Trang Chủ > Truyền Giáo

“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng” Ơn gọi Truyền giáo

truyền giáo.png

Chúng ta không thể tìm thấy bất cứ điều gì trong các sách Phúc Âm viết về khoảnh khắc Chúa Giêsu rời bỏ mẹ, bạn bè, làng quê Nazareth để trở thành một nhà truyền giáo. Có lẽ đó là vào một buổi cuối chiều khi mặt trời đang làm dịu bớt cái nóng oi ả của mình.

Chắc chắn chính là khi Đức Maria đang ở trong bếp, xung quanh là xoong nồi, gần cái cửa sổ có giàn hoa giấy, thì đến lúc Người phải ra đi.

“Thưa mẹ,” Chúa Giêsu cất tiếng nói, “con phải ra đi.” Đức Maria lặng lẽ vuốt ve đôi tay Người, thậm chí không dám ngước mắt lên. Đã nhiều năm Đức Mẹ luôn suy nghĩ về những lời đó trong lòng. Rồi Đức Mẹ nhìn lên Người một cách thanh thản, miệng thì mỉm cười nhưng nước mắt lưng tròng. Chúa Giê-su khẳng định: “Con đến là để thực hiện ý định của Thiên Chúa.”

Chúa Giê-su ra đi mà không ngoái đầu lại. Đức Maria cảm thấy như một thanh kiếm đang xuyên qua chính tâm hồn mình. Lời cầu nguyện duy nhất của Đức Mẹ đó là “Tôi là tôi tớ Chúa.” Trong khi đó, Chúa Giê-su lặp lại: “Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con; nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn.”

Tại sao phải ra đi?

Tại sao một nhà truyền giáo phải ra đi? Tại sao phải bỏ lại những người thân yêu? Tại sao phải hy sinh một tương lai hoặc một vị trí vinh quang có thể có trong xã hội? Tất cả những điều này chỉ để trở thành một người hành hương – không bao giờ “định cư” hoàn toàn, luôn phải học các ngôn ngữ và phong tục khác. Không có quyền công dân mà với một túi ước mơ.

Tại sao một nhà truyền giáo phải ra đi?

Câu trả lời khả dĩ duy nhất nằm trong kế hoạch tổng thể của Thiên Chúa. Cha của chúng ta mong muốn tất cả con cái của Người đều được cứu rỗi. Người đã ban chính con trai mình, Chúa Giêsu Kitô, làm Đấng cứu chuộc mọi người không phân biệt chủng tộc, văn hóa hay tín ngưỡng (1Ga 4, 34). Nơi Đức Giêsu, Con Thiên Chúa làm người,Đấng đã chết và đã sống lại từ cõi chết, ơn cứu rỗi đã được ban cho mọi người như quà tặng của ân sủng và lòng thương xót của Thiên Chúa (Ep 2, 8). Đây là Tin Mừng mà Giáo Hội phải loan báo cho đến ngày tận thế. “Vậy anh em hãy đi loan báo Tin Mừng và làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy…. Thầy luôn ở cùng với anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28, 19-20).

Tại sao một nhà truyền giáo phải ra đi? Bởi vì có một ngọn lửa mà chúng ta không thể chỉ giữ bên trong mình. Ơn gọi của chúng ta là trở nên muối và ánh sáng. Chúng ta cần đốt sáng người khác bằng niềm vui đức tin của chúng ta. Không ai có thể hạnh phúc một mình. Không ai có thể được cứu độ một mình. Cứu độ là vấn đề hiệp thông – hoặc là chúng ta cùng nhau đến với Chúa Cha hoặc là không ai cả. Chúng ta không thể hình dung một bữa tiệc gia đình mà vắng mặt những anh chị em đang đau khổ. Chúng ta không thể là người Kitô hữu nếu chúng ta không chia sẻ tình yêu, hy vọng và đức tin của mình.

Tại sao một nhà truyền giáo phải ra đi? Ra đi không chỉ là một sự chuyển dịch về phương diện vật lý hay địa lý; đó là một sự chuyển đổi thiêng liêng, là việc Người Chủ Chăn Tốt Lành bỏ chín mươi chín con chiên trong đồng vắng để tìm kiếm con chiên bị thất lạc cho đến khi tìm thấy nó (Lc 15, 4-6). Mỗi nhà truyền giáo ra đi là một lời tuyên xưng về lòng thương xót của Thiên Chúa.

Các ngài ra đi với niềm tin tưởng tuyệt đối vào Chúa Phục Sinh và nhân danh cộng đoàn đã sai các ngài ra đi.

Sứ mệnh truyền giáo thực sự là gì?

Chúng ta chỉ có thể hiểu được ý nghĩa thực sự của sứ mệnh truyền giáo (được sai đi) khi chúng ta xem xét kế hoạch tình yêu của Đức Chúa Cha:

(a)          1Tm 2,5-6: “Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ”.

(b)          Ga 11,51-52: Chúa Giêsu Kitô, nhà truyền giáo chân chính và duy nhất, qua lời nói và việc làm, qua cái chết và sống lại của Người, muốn “quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối.”

(c)          Cv 1,8: Hội thánh đã nhận được sứ mệnh, cùng với quyền năng của Chúa Thánh Thần, mang Tin Mừng về sự cứu rỗi đến cho mọi người. “Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất.”

(d)          Lc 9,1-2: “Rồi Đức Giêsu sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân.” Hoạt động truyền giáo vừa là lời kêu gọi hoán cải khỏi tội lỗi (những người mới được tái tạo bằng Phép Rửa và bằng cuộc sống theo Phúc Âm) vừa là một cam kết biến đổi các điều kiện sống của con người (giải phóng

khỏi mọi thứ áp bức con người, chống lại phẩm giá con người là con cái của Thiên Chúa). Sứ mệnh truyền giáo luôn luôn là loan báo và phục vụ. Sứ mệnh truyền giáo là xây dựng cộng đoàn Kitô hữu vừa đồng thời thúc đẩy phúc lợi xã hội.

(e)          1Cr 9,16: “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” Nhiệm vụ truyền giáo cho mọi người là bổn phận của mỗi người Kitô hữu. Các nhà truyền giáo là những tấm gương sống động về trách nhiệm này; các ngài thực hiện công việc này dưới danh nghĩa của chúng ta và với sự hỗ trợ liên tục của chúng ta. Giáo Hội “tự bản chất là truyền giáo” (Ad Gentes 2). Thực tế, truyền giáo là ơn gọi phù hợp với Hội thánh, bản sắc sâu xa nhất của Giáo Hội. “Giáo Hội hiện hữu để rao giảng Tin Mừng” (Evangelii Nuntiandi

14). Không thể tưởng tượng được khi một người chấp nhận Lời Chúa mà lại không trở thành người làm chứng cho Lời Chúa.

Cho đi từ sự nghèo khó của chúng ta

Kết luận của suy nghĩ về sứ mệnh truyền giáo như thế rất rõ ràng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.” (Mt. 9,37-38). Phần lớn nhân loại vẫn đang chờ đợi Tin Mừng. Và thế giới cần thông điệp Phúc Âm. Một thế giới cần BẠN quan tâm.

Sứ mệnh truyền giáo của chúng ta là sứ mệnh yêu thương của Chúa Kitô. Một lời kêu gọi đưa chúng ta rời xa những gì là thoải mái là quen thuộc để đến những người nghèo khó, những người đau khổ và những người bị lãng quên trên thế giới. Các nhà truyền giáo nhìn về tương lai với tràn đầy hy vọng, vì biết rằng Thiên Chúa đang hoạt động.

Nhiều khi người ta nói: “Tại sao lại phải đi ra ngoài nếu cũng ở đây, ở đất nước chúng ta, chúng ta có rất nhiều nhu cầu?... Giúp đỡ người khác hãy để sau… Họ đang đánh cắp các ơn gọi của chúng ta…” May mắn là Chúa Giêsu và các môn đệ có cách nghĩ khác. Các ngài đã lập tức đi ra khỏi biên giới của Jerusalem và Israel.

Các ơn gọi truyền giáo từ chính đất nước của chúng ta cho thấy chúng ta có thực sự tin rằng Thiên Chúa là tình yêu và Người muốn tất cả mọi người được cứu độ hay không, có thực sự tin rằng Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta thêm nhiều ân phúc nếu chúng ta chia sẻ với những người khác những ân phúc mà chúng ta đã được nhận hay không. Các ơn gọi truyền giáo tạo ra một giáo hội thực sự “công giáo”, một giáo hội phổ quát trong đức ái. Ơn gọi truyền giáo đòi hỏi những gì tốt nhất nơi chúng ta và những người tốt nhất từ các cộng đoàn của chúng ta.

Một ví dụ là bà góa trong Phúc Âm (Mc 12: 41-44). Bà góa đến bỏ vào hộp lễ cúng hai đồng tiền nhỏ. Những người khác bỏ của mình dư thừa, còn bà đã bỏ “tất cả những gì mình có để nuôi sống bà.” Thách thức là thế này: hãy cho đi ngay cả khi bản thân chúng ta đang túng thiếu!

Tác giả: Lm. Rafael Gonzales, mccj

 

 

 

 

 


Các bài viết mới hơn
     Ước mơ và đam mê truyền giáo của một nhà truyền giáo ở Ethiopia -Nt. Hồng Thủy - Vatican news
     ĐTC PHANXICÔ: CON ĐƯỜNG LOAN BÁO TIN MỪNG KHÔNG LUÔN TÙY THUỘC VÀO Ý MUỐN VÀ DỰ ÁN CỦA CHÚNG TA
     Một số chỉ dẫn của Giáo hội về loan báo Tin Mừng - Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
     THƯ MỤC VỤ THÁNG 4 – 2021 - Giuse Trần Văn Toản - Giám Mục giáo phận Long Xuyên

Các bài viết cũ hơn
     Gia đình Loan Báo Tin Mừng - Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
     20 nhà truyền giáo trên toàn thế giới bị sát hại trong năm 2020, họ là ai? - Hồng Thủy
     Hành Trình Theo Chúa - Anna Phan Thị Thu_TVTM_Balô Dù
     Hành Trình Vùng Đất Thiện An - Anna Phan Thị Thu_TVTM_Balô dù
     Truyền Giáo Bằng Đời Sống Chứng Tá - Giacobe Nguyễn Hoàng Huy Phúc
     Truyền hình trực tiếp Lễ Khánh Nhật Truyền Giáo - Giáo Phận Xuân Lộc
     25 năm trên cánh đồng Bù Đăng và Đăk Nông_ MM Tân, SJ.
     NHỮNG NGƯỜI HÁT RONG TRÊN NHỮNG VÙNG NGOẠI BIÊN _MM Tân, SJ.
     CANH TÂN HOẠT ĐỘNG LOAN BÁO TIN MỪNG TẠI VIỆT NAM NGÀY NAY
     MỘT GIÁO XỨ MẠNH DẠN ĐI RA ĐỂ LOAN BÁO TIN MỪNG