm của lòng thương xót. Đó là suối nguồn của niềm vui, sự
thanh thản và bình an. Ơn cứu rỗi của chúng ta phụ thuộc vào đó. Lòng Thương
Xót: là từ ngữ mạc khải các mầu nhiệm của Thiên Chúa Ba Ngôi. Lòng Thương Xót:
là hành động cuối cùng và tối thượng qua đó Thiên Chúa đến gặp chúng ta. Lòng
Thương Xót: là luật cơ bản ngự trị trong con tim của mỗi con người đang nhìn
chân thành vào đôi mắt của anh chị em mình trên đường đời. Lòng Thương Xót: là
cầu nối liên kết giữa Thiên Chúa và con người, trong khi mở lòng chúng ta ra
cho một niềm hy vọng được yêu thương mãi mãi bất chấp tội lỗi ngập tràn của
chúng ta.
3. Lúc này, lúc khác chúng
ta được mời gọi để dán mắt nhìn chăm chú hơn lòng thương xót để chúng ta có thể
trở thành một dấu chỉ thuyết phục hơn cho tác động của Chúa Cha trong cuộc sống
của chúng ta. Vì lý do này, tôi đã tuyên bố một Năm Thánh Ngoại Thường về Lòng
Thương Xót như một thời gian đặc biệt cho Giáo Hội; một thời gian trong đó chứng
tá của các tín hữu có thể phát triển mạnh mẽ và hiệu quả hơn.
Năm Thánh sẽ được khai mạc
vào ngày 08 Tháng 12 năm 2015, Đại Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Ngày lễ phụng
vụ này nhắc nhớ tác động của Thiên Chúa ngay từ đầu của lịch sử nhân loại. Sau
khi Adam và Eve đã phạm tội, Thiên Chúa không muốn để nhân loại cô đơn trong thống
khổ của sự dữ. Vì thế, Ngài quay sang nhìn Đức Maria, thánh thiện và tinh tuyền
trong tình yêu (x Eph 1: 4), và chọn Mẹ là Mẹ của Đấng Cứu Chuộc con người. Đứng
trước ách nặng nề của tội lỗi, Thiên Chúa đáp lại với sự sung mãn của lòng
thương xót. Lòng Thương Xót sẽ luôn luôn lớn hơn bất kỳ tội lỗi nào, và không
ai có thể đặt ra những giới hạn cho tình yêu của Thiên Chúa, Đấng luôn sẵn sàng
tha thứ. Tôi sẽ có niềm vui được mở cửa Thánh trong Đại Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm. Vào
ngày đó, Cửa Thánh này sẽ trở thành Cửa của Lòng Thương Xót mà bất cứ ai bước
vào sẽ cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa, Đấng an ủi, tha thứ, và khơi
lên niềm hy vọng.
Vào ngày Chúa Nhật sau đó,
tức là Chúa Nhật thứ Ba Mùa Vọng, Cửa Thánh của Nhà thờ Chính Toà Rôma - là Đền
Thờ Thánh Phêrô Thánh Gioan Latêranô - sẽ được mở ra. Trong các tuần lễ tiếp
theo, Cửa Thánh của các đền thờ Giáo hoàng khác sẽ lần lượt được mở ra. Cũng
trong cùng ngày Chúa Nhật đó [Chúa Nhật thứ Ba Mùa Vọng], tôi sẽ thông báo rằng
tại mỗi Giáo Hội địa phương, tại nhà thờ chính tòa - nhà thờ mẹ của các tín hữu
trong một khu vực nhất định - hoặc, tại nhà thờ đồng chính tòa hoặc tại một nhà
thờ có ý nghĩa đặc biệt, Cửa Lòng Thương Xót sẽ được mở ra trong suốt thời gian
của Năm Thánh. Theo quyết định của các đấng bản quyền điạ phương, một cửa tương
tự có thể được mở ra ở bất kỳ Đền Thánh nào thường xuyên có các nhóm đông đảo
những người hành hương kính viếng, vì những chuyến viếng thăm các nơi thánh này
là những giây phút thường được đong đầy với ân sủng, khi con người tái phát hiện
một con đường hoán cải. Mỗi Giáo Hội điạ phương, do đó, sẽ trực tiếp dự phần
trong việc sống Năm Thánh này như là một thời điểm đặc biệt của ân sủng và canh
tân tinh thần. Như thế, Năm Thánh sẽ được cử hành cả ở Roma và trong các Giáo Hội
địa phương như một dấu chỉ hữu hình của sự hiệp thông phổ quát của Giáo Hội.
4. Tôi đã chọn ngày 08
Tháng 12 do ý nghĩa phong phú của ngày lễ này trong lịch sử gần đây của Giáo Hội.
Thực vậy, tôi sẽ mở cửa Thánh vào đúng ngày kỷ niệm lần thứ năm mươi bế mạc
Công Đồng Vatican II. Giáo Hội cảm thấy một nhu cầu lớn lao phải giữ cho sự kiện
này sống động. Với Công Đồng này, Giáo Hội bước vào một giai đoạn mới trong lịch
sử của mình. Các Nghị Phụ Công Đồng cảm nhận mạnh mẽ, như một hơi thở thật sự của
Chúa Thánh Thần, nhu cầu cần phải nói về Thiên Chúa với những người nam nữ
trong thời đại của các ngài trong một cách thế dễ tiếp cận hơn. Các bức tường
quá dài đã làm cho Giáo Hội thành một loại pháo đài bị phá bỏ và đã đến lúc để
công bố Tin Mừng theo một phương thế mới. Đó là một giai đoạn mới của cùng sứ vụ
rao giảng Tin Mừng đã tồn tại từ đầu. Đó là cam kết mới cho tất cả các Kitô hữu
để làm chứng cho đức tin của họ với lòng nhiệt thành và sự xác tín mạnh hơn.
Giáo Hội đã cảm thấy một trách nhiệm trở nên một dấu chỉ sống động của tình yêu
Chúa Cha trên thế giới.
Chúng ta nhớ lại những lời
cay đắng của Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII khi khai mở Công Đồng, ngài đã chỉ ra
con đường phải theo: “Giờ đây Hiền Thê của Chúa Kitô muốn sử dụng dược phẩm
lòng thương xót chứ không phải là vũ khí của sự hà khắc... Giáo Hội Công Giáo,
khi giơ cao ngọn đuốc chân lý Công Giáo tại Công Đồng Đại kết này, muốn thể hiện
mình là một người mẹ yêu thương mọi người; kiên nhẫn, dịu dàng, từ tâm và nhân
hậu với những con cái đã xa đàn” [2] Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói với
cùng một mạch văn vào lúc bế mạc Công Đồng: “Chúng tôi muốn chỉ ra lòng bác ái
đã là tính năng tôn giáo chủ yếu của Công Đồng này như thế nào... câu chuyện
xưa về người Samaritanô nhân hậu đã là mô hình cho linh đạo của Công Đồng... một
làn sóng tình cảm và ngưỡng mộ đã tuôn chảy từ Công Đồng trên thế giới hiện đại
của nhân loại. Những sai lầm, cố nhiên, là bị lên án vì lòng bác ái đòi hỏi điều
này không thua gì những đòi hỏi của sự thật, nhưng đối với chính những cá nhân
chỉ có sự khuyên nhủ, lòng tôn trọng và tình yêu. Thay cho những chẩn đoán chán
chường, là những phương dược khích lệ; thay cho những dự đoán kinh khủng, là những
thông điệp của niềm tin được Công Đồng đưa ra cho thế giới ngày nay. Những giá
trị của thế giới hiện đại không chỉ được tôn trọng nhưng được vinh danh, nỗ lực
của thế giới được chấp nhận, nguyện vọng của nó được thanh tẩy và chúc lành...
Một điểm khác nữa chúng ta phải nhấn mạnh là điều này: tất cả giáo huấn phong
phú này được chuyển theo một hướng là sự phục vụ nhân loại, trong mọi điều kiện,
trong mỗi nhược điểm và nhu cầu.” [3]
Với những tình cảm của
lòng biết ơn này đối với tất cả mọi thứ Giáo Hội đã nhận được, và với một ý thức
trách nhiệm đối với trách vụ đang chờ đợi phía trước, chúng ta sẽ vượt qua ngưỡng
cửa của Cửa Thánh hoàn toàn tự tin rằng sức mạnh của Chúa Phục Sinh, Đấng hằng ủng
hộ chúng ta trên đường hành hương, sẽ nâng đỡ chúng ta. Nguyện xin Chúa Thánh
Thần, Đấng hướng dẫn những bước chân của các tín hữu trong việc hợp tác với
công trình cứu độ được hình thành bởi Đức Kitô, dẫn đường và nâng đỡ dân Chúa để
họ có thể chiêm ngưỡng khuôn mặt của lòng thương xót. [4]
5. Năm Thánh sẽ được bế mạc
với phụng vụ Lễ Trọng Chúa Kitô Vua vào ngày 20 tháng 11 năm 2016. Vào ngày đó,
khi chúng ta niêm phong cửa Thánh, chúng ta sẽ được tràn đầy, trên tất cả, với
một cảm thức biết ơn và tạ ơn Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh đã ban cho chúng ta
một thời gian ngoại thường của ân sủng. Chúng ta sẽ phó thác đời sống của Giáo
Hội, của nhân loại, và của toàn bộ vũ trụ cho quyền Chủ Tể của Chúa Kitô, xin
Ngài tuôn đổ lòng thương xót trên chúng ta như sương mai, để mọi người có thể
làm việc cùng nhau hầu xây dựng một tương lai tươi sáng hơn. Tôi ao ước xiết
bao là năm tới sẽ được ngập tràn trong lòng thương xót, để chúng ta có thể vươn
ra với mọi người nam nữ, mang đến với họ sự tốt lành và dịu dàng của Thiên
Chúa! Xin cho dầu thương xót tuôn đến với tất cả mọi người, cả những tín hữu lẫn
những người đã lìa xa, như một dấu chỉ cho thấy Nước Thiên Chúa đang hiện diện
giữa chúng ta rồi!
6. “Thật là xứng hợp để
Thiên Chúa để thực thi lòng thương xót, và Người tỏ quyền năng tối thượng của
Người cách đặc biệt qua điều này.” [5] Những lời của Thánh Tôma Aquinô cho thấy
lòng thương xót của Thiên Chúa là dấu chỉ sự toàn năng của Ngài chứ không phải
là một chỉ dấu của sự yếu đuối. Vì lý do đó, phụng vụ, trong một lời nguyện của
một Kinh Tiền Tụng cổ kính, mời gọi chúng ta hãy cầu nguyện: “Lạy Chúa, Đấng mạc
khải sức mạnh của mình trên tất cả nơi lòng thương xót và tha thứ.. .” [6]
Trong suốt lịch sử của nhân loại, Thiên Chúa sẽ luôn luôn là Đấng hiện diện, gần
gũi, quan phòng, thánh thiện, và thương xót.
“Chậm bất bình và giàu
lòng thương xót.” Những lời này thường đi đôi với nhau trong Cựu Ước để mô tả bản
tính của Thiên Chúa. Tính từ bi của Ngài được thể hiện cụ thể nơi nhiều hành động
của Ngài xuyên suốt lịch sử cứu độ trong đó lòng nhân từ trỗi vượt trên những
hình phạt và hủy diệt. Các Thánh Vịnh trình bày cách đặc biệt sự hùng vĩ của
hành động đầy lòng thương xót của Ngài: “Ngài tha thứ cho tất cả tội lỗi của bạn,
Ngài chữa lành mọi bệnh tật của bạn, Ngài cứu chuộc bạn khỏi hố sâu, Ngài trao
vương miện cho bạn với tình yêu kiên định và lòng thương xót” (Tv 103: 3-4). Một
Thánh Vịnh khác, thậm chí còn minh nhiên hơn nữa, khi minh chứng cho những dấu
chỉ cụ thể của lòng thương xót của Ngài: “Ngài xử công minh cho người bị áp bức,
ban lương thực cho kẻ đói ăn. Chúa giải phóng những ai tù tội, Chúa mở mắt cho
kẻ mù loà. Chúa cho kẻ bị dìm xuống đứng thẳng lên, Chúa yêu chuộng những người
công chính. Chúa phù trợ những khách ngoại kiều, Người nâng đỡ cô nhi quả phụ,
nhưng phá vỡ mưu đồ bọn ác nhân.” (Tv 146: 7-9). Còn đây là một số diễn đạt
khác của Vịnh Gia: “Người chữa trị bao cõi lòng tan vỡ, những vết thương, băng
bó cho lành... Kẻ thấp hèn, Chúa nâng đỡ dậy, bọn gian ác, Người hạ xuống đất
đen.” (Tv 147: 3, 6). Tóm lại, lòng thương xót của Thiên Chúa không phải là một
ý tưởng trừu tượng, nhưng là một thực tại cụ thể qua đó Ngài mạc khải tình yêu
của Ngài như của một người cha hay một người mẹ, rung động đến tận những sâu thẳm
của tình yêu dành cho con cái mình. Không cường điệu chút nào khi nói rằng đây
là một tình yêu “nội tại”. Nó tuôn ra ra từ những sâu thẳm cách tự nhiên, đầy dịu
dàng và từ bi, thứ tha và thương xót.
----------------------------
[1] x. Công Đồng Vatican
II Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải Thiên Chúa Dei Verbum, 4
[2] Diễn từ khai mạc Công
đồng chung Vatican II, Gaudet Mater Ecclesia - Giáo Hội Mẹ mừng vui-, ngày 11
Tháng 10 năm 1962, 2-3.
[3] Diễn từ tại phiên họp
chung cuối cùng của Công Đồng Vatican II, 07 Tháng 12 1965.
[4] x. Công Đồng Vatican
II Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium – Ánh Sáng Muôn Dân -, 16: Hiến Chế
Mục Vụ về Giáo Hội trong thế giới hiện đại Gaudium et Spes – Vui mừng và Hy vọng,
15.
[5] Thánh Tôma Aquinô,
Summa Theologica, II-II, q. 30, a. 4.
[6] Chúa Nhật 24 Thường
Niên. Đây là Kinh Tiền Tụng đã Xuất hiện vào thế kỷ thứ tám trong số các văn bản
cánh chung của Sách Lễ Gelasia (1198).
BBT Tổng hợp
Vietcatholic