Chúa Giêsu đem đến cho chúng ta tình yêu cứu rỗi canh
tân cuộc sống
Lòng thương xót của Thiên Chúa được Đức Giêsu thực hiện trong cuộc đời
dương thế, đặc biệt qua cái chết hiến tế của Ngài. Trên thập giá Chúa Giêsu
dâng lên Thiên Chúa Cha tội lỗi của toàn thế giới và các tội lỗi ấy được xóa
bỏ. Tình yêu của Chúa Bị Đóng Đanh không biết các chướng ngại và không bao giờ
cạn kiệt. Lòng thương xót Chúa xoá bỏ các bần cùng của chúng ta.
ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 70.000 tín hữu và du khách hành hương
năm châu trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hôm qua. Trong hàng chục đoàn
hành hương đến từ Hoa Kỳ cũng có nhóm 160 tín hữu Việt Nam đến từ nhiều thành
phố khác nhau.
Trong bài huấn dụ ĐTC tiếp tục khai triển đề tài giáo lý lòng thương xót
Chúa trong Tân Uớc, sau khi đã trình bầy phần Cựu Ước. ĐTC nói chính Chúa Giêsu
đã thành toàn lòng thương xót ấy bằng cách thực hiện và luôn luôn thông truyền
nó trong mọi lúc cuộc đời Ngài. ĐTC giải thích như sau
Khi gặp gỡ các đám đông, loan báo Tin Mừng, chữa lành người bệnh, tới gần
các kẻ rốt hết, tha thứ cho người tội lỗi, Chúa Giêsu khiến cho tình yêu rộng
mở cho mọi người trở thành hữu hình: không có ai bị loại trừ cả! Nó rộng mở cho
mọi người, vô biên giới. Một tình yêu tinh tuyền, nhưng không, tuyệt đối. Một
tình yêu đạt tột đỉnh trong Hiến Tế của Thập Giá. Phải, Tin Mừng thật sự là
“Tin Mừng của Lòng Thương Xót”, bởi vì Chúa Giêsu là Lòng Thương Xót!
Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: tất cả bốn Phúc Âm đều chứng thực rằng trươc
khi bắt đầu sứ vụ của mình, Chúa Giêsu đã muốn lãnh nhận phép rửa từ tay thánh
Gioan Tẩy Giả (Mt 3,13-17; Mc 1,9-11; Lc 3,21-22; Ga 1,29-34). Biến cố này ghi
dấu một hướng đi định đoạt cho tất cả sứ mệnh của Chúa Kitô. Thật thế, Ngài đã
không được giới thiệu với thế giới trong ánh quang của đền thờ: Ngài đã có thể
làm điều đó. Ngài đã không làm cho mình được loan báo bởi kèn trống: ngài đã có
thể làm. Ngài cũng không đến trong y phục của một thẩm phán: Ngài đã có thể làm
như thế. Trái lại, sau 30 năm sống ẩn dật tại Nagiarét, Chúa Giêsu đã đến sông
Giordan cùng với biết bao nhiêu dân chúng và xếp hàng với các kẻ tội lỗi. Ngài
đã không xấu hổ: Ngài ở đó với tất cả mọi người, với các người tội lỗi, để lãnh
phép rửa. Như vậy cho tới khi bắt đầu sứ vụ của mình, đuợc thúc đẩy bởi tình
liên đới và lòng cảm thương, Ngài đã tự tỏ lộ ra như Đấng Cứu Thế nhận
lấy gánh nặng của các điều kiện con người. Như chính Ngài đã khẳng định trong
hội đường Nagiarét bằng cách tự đồng hóa với lời tiên trị Isaia: “Thần Khí Chúa
ngự trên tôi, vì thế tôi đã được xức dầu thánh hiến và Ngài đã sai tôi đi đem
tin vui cho người nghèo khó, loan báo cho người tù sự giải thoát, cho người mù
được thấy, cho kẻ bị áp bức được tự do, và loan báo năm hồng ân của Chúa” (Lc
4,18-19). Tất cả những điều Chúa Giêsu đã làm sau khi rửa tội là việc thành
toàn chương trình khởi đầu: đó là đem tới cho tất cả mọi người tình yêu thương
của Thiên Chúa, tình yêu thương cứu rỗi. Chúa Giêsu đã không đem thù hận tới ,
ngài không đem tới sự sự thù nghịch: nhưng Ngài đã đem tới cho chúng ta tình
yêu! Môt tình yêu lớn lao, một con tim rộng mở cho tất cả mọi người, cho tất cả
chúng ta. Một tình yêu cứu rỗi.
Ngài đã trở thành gần gũi với những người rốt hết, bằng cách thông truyền
cho họ lòng thương xót là sự tha thứ, niềm vui và cuộc sống mới. Chúa Giêsu,
Người Con do Chúa Cha gửi tới, thưc sự là khởi đầu thời thương xót đối với toàn
nhân loại. Những người đã hiện diện trên bờ sông Giordano đã không hiểu ngay
tầm quan trọng nơi cử chỉ của Ngài. Chính Gioan Tẩy Giả cũng kinh
ngạc về quyết định của Chúa (x. Mt 3,14). Nhưng Thiên Chúa Cha thì không! Ngài
khiến cho tiếng của mình được nghe từ trên trời: “Ngươi là con yêu dấu của Ta,
Ta hài lòng về con” (Mc 1,11). Như vậy, Thiên Chúa Cha xác nhận con đường mà
Chúa Con đã đi như Đấng Cứu Thế, trong khi Chúa Thánh Thần xuống trên Ngài như
chim bồ câu. Như thế con tim của Chúa Giêssu đập cùng nhịp với con tim của
Thiên Chúa Cha và của Chúa Thánh Thần, bằng cách tỏ cho tất cả mọi người thấy
rằng ơn cứu rỗi là hoa trái lòng xót thương của Thiên Chúa.
ĐCT nói thêm trong bài huấn dụ: Chúng ta có thể chiêm ngưỡng một
cách rõ ràng hơn mầu nhiệm cao cả của tình yêu đó, bằng cách nhìn lên Chúa
Giêsu chịu đóng đanh. Trong Ngài là Đấng vô tội mà chết cho chúng ta là những
kẻ có tội, Ngài khẩn nài Thiên Chúa Cha: “Lậy Cha xin tha cho chúng vì chúng
không biết việc chúng làm” (Lc 23, 34). ĐTC giải thích thêm như sau:
Chính trên thập giá Chúa Giêsu giới thiệu lên lòng thương xót của Thiên
Chúa Cha tội lỗi của thế giới: tội lỗi của tất cả mọi người, tội của tôi, tội
của bạn, tội lỗi của các anh các chị. Và ở trên thập giá Ngài trình diện
chúng với Thiên Chúa Cha. Và cùng với tội lỗi của thế giới tất cả mọi tội lỗi
của chúng ta đều được xóa bỏ. Không ai bị loại ra ngoài lời cầu nguyện ấy của
Chúa Giêsu. Điều này có nghĩa là chúng ta không phải sợ hãi nhìn nhận mình và
xưng thú mình là kẻ có tội. Có biết bao lần chúng ta nói: “Nhưng ông này là một
kẻ tội lỗi, ông ta đã làm điều này, điều nọ.. “ và chúng ta phán đoán người
khác. Còn bạn thì sao? Từng người trong chúng ta đáng lý ra phải tự hỏi: “Phải,
người này là một kẻ tội lỗi” Còn tôi? Tất cả chúng ta đều là người tội lỗi,
nhưng tất cả chúng ta được tha thứ: tất cả chúng ta có khả thể nhận lãnh ơn tha
thứ này là lòng thương xót của Thiên Chúa. Vì thế chúng ta không được sơ hãi
nhận mình là kẻ có tội, xưng thú mình là người tội lỗi, bởi vì mọi tội đã được
Con Thiên Chúa đem lên thập giá. Và khi chúng ta xưng thú điều đó với
lòng sám hối và tín thác nơi Chúa, thì chúng ta chắc chắn được tha thứ. Bí tích
Hòa giải thời sự hóa sức mạnh của sự tha thứ phát xuất từ Thập Giá, và canh tân
trong cuộc sống chúng ta ơn thánh của lòng thương xót, mà Chúa Giêsu đã chinh
phục cho chúng ta. Chúng ta không được sợ hãi các bần cùng của chúng ta, mỗi
người đều có các bần cũng riêng của mình. Quyền năng tình yêu của Đấng bị đóng
đanh không biết tới các chướng ngại và không cạn kiệt. Đó là lòng thương xót
xóa bỏ các bần cùng của chúng ta.
Anh chị em rất thân mến, trong Năm Thánh này chúng ta hãy xin Thiên Chúa
ơn được sống kinh nghiệm quyền năng của Tin Mừng: Tin Mừng của lòng thương xót
biến đổi, làm cho chúng ta bước vào trong con tim của Thiên Chúa, khiến cho
chúng ta có khả năng tha thứ và nhìn thế giới với sự tốt lành hơn. Nếu chúng ta
tiếp nhận Tin Mừng của Đấng chịu đóng đanh phục sinh, thì toàn cuộc sống chúng
ta được nhào nặn bởi sức mạnh tình yêu canh tân của Ngài.
ĐTC đã chào các đoàn hành hương nói tiếng Pháp đến từ các nước Pháp, Bỉ,
Canada và Togo bên Phi châu. Ngài cũng chào các đoàn hành hương đến từ các nước
nói tiếng Anh như Anh quốc, Êcốt, Ailen, Đan Mạch, Hoà Lan, Na Uy, Kenya,
Zimbabwe, Australia, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và
Hoa Kỳ.
Ngài cũng chào các đoàn hành hương đến từ các nước nói tiếng Tây Ban Nha
và Bồ Đào Nha, trong đó có các nhóm đến từ các nước châu Mỹ Latinh. ĐTC
cầu chúc mọi ngưới có những ngày hành hương bổ ích, cảm nghiệm được tình yêu
của Chúa, và được nhiều ơn lành của Chúa trong Năm Thánh Lòng Thương Xót. Ngài
cũng chào các đoàn hành hương Slovenia và các nhóm nói tiếng A Rập..
Chào các nhóm Ba Lan ĐTC chúc mừng các độc giả và thân hữu của tuần báo
Niedziela hành hương Roma nhân dịp mừng 90 năm thành lập. Cả ngày nay nữa đây
là một ơn lớn của Chúa Quan Phòng ban cho Ba Lan, vì tuần báo tiếp tục cho tin
tức về Giáo Hoji và là một nâng đỡ cho đất nước trong những lúc khó khăn của
lịch sử. ĐTC cầu chúc tuần san tiếp tục sứ mệnh rao truyền Tin Mừng, củng cố
đức tin của độc giả và sinh nhiều hoa trái trong đời sống. Ngài phó thác các
thành công ây cho Chúa Giêsu Từ Nhân và Thánh Mẫu Nữ Vương Ba Lan trong
Năm Thánh Lòng Thương Xót này.
Sau cùng ngài chào các đoàn hành hương Ý đến từ nhiều giáo phận, giới trẻ,
các người đau yếu và các đôi tân hôn, trước khi cất kinh Lậy Cha và ban phép
lành Toà Thánh cho mọi người.
Linh Tiến Khải
Nguồn: vi.radiovaticana.va