Trang Chủ > Chia Sẻ > Lm. Josept LÊ MINH THÔNG, O.P.

ÁNH SÁNG, dt., phôs, trong Tin Mừng Gio-an

Danh từ Hy Lạp: “phôs” (tiếng Việt: ánh sáng; Anh: light; Pháp: lumière) xuất hiện 23 lần trong Tin Mừng Gio-an và chỉ xuất hiện trong 12 chương đầu (Ga 1–12).

Danh từ “ánh sáng” xuất hiện 23 lần ở các nơi: 1,4.5.7.8a.8b.9; 3,19a.19b.20a.20b.21;

5,35; 8,12a.12b; 9,5; 11,9.10; 12,35a.35b.36a.36b.36c.46.

Danh từ “phôs” (ánh sáng) xuất hiện nhiều nhất trong các chương: ch. 1 (6 lần); ch. 3 (5 lần) và ch. 12 (6 lần). Phần thứ hai của sách Tin Mừng (Ga 13–21) không xuất hiện danh từ “phôs”. Trong Tin Mừng Gio-an, danh từ “ánh sáng” được dùng theo nghĩa đen, nghĩa biểu tượng và nghĩa thần học. Đề tài “ánh sáng” trong Gio-an sẽ được trình bày theo năm mục:

1) Lời là ánh sáng (4 lần: 1,5.7.8b.9)

2) Đức Giê-su là ánh sáng (3 lần: 8,12a; 9,5; 12,46)

3) Ánh sáng gợi ý về chính Đức Giê-su (12 lần: 3,19a.19b.20a.20b.21; 11,9.10; 12,35a.35b.36a.36b.36c)

4) Ánh sáng và sự sống (2 lần: 1,4; 8,12b)

5) Ánh sáng và Gio-an Tẩy Giả (2 lần: 1,8a; 5,35)

1) Lời là ánh sáng (4 lần)

Danh từ “ánh sáng” (phôs) được đồng hoá với “Lời” (Logos), xuất hiện 4 lần (1,5.7.8b.9) trong lời tựa sách Tin Mừng (1,1-18). Ở 1,9 Lời (Logos) được đồng hoá với ánh sáng. Người thuật chuyện viết: “Người (Logos) là ánh sáng (phôs) thật, ánh sáng chiếu soi mọi người, đến trong thế gian” (1,9), xem trích dẫn bản văn trong Bản văn Gio-an, TIN MỪNG và BA THƯ, Hy Lạp – Việt. Ba nơi khác (1,5.7.8b) “ánh sáng” được gián tiếp đồng hoá với Lời (Logos): “Ánh sáng (phôs) chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không lấn át được ánh sáng” (1,5); “Ông (Gio-an) làm chứng về ánh sáng, để mọi người tin nhờ ông ấy” (1,7) ; “Ông ấy (Gio-an) không phải là ánh sáng, nhưng làm chứng về ánh sáng (phôtos)” (1,8). Vì “Lời” chính là Đức Giê-su, nên Lời là ánh sáng sẽ được đồng hoá với Đức Giê-su trong nội dung sách Tin Mừng.

2) Đức Giê-su là ánh sáng (3 lần)

Nghĩa thần học của từ “ánh sáng” được trình bày cách minh nhiên qua sự đồng hóa giữa Đức Giê-su và ánh sáng. Trong Tin Mừng Gio-an, ba lần (8,12a; 9,5; 12,46) Đức Giê-su tuyên bố chính Người là ánh sáng với kiểu nói đặc trưng: “Tôi là…” (egô eimi…):

(a) Lần thứ nhất (8,12a), Đức Giê-su nói với những kẻ chống đối trong bối cảnh tranh luận: “Chính Tôi là ánh sáng (phôs) của thế gian. Người theo Tôi, chắc chắn sẽ không bước đi trong bóng tối, nhưng sẽ có ánh sáng của sự sống” (8,12).

(b) Lần thứ hai (9,5) Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Bao lâu Thầy còn ở trong thế gian, Thầy là ánh sáng (phôs) của thế gian” (9,5). Đức Giê-su là ánh sáng của thế gian, nên Người làm cho người mù từ thuở mới sinh được thấy (Ga 9). Nhưng sự thấy đích thực của người mù chỉ được tỏ lộ vào cuối ch. 9 khi anh ta gặp Đức Giê-su và tuyên xưng lòng tin vào Người: “Tôi tin, thưa Ngài” (9,38). Như thế, theo Tin Mừng Gio-an, “thấy thực sự” đồng nghĩa với “tin vào Đức Giê-su”.

(c) Lần thứ ba (12,46), Đức Giê-su vừa đồng hóa mình với ánh sáng, vừa nối kết với hành động “tin”. Trong phần tóm kết Sách các dấu lạ (Ga 1–12), Đức Giê-su tuyên bố ở 12,46: “Tôi là ánh sáng (phôs) đến trong thế gian, để bất cứ ai tin vào Tôi thì không ở lại trong bóng tối.” (Tin Mừng Gio-an được chia làm hai phần lớn. (1) Ga 1–12: Sách các dấu lạ, thuật lại các dấu lạ; (2): Ga 13–21: Sách Giờ Tôn Vinh, thuật lại biến cố Thương khó – Phục Sinh của Đức Giê-su).

Tóm lại, cả 3 lần Đức Giê-su đồng hóa mình với ánh sáng và hàm ẩn lời mời gọi tin: (a) Tin vào Đức Giê-su thì có ánh sáng và không bị vấp ngã (8,12a). (b) Tin vào Đức Giê-su thì thực sự thấy ánh sáng (9,5.38). (c) Tin vào Đức Giê-su thì không ở lại trong bóng tối (12,46). Còn nhiều nơi khác trong Tin Mừng Gio-an dùng từ ánh sáng để nói về Đức Giê-su.

3) Ánh sáng hàm ẩn Đức Giê-su (12 lần)

Phần lớn cách dùng từ “ánh sáng” trong Tin Mừng Gio-an (12 lần) gợi đến chính Đức Giê-su. Cách dùng này xuất hiện ở 3 đoạn văn: (a) 3,19-21 (5 lần: 3,19a.19b.20a.20b.21); (b) 11,9-10 (2 lần: 11,9.10); (c) 12,35-36 (5 lần: 12,35a.35b.36a.36b.36c).

     a) Ga 3,19-21 (5 lần: 3,19a.19b.20a.20b.21)

Danh từ “ánh sáng” xuất hiện 5 lần trong đoạn văn 3,19-21. Trong đoạn văn 3,16-21, Đức Giê-su nói về Người và về sứ vụ của Người như sau: “3,16 Vì Thiên Chúa đã quá yêu mến thế gian, đến nỗi đã ban Con Một, để bất cứ ai tin vào Người thì không hư mất, nhưng có sự sống đời đời. 17 Vì Thiên Chúa không sai Con đến thế gian để lên án thế gian, nhưng để nhờ Người, thế gian được cứu. 18 Ai tin vào Người thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh Con Một Thiên Chúa. 19 Đây là án xử: Ánh sáng (phôs) đã đến thế gian, nhưng người ta đã yêu mến bóng tối hơn ánh sáng (phôs), vì các việc của họ thì xấu xa. 20 Vì mọi kẻ làm sự dữ thì ghét ánh sáng (phôs) và không đến với ánh sáng (phôs) để các việc của họ khỏi bị chê trách. 21 Nhưng kẻ làm sự thật thì đến với ánh sáng (phôs) để các việc của người ấy được bày tỏ ra là đã được thực hiện trong Thiên Chúa” (3,16-21).

    b) Ga 11,9-10 (2 lần: 11,9.10)

Trong lời Đức Giê-su tuyên bố ở Ga 11,9-10, nghĩa đen của từ “ánh sáng” gợi đến nghĩa thần học. Người nói với các môn đệ: “9 Ban ngày chẳng có mười hai giờ sao? Ai đi ban ngày thì không vấp ngã, vì thấy ánh sáng (phôs) của thế gian này. 10 Còn ai đi ban đêm thì vấp ngã vì ánh sáng (phôs) không có ở trong người ấy” (11,9-10).

Kiểu nói “thấy ánh sáng của thế gian này” (11,9) và “có ánh sáng ở nơi mình” mang nghĩa thần học vì nói về Đức Giê-su. Bao lâu Đức Giê-su còn hiện diện thì bấy lâu thế gian còn có ánh sáng. Ai tin vào Đức Giê-su thì “thấy ánh sáng” và “có ánh sáng” nên sẽ không vấp ngã. Như thế, danh từ “phôs” (ánh sáng) ở 11,9-10 vừa có nghĩa đen vừa có nghĩa thần học, từ nghĩa đen của từ “ánh sáng” gợi đến nghĩa thần học của từ này.

    c) Ga 12,35-36 (5 lần: 12,35a.35b.36a.36b.36c)

Trong chương cuối (ch. 12) của Sách các dấu lạ (Ga 1–12), Đức Giê-su tuyên bố với đám đông lần cuối cùng ở 12,35-36: “35 Còn một ít thời gian nữa, ánh sáng (phôs) ở giữa các người. Hãy bước đi khi các người có ánh sáng (phôs), để bóng tối không bắt được các người. Ai đi trong bóng tối thì không biết mình đi đâu. 36 Khi các người có ánh sáng (phôs), hãy tin vào ánh sáng (phôs), để trở nên con cái ánh sáng (phôtos).” Kiểu nói đặc trưng của Tin Mừng Gio-an: “Tin vào ánh sáng” và “trở nên con cái ánh sáng” (12,36) mô tả sứ vụ của Đức Giê-su. “Tin vào ánh sáng” là tin vào Đức Giê-su, “trở nên con cái ánh sáng” là trở nên môn đệ của Người.

4) Ánh sáng và sự sống (2 lần)

Trong Tin Mừng Gio-an, có hai lần (1,4; 8,12b) đề tài “ánh sáng” liên kết với đề tài “sự sống”. Trong lời tựa sách Tin Mừng, người thuật chuyện đồng hoá sự sống với ánh sáng: “Ở nơi Người (Logos) là sự sống, và sự sống (zôê) là ánh sáng (phôs) của loài người” (1,4). Ở 8,12, Đức Giê-su tuyên bố với những kẻ chống đối: “Chính Tôi là ánh sáng của thế gian. Người theo Tôi, chắc chắn sẽ không bước đi trong bóng tối, nhưng sẽ có ánh sáng (phôs) của sự sống (zôês)” (8,12).

5) Ánh sáng và Gio-an Tẩy Giả (2 lần)

Ánh sáng và Gio-an Tẩy Giả được nói đến 2 lần (Ga 1,8a; 5,35). Ở 1,8, người thuật chuyện xác định Gio-an không phải là ánh sáng: “Ông ấy (Gio-an) không phải là ánh sáng (phôs), nhưng làm chứng về ánh sáng” (1,8). Đến 5,35 Đức Giê-su lại dùng hình ảnh “ánh sáng để nói về sứ vụ của Gio-an Tẩy Giả. Trong diễn từ độc thoại của Đức Giê-su (5,19-47), Người nói với những người Do Thái: “5,33 Chính các ông đã cử người đến với Gio-an, và ông ấy đã làm chứng cho sự thật. 34 Phần Tôi, Tôi không nhận lời chứng do người phàm, nhưng Tôi nói những điều này để chính các ông được cứu. 35 Ông ấy là ngọn đèn được thắp lên và toả sáng, chính các ông đã muốn hoan hỷ một thời gian trong ánh sáng (phôti) của ông ấy” (5,33-35).

Tóm lại danh từ “ánh sáng” (phôs) trong Tin Mừng Gio-an là đề tài thần học quan trọng và được triển khai trong 12 chương đầu của  sách Tin Mừng (Sách các dấu lạ). Sách Tin Mừng mở đầu bằng việc đồng hoá “Lời” (logos) với “ánh sáng” (phôs), phần giữa Sách các dấu lạ (Ga 1–12) nhấn mạnh khẳng định của Đức Giê-su: Chính Người là ánh sáng cho trần gian. Đến cuối sứ vụ công khai Đức Giê-su mời gọi “Tin vào ánh sáng” và “trở nên con cái ánh sáng” (12,36). Ánh sáng là chính Đức Giê-su và ánh sáng đem đến sự sống đích thực cho con người (8,12). Gio-an Tẩy giả không phải là ánh sáng, ông đến làm chứng cho ánh sáng là Đức Giê-su. Cái chết vì lời chứng của Gio-an Tẩy Giả làm cho ông được tham dự vào ánh sáng đích thực là Đức Giê-su (5,35). Như thế, theo thần học Tin Mừng Gio-an, Đức Giê-su được đồng hoá với ánh sáng và ánh sáng đó là sự sống đích thực cho nhân loại. Tuy nhiên đề tài “ánh sáng” trong Tin Mừng Gio-an thường được trình bày tương phản với “bóng tối” (xem phân tích về tương quan giữa “ánh sáng” và “bóng tối” mục từ BÓNG TỐI).  

Ngày 05 tháng 05 năm 2013

Giuse LÊ MINH THÔNG, O.P.

Email: josleminhthong@gmail.com

Nguồn: http://tungubontinmung.blogspot.com/2013/05/anh-sang-dt-phos-trong-tin-mung-gio-an.html

 


Các bài viết mới hơn
     Hôn nhân và gia đình trong Tin Mừng Gio-an. Giuse Lê Minh Thông, O.P.
     Các nghĩa của từ “pneuma” (Thần Khí, tâm linh, gió…) trong Tin Mừng Gio-an. Giu-se LÊ MINH THÔNG, O.P.
     Dấu lạ (sêmeion) trong Tin Mừng Gio-an. Giu-se LÊ MINH THÔNG, O.P.
     Lời chứng của Đức Giê-su và của Chúa Cha trong Tin Mừng Gio-an. LÊ MINH THÔNG, O.P.
     Ga 19,35; 21,24. Lời chứng của môn đệ Đức Giê-su yêu mến trong Tin Mừng Gio-an. Giu-se LÊ MINH THÔNG, O.P.
     Vận mệnh, bút tích và lời chứng của người môn đệ Đức Giê-su yêu mến. Giu-se LÊ MINH THÔNG, O.P.
     “Lời chứng” và “làm chứng” của Gio-an Tẩy Giả trong Tin Mừng Gio-an. Lm. Giuse. Lê Minh Thông. O.P
     “Lời chứng” (marturia) và “làm chứng” (martureô) trong Tin Mừng Gio-an. Lm. Giu-se LÊ MINH THÔNG, O.P.
     Tin (pisteuô) trong Tin Mừng Gio-an. Lm. Giu-se LÊ MINH THÔNG, O.P.
     Ga 14,15-24: Đặc ân dành cho ai yêu mến Đức Giê-su và giữ các điều răn của Người. Giu-se LÊ MINH THÔNG, O.P.

Các bài viết cũ hơn
     Mc 12,38–13,2: Kinh sư, bà goá và Đền Thờ. Giuse Lê Minh Thông, O.P.
     KHỦNG HOẢNG NIỀM TIN VÀ GIẢI PHÁP ĐỂ GIỮ VỮNG NIỀM TIN TRONG TIN MỪNG GIO-AN.Giuse Lê Minh Thông, O.P.
     LC 11, 37-41. THANH TẨY BÊN TRONG VÀ BÊN NGOÀI.Giuse LÊ MINH THÔNG, O.P.