ĐTC Phanxicô: Quảng đại giúp mở rộng con tim
Trong bài giảng trong thánh lễ tại nhà nguyện thánh Marta hôm nay,
26/11/2018, ĐTC Phanxicô nói rằng sự quảng đại nảy sinh sự cao thượng, còn chủ
nghĩa tiêu thụ là kẻ thù của sự quảng đại.
Hồng Thủy - Vatican
Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta tự vấn
mình xem chúng ta có thể quảng đại hơn với người nghèo như thế nào, dù chỉ với
“những điều nhỏ bé”. Ngài cảnh báo rằng kẻ thù của sự quảng đại chính là chủ
nghĩa tiêu thụ, dùng nhiều tiền hơn điều mình cần. Ngược lại, sự quảng đại mở
rộng con tim và hướng chúng ta tới sự cao thượng. Nhiều lần trong Tin Mừng,
Chúa Giêsu cho thấy sự đối lập giữa kẻ giàu và người nghèo, như câu chuyện về
người phú hộ giàu có và anh Lazaro hoặc câu chuyện về người thanh niên giàu có.
Chúa Giêsu đã nói rằng: “Người giàu vào nước Thiên Chúa thật khó biết bao.”
Người ta có thể dán nhãn rằng Chúa Giêsu “cộng sản” quá, nhưng khi nói những
điều này, Người biết rằng đằng sau sự giàu có, luôn có thứ tinh thần xấu – tinh
thần thế gian. Vì thế, Người đã từng nói: “không ai có thể làm tôi hai chủ: hoặc
làm tôi Thiên Chúa, hoặc làm tôi tiền của.”
Sự quảng đại nảy sinh từ lòng tin nơi
Thiên Chúa
Bản văn Tin Mừng hôm nay (Lc 21,1-4)
cũng cho thấy sự đối lập giữa những người giàu có “đang bỏ tiền dâng cúng vào
thùng tiền” và một bà goá nghèo đang bỏ vào đó hai đồng xu. Những người giàu
này khác so với những người tối ngày yến tiệc: họ không xấu. Dường như họ là
những người tốt khi họ đến Đền Thờ và dâng cúng. Vì thế, ở đây có một sự đối
lập khác. Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta một điều khác khi nhấn mạnh rằng bà
goá đã bỏ vào thùng tiền nhiều nhất bởi bà đã “dâng tất cả những gì mình có.”
Những bà goá, trẻ mồ côi, người tị nạn, người khách lạ là những người nghèo
nhất trong đời sống của dân Israel, đến nỗi, khi muốn nói đến những người nghèo
túng nhất, người ta sẽ ám chỉ đến họ. Bà goá này đã bỏ vào điều nhỏ bé bà có
được cho cuộc sống của mình bởi bà tin tưởng vào Thiên Chúa. Bà là người nữ của
các Mối Phúc, là một người rất quảng đại: bà cho đi tất cả vì Thiên Chúa quan
trọng hơn tất cả. Sứ điệp của đoạn Tin Mừng này là một lời mời gọi sống quảng
đại.
Hãy trăn trở làm điều thiện
Chúng ta nghe thấy trên truyền hình và
báo chí mỗi ngày về hiện trạng nghèo đói trên thế giới, về những trẻ em đang
chết vì đói, đang không có đồ ăn, đang không có thuốc men, rất rất nghèo khổ.
Chúng ta cũng tự hỏi mình: “tôi có thể giải quyết vấn đề này thế nào đây?” Câu
hỏi này xuất phát từ trăn trở muốn làm việc thiện. Và khi một người có một chút
tiền, người ta tự hỏi chút tiền ít ỏi thế này có thể giúp được gì không. Có chứ,
như hai đồng tiền của bà goá nghèo vậy.
Lời mời gọi sống quảng đại
Sự quảng đại là điều chúng ta phải suy
nghĩ: làm thế nào tôi có thể quảng đại hơn, với người nghèo, với người thiếu
thốn… làm sao tôi có thể giúp người khác hơn đây? – Nhưng thưa Cha, cha biết là
chúng con đang sống những ngày cuối tháng mà. – Nhưng bạn có một ít tiền còn
lại đúng không? Hãy thử nghĩ xem: bạn có thể quảng đại với những…” Hãy suy nghĩ
về điều đó. Những điều nhỏ bé thôi: ví dụ, hãy xem trong phòng của chúng ta,
hãy xem trong tủ quần áo của mình. Tôi có bao nhiêu đôi giày? Một, hai, ba,
bốn, năm, hai mươi … mỗi người có thể nói điều đó. Một điều rất nhỏ thôi… tôi
biết có những Đức ông có 40 đôi… Nhưng nếu bạn có nhiều đôi giày, hãy cho đi
một nửa. Có bao nhiêu bộ đồ tôi không dùng hoặc tôi chỉ dùng một lần trong năm?
Đó chính là cách để sống quảng đại, cách để cho đi những gì mình có, cách để sẻ
chia.
Căn bệnh của chủ nghĩa tiêu thụ
Cha có biết một thiếu phụ nọ luôn trích
10% số tiền người ấy đã dùng khi đi siêu thị để cho người nghèo. Bà ấy trích
10% cho người nghèo đấy.
Chúng ta có thể làm những điều kỳ diệu
với sự quảng đại. Sự quảng đại trong những điều nhỏ bé, cực kỳ nhỏ bé. Có thể
chúng ta không làm vì chúng ta không thể nghĩ về nó. Sứ điệp Tin Mừng khiến
chúng ta suy nghĩ: con có thể làm gì để sống quảng đại hơn? - Chỉ một chút
thôi, không cần nhiều… - Đúng rồi, thưa cha, đúng là thế, nhưng con không biết
tại sao con luôn sợ. – Nhưng có một thứ bệnh khác, đó là thứ bệnh đi ngược lại
với sự quảng đại, thứ bệnh của thời đại: bệnh của chủ nghĩa tiêu thụ.
Và theo đó, người ta luôn muốn mua mọi
thứ. Khi sống ở Buenos Aires, cứ cuối tuần, luôn có một chương trình kết hợp du
lịch - mua sắm: người ta đăng ký máy bay vào tối thứ sáu và người ta đi đến một
vùng nào đó trong khoảng 10 giờ bay và trong cả ngày thứ bảy và Chúa Nhật người
ta đi mua hàng ở các siêu thị. Sau đó, họ trở về.
Đúng là đại dịch mua sắm thời hiện đại!
Tôi không nói rằng tất cả chúng ta bị căn bệnh đó, không. Nhưng một khi tiêu
dùng nhiều hơn những gì chúng ta cần, chủ nghĩa tiêu thụ đánh mất đi tính giản
dị của cuộc sống: đây là kẻ thù của sự quảng đại. Và sự quảng đại về vật chất –
hãy nghĩ về những người nghèo, tôi có thể làm điều này để họ có cái để ăn, họ
có cái để mặc. Khi làm như thế, bạn có một điều khác: con tim mở rộng và hướng
bạn đến những điều cao thượng.
Sự quảng đại hướng đến sự cao thượng
Vì thế, vấn đề là có một con tim cao thượng có thể đón nhận mọi người.
“Những người giàu dâng cúng tiền là những người tốt, người goá phụ già cả kia
là một thánh nhân. Hãy đi theo con đường của sự quảng đại, khởi đi từ việc quan
sát, kiểm kê trong nhà mình. Từ đó, vì một cuộc sống giản dị hơn, hãy nghĩ xem
điều gì mình cần dùng, điều gì có thể giúp người khác. Chúng ta cũng cần nài
xin Thiên Chúa giải phóng chúng ta khỏi điều xấu xa nguy hiểm là chủ nghĩa tiêu
thụ. Chủ nghĩa ấy biến chúng ta thành những nô lệ, thành kẻ nghiện mua sắm. Đó
chính là một bệnh tâm thần. Chúng ta hãy nài xin ân sủng của Thiên Chúa cho
chúng ta lòng quảng đại để mở rộng con tim mình và hướng mình tới những điều
cao thượng.
Nguồn: vaticannews.va