Trang Chủ > Truyền Giáo > Tài Liệu Khác

TOÁT YẾU SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

DẪN NHẬP

loichua.jpgNgày 28.06.2005, Đức Tân Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã giới thiệu quyển Toát yếu Giáo lý Hội Thánh Công giáo (TYGL HTCG) cho toàn thế giới.

Quyển TYGL HTCG hôm nay mà tôi giới thiệu cho toàn thể Giáo Hội, là một tổng hợp trung thực và chắc chắn từ quyển Giáo lý Hội Thánh Công giáo. Một cách vắn gọn, nó bao gồm mọi yếu tố cốt yếu và nền tảng của Đức Tin Giáo Hội và, đúng như vị tiền nhiệm của tôi đã kỳ vọng, có thể nói đây là một loại cẩm nang cho phép mọi người, tín hữu cũng như người không tin, bao quát được toàn cảnh Đức Tin Công Giáo.

Trong cấu trúc, nội dung và ngôn ngữ, nó phản ánh trung thực quyển Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, và giúp cho quyển Giáo Lý này càng được biết đến rộng rãi và được am tường hơn.

Trước hết, tôi tin tưởng trao gửi quyển TYGL HTCG này đến toàn thể Giáo Hội và đặc biệt, cho mỗi Kitô hữu, để sang thiên niên kỷ thứ ba này, mỗi người có thể nhờ nó mà tìm lại nhiệt tình loan báo Tin Mừng và giáo dục đức tin, vốn là nét đặc trưng của mỗi cộng đoàn trong Giáo Hội và mỗi kitô hữu, bất kể tuổi tác hay quốc tịch.

NHỮNG ĐẶC ĐIỂM

Theo sát quyển Giáo lý Hội Thánh Công Giáo

Tiên vàn, quyển TYGL HTCG này không hề có ý định thay thế quyển Giáo lý Hội Thánh Công Giáo. Với nét vắn gọn, sáng tỏ và súc tích, quyển Toát yếu này cũng được gửi tới những ai đang khát khao tìm thấy Con Đường Sự Sống, Sự Thật mà Thiên Chúa đã trao phó cho Giáo Hội của Người Con Ngài.

Từ độ dày tới 900 trang, với 2865 số, quyển Giáo lý Hội Thánh Công Giáo đã được tóm lại thành quyển TYGL HTCG này có những đặc điểm chủ yếu sau:

Phải là một tác phẩm độc lập, và không thay thế quyển Giáo lý Hội Thánh Công Giáo. Trái lại, nó tiếp tục quyển Giáo lý đó, bằng cách thường xuyên trích dẫn những tham chiếu từ quyển Giáo lý, hoặc liên tục căn cứ theo cấu trúc, diễn tiến và nội dung của quyển Giáo lý.

Ngoài ra, quyển TYGL HTCG còn gây thích thú và nhiệt tình trong việc học Giáo lý, qua sự trình bày khéo léo cũng như có chiều sâu tâm linh, nên luôn luôn là bản văn nền tảng cho Giáo lý Giáo Hội hiện thời.

Soạn thảo theo dạng vấn đáp

Đặc điểm thứ hai của quyển TYGL HTCG là dạng vấn đáp, lấy lại thể văn dạy bổn thời xưa, gồm những câu hỏi và những giải đáp. Như vậy có nghĩa là đặt lại một cuộc đàm thoại lý tưởng giữa thầy và trò, qua một chuỗi liên tục những vấn đề gây chú ý cho độc giả, mời họ khám phá thêm những khía cạnh luôn luôn mới nơi chân lý đức tin của mình. Dạng vấn đáp cũng cho phép thu gọn đáng kể bản văn, đưa nó về điều cốt yếu, giúp người ta dễ tiếp thu và ghi nhớ nội dung quyển sách.

Một số câu hỏi mẫu của quyển Toát yếu

Người ta có thể nhận biết Thiên Chúa nguyên bằng sự soi sáng của lý trí?

Khởi đi từ việc tạo dựng, nghĩa là từ thế giới và từ ngôi vị nhân loại, thì chỉ cần nhờ lý trí của mình, con người vẫn có thể chấp nhận Thiên Chúa như cội nguồn và cùng đích của vũ trụ, sự thiện hảo tối cao, như chân lý và là vẻ đẹp vô biên.

Đâu là sự thống nhất giữa Cựu ước và Tân ước?

Kinh Thánh là một, vì chỉ có một Lời Chúa, chỉ có một ý định cứu độ của Thiên Chúa, và chỉ có một thần hứng duy nhất cho cả Cựu ước lẫn Tân ước. Cựu ước chuẩn bị Tân ước và Tân ước hoàn thiện Cựu ước. Cả hai soi sáng cho nhau.

Chúng ta phải có thái độ nào đối với những Kitô hữu ngoài Hội Thánh Công Giáo?

Trong những Giáo Hội và các cộng đoàn Giáo hội, đã tự tách ra khỏi sự hiệp thông hoàn toàn với Hội Thánh Công Giáo, vẫn gặp thấy nhiều yếu tố thánh hóa và chân lý. Tất cả những yếu tố tốt lành này đến từ Đức Kitô và hướng về sự hiệp nhất Công Giáo. Những chi thể của các Giáo hội và Cộng đoàn này được sát nhập với Chúa Kitô qua phép rửa, vì vậy chúng ta coio họ là những người anh em.

Một quyển Giáo lý dành cho văn hóa hình ảnh

Những hình ảnh này cho thấy nét liên lạc của quyển TYGL HTCG và được trích ra từ một di sản tranh ảnh Kitô giáo hết sức phong phú. Qua truyền thống các Công đồng, chúng ta biết được hình ảnh cũng là một lối rao giảng Tin Mừng. Vào mọi thời, các nghệ sĩ đã ghi lại những biến cố đánh dấu mầu nhiệm cứu độ, trình bày chúng với vẻ huy hoàng của màu sắc, trong nét toàn bích của vẻ đẹp, hầu giúp cho người tín hữu dễ dàng chiêm ngưỡng và thán phục. Đó chính là một chỉ số cho thấy rằng ngày nay, hơn bao giờ hết, trong nền văn hóa hình ảnh, tranh ảnh thánh có thể diễn tả nhiều hơn là những lời lẽ, vì tính năng động trong việc thông tri và truyền bá sứ điệp Tin Mừng có phần hữu hiệu hơn.

Quyển TYGL HTCG bao gồm 14 kiệt tác hội họa xuất xứ từ Đông Phương và Tây Phương. Và Đức Giáo Hoàng đã giải thích lý do: để trả lại sự công bằng cho nghệ thuật Kitô giáo.

Đây là một nét mới mẻ không ngờ. Trong phẩn dẫn nhập quyển TYGL HTCG, Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 đã viết: Những hình ảnh cũng là một lời rao giảng Tin Mừng. Các nghệ sĩ mọi thời đều cống hiến những sự kiện chính của mầu nhiệm cứu độ cho việc chiêm niệm và sửng sốt của người tín hữu bằng cách trình bày cho họ vẻ huy hoàng của màu sắc và trong nét toàn bích của cái đẹp. Đó là một chỉ số cho thấy tại sao hôm nay, hơn bao giờ hết, trong một nền văn hóa hình ảnh, một ảnh thánh có thể còn diễn tả được nhiều hơn những gì chúng ta dùng ngôn từ để nói lên, và đặc biệt hiệu quả cũng như năng động trong việc thông tri sứ điệp Tin Mừng.

Trong nghi thức giới thiệu quyển TYGL HTCG Đức Thánh Cha cũng xác định : Hình ảnh và ngôn từ lần lượt soi sáng cho nhau. Nghệ thuật luôn luôn ‘nói’, ít nhất cách mặc nhiên, về vẻ đẹp thần thiêng vô biên của Thiên Chúa, và đặc biệt được biểu lộ cách tuyệt vời trong nghệ thuật tranh tượng: Chúa Kitô, hình ảnh của Thiên Chúa vô hình. Những tranh ảnh thánh, với vẻ đẹp của mình, cũng là những sứ giả Tin Mừng, đồng thời diễn tả nét huy hoàng của chân lý Công giáo, cho thấy sự hài hòa tuyệt diệu giữa thiện và mỹ, giữa “via veritatis”(con đường chân lý) và“via pulchritudinis” (con đường mỹ lệ). Đang khi chúng làm chứng cho truyền thống nghệ thuật Kitô giáo lâu đời và hữu hiệu, chúng cũng khuyến khích mọi người, tin cũng như không tin, khám phá và chiêm ngưỡng nét diệu kỳ vô hạn của mầu nhiệm cứu chuộc, vì chúng vẫn tiếp tục tạo nên một xung lực mới mẻ cho tiến trình hội nhập văn hóa của mầu nhiệm này trong thời gian.

 Ban đầu là một ảnh Chúa Kitô có xuất xứ hồi thế kỷ XVI, được tìm thấy tại núi Athos. Nó trình bày Chúa Kitô trong uy danh Đức Chúa của trần gian, nhưng cũng là người loan báo Tin Mừng, mà Người cầm nơi tay. “Ta là” một danh xưng huyền nhiệm của Thiên Chúa trong Cựu Ước, ở đây cũng là danh hiệu riêng của Chúa Kitô: môi sự hiện hữu đều bắt nguồn từ Người; Người là nguồn cội của mọi sự. Và chỉ mình Người là nguồn cội, nên Người luôn hiện diện và gần gũi chúng ta, nhưng đồng thời  Người vẫn luôn đi trước chúng ta để chỉ đường cho chúng ta sống; hoặc đúng hơn nữa chíng Người là con đường. Người ta không thể đọc quyển sách này (quyển giáo lý) như đọc một quyển tiểu thuyết. Người  ta phải suy niệm trầm tĩnh nơi mỗi phần là để cho nội dung của nó, nhờ những hình ảnh, thấm sâu vào tận tâm hồn.

Trong việc chọn lựa những hình ảnh cho quyển TYGL HTCG, Đức Giáo Hoàng đã dành một chỗ nổi bật cho truyền thống tranh tượng của các Giáo hội  Đông phương.

Trong số 14 hình ảnh, hai thuộc truyền thống Byzantine, một thuộc truyền thống Armenian, và một thuộc truyền thống Coptic.

 Việc lưu ý đến các Giáo hội Đông Phương cũng được tỏ rõ trong phần phụ lục quyển sách. Bên cạnh những bài kinh Latinh như “ Salve Regina” và “ Te Deum”, còn có một kinh thuộc truyền thống Coptic và một kinh thuộc truyền thống Syro-Maronite.

NỘI DUNG:

Cũng như quyển Giáo Lý, quyển TYGL HTCG được chia làm bốn phần, tương ứng với những quy luật  nền tảng đời sống trong Chúa Kitô.

Phần thứ nhất: Tựa đề “Tuyên xưng Đức Tin” bao gồm một tổng hợp lex credendi, tức là Đức Tin được Giáo hội Công Giáo tuyên xưng, một tổng hợp rút ra từ Kinh Tin Kính Các Tông đồ được khai triển bởi Kinh Tin Kính Nicea- Constantinople, được cộng đồng Kitô hữu liên tục công bố, là tưởng niệm sinh động những chân lý cốt yếu của Đức Tin.

Phần thứ hai:

Tựa đề “Cử hành Mầu nhiệm Kitô giáo “, trình bày những yếu tố chủ chốt của lex celebrandi. Việc loan báo Tin Mừng tìm được câu trả lời đặc biệt trong đời sống bí tích. Ở đó, trong mỗi khoảnh khắc cuộc đời mình, các tín hữu cảm nghiệm và làm chứng cho hiệu quả cứu độ của Mầu Nhiệm Phục Sinh, nhờ đó Chúa Kitô hoàn tất công trình cứu chuộc chúng ta.

Phần thứ ba: Tựa đề “Đời Sống trong Chúa Kitô”, nhắc lại lex vivendi, tức là dấn thân mà những ai đã chịu phép rửa phải tỏ bày trong thái độ cũng như những chọn lựa đạo đức của mình, lòng trung tín với Đức Tin đã được tuyên xưng và cử hành. Vì quả thực người tín hữu được Chúa Giêsu kê gọi để thể hiện những hành động phù hợp với phẩm giá con cái Chúa Cha, trong tình yêu Chúa Thánh Thần.

Phần thứ tư: Tựa đề “Lời cầu nguyện Kitô giáo”, đưa ra một tổng hợp Lex orandi, tức là về đời sống cầu nguyện. Noi gương Chúa Giêsu, gương mẫu tuyệt hảo của con người cầu nguyện, người Kitô hữu cũng được kêu gọi để đàm đạo với Thiên Chúa trong lời cầu nguyện, mà một trong những lối diễn tả tuyệt vời là Kinh Lạy Cha, lời kinh do chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta.

NHỮNG Ý KIẾN XUNG QUANH QUYỂN TOÁT YẾU

Quyển Toát Yếu góp phần “Canh tân việc dạy giáo lý và Phúc Âm hóa”

Đức Thánh Cha ước mong quyển TYGL HTCG đóng góp vào việc canh tân lối giảng dạy giáo lý và Phúc Âm hóa, sao cho mọi Kitô hữu – trẻ em, thanh niên và người lớn, các gia đình và các cộng đoàn – nên ngoan ngùy trước hoạt động của Chúa Thánh Thần, trở thành các giáo lý viên và những người loan báo Tin Mừng trong mọi hoàn cảnh, giúp đỡ người khác gặp gỡ Chúa Kitô. (Phát biểu của Đức Thánh Cha trước khoảng 10.000 du khách và những người hành hương tựu tập lại quảng trưởng thánh Phêrô, lúc đọc Kinh Truyền Tin, ngày 03.7.2005). Quyển Toát Yếu phản ánh “mối quan tâm hiền mẫu” của Giáo Hội dành cho người tín hữu.

Theo nhận xét của Đức Ông Tommaso Scenico, thành viên Thánh Bộ Giáo Sĩ (trả lời phỏng vấn của Hãng Thông Tấn Zenit), qua quyển TYGL HTCG này, Giáo Hội đã trao kho tàng đức tin vào tay người tín hữu. Việc soạn thảo quyển TYGL HTCG phản ánh thái độ hiền mẫu của Giáo Hội, vốn luôn là người mẹ và thầy (theo lối diễn tả cảu Đức Thánh Cha Gioan XXIII). Quyển TYGL HTCG cho thấy rõ ý hướng đặt kho tàng đức tin này vào tay mọi người, một kho tàng duy nhất và không thể thay đổi, chính vì vậy quyển TYGL HTCG tùy thuộc hết sức chặt chẽ vào quyển GLHTCG. Vì lệ thuộc vào quyển GLHTCG, quyển TYGL HTCG cũng được chia làm bốn phần như ở quyển giáo lý: “Lex Vivendi” – Luân lý và “Lex Orandi” – Cầu nguyện. Dĩ nhiên Kho tàng đức tin thì không thay đổi, chỉ có cách trình bày là đổi thay.

Quyển Toát Yếu, một công trình không chút dễ dàng.

Với ĐHY christoph Schonborn, việc thu ngắn một pho sách dày tới 900 trang thành một văn ngắn hơn sẽ hết sức hữu ích. Tuy nhiên, ngài cũng thừa nhận rằng việc cô đọng bản giáo lý mà vẫn trung thành với bản gốc, là điều hết sức khó khăn. Như ngài thừa nhận, khi làm việc với quyền giáo lý, ngài đã hiểu được những khó khăn xuất hiện khi muốn tổng hợp tư tưởng của các thần học gia, các mục tử và các giám mục. Để tạo nên Cuốn Giáo Lý Bỏ Túi, “đòi hỏi kỹ năng và sự thánh thiện của một Phêrô Canisius, một Robert Bellarmine, một Turibius de Mongrobejo” (ba vị thánh học thuật quảng bác của thế kỷ XVI, mỗi vị đã từng viết một quyển giáo lý vấn tắt). ĐHY cũng tỏ ra mãn nguyện với ảnh hưởng mà quyển Giáo Lý đã gây được trong mười năm kể từ khi phát hành. Nhưng ngài cũng cho rằng điều chủ yếu là phải mở rộng việc sử dụng và hiểu biết về quyển Giáo Lý. Đó chính là do ra đời quyển TYGT HTCG này.

KẾT

Tháng Tám năm 386, dạng lúc đi dạo trong vườn nhà, Augustin đã nghe có tiếng nói với mình: “Hãy cầm lấy mà đọc, hãy cầm lấy mà đọc” (Tự thuật 8,12,29). Quyển TYGL HTCG, tổng hợp Tin Mừng Chúa Giêsu được giảng dạy qua Giáo Lý Giáo Hội, chính là một lời mời gọi hãy mở quyển sách chân lý và đọc, thậm chí còn ăn lấy quyển sách, như ngôn sứ Êđêkien đã làm (xc Ez 3,1-4). Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, quyển bằng tiếng Việt chắc chắn sẽ đến tay độc giả. Và lời hôm xưa ngỏ cùng Augustin, ngày hôm nay cũng được ngỏ với mỗi chúng ta: “Hãy cầm lấy mà đọc!”. Đến lúc đó ta mới thực sự cảm nhận sự phong phú và ích lợi của quyển TYGL HTCG này.

Lm. Giuse Đỗ Ngọc Bảo OP.

(Tổng hợp từ quyển TYGL HTCG

bản tiếng Pháp các tư liệu Internet)

 

 

 

 

 


Các bài viết mới hơn
     NHỮNG CÂU HỎI CỦA ĐỨC PHANXICÔ ĐỂ LƯỢNG ĐỊNH LÒNG NHÂN ÁI - Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
     Ghanh Tỵ....... Cơn Khát Vô Cùng Của Nhân Loại - Lyeur Nguyễn
     Tuổi trẻ trong vòng vây của cơn cám dỗ - Giuse Phạm Đình Ngọc . SJ
     Nhà Là Nơi....... Lyeur Nguyễn
     ĐHY Tagle: 7 năm với Đức Phanxicô là một dụ ngôn về sự gần gũi của Thiên Chúa
     Dung Mạo của Lòng Thương Xót_Fr. Huynhquảng
     ĐỌC KINH THÁNH Một “bài tập thiêng liêng”_ Giuse NGUYỄN Văn Lộc, SJ
     GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2016
     SUY NIỆM 20 MẦU NHIỆM MÂN CÔI THEO Ý CHỈ KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO
     100 Truyện tích Chuỗi Hạt Mân Côi - Nguồn gốc, lịch sử chuỗi hạt Mân côi, Kinh Mân côi

Các bài viết cũ hơn
     Dạy con cầu nguyện: CẦU NGUYỆN TRƯỚC KHI NGỦ. Thành Tín (HT số 33)
     Dạy con cầu nguyện : CẦU NGUYỆN NHÂN DANH CHÚA GIÊSU. HT số 33 (tiếp theo)
     Dạy con cầu nguyện. Bài 1: CẦU NGUYỆN VỚI CHA TRÊN TRỜI. HT số 33
     CHUẨN BỊ RƯỚC LỄ VÀ CÁM ƠN CHÚA. HT số 31-32
     TRUYỀN GIÁO HỌC. Hợp tuyển Thần học
     HIỆP NHẤT TRONG TÌNH YÊU. Nguyễn Ngọc Quốc Huy
     THIÊN CHÚA - CON TIM và KHÔN NGOAN. G. Tuấn Anh.
     BẠN CÓ YÊU MẾN ĐỨC MARIA KHÔNG? G. Tuấn Anh
     LỜI LOAN BÁO TIN MỪNG KHỞI ĐI TỪ CẢM NGHIỆM PHỤC SINH.Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, OP
     SỰ CỨNG LÒNG TIN. G. Tuấn Anh.