Tường thuật ngày thứ hai chuyến công du mục vụ
của Đức Thánh Cha tại Bồ Đào Nha
Thứ tư 12-5-2010 là ngày thứ hai trong chuyến tông du bốn ngày của Đức Thánh Cha tại Bồ Đào Nha. Đức Thánh Cha đã có bốn sinh hoạt chính: lúc 10 giờ sáng ngài gặp gỡ giới văn hóa tại Trung tâm văn hóa Belém trong thủ đô Lisboa. Buổi trưa Đức Thánh Cha hội kiến với Thủ tướng Bồ Đào Nha tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh. Ban chiều ngài từ giã Lisboa để đi Fatima. Tại đây sau khi thăm Nhà nguyện hiện ra, Đức Thánh Cha chủ sự buổi hát kinh chiều với các linh mục, Phó tế chủng sinh và tu sĩ nam nữ tại nhà thờ Chúa Ba Ngôi. Ban tối Đức Thánh Cha chủ sự buổi làm phép nến và lần hạt Mân côi kính Đức Mẹ.
Lúc 7 giờ 30 sáng thứ tư 12-5-2010 Đức Thánh Cha đã cử hành thánh lễ riêng tại nhà nguyện của Tòa Sứ Thần trong thủ đô Lisboa. Sau khi dùng điểm tâm, lúc 9 giờ 45 Đức Thánh Cha đã đi xe đến Trung tâm văn hóa Belém cách Tòa Sứ Thần 9 cây số để gặp gỡ 1.400 người thuộc thế giới văn hóa, gồm các nhà chính trị, kinh tế, trí thức và văn nghệ sĩ.
Trung tâm văn hóa nằm trong khu phố Belém của thủ đô Lisboa. Tòa nhà này đã được xây vào đầu thập niên 1990 và là trụ sở của Hội đồng chủ tịch Cộng đồng kinh tế Âu châu cho tới năm 1993, sau đó trở thành trung tâm văn hóa và diễn thuyết. Tại đây có một trung tâm triển lãm lớn và một viện bảo tàng trưng bầy các mẫu y phục lên cho tới năm 1937.
Đức Cha Manuel Clemente, Giám Mục Porto, Chủ tịch Ủy ban văn hóa của Hội Đồng Giám Mục Bồ Đào Nha, đã ngỏ lời chào mừng Đức Thánh Cha. Tiếp đến là bài chào mừng của đạo diễn Manoel de Oliveira, đại diện cho giới văn hóa.
Ngỏ lời với các nhà văn hóa Đức Thánh Cha tái khẳng định tình bạn, lòng qúy trọng của riêng ngài và của Giáo Hội đối với giới văn hóa và sứ mệnh cao cả và quan trọng của họ đối với nhân loại. Đức Thánh Cha cám ơn Ủy ban văn hóa của Hội Đồng Giám Mục và Bộ Văn Hóa Bồ Đào Nha đã tổ chức buổi gặp gỡ này cũng như các giới văn hóa về sự tiếp đón nồng nhiệt dành cho ngài.
Lời chào của đạo diễn Manoel de Oliveira cho thấy các âu lo và thái độ sẵn sàng của tâm hồn người dân Bồ giữa các chao đảo của xã hội ngày nay. Thật vậy, nền văn hóa ngày nay phản ánh sự căng thẳng đôi khi biến thành các hình thái xung khắc giữa hiện tại và truyền thống. Sự năng động của xã hội tuyệt đối hóa hiện tại, bằng cách tách rời nó khỏi gia tài văn hóa của qúa khứ và không có ý hướng vạch ra một tương lai. Nhưng việc đánh giá hiện tại như suối nguồn gợi hứng cho ý nghĩa cuộc sống cá nhân cũng như xã hội đụng độ với suối nguồn truyền thống văn hóa của dân tộc Bồ, mang đậm ảnh hưởng ngàn năm của Kitô giáo và với ý thức về tinh thần trách nhiệm toàn cầu. Nó được khẳng định trong các cuộc mạo hiểm khám phá và trong nhiệt tâm truyền giáo để chia sẻ đức tin với các dân tộc khác. Lý tưởng đại đồng và tình hguynh đệ Kitô đã gợi hứng cho cuộc mạo hiểm chung đó, cả khi các ảnh hưởng của chủ thuyết thiên quang luận và duy đời có mạnh mẽ đi nữa. Truyền thống đó đã làm nảy sinh ra điều mà chúng ta có thể gọi là sự “khôn ngoan”, nghĩa là ý nghĩa của cuộc sống và lịch sử thành phần của thế giới luân lý đạo đức, và một lý tưởng mà Bồ Đào Nha phải chu toàn trong tương quan với phần còn lại của thế giới. Đức Thánh Cha nêu bật phần đóng góp của Giáo Hội trong lãnh vực này như sau:
Giáo Hội như là một người bảo vệ một truyền thống lành mạnh và cao qúy, góp phần phục vụ xã hội. Giáo Hội tiếp tục tôn trọng và đánh giá cao việc phục vụ công ích của nó nhưng nó đang xa rời sự khôn ngoan thành phần gia tài của nó. Sự xung khắc giữa truyền thống và hiện tại được diễn tả ra trong cuộc khủng hoảng của sự thật, nhưng chỉ có sự thật mới có thể định hướng và vạch ra con đường của một cuộc sống thành công cho cá nhân cũng như cho dân tộc. Thật vậy, một dân tộc mà không còn biết đâu là sự thật của riêng mình nữa, thì rốt cuộc sẽ bị mất hút trong các mê cung của thời gian và lịch sử, không có giá trị được định nghĩa rõ ràng và không có các mục đích lớn lao báo trước. Cần nỗ lực hiểu biết hình thức Giáo Hội định vị của mình trong thế giới, bằng cách trợ giúp xã hội hiểu rằng loan báo sự thật là một việc phục vụ Giáo Hội cống hiến cho xã hội, bằng cách mở rộng các chân trời mới mẻ của tương lai, của sự cao cả và của phẩm giá.
Thật thế, Giáo Hội có một sứ mệnh sự thật phải chu toàn trong mọi thời đại và mọi trạng huống, để tạo dựng một xã hội phù hợp con người, với phẩm giá và sứ mệnh của nó. Việc trung thành với con người đòi buộc phải trung thành với sự thật, là bảo đảm duy nhất của sự tự do và khả thể phát triển nhân bàn toàn diện. Chính vì thế Giáo Hội tìm kiếm sự thật, không mệt mỏi loan báo sự thật và thừa nhận sự thật tại tất cả mọi nơi nó tỏ hiện. Sứ mệnh sự thật đó là điều Giáo Hội không thế khước từ được” (Caritas in veritate, 9).
Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha khẳng định rằng đối với một xã hội có đa số dân theo công giáo và có nền văn hóa in đậm dấu vết của Kitô giáo, kiếm tìm sự thật ngoài Chúa Giêsu Kitô là một điều thê thảm. Đối với Kitô hữu Chân Lý là Thiên Chúa, là Ngôi Lời vĩnh cửu, là Đức Giêsu Kitô Đấng đã nói “Ta là Sự Thật” (Ga 4,6). Trong sự gắn bó với sự thật ngàn đời, Giáo Hội tập sống với và tôn trọng các “sự thật khác”, hay sống sự thật với các người khác. Cuộc đối thoại đó có thể mở ra các cánh cửa cho việc thông truyền sự thật. Đức Phaolô VI đã nói: “Giáo Hội phải đối thoại với thế giới trong đó nó sống. Giáo Hội trở thành lời nói, Giáo Hội trở thành sứ điệp, Giáo Hội trở thành đối thoại” (Ecclesiam, 67). Đối thoại không hàm hồ và tôn trọng các thành phần khác là một ưu tiên trong thế giới hiện nay, mà Giáo Hội không tránh né. Sự hiện diện của Tòa Thánh trong các cơ cấu quốc tế khác nhau, thí dụ như tại trung tâm Bắc Nam của Hội Đồng Âu châu được thành lập cách đây 20 năm tại Lisboa, là một dấu mốc cho cuộc đối thoại liên văn hóa, nhằm thăng tiến sự cộng tác giữa Âu châu, miền Nam Địa Trung Hải và Phi châu, cũng như để xây dựng một quốc tịch thế giới dựa trên các quyền con người và trách nhiệm công dân, độc lập với nguồn gốc chủng tộc, chính trị và tôn trọng các niềm tin tôn giáo. Phải lam sao để sự khác biệt văn hóa đó trở thanh dịp làm giầu cho nhau, cống hiến cho nhau chân thiện mỹ. Và Đức Thánh Cha đã đưa ra lời kêu gọi như sau:
Đây là giờ phút đòi hỏi điều tốt đẹp nhất trong sức lực của chúng ta, sự táo bạo ngôn sứ, khả năng được canh tân để “chỉ cho thế giới thấy các thế giới mới”, như thi sĩ Luigi di Camoes của anh chị em đã nói. Anh chị em là những người làm văn hóa trong mọi hình thái của nó, là những người tạo dựng tư tưởng và dư luận, “nhờ tài năng anh chị em có khả thể nói với con tim của nhân loại, đánh động sự nhậy cảm cá nhân và tập thể, khơi dậy các giấc mơ và niềm hy vọng, trải rộng các chân trời của sự hiểu biết và dấn thân của con người... Đừng sợ hãi đối đầu với suối nguồn đầu tiên và cuối cùng của vẻ đẹp, đối thoại với các tín hữu, với những người như anh chị em, cảm thấy mình là người lữ hành trong thế giới này và trong lịch sử của Vẻ Đẹp vô tận” (Diễn văn nói với giới văn nghệ sĩ 21-11-2009).
Công Đồng Chung Vatican II đã được nhóm họp chính là “để cho thế giới tân tiến tiếp cận với các năng lực sống động ngàn đời của Tin Mừng” (Giovanni XXIII, Humanae salutis, 3). Công Đồng khởi hành từ ý thức được canh tân về truyền thống công giáo, nghiêm chỉnh phân định, biến đổi và thắng vượt các phê bình trong nền tảng của các sức mạnh đặc tính của sự tân tiến hay Cải cách và thuyết thiên quang luận... Công Đồng đã đặt để các giả thiết cho một việc canh tân công giáo đích thật và cho một nền văn minh mới, nền văn minh của tình thương, như việc phục vụ cho con người và xã hội theo tinh thần Tin Mừng.
Từ biệt giới văn hóa Đức Thánh Cha trở lại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh và vào lúc 12 giờ ngài đã có cuộc hội kiến với Thủ tướng Bồ trong vòng 45 phút. Thủ tướng José Sócrates được Ngoại trưởng Bồ và Đại sứ Bồ cạnh Tòa Thánh tháp tùng. Ông đã được Đức Sứ Thần Tòa Thánh tiếp đón và đưa lên lầu 1 để hội kiến với Đức Thánh Cha.
Sau khi dùng bữa trưa với đoàn tùy tùng và nghỉ ngơi chốc lát, lúc 15 giờ 45 Đức Thánh Cha đã rời Tòa Sứ Thần để ra phi trường quốc tế Lisboa cách đó 6 cây số lấy trực thăng đi Fatima.
Fatima là tên A rập của một làng miền trung Bồ Đào Nha, cách thủ đô Lisboa 120 cây số. Làng này có 8.000 dân là nơi hồi năm 1917 Đức Mẹ đã hiện ra với ba trẻ mục đồng là Lucia 10 tuổi, Phanxicô 9 tuổi và Giacinta 7 tuổi.
Đền thánh đã được xây tại “Cova da Iria” là nơi Đức Mẹ hiện ra, bao gồm quảng trường dài 540 mét, ngang 160 mét. Mạn bắc là Vương Cung Thánh Đường kính Đức Mẹ xây năm 1928. Bên cạnh có nhà tĩnh tâm “Nossa Senhora do Carmo”, đối diện là nhà tĩnh tâm “Nossa Senhora das Dores” là nơi ở của Ban Giam Đốc trông coi đền thánh và các văn phòng quản trị. Nhìn vào mặt tiền đền thờ, bên trái là “Nhà nguyện hiện ra”, nơi từ năm 1922 có tượng Đức Trinh Nữ bằng gỗ trắc bá Brasil.
Nhà nguyện này được xây năm 1919 nơi có cây sồi trên đó Đức Mẹ đã hiện ra với ba mục đồng hai năm trước đó. Cuối quảng trường đối diện với Vương Cung Thánh Đường là quảng trường Pio XII, là vị Giáo Hoàng đã nhiều lần bầy tỏ lòng sùng kính đối với Đức Mẹ Fatima.
Tượng Đức Mẹ Fatima cao 1 mét 10 được đội triều thiên năm 1956 đã thánh du đó đây trên thế giới 9 lần. Trong Năm Thánh Cứu Độ tượng đã được rước về Roma và đặt tại quảng trường Thánh Phêrô ngày 25-3-1984 trong thánh lễ, trong đó Đức Gioan Phaolô II đã thánh hiến thế giới và toàn nhân loại cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Mẹ.
Dưới các hàng cột nối liền Vương Cung Thánh Đường với các dinh thự khác là 14 chặng đàng Thánh Giá do tín hữu Hungari dâng kính cùng với nhà nguyện kính thánh Stephano Bổn Mạng Hungari, dưới đồi Canvê.
Bên trong Vương Cung Thánh Đường có mộ của ba mục đồng. Năm 1986 các nhân đức anh hùng của Phanxicô và Gicinta được thừa nhận, và ngày 13-5-2000 Đức Gioan Phaolô II đã phong Chân Phước cho hai người. Tại Fatima có nhiều trường trung học và các khách sạn và nhà trọ có hơn 10.000 chỗ. Bên cạnh đó có nhiều dòng tu cũng nhận khách hành hương hay những người muốn tới tĩnh tâm.
Giáo phận Leiria-Fatima được thành lập năm 1545, bị hủy bỏ năm 1881 và tái lập năm 1918, có 288 ngàn dân, 91% theo công giáo, gồm 75 giáo xứ, 264 nhà thờ, 100 Linh mục giáo phận, 70 Linh mục dòng, 18 tu huynh, 664 nữ tu, 5 đại chủng sinh. Giáo hội điều khiển 61 cơ sở giáo dục và 47 cơ sở bác ái. Giám Mục giáo phận là Đức Cha António Augusto dos Santos Marto.
Ra đón Đức Thánh Cha tại phi trường Fatima có Đức Giám Mục giáo phận Leiria - Fatima và ông Chủ tịch chính quyền vùng Ourem cũng như chính quyền quân sự vùng này.
Từ phi trường Đức Thánh Cha đã đi xe tới viếng Nhà nguyện hiện ra cách đó 4,5 cây số. Hàng trăm ngàn tín hữu đã tụ tập nhau tại quảng trường để chào đón Đức Thánh Cha.
Đức Thánh Cha đã được Linh Mục Virgilio do Nascimento Antunes, Giám đốc Đền Thánh, tiếp đón. Ngài đến qùy cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ và dâng kính Đức Mẹ một hoa hồng bằng vàng. Tiếp đến Đức Thánh Cha đã đến nhà thờ chính tòa Chúa Ba Ngôi cách đó 300 thước để chủ sự buổi hát kinh chiều với các linh mục, Phó tế, chủng sinh và tu sĩ nam nữ.
Lễ nghi đặt viên đá đầu tiên xây nhà thờ kính Chúa Ba Ngôi được cử hành ngày mùng 6 tháng 6 năm 2004. Viên đá là một miếng cẩm thạch lấy từ mộ của thánh Phêrô dưới hầm Đền Thờ Thánh Phêrô được Đức Gioan Phaolô II tặng và làm phép. Để ghi ơn Đức Giáo Hoàng miếng cấm thạch này được gắn trước bàn thờ chính và viên đá đặt nền là một viên đá khác cũng lấy từ hầm đền thờ Thánh Phêrô.
Nhà thờ chính tòa kính Chúa Ba Ngôi được khánh thành ngày 14 tháng 10 năm 2007, rất rộng, có 8.600 chỗ ngồi. Mái nhà thờ rộng 12.000 mét vuông được cấu trúc để đặt hệ thống lấy điện từ ánh mặt trời. Bên trong nhà thờ các tường có hệ thống cách âm và có hệ thống lọc và điều hòa không khí. Bàn thờ, giá sách, ghế ngồi của chủ tế và nền nhà thờ bằng đá biển trắng, trong khi phần còn lại là bằng đá vôi mầu xanh đậm da trời.
Buổi gặp gỡ diễn ra trong bầu khí cử hành Năm Linh Mục. Cùng hiện diện trong buổi hát kinh chiều với các linh mục, chủng sinh, phó tế và các tu sĩ nam nữ cũng có các nhân viên mục vụ và thành viên các phong trào và hội đoàn giáo hội.
Trong bài giảng sau bài đọc ngắn, Đức Thánh Cha bày tỏ lòng quí mến và biết ơn của Giáo Hội đối với tất cả các Linh Mục, tu sĩ, những người đã dâng mình cho Chúa Kitô. Ngài nói: “Tôi cám ơn vì chứng tá nhiều khi âm thầm của anh chị em và nhiều khi không dễ dàng. Trong Chúa Kitô hiện diện nơi phép Thánh Thể, tôi thân ái chào thăm tất cả các anh chị em trong chức linh mục, các phó tế, các tu sĩ thánh hiến nam nữ, các chủng sinh cũng như các thành viên phong trào và hội đoàn của Giáo Hội hiện diện nơi đây.. Mối quan tâm chính của mỗi Kitô hữu, đặc biệt của những người thánh hiến và các thừa tác viên bàn thánh phải là làm sao trung thành với ơn gọi của mình, như người môn đệ muốn theo Chúa. Lòng trung thành trong thời gian chính là danh xưng của tình yêu; một tình yêu trước sau như một, chân thực và sâu đậm đối với Chúa Kitô Linh Mục”.
Đức Thánh Cha cũng trưng dẫn lời vị tiền nhiệm Gioan Phaolô II: “Nếu bí tích rửa tội là việc bước vào sự thánh thiện của Thiên Chúa qua sự tháp nhập vào Chúa Kitô và được Thánh Linh của Chúa ngự trị, thì thật là điều mâu thuẫn, khi chúng ta chỉ hài lòng với một cuộc sống tầm thường, chỉ sống theo thứ luân lý tối thiểu và và một thứ đạo đức hời hợt”. (Thư Novo millennio ineunte, 31).
Đức Thánh Cha nhấn mạnh ý nghĩa Giáo Hội như một cộng đoàn đức tin và như một thân mình của Chúa Kitô, trong đó “có sự liên đới sâu xa giữa mọi chi thể của thân mình Chúa Kitô: không thể yêu mến Chúa mà lại không yêu thương anh em mình”. Trong bối cảnh đó, Đức Thánh Cha nhấn mạnh tầm quan trọng của sự minh bạch và lòng trung thành của các linh mục, tinh thần liên đới và tương trợ nhau giữa các linh mục. Ngài cũng nói rằng thánh Gioan Maria Vianney e ngại “các linh mục trở nên thiếu nhạy cảm và quen dần với sự dửng dưng lãnh đạm của các tín hữu: “Khốn cho mục tử nào im lặng khi thấy Thiên Chúa bị xúc phạm và các linh hồn bị hư mất!”...
“Anh em hãy ý thức về hồng ân khôn sánh là chức linh mục của anh em. Lòng trung thành của anh em đối với ơn gọi của mình đòi phải can đảm và tín thác, nhưng Chúa cũng muốn anh em biết hợp lực với nhau; hãy tỏ ra ân cần đối với nhau và nâng đỡ nhau”. Thật là điều quan trọng khi anh em giúp đỡ nhau bằng lời cầu nguyện và những lời khuyên hữu ích, những lời phân định! Hãy đặc biệt chú ý đến những tình trạng suy yếu lý tưởng linh mục, hoặc chỉ lo toan những công việc không phù hợp hoàn toàn với những gì thuộc về thừa tác viên của Chúa Giêsu Kitô. Vì thế, đây là lúc phải có thái độ cương quyết giúp đỡ anh em mình đứng vững, cùng với tình huynh đệ nồng nhiệt”.
Sau cùng, ám chỉ đến tình trạng thiếu ơn gọi Linh Mục tại Bồ đào nha, Đức Thánh Cha nói rằng: “Tuy chức linh mục của Chúa Kitô là đời đời” (Dt 5,6), nhưng cuộc sống của linh mục lại giới hạn. Chúa Kitô muốn rằng những người khác nối tiếp qua dòng thời gian chức linh mục thừa tác mà ngài đã thiết lập. Vì thế, anh em hãy duy trì những ơn gọi linh mục nơi các tín hữu.
Sau cùng ngài nhắn nhủ các Linh Mục, tu sĩ nam nữ Bồ đào nha, hãy dấn thân trên con đường trung thành, để mang đến cho xã hội ngày nay Chúa Giêsu, chịu chết và sống lại, nhưng Người vẫn ở lại với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế và tiếp tục ban mình cho mọi người trong bí tích Thánh Thể.”
Đức Thánh Cha đã đọc lời kinh phó thác và thánh hiến các linh mục cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria. Lời kinh mở đầu như sau: “Lậy Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, trong nơi ân sủng này, được triệu tập bởi tình yêu của Chúa Giêsu Con Mẹ, là Linh Mục Thượng Phẩm đời đời, chúng con là con trong Người Con và linh mục của Người, chúng con thánh hiến mình cho Trái Tim hiền mẫu Mẹ để trung thành chu toàn thánh ý Thiên Chúa Cha...
Đức Thánh Cha xin Đức Mẹ khẩn cầu cho các linh mục được ơn biến đổi trong Chúa Kitô, để cho Chúa Kitô sinh ra trong các linh mục, cho Giáo Hội được canh tân bởi các linh mục thánh thiện được biến đổi bởi ơn thánh của Đấng đổi mới mọi sự. Ngài xin Mẹ bầu cử cho các linh mục được trở nên dụng cụ của ơn cứu độ, ánh sáng và muối đất của trần gian, không suy giảm trong ơn gọi, không nhượng bộ các ích kỷ, các lôi cuốn của trần gian và gợi ý của Kẻ Dữ. Ngài xin Đức Mẹ giữ gìn các linh mục trong trắng, khiêm nhường, và bao bọc các linh mục với tình yêu hiền mẫu của Mẹ, để cho các linh mục thực sự là các chủ chăn hạnh phúc tận hiến cho Thiên Chúa và cho tha nhân, bằng lời nói và cuộc sống và hằng ngày lập lại ba tiếng “này con đây”. Xin Mẹ hướng dẫn và làm cho các linh mục trở thành các Tông Đồ của Lòng Thương Xót Chúa, tươi vui cử hành Hiến Tế thánh thiện và sẵn sàng ban bí tích Hoà Giải. Xin Mẹ hoàn toàn canh tân trái tim của các linh mục để các vị yêu mến Thiên Chúa hết sức mình và phục vụ nhân loại như Mẹ đã phục vụ. Xin Mẹ bầu cử cùng Thiên Chúa Cha và Chúa Con đổ tràn đầy Thánh Thần xuống trên các linh mục. Đức Thánh Cha xin Đức Mẹ đừng mệt mỏi viếng thăm, an ủi và nâng đỡ các linh mục, giải cứu các vị khỏi mọi hiểm nguy. Ngài xin sự hiện diện của Mẹ làm nở hoa sa mạc cô đơn và dãi sáng mặt trời trên các tối tăm, cho bình yên trở lại sau bão tố, để mọi người trông thấy ơn cứu độ của Chúa.
Kết thúc buổi hát kinh chiều Đức Thánh Cha đã đi xe đến nhà “Đức Bà Camêlô” cách đó 300 mét để dùng bữa tối. Lúc 9 giờ rưỡi tối ngài đã đến Nhà Nguyện Hiện Ra để làm phép nến và chủ sự buổi lần hạt Mân Côi kính Đức Mẹ.
Ngỏ lời với tín hữu Đức Thánh Cha khích lệ mọi người noi gương Mẹ Maria để cho lời Mẹ nói với thiên thần “xin xảy ra cho tôi” vang vọng trong cuộc sống. Với nến sáng trong tay, anh chị em giống như một biển ánh sáng chung quanh nhà nguyện đơn sơ kính Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ chúng ta, khi từ đất về trời xem ra như một luồng ánh sáng đối với ba mục đồng. Nhưng ánh sáng của Mẹ cũng như của chúng ta đến từ Chúa Giêsu. Sự hiện diện của Chúa trong chúng ta nhắc nhớ đến bụi gai cháy đã lôi kéo sự chú ý của ông Môsê trên núi Sinai. Chúng ta chỉ là bụi gai đáng thương, nhưng có ánh sáng vinh quang của Thiên Chúa ngự xuống. Vì thế chúng ta hãy chúc tụng và tôn vinh Chúa, vì các chương trình kỳ diệu của Ngài. Trinh Nữ Maria đầy ơn phúc đã là nữ tỳ khôn sánh của các chương trình ấy. Trước bụi gai cháy Thiên Chúa đã truyền cho ông Môsê cởi dép ra, vì đất nơi ông đang đứng là đất thánh (Xh 3,5). Ông đã vâng lời, nhưng sẽ lại mang dép vào và ra di giải thoát dân Israel khỏi kiếp sống nô lệ bên Ai Cập để dẫn họ về vùng Đất Hứa. Nó không chỉ là vùng đất quốc gia mà mọi dân tộc đều có quyền sống. Vì cuộc chiến đấu ấy cũng là chiến đấu cho quyền tự do thờ phượng và tự do phụng tự nữa.
Trong thời đại chúng ta ngày nay, tại nhiều vùng dất trên thế giới đức tin có nguy cơ bị tắt lịm như một ngọn đèn không được châm dầu, vì thế ưu tiên hàng đầu là phải làm cho Thiên Chúa hiện diện trong thế giới này và làm cho con người đến được với Thiên Chúa, Đấng đã nói tại núi Sinai; và gương mặt của Người chúng ta có thể nhận ra nơi Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh và phục sinh. Anh chị em thân mến, hãy thờ lạy Chúa Kitô trong trái tim anh chị em. Đừng sợ hãi nói về Thiên Chúa và đừng xấu hổ biểu lộ các dấu chỉ của đức tin, bằng cách làm rạng ngời lên trong mắt của con người thời nay ánh sáng của Chúa Kitô.
Nơi đây chúng ta kinh ngạc nhận ra sức mạnh nôi tâm xâm chiếm ba trẻ mục đồng trong những lần hiện ra của Thiên Thần và của Mẹ Thiên Quốc. Nơi đây bao lần Mẹ đã xin chúng ta lần hạt, chúng ta hãy để cho các mầu nhiệm của Chúa Kitô, các mầu nhiệm Mân Côi của Mẹ Maria lôi cuốn... Ơn thánh tràn ngập con tim, khơi đậy ước muốn thay đổi cuộc sống để chúng ta có thể nói như thánh Phaolô: “Đối với tôi sống là Chúa Kitô” (Pl 1,21).
Kết thúc bái huấn dụ Đức Thánh Cha nói ngài cảm thấy được đồng hành bởi lòng sùng mộ và yêu thương của các tín hữu từ khắp nơi trên thế giới tề tựu về đây, và Ngài mang theo các âu lo, các chờ mong của thời đại chúng ta và các thương tích của nhân loại, các vấn đề của thế giới đến đặt dưới chân Mẹ.
Xin Mẹ bầu cử với Con Mẹ cho mọi gia đình các dân nước đã biết Chúa cũng như chưa biết Chúa, để cho mọi người được sống trong hòa bình và hòa hợp cho tới khi trở thành một dân duy nhất của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Sau buổi canh thức Đức Thánh Cha đã trở về Nhà Đức Bà Camelô để nghỉ đêm kế thúc ngày thứ hai viếng thăm Bồ Đào Nha.