Công bố Tông Hiến về việc đón nhận các nhóm tín hữu Anh Giáo vào Công Giáo
VATICAN. Hôm 9-11-2009 Tòa Thánh đã công bố Tông Hiến của ĐTC với tựa đề “Anglicanorum coetibus” (Các nhóm tín hữu Anh giáo) thiết lập các cơ chế pháp lý để đón nhận các tín hữu Anh giáo xin gia nhập Công Giáo. Cơ chế dự trù việc thành lập các Giáo Hạt tòng nhân, để các tín hữu cựu Anh giáo gia nhập Công Giáo được bảo tồn những yếu tố trong gia sản đặc biệt về linh đạo và phụng vụ Anh giáo.
Nội dung Tông Hiến
Việc thiết lập các Giáo Hạt tòng nhân này thuộc thẩm quyền của Bộ giáo lý đức tin, trong lãnh thổ của một HĐGM. Các Giáo Hạt có tư cách pháp nhân và gồm các giáo dân, giáo sĩ, tu sĩ trước kia thuộc Liên hiệp Anh giáo và nay hoàn toàn hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo (art.1).
Sau khi khẳng định Giáo Hạt tòng nhân thuộc Bộ giáo lý đức tin và tùy thuộc các cơ quan khác của Tòa Thánh theo thẩm quyền của các cơ quan này (art.2), Tông Hiến đề cập đến việc cử hành phụng vụ. Giáo Hạt có năng quyền cử hành Thánh Thể và các bí tích khác theo sách phụng vụ riêng của truyền thống Anh giáo được Tòa Thánh phê chuẩn, để giữ cho các truyền thống linh đạo, phụng vụ và mục vụ của Liên hiệp Anh giáo được sinh động (art.3).
Giáo Hạt tòng nhân được ủy thác cho sự chăm sóc mục vụ của một vị Bản Quyền được ĐTC bổ nhiệm, và vị này có quyền bính thông thường, đại diện và tòng nhân (art. 4-5).
Tông hiến qui định rằng những người đã từng thi hành thừa tác vụ phó tế, linh mục hoặc Giám Mục Anh giáo có thể được vị Bản Quyền nhận cho làm ứng sinh chịu các thánh chức trong Giáo Hội Công Giáo. Đối với các thừa tác viên có gia đình thì cần phải tuân giữ các qui luật của Thông điệp “Sacerdotalis coelibatus” và của Tuyên ngôn “In June”. Trái lại, các thừa tác viên không lập gia đình thì phải tuân giữ luật độc thân giáo sĩ. Đàng khác, vị Bản quyền chỉ nhận cho những người độc thân được chịu chức linh mục, và có thể chuyển lên ĐTC đơn xin chuẩn chước khoản số 277,1, để được chấp nhận từng trường hợp chịu các thánh chức, theo các tiêu chuẩn khách quan được Tòa Thánh phê chuẩn.
Các ứng sinh chịu chức thánh trong một Giáo Hạt tòng nhân sẽ được huấn luyện chung với các chủng sinh khác, nhất là trong lãnh vực đạo lý và mục vụ. Đồng thời, với sự chấp thuận của Tòa Thánh, vị Bản Quyền có thể “thành lập các dòng tu và tu đoàn tông đồ” (art.6-7).
Tông Hiến trù định rằng, sau khi nghe ý kiến của GM giáo phận ở địa phương và với sự chấp thuận của Tòa Thánh, vị Bản Quyền có thể “thành lập các giáo xứ tòng nhân, để săn sóc mục vụ cho các tín hữu thuộc Giáo Hạt”. Các cha sở được hưởng tất cả các quyền lợi và phải tuân giữ tất cả các nghĩa vụ Bộ giáo luật đã qui định (art.8). Ngoài ra, các giáo dân và tu sĩ muốn thuộc về Giáo Hạt thì phải bày tỏ ước muốn trên giấy tờ (art.9).
Tông Hiến qui định rằng vị Bản Quyền được một Hội đồng cai trị trợ giúp, Hội đồng được điều hành theo qui chế được vị Bản quyền chấp thuận và được Tòa Thánh phê chuẩn. Hội đồng này do vị Bản Quyền chủ tọa, và thi hành những chức năng đã được qui định trong bộ giáo luật về Hội đồng linh mục (art.10).
Cứ 5 năm một lần, vị Bản Quyền phải về Roma để viếng mộ các thánh Tông Đồ và đệ trình ĐGH bản tường trình về tình trạng của Giáo Hạt (art.11).
Tông Hiến qui định rằng về những vụ kiện, Tòa án có thẩm quyền là tòa án giáo phận trong đó một bên trong vụ kiện có cơ sở, trừ khi vị Bản quyền thiết lập một tòa án riêng (art.12).
Khoản cuối cùng qui định Sắc lệnh thành lập một Giáo Hạt tòng nhân sẽ xác định nơi có trụ sở của Giáo Hạt (art.13).
Qui luật bổ túc
Đồng thời với Tông Hiến, Bộ giáo lý đức tin đã ban hành những Qui Luật Bổ Túc giúp thực thi đúng đắn những qui định của ĐTC trong Tông Hiến.
Thông cáo của Bộ giáo lý đức tin khẳng định rằng Tông Hiến “Các nhóm tín hữu Anh giáo” mở ra một con đường mới để thăng tiến sự hiệp nhất các tín hữu Kitô, đồng thời nhìn nhận sự khác biệt hợp pháp trong việc diễn tả đức tin chung của chúng ta. Đây không phải là một sáng kiến đến từ Tòa Thánh, nhưng là một lời đáp trả quảng đại của ĐTC đối với khát vọng hợp pháp của các nhóm tín hữu Anh giáo. Việc thành lập cơ cấu mới này nằm trong sự hòa hợp hoàn toàn với quyết tâm của Giáo Hội trong việc đối thoại đại kết, công việc này tiếp tục là một ưu tiên đối với Giáo Hội Công Giáo”.
Bộ giáo lý đức tin nói thêm rằng: “Tông Hiến trù định trong các Giáo hạt tòng nhân có thể có một số giáo sĩ có gia đình, điều này không hề có nghĩa là có sự thay đổi trong kỷ luật của Giáo Hội về luật độc thân linh mục. Như Công Đồng chung Vatican 2 đã dạy, luật độc thân này là một dấu chỉ đồng thời là một khích lệ đức bác ái mục tử, và loan báo Nước Thiên Chúa một cách rạng ngời (Sách Giáo Lý Công Giáo, n.1579).
Qui luật bổ túc do Bộ giáo lý đức tin ban hành gồm 14 điều khoản lần lượt xác định các Giáo hạt tòng nhân tùy thuộc Bộ giáo lý đức tin (n.1), và phải theo các chỉ thị của HĐGM quốc gia trong những gì có thể dung hợp, và vị Bản quyền của Giáo Hạt là thành viên HĐGM (n.2).
Vị Bản quyền của Giáo Hạt tòng nhân có thể là 1 GM hoặc một LM do ĐTC bổ nhiệm. Vị ấy có quyền cho nhập tịch trong Giáo Hạt những thừa tác viên Anh giáo được hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo, cũng như các ứng sinh tiến lên thánh chức (n.3).
Các tín hữu cựu Anh giáo muốn gia nhập Giáo Hạt thì phải đăng ký, sau khi đã tuyên xưng đức tin. Các giáo dân và tu sĩ của Giáo Hạt, khi cộng tác mục vụ và thi hành công tác bác ái thuộc về giáo phận hoặc giáo xứ thì phải tùy thuộc Đức GM hoặc cha sở địa phương (n.5).
Để đón nhận ứng sinh chịu thánh chức, vị Bản Quyền cần có sự đồng ý của Hội đồng cai quản của Giáo Hạt. Vị Bản quyền có thể trình lên ĐTC đơn của những người có gia đình xin chịu chức LM, sau một tiến trình phân định, dựa trên các tiêu chuẩn khách quan và nhu cầu của Giáo hạt tòng nhân (n.6,1). Những người đã chịu chức thánh trong Giáo Hội Công Giáo, sau đó gia nhập Anh giáo, thì không thể được nhận cho thi hành thừa tác vụ thánh trong Giáo Hạt. Các giáo sĩ Anh giáo ở trong tình trạng hôn phối bất hợp lệ thì không thể được nhận cho chịu chức thánh trong Giáo hạt (6,2).
Giáo Hạt phải lo chu cấp lương bổng thích hợp cho các giáo sĩ nhập tịch vào Giáo Hạt (n.7).
Các khoản còn lại nói về sự sẵn sàng giúp đỡ của giáo sĩ thuộc Giáo Hạt cho giáo phận nơi họ cư ngụ (n.9), vấn đề huấn luyện giáo sĩ của Giáo Hạt. Khoản thứ 11 nói về các GM cựu Anh giáo có gia đình. Vị này có thể được chọn làm vị Bản quyền của Giáo Hạt. Trong trường hợp đó, vị này được thụ phong linh mục trong Giáo Hội Công Giáo. Một GM cựu Anh giáo thuộc một Giáo Hạt có thể được kêu gọi trợ giúp vị Bản Quyền trong việc quản trị Giáo Hạt.
Sau cùng Qui luật nói về Hội đồng cai quản Giáo Hạt (n.12), Hội đồng mục vụ (n.13) và các giáo xứ thể nhân (n.14). (SD 9-11-2009)
G. Trần Đức Anh OP