Tham luận của Caritas TGP - Tp. HCM
ĐẨY MẠNH VÀ NÂNG CAO TÍNH HIỆU QUẢ VIỆC THI HÀNH BÁC ÁI CỦA NGƯỜI CÔNG GIÁO VIỆT NAM.
1. Định hướng:
a. Cả cuộc đời trần thế của Chúa Giê su là Rao giảng Tin Mừngvà chữa lành bệnh nhân – Lời của Đức Vua trong ngày phán xét chung“Ta bảo thật các ngươi, mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta”(Mt 25, 40).
b. Giáo huấn của Hộithánh: Hai yếu tố căn bản: (Tđ Thiên Chúa Là Tình Yêu)
- Thứ nhất: Bản tính sâu xa nhất của Hội thánh được diễn tả qua ba nhiệm vụ căn bản: Loan báo TM – Cử hành bí tích – Thi hành bác ái. Ba nhiệm vụ này bao hàm lẫn nhau và không thể tách rời.
- Thứ hai: Dụ ngôn người Samaritano nhân hậu vẫn là chuẩn mực đòi chúng ta bày tỏ tình yêu phổ quát đối với những người thiếu thốn mà chúng ta tình cờ gặp gỡ, dù họ là ai đi chăng nữa.
c. Xin Thánh Thần thổi ngọn lửa Caritas vào các hoạt động của người Ki tô hữu” (ĐHY G.B. Phạm Minh Mẫn)
2. Ưu tiên mục vụ:
a. Hội thánh tại Việt Nam đã thi hành bác ái dưới nhiều hình thức. – Một số dòng tu có sứ mệnh trực tiếp phục vụ những người nghèo khổ, bệnh tật, tại các bệnh viện, mái ấm, cô nhi viện,.v.v, họ vẫn vượt những khó khăn để thi hành sứ mệnh mình. - Tại các giáo xứ, nhiều đoàn thể, có hoạt động bác ái. - Nơi các giáo phận cũng có những văn phòng phụ trách công tác bác ái xã hội. Hiện nay, Caritas, một tổ chức của Hội thánh lo việc bác ái xã hội đã được chính thức hoạt động, đang nỗ lực thực thi trách nhiệm của mình.
Tuy nhiên, vì sống lâu dài trong tình trạng chiến tranh, nghèo đói, và nhận trợ giúp từ nhiều nơi, nên cũng có một thành phần người ki tô hữu vẫn còn mang não trạng trông chờ vào sự trợ giúp của người khác, và chưa quen với việc giúp đỡ người khác. Một số khác vẫn chưa xem việc thi hành bác ái là một trong những bổn phận chính của người Ki tô hữu.
b. Việc thi hành bác ái cần được phát triển rộng hơn và sâu hơn, nghĩa là trách nhiệm thi hành bác ái cần được nhiều ki tô hữu ý thức hơn, cần được đào sâu về thiêng liêng và nghiệp vụ chuyên môn hơn. Đàng khác, các hoạt động bác ái cần mang lại hiệu qủa lâu dài và bền vững hơn cho cá nhân hoặc tập thể được giúp đỡ.
c. Cần được sự quan tâm và nâng đỡ tích cực hơn của các vị chủ chăn, đặc biệt ở cấp giáo xứ.
3. Kế hoạch thực hiện
a. Cần thay đổi nhận thức, cách suy nghĩ và quan hệ trong làm việc. Với tình bác ái, mọi người cần học cách làm việc chung với nhau trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau, đồng thời hiệp nhất với giáo xứ, giáo phận.
b. Nhưng trước hết, người Ki tô hữu cần ý thức rằng mình làm công việc bác ái từ con tim. Nghĩa là phải đào luyện con tim. Tình yêu Chúa của họ sẽ biến chuyển thành tình yêu tha nhân.
Như Mẹ Tê rê sa Calcuta đã dạy: “Hoa trái của nguyện cầu là đức tin, hoa trái của đức tin là đức ái và hoa trái của đức ái là thực hành (BAXH)”. Điều này phản ảnh tiến trình đào luyện con tim.
- Người Ki tô hữu phải tăng cường cầu nguyện với Chúa, đặc biệt trong bí tích Thánh Thể. Điều này cần thiết vì là nguồn lực chính để thay đổi.
- Cầu nguyện dẫn đến việc đào sâu và thực hành đức tin, đặc biệt là qua các khóa tĩnh tâm cấp Giáo xứ, Giáo Phận.
- Đức tin dẫn đên đức ái. Người Kitô hữu học cách uốn nắn con tim của mình nên giống con tim của Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên Thập Giá. Như thế con tim của người Kitô hữu sẽ rung cảm và nhận biết được nỗi đau, sự thống khổ của nhân loại như trái tim Giêsu. Họ sẽ mở mắt, mở lòng trước thế giới khổ đau và bắt gặp hình ảnh của Chúa Giêsu trên Thập Giá.
- Và khi đã nhận ra Chúa Giêsu, người Kitô hữu còn phải “thuộc về Giêsu và ở lại với Giêsu” để từ đó, những công việc bác ái của người Kitô hữu đang làm cho tha nhân, trở nên những dấu- chỉ -mạc- khải- về Tình yêu Giêsu, Tình yêu Thiên Chúa.
c. Thực hành đức tin qua công việc bác ái chính là tấm giấy thông hành giúp Kitô hữu bước vào thế giới của những ai chưa biết đến Đức Kitô. Đó còn là một dấu chỉ để Đức Kitô được nhận diện giữa mọi người trong thế giới hôm nay.
d. Việc giáo dục cho con cái mình, biết ý thức và làm quen với công việc bác ái, trao ban là một trong những bổn phận chính yếu của các bậc làm cha mẹ.
e. Cần thay đổi phương pháp làm việc, cách tổ chức, cách điều hành quản lý các họat động bác ái xã hội.
Cấp giáo xứ:
i. Tổ chức:
o Caritas giáo xứ (mà vị phụ trách nên là người trong HĐMV giáo xứ)
o Đại hội dân Chúa giáo xứ để mọi người cùng nhận thức và hiệp nhất trong tình yêu thương, sống bác ái và cùng tham gia các hoạt động BAXH.
ii. Huấn luyện: Các thành viên phụ trách cần được đào tạo, huấn luyện về chuyên môn, kỹ năng làm việc, biết ứng xử và cùng tham gia giải quyết vấn đề.
iii. Lên kế hoạch thực hiện:
o Vận động sự đóng góp của cá nhân, gia đình, tổ chức cho quĩ BAXH, như một bổn phận của Ki tô hữu.
o Tổ chức Ban Quản Trị, Ban Điều Hành, Ban Giám sát và kiểm tra về tài chính ở các cấp.
o Xây dựng các dự án, các chương trình hành động phù hợp ở cấp giáo xứ, giáo hạt, giáo phận.
iv. Triển khai các hoạt động theo kế hoạch đã đề ra.
v. Tổ chức họp định kỳ, đại hội giáo xứ hàng năm để báo cáo, đánh giá, rút kinh nghiệm, điều chỉnh.
vi. Tổchức đánh giá, lượng giá, điều chỉnh cấp Giáo phận.
f. Cần phát huy hình thức thông tin, chia sẻ tin tức về những hoạt động bác ái giữa các tổ chức của giáo xứ, giáo phận và giáo hội toàn quốc. Chúng ta có thể bi bối rối trước những ý tường có vẻ trái ngược nhau: “Khi làm phúc bố thí, các con đừng cho tay trái biết việc tay phải làm,…”(Mt 6,3 ), nơi khác “không ai thắp đèn rồi lại để đáy thùng, nhưng để trên giá để mọi người xem thấy”(Mt 5,15 ). Chắc chắn có sứ khác biệt dễ nhận ra giữa việc thông tin mang tính phô trương và thông tin mang tính hiệp thông. Đó chính là sự nhắc nhở cho mọi người về nhu cầu của những người thiếu thốn, khổ đau trong xã hội, và cũng nhắc nhở về bổn phận thi hành bác ái của mỗi ki tô hữu.
Kết luận:
Để theo sát những đòi hỏi của Tin Mừng, để công việc truyền giáo phát huy được tác dụng, để việc sống đạo được thể hiện mạnh mẽ, thiết nghĩ việc tăng cường và nâng cao tính hiệu quả các hoạt động BAXH là điều cần được ưu tiên thực hiện.