ĐTC dâng lễ Mẹ Thiên Chúa tại đền thờ thánh Phêrô
Sáng Thứ Bảy 1/1, đầu năm 2022, Đức Thánh Cha đã cử
hành thánh lễ trọng thể Đức Mẹ Maria Mẹ Thiên Chúa tại đền thờ thánh Phêrô cùng
với đông đảo các tín hữu. Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến
hành động của Đức Mẹ trước những biến cố bất ngờ xảy đến, đó là: ghi nhớ và suy
đi nghĩ lại trong lòng. Đây là dấu hiệu của một đức tin trưởng thành.
Bài giảng của Đức Thánh Cha
Những người chăn chiên gặp thấy “Đức Maria,
thánh Giuse và Hài nhi nằm trong máng cỏ” (Lc 2,16). Máng cỏ là một dấu hiệu
vui mừng cho những người chăn chiên: nó xác nhận những gì họ đã nghe được từ
thiên thần (xem c.12), đó là nơi họ tìm thấy Đấng Cứu Thế. Và đó cũng là bằng
chứng rằng Thiên Chúa đang ở bên cạnh họ: Ngài sinh ra trong máng cỏ, một vật
dụng mà họ biết rõ, như vậy chứng tỏ rằng Ngài gần gũi và thân thuộc. Nhưng
máng cỏ cũng là một dấu hiệu vui mừng cho chúng ta: Chúa Giêsu chạm đến trái
tim chúng ta bằng cách sinh ra nhỏ bé và nghèo khó, Người gợi nên nơi chúng ta
tình yêu vượt trên sợ hãi. Máng cỏ tiên báo cho chúng ta rằng Người trở nên
lương thực cho chúng ta. Và sự nghèo khó của Người là một tin mừng cho tất cả
mọi người, đặc biệt là cho những người bên lề, cho những người bị loại trừ, cho
những người chẳng được thế giới biết đến. Chúa đến đó, Người không có con đường
ưu tiên, thậm chí không có một cái nôi! Đây là vẻ đẹp khi nhìn thấy Người nằm
trong máng cỏ.
Nhưng đối với Đức Maria, Mẹ Thánh của Thiên
Chúa thì không như vậy. Mẹ đã phải chịu “một cú sốc của máng cỏ”. Mẹ, trước cả
các mục đồng, cũng đã nhận được lời loan báo của thiên thần với những lời loan
báo rất long trọng về ngai vàng vua Đa-vít: “Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con
trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối
Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên
Người.” (Lc 1,31-32). Và bây giờ Mẹ phải đặt con vào một máng đựng thức ăn cho
súc vật. Làm sao có thể dung hoà giữa ngai vua và máng cỏ tội nghiệp? Làm thế
nào để dung hòa giữa vinh quang của Đấng Tối Cao và sự khốn khổ của chuồng vật?
Chúng ta hãy nghĩ đến nỗi khổ của Mẹ Thiên Chúa, còn gì khổ hơn đối với một
người mẹ khi nhìn thấy con mình phải chịu khốn khó? Hãy để mình cảm nhận nỗi
khốn khổ này. Người ta cũng không thể trách móc Mẹ Maria nếu Mẹ phàn nàn về tất
cả sự hoang tàn không mong đợi đó. Nhưng Mẹ đã không để mất tinh thần. Mẹ không
buông xả, nhưng im lặng. Mẹ chọn một lối khác ngược với phàn nàn: “Còn bà
Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc
2,19).
Đó là cách hành động khác với cách thức của
các mục đồng và dân chúng. Họ kể cho mọi người nghe những gì họ đã thấy: thiên
thần hiện ra lúc nửa đêm, những lời loan báo về Hài Nhi. Và dân chúng, khi nghe
những điều này, thì hết sức kinh ngạc (xem c. 18): lời nói và kinh ngạc. Ngược
lại, Mẹ Maria vẫn trầm tư. Mẹ ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng. Đó là hai
thái độ khác nhau mà chúng ta cũng có thể nhìn thấy nơi chúng ta. Câu chuyện và
sự kinh ngạc của những người chăn chiên nhắc nhớ tình trạng những bước khởi đầu
của đức tin. Ở đó, mọi thứ thật dễ dàng và đơn giản, chúng ta vui mừng bởi sự
mới mẻ của Thiên Chúa đi vào cuộc đời chúng ta, mang lại một bầu khí kỳ diệu
cho mọi khía cạnh cuộc sống chúng ta. Trong khi thái độ suy gẫm của Mẹ Maria là
biểu hiện của một đức tin trưởng thành, chín chắn, không phải của người mới
khởi đầu; của một đức tin không chỉ mới được sinh ra, nhưng của một đức
tin sinh hoa trái. Bởi vì sự phong nhiêu thiêng liêng cần phải trải
qua thử thách. Từ sự yên tĩnh của Nazareth và những lời hứa vẻ vang nhận được
từ thiên thần – từ bước khởi đầu – Mẹ Maria giờ đây đang ở trong chuồng vật tăm
tối của Bêlem. Nhưng đó là nơi Chúa ban cho thế giới. Và trong khi những người
khác, đứng trước cú sốc của máng cỏ thì bị thất vọng, còn Mẹ thì không: Mẹ ghi
nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng.
Chúng ta học nơi Mẹ Thiên Chúa thái độ này:
ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng. Bởi vì chúng ta cũng có lúc phải đối
diện với “cú sốc của máng cỏ”. Chúng ta hy vọng mọi thứ sẽ diễn ra tốt đẹp,
nhưng rồi một vấn đề không mong đợi đến, như thể tiếng sét ầm vang phát ra từ
một bầu trời quang đãng. Và một cú va chạm đau đớn diễn ra giữa kỳ vọng và thực
tế. Điều này cũng xảy ra với đức tin, khi niềm vui của Tin Mừng bị đặt vào thử
thách bởi những hoàn cảnh khó khăn mà chúng ta gặp trên hành trình. Nhưng hôm
nay Mẹ Thiên Chúa dạy chúng ta rút ra ích lợi từ tác động này. Nó cho chúng ta
thấy rằng thử thách là cần thiết, rằng đó là con đường hẹp để đi đến đích,
không có thập giá thì không có sự sống lại, như thể sự đau đớn khi sinh con để
mang lại sự sống cho một đức tin trưởng thành hơn.
Anh chị em thân mến, làm thế nào để thực hiện
bước này, làm thế nào để vượt qua sự xung đột giữa lý tưởng và thực tế? Hãy làm
giống như Mẹ Maria: ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng. Trước hết, Đức Maria
ghi nhớ, gìn giữ, nghĩa là không từ chối. Mẹ không từ chối những gì xảy ra. Hãy
ghi nhớ, gìn giữ tất cả trong lòng mình, tất cả những gì bạn đã thấy và nghe;
những điều tốt đẹp, như những gì thiên thần đã nói với Mẹ và những gì các người
chăn chiên thuật lại; nhưng cả những điều khó chấp nhận: sự nguy hiểm của việc
mang thai trước khi thành hôn và giờ là sự chật hẹp hoang tàn của chuồng vật.
Đây là những gì Mẹ Maria đã làm: Mẹ không chọn lựa, nhưng ghi nhớ, đón nhận
thực tế như nó là, không cố gắng giả vờ, hoá trang cho cuộc sống.
Và sau đó là thái độ thứ hai, như mẹ Maria đã
làm: suy gẫm. Động từ mà Tin Mừng sử dụng gợi lên sự đan xen các sự việc: Đức
Maria đối diện với kinh nghiệm khác nhau, và tìm ra những sợi chỉ tiềm ẩn kết
nối chúng lại. Trong lòng, trong cầu nguyện, Mẹ đã hoàn thành hành động phi
thường này: kết nối những điều đẹp lẫn điều xấu; không để chúng tách biệt,
nhưng hợp nhất chúng lại. Và đây là lý do Đức Maria là Mẹ của tính công giáo.
Chúng ta có thể nói, đôi chút miễn cưỡng rằng, Mẹ Maria là người công giáo, bởi
vì Mẹ liên kết, không chia rẽ. Vì vậy, Mẹ hiểu được đầy đủ ý nghĩa, viễn cảnh
của Thiên Chúa. Mẹ đã hiểu trong lòng rằng vinh quang của Đấng Tối Cao biểu lộ ngang
qua sự khiêm hạ; Mẹ đón nhận chương trình cứu độ, mà để mang lại, Thiên Chúa
phải đặt mình trong máng cỏ. Mẹ nhìn thấy Hài Nhi thánh mỏng giòn và yếu đuối,
và đón nhận sự đan xen kỳ diệu của Thiên Chúa giữa sự vĩ đại và sự nhỏ bé.
Ánh nhìn bao gồm này, vượt qua những đối
kháng, bằng cách ghi nhớ và suy gẫm, là ánh mắt của những bà mẹ. Đó là cái nhìn
của nhiều bà mẹ trước những tình huống của con cái mình. Đó là một cái nhìn cụ
thể, không cho phép mình nản lòng, không bị tê liệt khi đối diện với các vấn đề,
nhưng đặt chúng vào một chân trời rộng lớn hơn. Mẹ Maria đã làm như thế, đến
tận đồi Calvê. Tôi nghĩ đến khuôn mặt của những bà mẹ chăm sóc đứa con bệnh tật
hay khó khăn. Bao nhiêu tình yêu trong mắt họ, mà trong khi khóc họ biết tìm ra
lý do để hy vọng! Cái nhìn của họ là cái nhìn ý thức, không ảo tưởng, nhưng
vượt lên trên những đau khổ và vấn đề, mang lại một góc nhìn rộng lớn hơn, đó
là sự quan tâm, của tình yêu giúp tái sinh hy vọng. Đây là những gì các bà mẹ
làm: họ biết cách vượt qua những trở ngại và xung đột, họ biết cách làm lan toả
hòa bình. Do đó, họ có khả năng chuyển đổi nghịch cảnh thành cơ hội tái sinh và
lớn lên. Họ làm điều đó vì họ biết cách ghi nhớ gìn giữ, họ biết cách giữ những
sợi dây sự sống lại với nhau. Cần có những người có thể dệt nên những sợi dây
hiệp thông, đối ngược lại với quá nhiều sợi kẽm gai của chia rẽ.
Năm mới bắt đầu bằng dấu chỉ của Mẹ. Cái nhìn
mẫu tử là cách để tái sinh và lớn lên. Những người mẹ, người phụ nữ nhìn thế
giới không phải để khai thác nó mà là để sống: nhìn bằng trái tim, họ cố gắng
cùng nhau giữ những ước mơ và sự cụ thể, tránh bị trôi theo chủ nghĩa thực dụng
vô vị và trừu tượng. Giáo hội là người mẹ và là một người mẹ như thế. Và trong
khi các bà mẹ trao ban sự sống và những phụ nữ bảo vệ thế giới, thì chúng ta
hãy làm tất cả để thăng tiến các bà mẹ và bảo vệ phụ nữ. Bao nhiêu bạo lực đối
với phụ nữ đang diễn ra! Đã quá đủ rồi! Làm tổn thương một người phụ nữ là xúc
phạm đến Thiên Chúa, Đấng đã mang lấy nhân tính từ một phụ nữ.
Vào đầu năm mới, chúng ta hãy đặt mình dưới sự
che chở của người phụ nữ này, Mẹ Thiên Chúa cũng là Mẹ của chúng ta. Xin Mẹ
giúp chúng ta ghi nhớ và suy gẫm về mọi sự, không sợ thử thách, với niềm vui
chắc chắn rằng Chúa là Đấng thành tín và biết cách biến các thập giá thành sự
sống lại. Hôm nay chúng ta cũng hãy cùng cầu khẩn Mẹ như Dân Chúa ở Êphêsô đã
làm, bằng cách lặp lại ba lần danh hiệu Mẹ Thiên Chúa: “Lạy Mẹ Thiên Chúa, Lạy
Mẹ Thiên Chúa, Lạy Mẹ Thiên Chúa.”
(Vatican ngày 1/1/2022)
Trích nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2022-01/dtc-dang-le-me-thien-chua-den-tho-thanh-phero.html