Đức Thánh Cha chủ sự lễ Hiển Linh
Lúc 10 giờ sáng thứ Năm 06/01, lễ Hiển Linh, Đức Thánh
Cha chủ sự Thánh lễ tại đền thờ thánh Phêrô. Ngài mời gọi mỗi người noi gương
ba vị đạo sĩ thực hiện cuộc hành trình hướng về Chúa Giêsu. Và để thực hiện
được điều này cần phải bắt đầu lại mỗi ngày, biết đặt câu hỏi, cần một đức tin
can đảm, đi con đường mới, và tôn thờ Chúa Giêsu Thánh Thể để được Chúa biến
đổi.
Bài giảng của Đức Thánh Cha:
Chúng ta được mời gọi hành hương hướng về Chúa Giêsu
Các đạo sĩ đi đến Bêlem. Cuộc hành hương của họ cũng
nói với chúng ta rằng: chúng ta được mời gọi thực hiện một cuộc hành trình
hướng về Chúa Giêsu, vì Người là Sao Bắc Đẩu soi sáng bầu trời cuộc đời và
hướng dẫn chúng ta bước tới niềm vui đích thực. Nhưng cuộc hành hương của các
đạo sĩ đến gặp Chúa Giêsu bắt đầu từ đâu? Điều gì đã thúc đẩy những người
phương Đông này thực hiện cuộc hành trình?
Họ có lý do tuyệt vời để không ra đi. Họ là những nhà
thông thái và nhà thiên văn, nổi tiếng và giàu có. Một khi đã đạt được sự an
toàn về văn hoá, xã hội và kinh tế như vậy, họ có thể an tâm với những gì họ
biết và có. Trái lại, một câu hỏi và một dấu hiệu đã làm họ cảm thấy bồn chồn:
“Vua người Do Thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao
của Người ở Đông phương… ” (Mt 2, 2). Họ không cho phép tâm hồn rút lui vào
hang động của sự vô cảm, và thờ ơ; họ khát khao được nhìn thấy ánh sáng. Họ
không để cho sự mệt mỏi làm cho họ trở nên lười biếng, nhưng được khơi dậy bởi
khao khát về những chân trời mới. Đôi mắt của họ không hướng xuống đất, nhưng
là cửa sổ mở ra hướng về trời cao. Như Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI đã
nói, các đạo sĩ là “những người có trái tim không ở yên. […] Những người sống
trong sự chờ mong, những người không hài lòng với thu nhập được bảo đảm và với
vị trí xã hội của họ […]. Họ là những người tìm kiếm Chúa” (Bài giảng
ngày 06/01/2013).
Ước muốn thôi thúc các đạo sĩ ra đi
Sự nôn nao lành mạnh này thúc giục họ ra đi, điều này
đến từ đâu? Từ ước muốn. Đây là bí quyết nội tâm của họ: khả năng
ước muốn. Chúng ta hãy suy ngẫm về điều này. Ước muốn có nghĩa là giữ cho ngọn
lửa luôn bùng cháy trong chúng ta và thúc đẩy chúng ta nhìn xa hơn những gì
thấy trước mắt và có thể nhìn thấy được. Nó có nghĩa là đón nhận cuộc sống như
một mầu nhiệm vượt trên chúng ta, như một khe hở luôn mở mời chúng ta nhìn xa
hơn, bởi vì cuộc sống không phải là “tất cả ở đây”, nó còn ở “nơi khác”. Nó
giống như một bức vẽ trống cần được tô màu. Chính họa sĩ vĩ đại, Van Gogh, đã
viết rằng Chúa đã thúc đẩy ông ra ngoài vào ban đêm để vẽ các vì sao. Vì đó là
cách mà Thiên Chúa đã tạo ra chúng ta: tràn đầy ước muốn; được hướng dẫn, giống
như các đạo sĩ, hướng tới các vì sao. Chúng ta là những gì chúng ta ước muốn.
Bởi vì chính những ước muốn mở rộng tầm nhìn của chúng ta và thúc đẩy cuộc sống
đi xa hơn: vượt ra khỏi rào cản của thói quen, vượt ra khỏi chủ nghĩa tiêu dùng
tầm thường, vượt ra khỏi đức tin buồn tẻ và u ám, vượt ra ngoài sự lo ngại khi
tham gia phục vụ người khác và công ích. Thánh Augustinô đã nói “Cuộc sống của
chúng ta là một cuộc thao luyện của ước muốn” (Bài giảng về Thư thứ nhất của
thánh Gioan 5, 6).
Hành trình đức tin đòi hỏi một ước muốn sâu xa
Như đối với các đạo sĩ, chúng ta cũng vậy: hành trình
cuộc sống và hành trình đức tin đòi hỏi một ước muốn sâu xa, một lòng nhiệt
thành bên trong. Là Giáo hội, chúng ta cần điều này. Chúng ta hãy tự hỏi: chúng
ta đang ở đâu trên hành trình đức tin? Có phải chúng ta đã bị mắc
kẹt quá lâu, nép mình trong một tôn giáo bình thường, bên ngoài và hình thức
không còn sưởi ấm trái tim và không thay đổi cuộc sống chúng ta? Lời nói và
phụng vụ của chúng ta có khơi dậy trong lòng mọi người ước muốn hướng về Thiên
Chúa hay là những “lời chết”, chỉ nói về chính mình? Thật đáng buồn khi một
cộng đoàn tín hữu không còn ước muốn nữa, và bằng lòng với sự “duy trì” hơn là
để cho Chúa Giêsu và niềm vui vỡ oà và làm đảo lộn của Tin Mừng làm cho giật
mình.
Khủng hoảng đức tin, trong cuộc sống và xã hội của
chúng ta, cũng liên quan đến sự biến mất lòng khao khát Thiên Chúa. Nó liên
quan đến loại tinh thần uể oải, đến thói quen bằng lòng với cuộc sống hàng
ngày, không bao giờ hỏi Chúa muốn gì ở chúng ta. Chúng ta xem qua bản đồ của
trái đất, nhưng quên nhìn lên Thiên đàng. Chúng ta có đầy đủ mọi thứ, nhưng
không khao khát những gì chúng ta đang thiếu. Chúng ta đã gắn chặt với nhu cầu,
với những gì chúng ta sẽ ăn và những gì chúng ta sẽ mặc (Mt 6,25), và để cho sự
khao khát những gì trổi vượt bị tan biến. Và chúng ta thấy mình đang sống trong
cộng đoàn có mọi thứ nhưng thường không cảm thấy gì ngoài sự trống rỗng trong
tâm hồn. Bởi vì thiếu ước muốn nên dẫn đến buồn bã và thờ ơ.
Hãy đi đến “trường học ước muốn” của các đạo sĩ
Trước hết, chúng ta hãy nhìn vào chính mình và tự
hỏi: Hành trình đức tin của tôi hiện nay như thế nào? Đức tin, nếu
muốn lớn lên, cần phải được khơi dậy bởi ước muốn, tham gia vào cuộc phiêu lưu
của một tương quan sống động với Chúa. Nhưng tâm hồn tôi còn cháy lửa khao khát
Chúa không? Hay tôi để thói quen và sự thất vọng dập tắt nó? Hôm nay là ngày
chúng ta cần đưa ra những câu hỏi này. Hôm nay là ngày chúng ta để cho những
câu hỏi này chất vấn chúng ta. Hôm nay là ngày để quay lại nuôi dưỡng ước muốn.
Chúng ta làm thế nào? Chúng ta hãy đi đến “trường học ước muốn” của các đạo sĩ.
Chúng ta cùng nhìn xem các bước mà họ đã hoàn thành và từ đó rút ra một số bài
học.
Các đạo sĩ dạy phải luôn bắt đầu lại mỗi ngày
Trước hết, họ lên đường khi ngôi sao
mọc lên. Các đạo sĩ dạy chúng ta rằng chúng ta phải luôn bắt đầu lại mỗi ngày,
trong cuộc sống cũng như đức tin, bởi vì đức tin không phải là một chiếc áo giáp
bao bọc chúng ta, nhưng là một cuộc hành trình lôi cuốn, một chuyển động không
ngừng, luôn tìm kiếm Chúa.
Các đạo sĩ dạy phải biết đặt câu hỏi
Sau đó, ở Giêrusalem các đạo sĩ đặt câu hỏi:
họ hỏi Hài Nhi ở đâu. Họ dạy chúng ta rằng chúng ta cần phải đặt câu hỏi. Chúng
ta cần lắng nghe cẩn thận những câu hỏi của trái tim, của lương tâm chúng ta,
vì đây là cách Chúa thường nói với chúng ta. Người đến với chúng ta bằng những
câu hỏi hơn là bằng câu trả lời. Nhưng chúng ta cũng hãy để cho mình được quấy
rầy bởi những câu hỏi của trẻ em, bởi những nghi ngờ, hy vọng và ước muốn của
con người thời đại chúng ta.
Các đạo sĩ dạy phải có một đức tin can đảm
Sau đó, các đạo sĩ thách thức Hêrôđê.
Họ dạy chúng ta rằng chúng ta cần một đức tin can đảm, ngôn sứ, không ngại
thách thức theo lý luận đen tối của quyền lực và trở thành hạt giống của công
lý và tình huynh đệ trong một xã hội, nơi ngày nay vẫn còn nhiều Hêrôđê gieo
rắc cái chết và tàn sát người nghèo và người vô tội, trước sự thờ ơ của nhiều
người.
Các đạo sĩ dạy phải đi con đường mới
Cuối cùng, các đạo sĩ trở về “bằng
con đường khác” (Mt 2,12): họ thách đố chúng ta đi những con đường mới. Đó là
sự sáng tạo của Thần Khí, Đấng luôn làm những điều mới mẻ. Đó cũng là một trong
những nhiệm vụ của Thượng Hội Đồng: cùng nhau bước đi trong lắng nghe, để Thánh
Thần gợi ý những phương cách mới, những con đường đưa Tin Mừng đến với trái tim
của những người thờ ơ, xa cách, của những người đã mất hy vọng nhưng đang tìm
kiếm điều mà các đạo sĩ đã tìm thấy, “một niềm vui rất lớn” (Mt 2,10).
Hành trình đức tin được biến đổi khi có Chúa
Vào cuối hành trình của các đạo sĩ là thời điểm mấu
chốt: khi đến đích, “họ quỳ gối xuống bái lạy Hài Nhi” (câu 11). Họ thờ lạy.
Chúng ta hãy nhớ điều này: hành trình đức tin chỉ tìm thấy động lực và sự hoàn
thành khi có sự hiện diện của Chúa. Chỉ khi chúng ta lấy lại được sự nếm cảm
thờ phượng, thì ước muốn mới được canh tân. Bởi vì ước muốn Thiên Chúa chỉ tăng
trưởng khi chúng ta đặt mình trong sự hiện diện của Chúa. Vì chỉ có Chúa Giêsu
chữa lành những ước muốn chúng ta. Từ điều gì? Từ sự độc tài của nhu
cầu. Thật vậy, trái tim trở nên ốm yếu khi ước muốn chỉ đi với nhu cầu. Trái
lại, Chúa nâng cao những ước muốn; thanh tẩy, chữa lành, chữa lành ước muốn
khỏi ích kỷ và mở ra cho chúng ta tình yêu đối với Người và đối với anh chị em
của chúng ta. Vì thế, chúng ta đừng quên thờ lạy Người.
Ở đó, giống như các đạo sĩ, chúng ta sẽ có niềm tin
rằng ngay cả trong những đêm đen tối nhất cũng có một ngôi sao tiếp tục tỏa
sáng. Đó là ngôi sao của Chúa Giêsu, Đấng đến để chăm sóc nhân loại yếu đuối
của chúng ta. Hãy bắt đầu tiến về phía Người, đừng để cho sự thờ ơ và cam chịu
quyền lực làm chúng ta mắc kẹt trong nỗi buồn của cuộc sống phẳng lặng. Thế
giới mong đợi từ các tín hữu một động lực mới hướng về Thiên đàng. Như các đạo
sĩ, chúng ta ngẩng cao đầu, chúng ta lắng nghe ước muốn của trái tim, chúng ta
nhìn theo ngôi sao mà Chúa làm cho tỏa sáng trên chúng ta. Là những người tìm
kiếm không ngừng nghỉ, chúng ta luôn sẵn sàng đón nhận những điều ngạc nhiên của
Chúa. Chúng ta mơ ước, chúng ta tìm kiếm, chúng ta tôn thờ.
Ngọc Yến - Vatican News
Trích
nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2022-01/duc-thanh-cha-chu-su-le-hien-linh.html