ĐHY Joachim Meisner kêu gọi các linh mục trở lại tòa giải tội
ROMA. ĐHY Joachim Meisner, TGM giáo phận Koeln bên Đức, kêu gọi các linh mục trở lại tòa giải tội: tái khám phá, thực hành bí tích giải tội và sẵn sàng trao ban bí tích này cho các tín hữu. Đây là một phương pháp thiết yếu để vượt thắng cuộc khủng hoảng trong Giáo Hội hiện nay.
ĐHY Meisner đưa ra lời kêu gọi trên đây trong bài thuyết trình sáng hôm 9-6-2010, tại Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành về đề tài “Hoán cải và Sứ vụ”, mở đầu 3 ngày Hội ngộ quốc tế các linh mục, nhân dịp kết thúc Năm Linh Mục. ĐHY nói bằng tiếng Đức và được dịch đồng thời ra các sinh ngữ khác, trước sự hiện diện của hàng ngàn linh mục ngồi chật thánh đường. Hàng ngàn linh mục khác theo dõi qua Video tại Đền thờ Thánh Gioan Laterano. Dưới đây là một số đoạn trong bài thuyết trình của ĐHY, phản ánh tình trạng sa xút của Giáo Hội tại các nước Âu Mỹ, trong đó có phần trách nhiệm của các linh mục. Ngài nói:
1. Chúng ta phải tái trở thành một “Giáo Hội đồng hành với con người”, như vị tiền nhiệm của tôi, ĐHY Joseph Hoeffner, cố TGM giáo phận Koeln thường nói. Nhưng điều này không thể xảy ra theo một lệnh truyền. Chúa Thánh Linh phải thúc đẩy chúng ta tiến đến điều ấy. Một trong những mất mát bi thảm nhất mà Giáo Hội chúng ta phải chịu, trong hậu bán thế kỷ 20, chính là sự đánh mất Thánh Linh trong bí tích hòa giải. Đối với các linh mục chúng ta, điều này tạo nên một sự mất mát kinh khủng trong nội tâm. Khi các giáo dân Công Giáo hỏi tôi: chúng con phải làm gì để giúp các linh mục? tôi luôn trả lời: “Anh chị em hãy đi xưng tội với các linh mục”. Nơi nào các linh mục không còn giải tội nữa, thì họ trở thành một nhân viên xã hội tôn giáo. Thực vậy linh mục ấy thiếu kinh nghiệm về sự thành công lớn nhất về mục vụ, nghĩa là linh mục có thể cộng tác để một tội nhân, nhờ sự giúp đỡ của linh mục, có thể rời tòa giải tội như một người được tái thánh hóa. Trong tòa giải tội, linh mục có thể nhìn vào tâm hồn của nhiều người và từ đó linh mục nhận được những động lực thúc đẩy, những khích lệ và soi sáng cho chính việc theo Chúa Kitô của mình”.
Gương thánh Phaolô
“Nơi cửa thành Damasco, một người nhỏ bé bị bệnh, là thánh Phaolô, đã bị ngã ngựa và mù. Trong thư thứ hai gửi tín hữu thành Corinto, chính ngài nói với chúng ta cảm tưởng mà những đối thủ có về bản thân ngài: đó là một người gầy gò và yếu về thuật hùng biện (2 Cr 10,10). Nhưng những năm sau đó, nhờ con người bé nhỏ đau ốm ấy, Tin Mừng đã được rao giảng cho các thành thị vùng Tiểu Á và Âu Châu. Những kỳ công của Thiên Chúa không bao giờ xảy ra dưới những đèn chiếu của lịch sử thế giới, nhưng luôn xảy ra ở nơi riêng; như đã xảy ra tại cửa thành Damasco, cũng như trong bí mật của tòa giải tội. Đây phải là điều an ủi khích lệ chúng ta rất nhiều, chúng ta là những người có trách nhiệm lớn, nhưng đồng thời chúng ta ý thức những khả năng giới hạn của mình. Một trong những chiến lược của Thiên Chúa là nhờ những điều bé nhỏ, để đạt tới những hậu quả có chiều kích to lớn. Thánh Phaolô bị thất bại, nơi cửa thành Damasco, đã trở thành người chinh phục các thành thị miền Tiểu Á và Âu Châu. Sứ vụ của ngài là tập hợp những người được kêu gọi trong Giáo Hội, bên trong “Ecclesia”, Hội Thánh của Thiên Chúa. Dù rằng nhìn từ bên ngoài, Hội Thánh này chỉ là một thiểu số bé nhỏ bị áp bức, bị thách thức từ bên trong, và Phaolô đã ví Hội Thánh với thân mình của Chúa Kitô, đúng hơn, ngài đồng hóa Hội Thánh với thân mình của Kitô, và đó chính là Giáo Hội. Khả thể đón nhận từ tay Chúa, trong kinh nghiệm phàm nhân của chúng ta, có nghĩa là “hoán cải”. Giáo Hội là Hội Thánh (Ecclesia) luôn luôn cần được cải tổ, và trong đó, linh mục cũng như Giám mục luôn luôn cần được cải tiến, và như thánh Phaolô ở Damasco, phải luôn luôn tái ngã ngựa, để ngã vào vòng tay từ bi của Chúa, Đấng sau đó sai chúng ta vào thế giới.
Cần thay đổi con tim thay vì cơ cấu
“Vì thế, trong công việc mục vụ của chúng ta, nếu chỉ sửa chữa các cơ cấu của Giáo Hội thì không đủ để làm cho Giáo Hội có sức thu hút hơn. Thực là không đủ. Điều cần thiết ở đây là một sự thay đổi tâm hồn, thay đổi con tim của tôi. Chỉ có một Phaolô hoán cải mới có thể thay đổi thế giới, chứ không phải một kỹ sư về những cơ cấu của Giáo Hội. Linh mục, qua sự kiện được đưa vào trong lối sống của Chúa Giêsu, được chính Chúa ngự trị trong mình, thì người khác mới có thể nhận thấy Chúa Giêsu nơi linh mục. Trong Tin Mừng Gioan đoạn 14 câu 23, chúng ta đọc thấy rằng: “Nếu ai yêu mến Thầy thì sẽ tuân giữ Lời Thầy và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy và chúng ta sẽ đến ở nơi người ấy”. Đây không phải chỉ là một hình ảnh đẹp! Nếu con tim linh mục yêu mến Chúa và sống trong ơn thánh, thì Thiên Chúa duy nhất và ba ngôi sẽ đích thân đến ngự trong tâm hồn linh mục ấy. Dĩ nhiên, Thiên Chúa hiện diện ở khắp nơi. Toàn thế giới như một căn nhà lớn của Thiên Chúa, nhưng con tim của linh mục như một nhà tạm trong thánh đường. Nơi đó, Thiên Chúa cư ngụ một cách đặc biệt huyền nhiệm.
Ý thức tội lỗi
“Chướng ngại lớn cản trở không để Chúa Kitô được người khác nhận thấy qua chúng ta, chính là tội lỗi. Tội lỗi cản trở sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống chúng ta, và vì thế, không có gì cần thiết hơn là sự hoán cải, và cần hoán cải để thi hành sứ vụ. Nói một cách tổng hợp, đây chính là bí tích thống hối. Một linh mục không siêng năng ngồi tòa giải tội và lãnh nhận bí tích này thì bị thiệt hại trường kỳ trong linh hồn và trong sứ vụ. Ở đây chúng ta nhận thấy ngay một trong những nguyên ngôn chính của cuộc khủng hoảng đa diện mà chức linh mục gặp phải trong 50 năm gần đây. Ơn thánh rất đặc biệt của chức linh mục chính là điều này: linh mục cảm thấy “thoải mái” cả khi ban phép giải tội lẫn khi lãnh nhận bí tích này: như một hối nhân và như một thừa tác viên tha thứ. Khi linh mục xa lìa tòa giải tội, thì linh mục sẽ lâm vào một cuộc khủng hoảng nặng nề về căn tính. Bí tích thống hối là nơi ưu tiên để đào sâu căn tính của linh mục, linh mục được kêu gọi làm sao để chính mình và các tín hữu bám chặt vào sự trọn hảo của Chúa Kitô.
Trong lời nguyện tư tế, Chúa Giêsu nói với các môn đệ và với Cha của Ngài về căn tính này: “Con không xin Cha cất họ ra khỏi thế gian, nhưng xin Cha xin giữ họ khỏi thần dữ. Họ không thuộc về thế gian cũng như con không thuộc về trần gian. Xin Cha thánh hóa họ trong chân lý: Lời Cha là chân lý” (Ga 17,15-17). Trong bí tích thống hối, vấn đề là thực hiện chân lý nơi chúng ta. Làm sao chúng ta có thể không muốn nhìn thẳng vào chân lý?
Cần siêng năng lãnh nhận bí tích hòa giải
Tiếp tục bài thuyết trình, ĐHY Meisner, TGM Koeln, đề cập đến dụ ngôn người con trai hoang đàng trở về cùng cha và tình yêu thương bao la của Thiên Chúa, thái độ của người con cả trong dụ ngôn này, và ngài nói đến sự cần thiết của các tín hữu, nhất là các chủng sinh, và giáo sĩ cần siêng năng lãnh nhận bí tích hòa giải. ĐHY nói:
“Đối với tôi, sự trưởng thành tâm linh của một ứng sinh để lãnh nhận linh mục trở thành điều hiển nhiên qua sự kiện ứng sinh ấy có lãnh nhận thường xuyên bí tích thống hối, ít là mỗi tháng một lần hay không. Thực vậy chính trong bí tích thống hối mà cuộc gặp gỡ gới Cha từ bi với những hồng ân quí giá nhất ứng sinh ấy phải cho đi, nghĩa là sự hiến thân, sự tha thứ và trở thành ân sủng. Nhưng khi một người, vì thiếu siêng năng lãnh nhận bí tích này, trong thực tế, người ấy nói với Cha: “Xin Cha hãy giữ lại những món quà quí giá nhất của Cha! Con không cần Cha và các món quà của Cha!”, khi ấy người ấy không còn là con nữa, vì đã tự loại mình khỏi tình mẫu tử của Thiên Chúa, vì không muốn lãnh nhận các hồng ân quí giá của Chúa nữa. Và nếu một người không còn là con của Chúa Cha trên trời nữa, thì không thể trở thành linh mục, vì linh mục qua bí tích rửa tội trước tiên là con của Chúa Cha, và rồi qua sự truyền chức linh mục, họ ở với Chúa Kitô, con với Chúa Con. Chỉ như thế linh mục ấy mới có thể trở thành người anh em của con người.
Trao ban ơn tha thứ
“Tiến trình từ sự hoán cải sang sứ vụ có thể được biểu lộ trước tiên nơi sự kiện từ hối nhân tôi trở thành cha giải tội. Sự đánh mất bí tích hòa giải là căn cội của nhiều tai ương trong đời sống Giáo Hội và đời sống linh mục. Điều gọi là cuộc khủng khoảng bí tích thống hối không phải chỉ vì dân chúng không đến xưng tội nữa, nhưng vì các linh mục chúng ta không hiện diện trong tòa giải tội. Một tòa giải tội trong đó có sự hiện diện của một linh mục, trong một nhà thờ trống rỗng là biểu tượng hùng hồn nhất về sự kiên nhẫn chờ đợi của Thiên Chúa. Chúa cũng chờ đợi chúng ta như thế suốt đời. Trong 35 năm sứ vụ Giám Mục, tôi được biết những tấm gương hùng hồn của những linh mục hiện diện hằng ngày trong tòa giải tội mà không có hối nhân nào đến xưng tội: Cho đến một ngày kia, sau nhiều năm trời, có một người đến, hai người đến, và thế là tình trạng được giải tỏa. Từ lúc ấy, tòa giải tội lại đông hối nhân trở lại. Ở đây linh mục được kêu gọi bỏ qua một bên tất cả những công việc bên ngoài, kế hoạch hóa mục vụ các nhóm, để đi vào trong những nhu cầu bản thân của mỗi người. Ở đây vấn đề trước tiên không phải là nói nhưng là nghe. Một vết thương mưng mủ trên thân xác chỉ có thể được lành nếu người ta cho nó chảy ra hết. Một trái tim con người bị thương tổn chỉ có thể được lành nếu ta để cho nó được trút hết, nghĩa là đến độ có thể xổ ra hết. Và người ta chỉ có thể bộc lộc ra hết, nếu có người lắng nghe, và đây điều xảy ra trong sự kín đáo tuyệt đối của bí tích hòa giải. Đối với cha giải tội, điều quan trọng trước tiên không phải là nói, nhưng là lắng nghe. Linh mục cảm nghiệm và lãnh nhận được bao nhiêu động lực nội tâm chính trong khi ban bí tích thống hối, và điều này có ích rất nhiều cho việc theo Chúa Kitô của linh mục. Ở đây, linh mục có thể cảm thấy trong việc theo Chúa Kitô, các giáo dân thường, nam nữ, trẻ em, có thể tiến xa hơn bản thân linh mục dường nào”.
Trong phần còn lại của bài thuyết trình, ĐHY Meisner nhắc nhở rằng: “Để có thể thực sự tha thứ, chúng ta cần rất nhiều tình thương. Sự tha thứ duy nhất mà chúng ta có thể thực sự ban, chính là sự tha thứ mà chúng ta đã nhận lãnh từ Thiên Chúa. Chỉ khi nào chúng ta cảm nghiệm Chúa Cha từ bi, chúng ta mới có thể trở thành những người anh em từ bi đối với tha nhân. Người không tha thứ thì không yêu thương. Người tha thứ ít, thì yêu ít. Ai tha thứ nhiều thì yêu nhiều. Khi chúng ta rời tòa giải tội, đó là điểm khởi hành của sứ mạng chúng ta, hoặc với tư cách là hối nhân hay với tư cách là cha giải tội, khi ấy chúng ta muốn vòng tay ôm trọn mọi người, để xin lỗi họ, và điều này xảy ra nhất là sau khi chúng ta đã xưng tội. Chính tôi đã cảm nghiệm một cách cảm động như thế tình yêu của Thiên Chúa tha thứ, đến độ chỉ có thể cấp thiết xin: “Xin bạn cũng hãy đón nhận ơn tha thứ của Chúa! Bạn hãy nhận một phần của tôi, là người đã nhận được dồi dào ơn tha thứ của Chúa. Xin bạn tha cho tôi vì tôi trao tặng bạn ít như thế. Qua sự xưng tội, chúng ta trở lại vòng tình thương của Thiên Chúa và anh em, trong niềm kết hiệp với Thiên Chúa và Giáo Hội, điều mà tội lỗi đã loại trừ chúng ta trước đó. Chúng ta có thể vào phải yêu mến mọi người, nếu Thiên Chúa đã dạy chúng ta yêu thương một cách mới mẻ....
G. Trần Đức Anh OP