Đem niềm vui, sự mới mẻ và ánh sáng của Thiên Chúa đến cho người khác
Mừng lễ Giáng Sinh là đem niềm vui, sự mới mẻ đích thật, và ánh sáng của Thiên Chúa đến cho người khác. Mứng lễ Giáng Sinh là tiếp đón Chúa Giêsu, sống sự sống của Chúa và để cho các tâm tình, các tư tưởmg và hành động của Người trở thành các tâm tình, các tư tưởng và hành động của chúng ta.
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trong buổi tiếp kiến tín hữu và du khách hành hương đầu năm mới tại đại thính đường Phaolo VI sáng thứ tư 4-1-2012.
Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã nói về vài đề tài chính của ngày Lễ Giáng Sinh: niềm vui, ánh sáng và sự trao đổi kỳ diệu. Mùa Giáng Sinh bắt đầu chiều ngày 24 tháng 12 và kết thúc với lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa. Trong thời gian ngắn đó có hai lễ trọng là lễ Giáng Sinh và lễ Chúa Tỏ Mình: lễ Giáng Sinh cử hành sự kiện lịch sử việc sinh ra của Đức Giêsu tại Bếtlêhem. Lễ Tỏ Mình hay lễ Hiển Linh, nảy sinh bên Đông Phương ám chỉ một sự kiện, nhưng nhất là một khía cạnh của Mầu Nhiệm: đó là Thiên Chúa tự mặc khải trong nhân tính của Đức Kitô; và đây là ý nghĩa của động từ hy lạp ”epiphaino”, tự làm cho mình có thể trông thấy được. Trong viễn tượng ấy, lễ Chúa Tỏ Mình nhắc tới nhiều biến cố biểu lộ Chúa: cách đặc biệt là sự thờ lậy của Ba Đạo sĩ nhận ra nơi Đức Giêsu Đấng Cứu Thế được mong đợi, nhưng nó cũng ám chỉ Phép Rửa trong sông Giordan với sự hiển linh là tiếng nói của Thiên Chúa từ Trời, và phép lạ tại tiệc cưới làng Cana, như là “dấu chỉ” đầu tiên Chúa Kitô làm.
Có một điệp ca rất đẹp liên kết cả ba biến cố này chung quanh đề tài đám cưới giữa Chúa Kitô và Giáo Hội: ”Hôm nay Giáo Hội kết hiệp với Phu Quân thiên quốc, vì trong sông Giordan Đức Kitô đã tẩy rửa tội lỗi của Giáo Hội; các Đạo Sĩ chạy tới với các qùa cho lễ cưới, và các khách mời vui mừng thấy nước hóa thành rượu” (Điệp ca Kinh Sáng). Chúng ta có thể nói rằng trong lễ Giáng Sinh người ta nêu bật sự dấu ẩn của Thiên Chúa trong sự khiêm hạ của điều kiện là người, trong Trẻ Thơ Bếtlehem. Trái lại trong lễ Chúa Tỏ Mình được nêu bật việc Thiên Chúa tự biểu lộ, xuất hiện qua chính nhân tính. Đề cập đến các phản ứng của con người trước mầu nhiệm này Đức Thánh Cha nói:
Tôi nghĩ rằng phản ứng đầu tiên không thể khác hơn là niềm vui. ”Chúng ta tất cả hãy vui mừng trong Chúa, vì Đấng Cứu Thế đã sinh ra trên trần gian”: Thánh lễ đêm Giáng Sinh đã bắt đầu như thế, và chúng ta đã vừa nghe các lời sứ thần nói với các mục đồng: ”Này đây, ta báo cho các ngươi một tin trọng đại” (Lc 2,10). Tin vui là đề tài bắt đầu Phúc Âm và cũng là đề tài kết thúc Phúc Âm, vì Chúa Giêsu Phục Sinh sẽ trách các Tông Đồ vì họ buồn sầu (x. Lc 24,17)... Niềm vui ấy phát xuất từ sự kinh ngạc của con tim, khi thấy Thiên Chúa gần gũi với chúng ta dường nào, Thiên Chúa nghĩ tới chúng ta, như Người hành động trong lịch sử: như thế nó là một niềm vui, nảy sinh từ việc chiêm ngắm gương mặt của trẻ thơ khiêm hạ, để chúng ta biết rằng Người là Gương Mặt của Thiên Chúa hiện diện luôn mãi trong nhân loại, hiện diện cho chúng ta và với chúng ta. Giáng Sinh là niềm vui vì chúng ta trông thấy và sau cùng chắc chắn rằng Thiên Chúa là sự thiện, sự sống và sự thật của con người, và Người tự hạ xuống cho tới con người, để nâng con người lên với Chúa: Thiên Chúa trở thành gần gũi với chúng ta như thế để chúng ta có thể thấy Người và sờ mó được Người. Giáo Hội chiêm ngưỡng mầu nhiệm không thể diễn tả được này, và các bản văn phụng vụ mùa này thấm đẫm sự kinh ngạc và niềm vui; tất cả các thánh ca giáng sinh đều diễn tả niềm vui này.
Giáng Sinh là điểm, trong đó Trời và Đất kết hiệp với nhau; và các kiểu diễn tả khác nhau mà chúng ta nghe trong các ngày này nhấn mạnh sự cao cả của những gì đã xảy ra khiến thánh Lêô phải kêu lên như sau: ”Đấng ở xa đã trở thành gần; Đấng không thể đạt tới được đã muốn có thể đạt tới được, Đấng hiện hữu trước thời gian bắt đầu ở trong thời gian, Chúa vũ trụ che dấu sự cao cả sự uy nghi của Người để mặc lấy bản chất tôi tớ” (Sermone 2 sul Natala, 2.1). Nơi Trẻ Thơ cần có mọi sự như các trẻ thơ khác, những gì Thiên Chúa là: sự vĩnh cửu, sức mạnh, sự thánh thiện, sự sống, niềm vui, kết hiệp với những gì chúng ta là: sự yếu đuối, tội lỗi, khổ đau và cái chết.
Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Nền thần hoc và tu đức giáng sinh dùng một kiểu nói để miêu tả sự kiện này, khi bàn về sự trao đổi kỳ diệu ”admirabile commercium” giữa thiên tính và nhân tính. Thánh Anselmo thành Alessandria khẳng định rằng: ”Con Thiên Chúa đã làm người để khiến cho chúng ta trở thành Thiên Chúa” (De Incarnatione, 54,3; PG 25,192). Nhưng đặc biệt là thánh Giáo Hoàng Lêô Cả với các bài giảng nổi tiếng của người về lễ Giáng Sinh... Hành động đầu tiên của sự trao đổi kỳ điệu ấy xảy ra trong chính nhân tính của Chúa Kitô. Đức Thánh Cha giải thích điểm này như sau:
Ngôi Lời đã nhận lấy nhân tính của chúng ta, và đổi lại nhân tính của chúng ta đã được nâng cao lên thiên tính của Thiên Chúa. Hành động thứ hai của sự trao đổi đó là nơi sự tham dự thực sự và sâu thẳm của chúng ta vào thiên tính của Ngôi Lời... Vì thế, Giáng Sinh là lễ trong đó Thiên Chúa trở nên gần gũi với con người đến độ chia sẻ chính tác động sinh ra, để vén mở cho con người thấy phẩm giá sâu thẳm nhất của nó: phẫm giá là con Thiên Chúa. Và như vậy giấc mộng của nhân loại bắt đầu trong Thiên Đàng - chúng tôi muốn như Thiên Chúa - được hiện thực một cách không chờ đợi, không phải bằng sự cao cả của con người không thể trở thành Thiên Chúa, mà bằng sự khiêm hạ của của Thiên Chúa xuống thế và bước vào trong chúng ta trong sự khiêm hạ, và nang chúng ta lên tới sự cao cả đích thật của Người. Về điều này Công Đồng Chung Vaticăng II nói: ”Thật ra, chỉ trong mầu nhiệm của Ngội Lời nhập thể mầu nhiệm của con người mới tìm thấy ánh sáng thật” (Gaudium et Spes, 22); bằng không thì nó là một bí ẩn. Nói cách khác, chỉ khi thấy rằng Thiên Chúa ở với chúng ta, chúng ta mới có thể trông thấy ánh sáng đối với bản thể của mình, sống hạnh phúc là người, sống với niềm tin tưởng và niềm vui.
Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Sự trao đổi kỳ diệu ấy trở thành cụ thể trong Bí tích Thánh Thể. Khi chúng ta tham dự Thánh Lễ chúng ta dâng lên Thiên Chúa những gì là của chúng ta: bánh và rượu, là hoa qủa của trái đất, để Người chấp nhận và biến đổi chúng bằng cách trao ban chính Người cho chúng ta và trở thành thực phẩm của chúng ta, hầu khi nhận lấy Mình và Máu Người chúng ta tham dự vào sự sống thiên linh của Người.
Khi thiên thần Chúa tự giới thiệu với các mục đồng trong đêm Chúa Giêsu giáng sinh, thánh sử Luca ghi rằng ”vình quang Chúa bao bọc họ bằng ánh sáng” (Lc 2,9), và Thánh thi mở đầu Phúc Âm thánh Gioan nói về Ngôi Lời nhập thể như ánh sáng thật đến trong thế gian, ánh sáng có khả năng chiếu soi cho mọi nggời (x. Ga 1,9). Phụng vụ giáng sinh thấm đẫm ánh sáng. Biến cố Chúa Kitô đến rạng soi bóng tối của thế giới, ngập tràn đêm thánh với một ánh sáng thiên quốc, và giãi tỏa ra trên gươmg mặt của con người ánh quang của Thiên Chúa Cha. Cả ngày nay nữa. Được bao bọc bởi ánh sáng của Chúa Kitô chúng ta được phụng vụ giáng sinh liên lỉ mời gọi để cho Thiên Chúa, là Đấng đã chỉ cho thấy Gương Mặt rạng rỡ của Người soi sáng tâm trí chúng ta.
Trong lễ Chúa Tỏ Mình ngày mùng 6 tháng Giêng, mà chúng ta sẽ cử hành trong vài ngày nữa, Giáo Hội đề nghị một văn bản rất ý nghĩa của ngôn sứ Isaia: ”Đứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của Chúa như bình minh chiếu tỏa trên ngươi. Kià bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân; còn trên ngươi Chúa như bình minh chiếu tỏa, vinh quang Người xuất hiện trên ngươi. Chư dân sẽ đi về ánh sang của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước” (Is 66,1-3).
Đây là một lời mời hướng tới Giáo Hội, Cộng đoàn của Chúa Kitô, nhưng cũng hướng tới từng người trong chúng ta, mời gọi chúng ta ý thức sống động hơn về sứ mệnh và trách nhiệm của chúng ta đối với thế giới trong việc làm chứng và đem ánh sáng mới của Tin Mừng đến cho thế giới. Trong số mở đầu Hiến chế về Giáo Hội Lumen Gentium chúng ta thấy viết: ”Ánh sáng muôn dân là chính Chúa Kitô, nên Thánh Công Đồng đang nhóm họp trong Chúa Thánh Thần hết lòng mong ước soi dẫn mọi người bằng ánh sáng của Chúa phản chiếu trên dung nhan Giáo Hội bằng việc rao truyền Phúc âm cho mọi tạo vật” (LG, 1). Tin Mừng là ánh sáng không được dấu đi, nhưng để trên giá. Giáo Hội không phải là ánh sáng, nhưng nhận ánh sáng của Chúa Kitô, tiếp nhận nó để được soi chiếu, và phổ biến ánh sáng đó ra với tất cả sự rạng ngời của nó. Và đây là điều cũng phải xảy ra trong cuộc sống cá nhân...
Giáng Sinh là dừng lại để chiêm ngưỡng Trẻ Thơ đó, Mầu nhiệm của Thiên Chúa làm người trong khiêm hạ và nghèo khó, nhưng nhất là tiếp đón trở lại trong chúng ta Trẻ Thơ ấy là Chúa Kitô, để sống chính sự sống của Người, và làm thế nào để cho các tâm tình, các tư tưởmg và hành động của Người trở thành các tâm tình, các tư tưởng và hành động của chúng ta. Như thế, mừng Giáng Sinh là biểu lộ niềm vui, sự mới mẻ, ánh sáng mà biến cố Giáng Sinh này đã đem lại trong toàn cuộc sống chúng ta, để chúng ta cũng là những người đem niềm vui, sự mới mẻ đích thật, và ánh sáng của Thiên Chúa đến cho người khác.
Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau và chúc tất cả năm mới nhiều tươi vui và ân sủng của Chúa. Sau cùng người cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
Linh Tiến Khải